Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, việc sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao kết với người tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến. Điều này không chỉ đúng với thời kỳ xuất hiện các hoạt động sản xuất hàng loạt từ thế kỷ 19 mà lại càng đúng trong bối cảnh phát triển kinh tế số hiện nay. Trong loại hình giao dịch này, bên cạnh những ích lợi không thể phủ nhận về sự tiện lợi và tiết kiệm nguồn lực cho nền kinh tế, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng. Đứng trước vấn đề này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) năm 2010 đã lần đầu tiên quy định về chế định kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng. Sau hơn 12 năm thực thi, kế thừa và phát huy các giá trị tích cực mà Luật BVQLNTD 2010 mang lại, Luật BVQLNTD 2023 ra đời với những điểm mới nổi bật trong kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm hoàn thiện hơn nữa chế định này trong tương lai, điển hình như sau:
1. Khái niệm hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Luật BVQLNTD 2023 đã bỏ hai khái niệm hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
2. Phương thức kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
2.1. Phương thức hành chính
Kế thừa các giá trị tích cực của Luật BVQLNTD 2010, Luật BVQLNTD 2023 về cơ bản giữ nguyên cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm theo phương thức hành chính để kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Tuy nhiên, có một số điểm được sửa đổi, bổ sung trong Luật 2023 như sau:
– Bổ sung tiêu chí xác định Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Khoản 1 Điều 19 Luật BVQLNTD 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, Luật 2010 không quy định tiêu chí để xác định tính “thiết yếu” của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục phải đăng ký, dẫn tới việc có các quan điểm khác nhau về cơ sở ban hành Danh mục này. Khắc phục vấn đề này trong Luật cũ, khoản 1 Điều 28 Luật BVQLNTD 2023 đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định phạm vi áp dụng phương thức tiền kiểm tại, cụ thể:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có số lượng lớn người tiêu dùng mua, sử dụng thường xuyên, liên tục, có tác động trực tiếp, lâu dài đến người tiêu dùng phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi sử dụng để giao kết với người tiêu dùng”.
– Bổ sung nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung:
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, từ các dịch vụ gắn liền với sinh hoạt của người dân như điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, thuê bao điện thoại, truy nhập internet, truyền hình trả tiền… đến các dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, bảo hiểm, tài chính… Vì vậy, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng không chỉ được điều chỉnh bởi Luật BVQLNTD và thuộc thẩm quyền, chức năng quản lý của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp mà còn được điều chỉnh trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Viễn thông, Luật Nhà ở… và liên quan đến thẩm quyền, chức năng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Xây dựng…
Theo đó, Luật BVQLNTD 2023 đã bổ sung nội dung mới về nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại khoản 4 Điều 28 như sau: “Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Điều này.”
2.2. Phương thức tư pháp
Luật BVQLNTD 2023 đã thay thế thủ tục đơn giản trong Luật BVQLNTD 2010 thành thủ tục rút gọn để tương thích với Bộ luật Tố tụng Dân sự, đồng thời quy định điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại khoản 2 và khoản 3 Điều 70 như sau:
"2. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
3. Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.”
Như vậy, các vụ án dân sự có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng thêm các điều kiện khác.
2.3. Phương thức kiểm soát thông qua các thiết chế xã hội
Luật BVQLNTD 2023 đã sửa đổi, bổ sung các quy định mới sau liên quan đến việc phương thức kiểm soát thông qua các thiết chế xã hội:
Thứ nhất, bổ sung các quy định mới về án phí đối với vụ án dân sự do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện:
– Đối với tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện cho người tiêu dùng theo ủy quyền khởi kiện: được miễn nộp tiền tạm ứng án phí (khoản 2 Điều 71 Luật BVQLNTD 2023);
– Đối với tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng: được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và miễn án phí (khoản 3 Điều 71 Luật BVQLNTD 2023).
Thứ hai, bổ sung cơ chế giải quyết tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện:
Điều 46 Luật BVQLNTD 2010 chỉ quy định tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án. Luật BVQLNTD 2023 đã bổ sung thêm nguyên tắc xử lý trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, cụ thể:
"Trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ" (khoản 2 Điều 73 Luật BVQLNTD 2023).
Tùy theo quy định của Chính phủ, các khoản bồi thường thiệt hại trong trường hợp này có thể sẽ là một trong các nguồn hỗ trợ hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, sửa đổi quy định về công khai thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Luật BVQLNTD 2010 quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về việc khởi kiện và chịu trách nhiệm về thông tin do mình công bố, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (khoản 1 Điều 44 Luật BVQLNTD 2010); yêu cầu cụ thể về nội dung thông báo (khoản 2 Điều 44 Luật BVQLNTD 2010) nhưng không quy định cụ thể về các hình thức công khai, thời hạn phải công khai và thời gian công khai.
Khác với Luật BVQLNTD 2010, Điều 72 Luật BVQLNTD 2023 quy định:
– Đối tượng có trách nhiệm công khai: tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, các trường hợp khác không có trách nhiệm công khai.
– Nội dung công khai: công khai thông báo thụ lý vụ án của Tòa án về việc khởi kiện, không có trách nhiệm công khai về việc khởi kiện.
– Thời hạn phải công khai: trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý.
– Hình thức công khai: niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
– Thời gian công khai: tối thiểu 15 ngày kể từ ngày niêm yết, đăng tải thông tin.
