BVNTD

Phát hiện vụ việc thỏa thuận hạn chế vụ việc cạnh tranh

22/05/2024

Nguồn tin ban đầu về vụ việc thỏa thuận hạn chế canh tranh

Trong hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh, việc phát hiện ra “đầu mối” vụ việc hay tìm được những thông tin đầu tiên về vụ việc bao giờ cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đồng thời cũng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Không cónguồn tin ban đầu về vụ việc, mọi hoạt động điều tra không thể tiến hành. Mỗi dạng vi phạm pháp luật về cạnh tranh có những đặc điểm riêng về nguồn tin ban đầu. Để triển khai phát hiện có hiệu quả, đòi hỏi Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, mà trực tiếp là những điều tra viên cạnh tranh cần có những hiểu biết về các dạng thức nguồn tin ban đầu phổ biến đối với từng loại vi phạm. Nguồn tin phổ biến thực chất cũng là một dấu hiệu thuộc về đặc điểm của vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là, để xác định nguồn tin nào là phổ biến trong điều tra vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cần nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn điều tra cũng như tham khảo kinh nghiệm của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh các nước, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng với Việt Nam.

Theo Mạng lưới Cạnh tranh Quốc tế (2010)5, thì các nguồn tin ban đầu có giá trị, có tính phổ biến trong phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:

Khiếu nại của doanh nghiệp hoặc của nhân viên các doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh;

 

Thông tin từ những người làm chứng, người trong nội bộ các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận cộng tác với Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh và người tham gia chương trình khoan hồng;

Thông tin trên các phương tiện truyền thông, trên Internet và mạng xã hội;

Kết quả phân tích dữ liệu về tình hình giá cả, chi phí, thị phần, đấu thầu, giá giao dịch, sự chênh lệch, khối lượng hàng hóa…

Thông tin về hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh nước ngoài.

Biện pháp phát hiện vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Với mỗi loại nguồn tin, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần có những giải pháp để phát triển, đảm bảo nhu cầu thông tin cho công tác phát hiện vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

          Góc độ tổng quát, biện pháp phát hiện vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được chia thành: các biện pháp phát hiện thụ động và các biện pháp phát hiện chủ động.

Phát hiện thụ động vụ việc cạnh tranh là hoạt động tiếp nhận thông tin về vụ việc cạnh tranh của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài, tiến hành xử lý các thông tin đó nhằm xác định có hay không vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh, làm cơ sở cho việc tiến hành điều tra.

Phát hiện thụ động đối với vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường được thực hiện với các nguồn tin sau:

          Đơn khiếu nại: Đơn khiếu nại về vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường được phát sinh từ các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh không tham gia thỏa thuận, bị thiệt hại do thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh. Đơn khiếu nại cũng có thể được gửi đến từ đại diện người tiêu dùng, những người bị thiệt hại do hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Đối với dạng nguồn tin này, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần tiến hành các thủ tục pháp lý để tiếp nhận, xử lý theo quy định pháp luật. Nội dung cụ thể đã được nghiên cứu trong khóa đào tạo cơ bản.

Chương trình khoan dung: Theo kinh nghiệm thực thi pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia, chương trình khoan dung được đánh giá là một công cụ hiệu quả trong phát hiện, điều tra các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, ở góc độ tổ chức phát hiện vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, để phát huy tác dụng của công cụ này, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần ban hành chính sách cụ thể, hướng dẫn công khai, minh bạch và tổ chức phương thức để chủ thể tham gia có thể dễ dàng đăng ký. Nội dung này đã nghiên cứu một phần trong khóa đào tạo cơ bản7. Bạn có thể tham khảo nội dung giới thiệu về Chính sách khoan hồng của Ủy ban Châu Âu dưới đây như một gợi mở.

Các bản tin, bài báo, phóng sự trên các báo chính thống: Các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt các báo chí chuyên ngành cũng có thể có những bản tin, bài báo phân tích, các phóng sự điều tra phản ánh rõ ràng về sự tồn tại của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cụ thể. Khi phát hiện những bài báo như vậy,

Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần chủ động liên hệ với tòa soạn, đài phát thanh, truyền hình đã đăng, phát những bài báo đó để thu thập thông tin cụ thể có liên quan. Các điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần tiếp cận được trực tiếp với tác giả, người trực tiếp thực hiện bản tin, bài viết, phóng sự đó để thu thập thông tin, từ đó xác định các đầu mối để mở rộng phạm vi kiểm tra, xác minh. Nếu những nội dung đã đăng, phát có đủ cơ sở thì triển khai hoạt động điều tra với tư cách vụ việc do Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh tự phát hiện8.

