BVNTD

Tình hình nhập khẩu ô tô tại thị trường Việt Nam

Thị trường ô tô tại Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn bởi nhu cầu thị trường, sản xuất trong nước và các chính sách thuế, điều kiện nhập khẩu và lệ phí. Khi sản xuất ô tô trong nước chưa phát triển thì ô tô nhập khẩu với giá cả cạnh tranh, chất lượng vẫn là lựa chọn của đại đa số người dân. Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 7/2021 vẫn tăng cao.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2021, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu ước đạt 17.000 xe, với giá trị nhập khẩu là 332 triệu USD. Như vậy, trung bình mỗi xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 7/2021 có giá trị khoảng 19.500 USD (tương đương khoảng 450 triệu đồng). Tính tổng 7 tháng đầu năm 2021, lượng ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam đạt khoảng 98.000 chiếc, tổng giá trị nhập khẩu là 2,1 tỷ USD, tăng 116,9% về số lượng xe và tăng 111,4% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập về Việt Nam phần lớn từ các thị trường miễn giảm thuế, chủng loại chủ yếu là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi giá rẻ từ Indonesia, Thái Lan. Hai thị trường này chiếm đến 80% tổng lượng xe con nhập khẩu nguyên chiếc.

Giai đoạn 2007-2012:

Từ năm 2007 đến năm 2012, lượng xe nhập khẩu dao động trung bình từ 30.000 đến 50.000 chiếc mỗi năm. Riêng năm 2008 do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhập khẩu ô tô sụt giảm mạnh chỉ còn hơn 12.000 chiếc, nhưng ngay sau đó năm 2009, nhập khẩu ô tô đã gia tăng mạnh mẽ đạt trên 80.000 xe.

Năm 2007, thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm ba lần (100% – 80% – 70% – 60%), kèm theo sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã giúp cho thị trường ô tô trong nước tăng trưởng mạnh (sản lượng tăng 97%, doanh số bán tăng 114%).

 Sang năm 2008, thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu tăng trở lại mức 83% sau hai lần điều chỉnh (60% – 70% – 83%), thuế trước bạ cũng được điều chỉnh tăng, và cuối năm 2008 khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu lan rộng, thị trường chứng khoán không còn sôi động, nên nhập khẩu và doanh số bán tuy có tăng nhưng không cao như năm 2007.

Năm 2009, tình hình kinh tế thế giới và trong nước không khả quan, thuế tiêu thụ đặc biệt mới được áp dụng và lệ phí trước bạ được nâng từ 10 lên 12%. Tuy nhiên, giữa năm 2009, Chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế, giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% thuế giá trị gia tăng cho ô tô, khiến nhập khẩu và doanh số bán ô tô năm 2009 lại tăng lên.

Ba năm tiếp theo, từ 2010 – 2012, kinh tế vĩ mô vẫn chưa phục hồi, các chính sách thuế, phí và lệ phí có nhiều thay đổi khiến cả sản lượng và doanh số bán đều suy giảm. Một số chính sách đáng chú ý trong giai đoạn này là là quy định tăng khung lệ phí trước bạ từ 10-15% lên 10-20% năm 2011, đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông của Bộ GTVT đưa ra vào cuối năm 2011, quyết định áp dụng tăng lệ phí trước bạ từ 12 lên 20% từ 1/1/2012… Ngoài ra, việc Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống đã khiến hoạt động nhập khẩu ô tô chững lại do nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô không đáp ứng được các điều kiện bắt buộc của thông tư 20 về giấy ủy quyền chính hãng. Do vậy từ năm 2012 trở đi nhập khẩu ô tô đã giảm xuống.

Có thể thấy trong giai đoạn 2007-2009, xe tải và xe con 9 chỗ ngồi trở xuống có nhiều biến động, trong khi các phân khúc khác không có nhiều thay đổi. Sự tăng trưởng kinh tế trong nước từ 2006-2008 có thể là nguyên nhân xe tải được tiêu thụ nhiều để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ năm 2009 trở đi, kinh tế đi xuống, xăng, thuế và phí tăng có thể là những nguyên nhân khiến doanh số bán và nhập khẩu xe tải giảm. Đáng chú ý, năm 2009, mặc dù có chính sách kích cầu nhưng tiêu thụ xe tải vẫn giảm, chứng tỏ thị trường xe tải không bị ảnh hưởng từ gói kích thích kinh tế của chính phủ.

