BVNTD

Chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh

22/05/2024

Nhận thức về chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh

Đối tượng chứng minh được làm sáng tỏ bằng các chứng cứ. Trong giải quyết vụ việc cạnh tranh, chứng cứ là phương tiện để chứng minh. Không có chứng cứ hoặc có nhưng không đủ chứng cứ thì không thể giải quyết đúng đắn vụ việc cạnh tranh. Tóm lại, chứng cứ trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh là hết sức quan trọng.

Khái niệm chứng cứ được định nghĩa tại khoản 1, Điều 56 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

Chứng cứ là những gì có thật, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, doanh nghiệp có hành vi phạm và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Bản chất của chứng cứ là THÔNG TIN

Các hệ thống vật chất luôn tồn tại trong mối liên hệ, tác động qua lại với những hệ thống vật chất khác. Khi một hệ thống vật chất tồn tại và tác động lên hệ thống vật chất khác, sẽ làm hình thành những “dấu vết” trên chính hệ thống tác động và hệ thống bị tác động. Những “dấu vết” đó phản ánh nội dung, phương thức tác động giữa các hệ thống. Những phản ánh đó dưới hai dạng thức:

            Phản ánh vật chất: là những phản ánh trên các phương tiện vật chất.

Chẳng hạn như: dấu vân tay; nước bọt trong đầu mẩu thuốc lá; dấu dầy trên sàn nhà; chữ viết, chữ ký trên hợp đồng; hình ảnh được ghi lại trên máy quay phim; tập tin văn bản được lưu trên máy tính…

          Phản ánh ý thức: là những phản ánh trong trí nhớ của con người. Khi con người tác động lên các hệ thống vật chất và giao tiếp với nhau, quá trình tác động, giao tiếp đó được phản ánh vào não bộ và được bộ não của con người ghi nhớ lại bằng cơ chế sinh hóa.

Những phản ánh nêu trên luôn tồn tại nhưng không phải phản ánh nào cũng được con người tiếp nhận. Những phản ánh được con người tiếp nhận và sử dụng vào những mục đích nhất định, chúng trở thành thông tin.

Thông tin là là sự phản ánh những tác động của thế giới tự nhiên và xã hội bằng ngôn ngữ, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh… lên các giác quan của con người, được con người tiếp nhận, xử lý, ghi nhận phục vụ mục đích của mình.

Hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao giờ cũng phải được chủ thể vi phạm thể hiện bằng những hành vi cụ thể. Chẳng hạn, để thực hiện một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các chủ doanh nghiệp tham gia cần phải gặp nhau hoặc gửi email, nhắn tin, gọi điện với nhau để bàn bạc, thống nhất… Theo quy luật khách quan của sự phản ánh, những hành vi này bao giờ cũng để lại những phản ánh vật chất hoặc ý thức. Những phản ánh này là khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người thực hiện hành vi tạo ra phản ánh đó. Vì vậy, những “dấu vết” của hành vi luôn tồn tại ở trạng thái này hoặc trạng thái khác.

Để phục vụ mục đích điều tra vụ việc cạnh tranh, chủ thể điều tra có nhiệm vụ ghi nhận lại những phản ánh ánh đó và khi đó nó trở thành thông tin. Những thông tin đó khi được sử dụng để làm rõ bản chất của vụ việc cạnh tranh nó trở thành chứng cứ. Như vậy “những gì” trong định nghĩa về chứng cứ nêu trên chính là thông tin.

Thông tin chỉ được coi là chứng cứ khi nó đảm bảo các thuộc tính sau:

Có thật (hay thuộc tính khách quan): Chứng cứ phải là những thông tin có thật, tức là nó phải thực sự phát sinh, phản ánh đúng các sự kiện, tình tiết đã thực sự xảy ra trong vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Cần lưu ý sự có thật ở đây không loại trừ “cái giả” nhưng có thật. Chẳng hạn, các giấy tờ giả được chủ thể vi phạm lập ra trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm. Những thông tin được ngụy tạo, bị che dấu, cắt xén làm cho việc nhận thức bản chất vụ việc bị sai lệch không thể dùng làm chứng cứ.