Cơ quan, tổ chức khác trong nước chuyển giao: các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, các hiệp hội… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hoặc thông qua các hoạt động của mình có thể phát hiện những vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong những trường hợp này, các cơ quan, tổ chức đã thu thập được một lượng tài liệu khá đầy đủ, cho phép kết luận về sự tồn tại của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cụ thể. Chẳng hạn, qua hoạt động điều tra vụ việc, một cơ quan điều tra hình sự xác định một vụ việc “thông đồng trong đấu thầu” nhưng chưa đến mức xử lý là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Khi đó, các cơ quan nhà nước, tổ chức sẽ chuyển giao hồ sơ, tài liệu cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh. Công việc lúc này của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh là tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính có căn cứ để ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh dưới hình thức tự phát hiện.

Thông tin từ Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh nước ngoài hoặc mạng lưới cạnh tranh quốc tế phản ánh về vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã, đang điều tra hoặc xử lý có liên quan đến thị trường Việt Nam. Nguồn tin này thường có giá trị phát hiện cao vì thông tin, hồ sơ được chuyển giao là kết quả điều tra, xử lý của các Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh nước ngoài. Vấn đề đặt ra đối với Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam là kiểm tra sự tương thích giữa luật cạnh tranh Việt Nam với luật cạnh tranh được áp dụng ở quốc gia đã và đang xử lý vụ việc. Nếu vụ việc phù hợp với những quy định của luật cạnh tranh Việt Nam thì có thể quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.

Phát hiện chủ động vụ việc cạnh tranh là hoạt động tự thân của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, thông qua các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xác định và xác minh sự tồn tại của vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh, làm cơ sở để điều tra, xử lý vụ việc theo quy

định pháp luật.

Phát hiện chủ động đối với vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được thực hiện bằng những biện pháp sau:

Nghiên cứu mở rộng phạm vi điều tra các vụ việc cạnh tranh đã và đang được tiến hành. Trong một vụ việc cạnh tranh có thể có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh xảy ra, đôi khi những hành vi này có tính chất khác nhau. Vì vậy, không loại trừ, trong một vụ việc cạnh tranh đã và đang được điều tra, xử lý về vi phạm pháp luật cạnh tranh khác nhưng đồng thời có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Khi phát hiện trường hợp này, điều tra viên (hoặc nhóm điều tra viên) thụ lý vụ việc phải tập hợp các tài liệu phản ánh các tình tiết thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lập báo cáo và đề xuất phương án xử lý. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nên tách phần liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thành vụ việc độc lập để điều tra, xử lý riêng.

Khai thác hồ sơ giám sát, quản lý cạnh tranh: Theo chức năng, quyền hạn, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam thực hiện giám sát, quản lý cạnh tranh. Quá trình thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo các quy định của pháp luật, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh có thể phát hiện những vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã và đang được thực hiện. Hoặc thông qua thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cũng có thể phát hiện đầu mối về vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Khi phát hiện có dấu hiệu của vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bộ phận giám sát, quản lý cạnh tranh cần kịp thời chuyển giao cho bộ phận điều tra vụ việc cạnh tranh. Sau khi tiếp nhận, bộ phận điều tra cần phối hợp với bộ phận giám sát quản lý, phân tích từng dấu hiệu, yếu tố cấu thành, nếu thấy đảm bảo thì thực hiện các thủ tục chuyển giao hồ sơ, tài liệu để khởi sự hoạt động điều tra vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Thiết lập đường dây nóng, công cụ tiếp nhận tin trên website của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh: Theo kinh nghiệm của một số Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh nước ngoài, đường dây nóng và công cụ tiếp nhận tin trực tuyến cũng là những công cụ được sử dụng để thu thập những thông tin ban đầu phản ánh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, cần lưu ý, so với hình thức đơn khiếu nại, thì các hình thức này không mang tính chính thống. Nguồn tin qua phương thức này chưa được thừa nhận theo thủ tục tố tụng cạnh tranh Việt

Nam. Để sử dụng nguồn thông tin này, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần xác lập các thủ tục để kiểm tra, xác minh danh tính của người, tổ chức cung cấp thông tin ban đầu. Nếu thấy thông tin ban đầu có nhiều cơ sở tin tưởng thì khuyến khích, hướng dẫn người báo tin hợp tác bằng hình thức gửi đơn và hồ sơ khiếu nại hoặc tham gia chương trình khoan hồng. Nếu không thể liên hệ hoặc họ không chấp nhận hợp tác bằng những phương thức chính thống, thì cần nghiên cứu thông tin của họ để phát triển thành nguồn tin “nghiệp vụ”, làm đầu mối để khởi sự xác minh, điều tra.