Từ 2007 – 2009 thị trường xe 9 chỗ ngồi trở xuống tăng trưởng mạnh, doanh số bán năm 2009 tăng gấp 1,5 lần năm 2008, 3,35 lần so với năm 2008 (từ 14.079 lên 47.106 xe), và tăng gấp 1,5 lần so với năm 2008. Trong đó, nhập khẩu ô tô con năm 2009 (47.105 chiếc) cũng tăng 1,7 lần so với năm 2008 và tăng 3,35 lần so với năm 2007 (14.079 chiếc). Điều này chứng tỏ, gói kích cầu năm 2009 có tác động lớn đến các phân khúc xe cá nhân. Từ 2009 trở đi, thị trường ô tô nói chung có xu hướng giảm thì riêng phân khúc xe 5 chỗ chỉ giảm nhẹ năm 2010 và năm 2011, và đến năm 2012 mới giảm mạnh. Nhập khẩu ố tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống 2,55 lần từ mức 34.898 chiếc năm 2011 xuống còn 13.696 chiếc, thấp hơn so với năm 2007. Biến động của thị trường từ 9 chỗ ngồi trở xuống chỗ cho thấy, thị trường ô tô nói chung nhạy cảm với những thay đổi về chính sách, nhưng chịu tác động mạnh nhất vẫn là dòng xe cá nhân, đặc biệt là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Giai đoạn 2012 đến nay:

Sau sự sụt giảm cả về sản xuất và doanh số bán ô tô năm 2012, các cơ quan hoạch định chính sách đã phối hợp với các doanh nghiệp ô tô để tìm giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển. Công nghiệp ô tô được lựa chọn là một trong sáu ngành Nhật Bản và Việt Nam hợp tác phát triển trong khuôn khổ Chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam – Nhật Bản. Chiến lược này được phê duyệt năm 2013 và Kế hoạch hành động phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô theo Chiến lược này được phê duyệt năm 2015.

Song song với nỗ lực hợp tác với Nhật Bản, Việt Nam cũng xây dựng và công bố Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035. Những động thái tích cực từ phía cơ quan hoạch định chính sách, cùng với nhu cầu sử dụng xe ô tô tăng lên, sự cắt giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN (giảm mỗi năm 10% từ 2014 đến 2017), thị trường ô tô Việt Nam từ 2012 đến nay tăng trưởng bình quân là 27,6%/năm. Trong giai đoạn này một số chính sách thuế mới cũng ra đời, thuế nhập khẩu giảm mạnh theo cam kết WTO, lộ trình cắt giảm thuế trong ASEAN được công bố (cắt giảm mỗi năm 10 điểm phần trăm cho đến năm 2017 trước khi giảm hoàn toàn về 0% từ năm 2018).

Sau khi lệ phí trước bạ chính thức giảm 50% từ ngày 28.6.2020, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tiếp tục có thể giảm giá bán do thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện để lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ chính thức giảm về mức 0% từ ngày 10.7.2020. Theo quy định tại khoản 1, Điều 7b được bổ sung của Nghị định 57/2020, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% áp dụng từ ngày 10.7 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi tắt là sản phẩm CNHT ô tô).

Cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh nhằm tạo thị trường cho các dòng xe nhỏ, và tăng thuế đối với các dòng xe dung tích xilanh lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu. Cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa xe trong nước và xe nhập khẩu. Ngoài ra, công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô cũng được đưa vào danh mục các ngành nghề ưu tiên phát triển, được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 26/3/2021). Tất cả sự điều chỉnh chính sách trong giai đoạn này đều phù hợp với các giải pháp đề xuất trong Kế hoạch hành động, và chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng nhanh của thị trường ô tô trong nước.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