Hợp pháp: Tính hợp pháp của chứng cứ được xác định bởi sự hợp pháp của nguồn chứng cứ và các biện pháp thu thập, chuyển giao, bảo quản, sử dụng chúng. Tính hợp pháp quy định giá trị pháp lý của chứng cứ.

Liên quan: Thông tin làm chứng cứ phải có mối liên hệ khách quan giữa nó với ít nhất một tình tiết, sự kiện của vụ việc cạnh tranh. Mối liên hệ này có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trên đây là ba thuộc tính của chứng cứ nói chung và chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh nói riêng. Thông tin chỉ có thể sử dụng làm chứng cứ nếu thoả mãn đồng thời cả ba thuộc tính của chứng cứ. Thông tin không thoả mãn bất kỳ một trong ba thuộc tính sẽ không được coi là chứng cứ và không thể để sử dụng để chứng minh.

Các loại chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh

Để hiểu rõ hơn về chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh, chúng ta cần phân loại chứng cứ. Có nhiều cách phân loại chứng cứ, song dưới đây là một số cách phân loại chứng cứ có ý nghĩa trong điều tra vụ việc cạnh tranh:

Cách phân loại thứ nhất, theo mối quan hệ giữa chứng cứ với nội dung chứng minh hành vi vi phạm và trách nhiệm của chủ thể của hành vi với hành vi vi phạm đó, chúng ta có:

Chứng cứ xác định: là những thông tin chứng minh hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh của bên bị điều tra và họ phải chịu trách nhiệmpháp lý về hành vi vi phạm đó.

Chứng cứ loại trừ: là những thông tin xác định bên bị điều tra không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh hoặc họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi vi phạm.

Chú ý:

Trong quá trình điều tra, các điều tra viên thường có xu hướng chú ý đến các chứng cứ xác định mà thường bỏ qua các chứng cứ loại trừ. Vì vậy, để đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ việc cạnh tranh, các điều tra viên vụ việc cạnh tranh luôn xác định phải thu thập, kiểm tra cả chứng cứ xác định và chứng cứ loại trừ, không bỏ qua bất kỳ chứng cứ nào.

Cách phân loại thứ hai, căn cứ vào mối quan hệ của chứng cứ với đối tượng chứng minh trong điều tra vụ việc cạnh tranh, chúng ta có:

Chứng cứ trực tiếp: là những thông tin phản ánh trực tiếp các tình tiết, sự kiện là đối tượng chứng minh trong điều tra vụ việc cạnh tranh.

Chứng cứ gián tiếp: là những thông tin phản ánh các tình tiết, sự kiện không phải là đối tượng chứng minh nhưng thông qua những tình tiết đó có khẳng định hoặc phủ định về đối tượng chứng minh.

Có một số vấn đề phải lưu ý về chứng cứ gián tiếp:

– Chứng cứ gián tiếp phản ánh sự kiện, tình tiết có mối quan hệ nhân quả với sự kiện, tình tiết chính (tình tiết, sự kiện là đối tượng chứng minh);

Một chứng cứ gián tiếp đơn lẻ chưa thể làm cơ sở cho việc rút ra kết luận về vụ việc nhưng tổng thể chứng cứ gián tiếp phù hợp với nhau cùng phản ánh về đối tượng chứng minh có thể được dùng để kết luận vụ việc;

Chứng cứ gián tiếp cũng quan trọng như chứng cứ trực tiếp.

Cách phân loại thứ ba: căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ và nguồn phản ánh nó, chứng cứ được phân thành:

Chứng cứ gốc: là những chứng cứ được ghi nhận trong các vật ghi tin phát sinh trong sự kiện liên quan đến vụ việc cạnh tranh hoặc tồn tại trong trí nhớ của những người trực tiếp tham gia sự kiện đó.

Ví dụ: trang sổ ghi chép nội dung buổi họp thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lời khai của những người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự việc…

Chứng cứ sao chép lại: là những chứng cứ được phản ánh trên các nguồn không phải là thực thế đầu tiên ghi nhận.

