Xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 thông qua việc xây dựng và thực hiện hệ thống quy trình theo yêu cầu tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn nghiệp vụ, nội b
- 29/10/2024
Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Ngày 20 tháng 6 năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Trong số các quy định được sửa đổi, bổ sung, tại Điều 13, Luật quy định Ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Việc tiếp tục quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại văn bản pháp lý có giá trị nền tảng đã nhấn mạnh và thể hiện rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế và đời sống xã hội hiện nay.
Để tiếp nối thành công của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, tạo cơ sở và căn cứ để triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng trong năm 2025, ngày 27 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 7604/KH-BCT đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng trách nhiệm”.
Theo Kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2025 trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các dịp mua sắm cao điểm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2024 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2025, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.
Tai Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai bao gồm tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025; thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến; xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.
Với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng trách nhiệm”, Bộ Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia chủ động và có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.