Thực hiện khảo sát, phân tích kinh tế: Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nếu tồn tại, sẽ dẫn đến những biến đổi trên thị trường nhất định. Vì vậy, phương pháp phân tích kinh tế để phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được sử dụng là phân tích cấu trúc. Phân tích cấu trúc hướng đến xác định các dấu hiệu biến đổi đặc trưng của thị trường là hệ quả của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Chẳng hạn, việc hình thành nhóm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường xảy ra ở những thị trường có ít doanh nghiệp, sản phẩm có tính đồng nhất cao và cầu thị trường ổn định. Phân tích kinh tế cũng được coi là một công cụ được sử dụng để phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, để sử dụng công cụ này, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh phải thường xuyên (từ 4 -5 lần/năm) khảo sát, thu thập và tập hợp hệ thống dữ liệu các thị trường cụ thể. Xác lập được các

dấu hiệu thị trường trong trường hợp có tồn tại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Đối chiếu kết quả phân tích thị trường với xác dấu hiệu để xác lập về sự nghi vấn tồn tại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, từ đó triển khai các hoạt động “nghiệp vụ” tìm kiếm đầu mối vụ việc. Bạn có thể tham khảo thêm các thông tin các hộp ở phần sau để hiểu rõ hơn về công cụ phân tích kinh tế trong phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Các điều tra viên, cán bộ điều tra cạnh tranh trực tiếp thâm nhập, tiếp cận thị trường và thông qua các mối quan hệ riêng để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các điều tra viên, cán bộ điều tra cạnh tranh cũng có thể phát hiện đấu mối vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thông qua rà soát thông tin trên mạng, khai thác thông tin phân tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí, báo cáo phân tích của các ngành, hiệp hội.

Châu Âu

Hình phạt cho những doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh là rất nghiêm khắc. Đối với vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tiền phạt lớn nhất cho từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể hơn 896 triệu Bảng. Tiền phạt lớn nhất dành cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hơn 1,3 tỷ Bảng. Tháng 6 năm 2006, Ủy ban Châu Âu đã ban hành hướng dẫn sẳ đổi về các khoản phạt trong các vụ việc cạnh tranh. Các hướng dẫn sửa đổi sẽ tăng mức phạt cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp có khả năng được miễn hoặc giảm tiền phạt. Ủy ban đang thực thi chính sách khoan hồng, theo đó, doanh nghiệp cung cấp thông tin về một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà doanh nghiệp đó tham gia có thể được miễn toàn bộ hoặc một phần số tiền phạt.

Về chính sách khoan hồng

Trong các công cụ phát hiện và điều tra khác mà Ủy ban đang áp dụng, chính sách khoan hồng cho thấy là công cụ rất hiệu quả trong chống các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Về cơ bản, với chính sách khoan hồng, doanh nghiệp đã tham gia một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nếu tự giác báo tin và chuyển giao chứng cứ có thể được Ủy ban miễn hoặc giảm khoản tiền phạt sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp đó. Chính sách này giúp Ủy ban không chỉ khám phá của thỏa thuận đang bí mật hoạt động mà còn thu thập các bằng chứng vi phạm. Chính sách khoan hồng cũng rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa việc hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mới, phá vỡ các thỏa thuận đang tồn tại vì nó tạo ra sự bất hòa, ngờ vực giữa các thành viên tham gia thỏa thuận.

Để tham gia Chương trình này, các doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Ủy ban hoặc thông qua các chuyên gia trợ giúp pháp lý. Để đăng ký tham gia, đề nghị liên hệ với Ủy ban bằng hai cách sau:

          Công cụ khoan hồng điện tử trực tuyến: eleniency.ec.europa.eu – để biết thêm thông tin, xin mời kích vào đây.

Gửi thư điện tử tới: comp-leniency@ec.europa.eu

Các doanh nghiệp không đủ điều kiện để được miễn phạt có thể được giảm mức phạt nếu dừng việc tham gia vào thỏa thuận và cung cấp các chứng cứ “thêm giá trị đáng kể”. Chứng cứ được coi là “thêm giá trị đáng kể” là chứng cứ mà Ủy ban đã thu được nhưng được doanh nghiệp tham gia chương trình khoan hồng cung cấp thêm sẽ củng cố khả năng chứng minh cho hành vi vi vi phạm. Doanh nghiệp đầu tiên đáp ứng điều kiện nêu trên sẽ được giảm từ 30 đến 50% mức phạt. Doanh nghiệp thứ hai sẽ được giảm từ 20 đến 30% mức phạt và doanh nghiệp tiếp sau sẽ được giảm đến 20% mức phạt.