Ví dụ: bản phô tô báo cáo tài chính doanh nghiệp; lời khai của người nghe người khác kể lại về sự việc…

Nguồn chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh

Qua phân tích ở phần trên, chúng ta đã biết bản chất của chứng cứ là thông tin, góc độ phản ánh, thông tin có hai mặt. Mặt thứ nhất là nội dung thông tin hay thông điệp, nó chỉ ra điều mà thông tin phản ánh, được biểu hiện bằng hệ thống các phương tiện phản ánh như: chữ viết, ký hiệu, biểu tượng, hình ảnh, âm thanh, tín hiệu kỹ thuật…. Mặt thứ hai của thông tin là vật mang tin, tức những vật thể chứa thông tin. Không có những vật thể này, con người không thể lưu giữ, chuyển giao, nhận thức được nội dung thông tin. Khi những thông tin được sử dụng làm chứng cứ, khoa học pháp lý gọi vật thể chứa thông tin đó là nguồn chứng cứ.

Nguồn chứng cứ là những vật thể có thực, tồn tại trong thực tế khách quan, chứng đựng thông tin được sử dụng làm chứng cứ.

Trong thực tế, những vật thể chứa đựng thông tin rất đa dạng. Tuy nhiên, khả năng khai thác được thông tin phụ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học công nghệ. Vì vậy, các quy định pháp luật thường đưa ra những giới hạn về nguồn chứng cứ nhằm đảm bảo những nguồn đó có thể thu thập, lưu trữ, xử lý và kiểm chứng được theo yêu cầu pháp luật. Nguồn chứng cứ cũng vì vậy là một yếu tố cấu thành nên tính hợp pháp của chứng cứ.

Khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;

Vật chứng;

Lời khai, lời trình bày của người làm chứng;

Lời khai, lời trình bày, giải trình của bên khiếu nại, bên bị điều tra hoặc tổ chức, cá nhân liên quan;

Kết luận giám định;

Biên bản trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh;

Tài liệu, đồ vật khác hoặc nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Việc xác định chứng cứ được quy định như sau:

Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc có thẩm quyền cung cấp, xác nhận;

Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó;

Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; d) Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc;

Lời khai, lời trình bày của người làm chứng; lời khai, lời trình bày, giải trình của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra hoặc của tổ chức, cá nhân có liên quan được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh quy định tại điểm a và điểm b khoản này hoặc khai bằng lời tại phiên điều trần;

Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.

Thu thập chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh

Thu thập chứng cứ là giai đoạn quan trọng của quá trình chứng minh. Sẽ không có chứng cứ để làm rõ những vấn cần chứng minh nếu chủ thể điều tra không tiến hành thu thập chứng cứ.

Thu thập chứng cứ là tập hợp các hoạt động phát hiện, thu giữ và bảo quản các thông tin có khả năng được sử dụng làm chứng cứ.

Phát hiện chứng cứ

Để thu thập chứng cứ, trước hết phải phát hiện được chứng cứ. Phát hiện chứng cứ thực chất là xác định các nguồn chứng cứ cần thu thập. Việc phát hiện chứng cứ cần thu thập trong điều tra vụ việc cạnh tranh cần dựa vào những cơ sở sau:

Những vấn đề cần phải chứng minh trong điều tra vụ việc cạnh tranh. Từ giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh tiến hành xác định những vấn đề phải chứng minh cho vụ việc. Những vấn đề phải chứng minh lại là cơ sở quan trọng định hướng xác định: những vật chứng, tài liệu nào cần thu thập; cần lấy lời khai của ai; cần sự xác nhận của cơ quan, tổ chức nào…

Quy luật hình thành chứng cứ trong các vụ việc cạnh tranh: Điều tra viên cần có sự hiểu biết về cơ chế hình thành, lưu giữ của thông tin; các quy định thủ tục và phương pháp lập, lưu trữ, xử lý, truyền, cung cấp thông tin; đặc điểm của từng loại, dạng thông tin… Những hiểu biết này cho phép điều tra viên xác định được thông tin cần thu thập làm chứng cứ có thể được lưu trữ ở dạng dạng thức nào từ đó xác định được dạng vật thể chứa đựng thông tin làm chứng cứ.