Nội dung sửa đổi trong Luật BVQLNTD 2023 thể hiện được ý nghĩa cốt lõi của việc công khai công khai thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện là để người tiêu dùng có liên quan trong các vụ án về lợi ích công cộng được biết và có thể cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ hoặc tham gia vào quá trình khởi kiện, đồng thời tránh việc các vụ án dân sự riêng lẻ có thể bị lợi dụng/ biến tướng/ vô ý gây ra các hậu quả không mong muốn trong việc cản trở hoạt động kinh doanh bình thường và/ hoặc giảm uy tín của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường.
3. Về phạm vi kiểm soát
3.1. Kiểm soát về hình thức
a) Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp điều khoản hợp đồng theo mẫu, điều khoản giao dịch chung cho người tiêu dùng
Luật BVQLNTD 2023 đã sửa đổi, bổ sung các quy định mới như sau:
– Về phạm vi điều chỉnh: nghĩa vụ công khai không chỉ áp dụng đối với điều kiện giao dịch chung (khoản 1 Điều 27 Luật BVQLNTD 2023) như trong Luật BVQLNTD 2010 mà áp dụng cả đối với hợp đồng theo mẫu (khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD 2023). Điểm mới này trong Luật BVQLNTD 2023 tương thích với quy định tại Điều 405 và 406 BLDS 2015.
– Về vị trí công khai: cả hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung đều phải niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết (khoản 3 Điều 26 và khoản 2 Điều 27 Luật BVQLNTD 2023).
– Về thời điểm công khai: hợp đồng theo mẫu phải được công khai trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết (khoản 3 Điều 26 Luật BVQLNTD 2023).
b) Yêu cầu về tính minh bạch của điều khoản mẫu
Khoản 2 Điều 14 Luật BVQLNTD 2010 quy định: “Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng là tiếng Việt, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Luật BVQLNTD 2010 chỉ quy định ngôn ngữ đối với hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (không quy định đối với điều kiện giao dịch chung), không quy định cụ thể các ngôn ngữ khác các bên được quyền thỏa thuận ngoài tiếng Việt và nguyên tắc xử lý trong trường hợp có sự khác biệt giữa các bản dùng ngôn ngữ khác nhau.
Khoản 2 Điều 23 Luật BVQLNTD 2023 quy định: “Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng”.
Như vậy, Luật BVQLNTD 2023 có các điểm mới so với Luật BVQLNTD 2010 như sau:
– Về phạm vi điều chỉnh: các quy định về ngôn ngữ trong Luật BVQLNTD 2023 được áp dụng đối với cả ba loại là hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
– Về loại ngôn ngữ được thỏa thuận thêm: Luật 2023 bổ sung cụ thể các ngôn ngữ có thể thỏa thuận sử dụng thêm là tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài.
– Về nguyên tắc xử lý trong trường hợp các bản này có sự khác biệt: Luật BVQLNTD 2023 bổ sung nguyên tắc áp dụng bản có lợi hơn cho người tiêu dùng.
c) Nguyên tắc giải thích hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Trong khi Luật BVQLNTD 2010 chỉ áp dụng nguyên tắc giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng đối với hợp đồng thì Luật BVQLNTD 2023 quy định nguyên tắc này đối với cả hợp đồng và điều kiện giao dịch chung. Cụ thể, Điều 24 Luật BVQLNTD 2023 quy định: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì việc giải thích được thực hiện theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.
3.2. Kiểm soát về nội dung
Kiểm soát về nội dung là phạm vi sửa đổi trọng tâm của Luật BVQLNTD 2023 về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với 04 điểm mới nổi bật sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về các nội dung cơ bản bắt buộc phải có trong hợp đồng theo mẫu tại khoản 3 Điều 23 Luật BVQLNTD. Đồng thời, khoản 4 Điều 23 Luật BVQLNTD 2023 quy định "ngoài các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều này, hợp đồng theo mẫu phải tuân thủ quy định của pháp luật khác có liên quan" nhằm đảm bảo tính tương thích của hệ thống pháp luật.
Thứ hai, sửa đổi cách dùng thuật ngữ từ điều khoản "không có hiệu lực" (Điều 16 Luật BVQLNTD 2010) thành điều khoản "không được phép quy định” (Điều 25 Luật BVQLNTD 2010), đồng thời quy định hành vi "quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 của Luật này trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung" là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 10 Luật BVQLNTD 2023. Bằng cách sửa đổi này, Điều 25 Luật BVQLNTD 2023 trở thành cơ sở để xác định giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo quy định tại Điều 123 BLDS 2015.
Thứ ba, hoàn thiện danh mục điều khoản không có hiệu lực tại Điều 16 để đảm bảo tính thực tiễn hơn, cụ thể: Điều 25 Luật BVQLNTD 2023 đã (i) sửa đổi một số trường hợp không có hiệu lực theo khoản 1 Điều 16 Luật BVQLNTD 2010 (ví dụ các điểm c, đ, i…) và (ii) bổ sung thêm một số trường hợp mới (tại các khoản từ 12 đến 15) để tăng tính linh hoạt, đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường.
Thứ tư, bổ sung quy định chung mang tính khái quát để định hình chuẩn mực kiểm soát tính bất công bằng của các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại khoản 15 Điều 25 Luật BVQLNTD 2023, cụ thể:
"Trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được quy định các điều khoản sau đây:…
15. Quy định trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật về dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng”./.