Ủy ban coi bất cứ báo cáo nào được gửi đến để tham gia chương trình khoan hồng là một phần trong hồ sơ của Ủy ban và có thể không được tiết lộ hoặc không được sử dụng cho bất cứ mục đích nào khác ngoài quá trình xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Đăng ký tham gia chương trình

Để tham gia chương trình, các doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua tư vấn pháp lý. Để đăng ký, xin mời liên hệ với Ủy ban thông qua địa chỉ thư điện tử được ghi dưới đây hoặc công cụ “Khoan hồng” điện tử trực tuyến:

comp-leniency@ec.europa.eu hoặc eleniency.ec.europa.eu

Việc sử dụng địa chỉ thư điện tử và công cụ trực tuyến nêu trên đảm bảo ghi lại chính xác thời giờ và ngày liên hệ. Thông tin này được Ủy ban đảm bảo bí mật tối đa. Trước khi gửi đăng ký chính thức, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với một trong các công chức của Ủy ban quản lý chương trình khoan hồng để được trợ giúp bằng việc theo số điện thoại sau đây:

Số điện thoại liên hệ: +32 2 298.41.90 hoặc +32 2 298.41.91

Để đảm bảo bí mật cho việc đăng ký tham gia chương trình, các doanh nghiệp không được gửi bản đăng ký đến Ủy ban bằng bất kỳ kênh nào khác ngoài địa chỉ thư điện tử và công cụ trực tuyến nêu ở trên.

Chú ý các số điện thoại liên hệ nói trên chỉ được sử dụng cho việc đăng ký chương trình khoa hồng. Đường dây liên lạc chỉ sử dụng để giải thích rõ ràng giúp các doanh nghiệp đăng ký tham gia đúng cách, các câu hỏi không liên quan đến mục đích này sẽ không được trả lời.

 

Các số điện thoại trên phục vụ từ 09:00 đến 17:00 trong các ngày trong tuần. Ngoài khoảng thời gian trên, xin liên hệ qua địa chỉ thư điện tử hoặc công cụ khoan hồng điện tử trực tuyến.

Để biết thêm thông tin về Khoan hồng điện tử, hãy kích vào đây.

Để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, kích thước mỗi thư điện tử gửi đến Chương trình không được quá 15 MB. Nếu vượt quá 15 MB, đề nghị chia thành nhiều thư.

Miễn trừ tính bảo mật

Chương trình khoan hồng yêu cầu người đăng ký tham gia cung cấp thông tin cho Ủy ban về các đơn đăng ký đã gửi hoặc muốn gửi đến các Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh khác. Mục đích của việc này là tạo điều kiện cho Ủy ban hợp tác điều tra với các Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh đó. Việc lưu giữ thông tin trao đổi trong Mạng lưới Cạnh tranh Châu Âu được điều chỉnh bởi các quy tắc cụ thể (Xem Quy định 1/2003 và Thông báo của Ủy ban về Hợp tác trong Mạng lưới các Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh). Ủy ban chỉ trao đổi thông tin đã nhận được trong Chương trình khoan hồng với Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh khác với điều kiện người đăng ký chương trình chấp thuận miễn trừ bảo mật.

Nhằm áp dụng điều khoản miễn trừ và đảm bảo sự thống nhất, Mạng lưới Cạnh tranh Quốc tế đã ban hành Mẫu miễn trừ và Chú giải (2014). Ủy ban Cạnh tranh Châu Âu hoàn toàn tuân thủ hướng dẫn này và theo đó yêu cầu người đăng ký phải điền đầy đủ mẫu miễn trừ tính bảo mật của Mạng lưới Cạnh tranh Quốc tế. Người đăng ký phải nộp đơn miễn trừ này ngay khi thực hiện đăng ký đầu tiên tham gia Chương trình khoan hồng.

Mẫu miễn trừ bảo mật không loại trừ việc trao đổi giữa các Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh các tài liệu nhận được từ người đăng ký chương trình khoan hồng. Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh Châu Âu nhìn chung sẽ không trao đổi những tài liệu với các Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh được ghi trong đơn miễn trừ ngoại trừ được sự chấp thuận từ trước của người nộp đơn.

Để biết các quy định và thủ tục đăng ký miễn trừ, hãy chuyển đến trang pháp luật.

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