Kinh nghiệm điều tra các vụ việc cạnh tranh tương tự: Mỗi vụ việc cạnh tranh có hệ thống chứng cứ riêng. Tuy nhiên, những vụ việc cạnh tranh có cùng tính chất hành vi, cùng loại chủ thể thực hiện thường có những điểm chung về chứng cứ. Kinh nghiệm điều tra của điều tra viên đang điều tra vụ việc và các điều tra viên khác đã từng điều tra các vụ việc tương tự là nguồn tham khảo quý để xác định các chứng cứ cần thu thập.

Thu giữ chứng cứ

Sau khi phát hiện chứng cứ, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành các hoạt động thu giữ chứng cứ. Trong nội dung phần này chúng ta cùng xem xét phương pháp chung để thu giữ chứng cứ.

Các phương pháp thu giữ chứng cứ:

Phương pháp thu giữ nguyên mẫu: là phương pháp thu giữ chứng cứ được thực hiện đối với vật chứng có thể mang theo được, như: tài liệu, hồ sơ giấy; USB; thiết bị ghi âm, ghi hình; máy vi tính; mẫu hàng hóa có kích thước nhỏ…

       Phương pháp mô tả chứng cứ: là phương pháp thu giữ chứng cứ thực hiện đối với chứng cứ dạng lời khai, lời trình bày. Biện pháp thực hiện gồm: tiếp nhận làm đơn khiếu nại; lập biên bản lấy lời khai; biên bản làm việc; ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh lời trình bày; vẽ lại hình ảnh để mô tả…

       Phương pháp thu giữ hình ảnh trực quan về chứng cứ: là phương pháp thu giữ chứng cứ bằng việc ghi nhận bằng hình ảnh hiện trạng của vật chứng trong trường hợp không thể mang theo được. Chẳng hạn: vật chứng một dây truyền máy móc, nhà xưởng; hàng hóa có khối lượng lớn trong công-ten-nơ (chỉ thu mẫu)… Biện pháp thực hiện thường là chụp ảnh, quay video tại hiện trường.

       Phương pháp sao chép: là phương pháp thu giữ chứng cứ bằng việc tạo ra bản sao của chứng cứ trên vật thể mang thông tin dùng làm chứng cứ nhằm có thể mang đi, thuận tiện cho việc bảo quản, khai thác, tìm hiểu. Biện pháp thực hiện có thể là: đổ khuôn để lấy các dấu vết lõm; trích xuất dữ liệu từ máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ Internet; đăng nhập và tải dữ liệu từ hộp thư email, công cụ lưu trữ trực tuyến; sao dữ liệu từ ổ cứng vật chứng sang thiết bị lưu trữ khác để phân tích…

Bảo quản chứng cứ

 

Các đồ vật, tài liệu sau khi được thu giữ để làm chứng cứ tương lai cần được bảo quản nhằm đảm bảo giá trị chứng minh. Theo khoản 3, Điều 63 Luật Cạnh tranh 2018, việc “Bảo quản tài liệu đã được cung cấp” là nhiệm vụ của điều tra viên vụ việc cạnh tranh. Điều 23 Nghị định 35 quy định về việc bảo quản chứng cứ như sau:

Trường hợp chứng cứ đã được giao nộp tại Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thì tại Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh chịu trách nhiệm bảo quản.

Trường hợp chứng cứ không thể giao nộp được tại Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thì người đang lưu giữ chứng cứ đó có trách nhiệm bảo quản.

Trường hợp cần giao chứng cứ cho người thứ ba bảo quản, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh ra quyết định và lập biên bản giao cho người đó bảo quản. Người nhận bảo quản phải ký tên vào biên bản, được hưởng thù lao và phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản chứng cứ đó.

Nghiêm cấm việc hủy hoại tài liệu, chứng cứ.

Đánh giá chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh

Như đã nghiên cứu ở phần trước, thông tin chỉ được dùng làm chứng cứ khi nó thỏa mãn đầy đủ ba thuộc tính của chứng cứ. Những đồ vật, tài liệu thu thập được chưa chắc đã là chứng cứ. Để sử dụng thông tin, tài liệu đã thu thập được làm chứng cứ nhất thiết phải qua khâu đánh giá.

Đánh giá chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh là quá trình điều tra viên vụ việc cạnh tranh sử dụng các phương pháp tư duy so sánh, đối chiếu, suy luận lô gích, xác định giá trị chứng minh của những thông tin đã được thu thập để quyết định việc sử dụng những thông tin đó làm chứng cứ.

Như vậy, đánh giá chứng cứ là cũng là một hoạt động tư duy của điều tra viên vụ việc cạnh tranh vì vậy nó mang dấu ấn chủ quan của điều tra viên. Cũng vì vậy, các quy định pháp luật tố tụng thường chỉ điều chỉnh hoạt động này về mặt nguyên tắc mà không đưa ra những quy định cụ thể về cách thức tiến hành. Điều này cũng tương tự trong quy định pháp luật về tố tụng cạnh tranh. Cụ thể, Điều 24 Nghị định 35 quy định nguyên tắc đánh giá chứng cứ như sau:

Việc đánh giá chứng cứ phải đầy đủ, khách quan, toàn diện và chính xác.

Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ.

Mục tiêu của đánh giá chứng cứ là xác định giá trị chứng minh của thông tin đã thu thập được để quyết định sử dụng nó làm chứng cứ. Vì vậy, việc đánh giá chứng cứ về bản chất chính là quá trình nghiên cứu xem xét xem thông tin đã thu thập được có đảm bảo đầy đủ ba thuộc tính của chứng cứ hay không.

Để dễ hình dung về hoạt động đánh giá chứng cứ, chúng ta cùng nghiên cứu tình huống sau.

Quy trình đánh giá chứng cứ:

Bước 1: Nghiên cứu cá biệt

Nghiên cứu cá biệt là kiểm tra từng đồ vật, tài liệu đã thu thập được nhằm xác nhận về tính chân thực, tính hợp pháp của tài liệu, đồ vật thu được. Nội dung kiểm tra cá biệt bao gồm: kiểm tra về hình thức và kiểm tra về nội dung.

Kiểm tra hình thức:

Kiểm tra hình thức xem xét chủ yếu về quy trình, thủ tục, phát hiện sự ngụy tạo, giả mạo của đồ vật, tài liệu đã thu giữ được. Nội dung kiểm tra hình thức bao gồm:

Việc thu giữ có đảm bảo về căn cứ pháp lý và thủ tục thực hiện không? Khi thu giữ, có lập biên bản hoặc văn bản để ghi nhận không? Biên bản, văn bản thu giữ có được lập đúng mẫu biểu không? Có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan trong biên bản, văn bản thu giữ không?

Đồ vật, tài liệu là gì? Tồn tại dưới hình thức nào? Đặc điểm phân biệt? Biên bản, văn bản thu giữ có mô tả chính xác hình thức, đặc điểm phân biệt không? Việc niêm phong (nếu có), mở niêm phong có đảm bảo yêu cầu trình tự, thủ tục không?

Biên bản và văn bản thu giữ có thể hiện các yếu tố để xác định nguồn gốc hợp pháp của tài liệu khi chuyển giao như trong quy định của khoản 3 Điều 56 Luật Cạnh tranh 2018 không?

Có dấu hiệu sửa chữa, tảy xoá không? Nếu có thì đã có xác nhận về việc điều chỉnh hay chưa?

Có dấu hiệu của sự ngụy tạo được thể hiện ở hình thức đồ vật, tài liệu không? Chẳng hạn: một quyết định ký được ban hành bởi người đã nghỉ hưu; văn bản không đúng mẫu biểu đã được công bố; văn bản rất quan trọng nhưng có nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả…

Kiểm tra nội dung thông tin trên từng tài liệu, đồ vật:

Mục tiêu của bước này là đánh giá sự thống nhất giữa các số liệu, thông tin trên cùng một tài liệu, đồ vật, xác định tính hợp lí trong những thông tin phản ánh trên một bản tài liệu.

Đối với các số liệu: kiểm tra các con số có nhất quán khi được mô tả ở những đoạn, ý khác nhau không? Các phép tính, phương pháp toán có chính xác không?

Đối với thời gian: có sự bất hợp lý về thời gian giữa các tình tiết, sự kiện được mô tả không?

Về không gian, các địa điểm: có sự nhất quán về địa điểm xảy ra các sự kiện được mô tả không? Sự thay đổi địa điểm có hợp lý về không gian, thời gian không?

Nội dung mô tả các tình tiết, sự kiện: Có mâu thuẫn giữa các nội dung mô tả ở các đoạn, ý khác nhau không? Có những bất thường hay mâu thuẫn với những quy luật thông thường không?

Bước 2: Nghiên cứu so sánh

Nghiên cứu so sánh là việc đối chiếu, kiểm tra giữa các tài liệu, đồ vật khác nhau có cùng nguồn gốc hoặc có liên quan với nhau về kỹ thuật, quy trình thủ tục tạo lập, chuyển giao. Việc nghiên cứu so sánh được thực hiện với cả mặt hình thức và nội dung.

– So sánh về hình thức:

So sánh về hình thức là xem xét sự thống nhất về mẫu biểu, hình thức nhận biết, tính chất, thủ tục xác lập, quá trình chuyển giao, thu giữ của ít nhất từ 02 đồ vật, tài liệu khác nhau trở lên nhưng có liên quan đến nhau. Cụ thể:

Về mẫu biểu, hình thức nhận biết: Các tài liệu do cùng đơn vị phát hành có cùng loại mẫu biểu, hình thức nhận biết không? Nếu có sự khác nhau thì có việc thay đổi mẫu biểu, hình thức trong các thời gian khác nhau của đơn vị đó không?

Về tính chất: Các đồ vật, tài liệu thu được là bản gốc hay bản sao? Bản sao có phản ánh trung thực bản gốc không? Nếu không có bản gốc thì các bản sao có thống nhất với nhau về hình thức không?

Về thủ tục xác lập: Các tài liệu thu thập được của cùng đơn vị có sự khác biệt nào về thủ tục xác lập không? Nếu có thì tại sao? Có sự thay đổi nào về quy trình, thủ tục xác lập dẫn đến sự khác biệt đó?

Về quá trình chuyển giao: các tài liệu, văn bản được lập trong quá trình thu nhận đồ vật, tài liệu có sự thống nhất không? Có khả năng xảy ra vi phạm về quy trình, thủ tục thu thập một đồ vật, tài liệu nào không?

So sánh về nội dung:

Đa số các tài liệu, đồ vật dùng làm chứng cứ phát sinh trong một vụ việc cạnh tranh nên chúng có sự liên quan rất mật thiết với nhau. Thông tin trên tài liệu, đồ vật này rất có thể là cơ sở để xác lập thông tin trên các tài liệu, đồ vật khác. Vì vậy, so sánh về nội dung là kiểm tra sự thống nhất về nội dung thông tin được phản ánh trên ít nhất 2 đồ vật, tài liệu khác nhau trở lên. Nội dung so sánh tương tự như trong kiểm tra cá biệt nhưng được thực hiện trên từ 2 đồ vật, tài liệu trở lên.

Bước 3: Đánh giá tổng hợp

Sau khi nghiên cứu cá biệt, nghiên cứu so sánh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh có thể kết luận về độ chân thực và tính hợp pháp của từng đồ vật, tài liệu đã thu thập được. Sau Bước 1 và 2, có thể điều tra viên không phát hiện được mâu thuẫn nào nhưng điều đó cũng không thể đảm bảo chắc chắn tất cả đồ vật, tài liệu thu được đã phản ánh đúng bản chất vụ việc. Thực tế cho thấy, dù ít khả năng xảy ra, nhưng đã có nhiều trường hợp các chủ thể vi phạm cố tình ngụy tạo toàn bộ hệ thống chứng cứ ngay từ đầu, can thiệp những người có liên quan cung cấp thông tin sai sự thật. Vì vậy, để xem xét quyết định sử dụng một đồ vật, tài liệu nào đó làm chứng cứ cần phải đặt nó trong hệ thống tổng thể các chứng cứ của vụ việc. Toàn bộ chứng cứ trong một vụ việc có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, phản ánh và chứng minh cho nhau tạo nên sự phản ánh liên tục về toàn bộ các tình tiết của vụ việc cạnh tranh. Vì vậy, khi xem xét tổng thể, những thông tin, tài liệu được ngụy tạo sẽ bộc lộ mâu thuẫn theo quy luật khách quan của sự phản ánh.

Đánh giá tổng hợp chứng cứ là xem xét giá trị chứng minh của một đồ vật, tài liệu đã thu thập được trong toàn bộ hệ thống chứng cứ trong mối liên hệ lô gích về thời gian và không gian, phù hợp với yêu cầu chứng minh của vụ việc cạnh tranh. Để đánh giá tổng hợp chứng cứ, điều tra viên cần thực hiện những công việc sau:

Bước 1 và 2. Những tài liệu, đồ vật nào đã kết luận được có sai phạm về thủ tục pháp lý khi thu giữ hoặc dấu hiệu ngụy tạo, sửa chữa đã rõ ràng thì phải bị loại bỏ khỏi hệ thống chứng cứ. Nếu những đồ vật, tài liệu đó vẫn cần thiết, thì tiến hành các hoạt động điều tra khác để sửa chữa sai sót hặc trưng cầu giám định để có kết luận chính xác.

Căn cứ vào một số quy tắc xác lập mức độ tin cậy để quyết định sử dụng thông tin nào làm chứng cứ. Cụ thể như sau:

Căn cứ vào dạng nguồn chứng cứ: Thông tin từ nguồn vật chất có độ tin cậy cao hơn thông tin từ lời khai, lời trình bày. Cụ thể mức độ tin cậy được xác định giảm dần với các dạng nguồn chứng cứ như sau:

Thông tin từ kết quả kiểm tra thực tế hiện trường, kiểm kê, kết luận giám định;

Thông tin được thể hiện trên tài liệu, đồ vật;

Thông tin từ lời khai, lời giải trình, đơn khiếu nại có độ tin cậy thấp nhất.

Căn cứ vào nguồn thu thập: Nguồn thu thập tài liệu, đồ vật càng độc lập với các bên bị điều tra, bên khiếu nại trong vụ việc cạnh tranh thì thông tin thu được có độ tin cậy càng cao. Mức độ tin cậy xác định giảm dần theo các nguồn cung cấp thông tin như sau:

Thông tin do các tổ chức, cá nhân không tham gia vào vụ việc cạnh tranh đang được điều tra cung cấp (có mức độ tin cậy cao nhất);

Thông tin do tổ chức, cá nhân không tham gia vụ việc lập ra nhưng được chuyển đến và lưu giữ bởi bên bị điều tra, bên khiếu nại;

Thông tin do bên bị điều tra, bên khiếu nại lập ra sau đó được và lưu trữ bởi các cá nhân, tổ chức không liên quan đến vụ việc cạnh tranh đang điều tra.

Thông tin do bên bị điều tra, bên khiếu nại lập ra và chỉ luân chuyển trong nội bộ các đơn vị này có độ tin cậy thấp nhất.

Căn cứ vào mức độ kiểm soát thông tin của đơn vị cung cấp: Đơn vị cung cấp nào có cơ chế kiểm soát thông tin càng chặt chẽ thì thông tin thu được từ đơn vị đó có độ tin cậy cao hơn.

Căn cứ sự thống nhất về nội dung trên các nguồn chứng cứ: Thông tin từ càng nhiều nguồn khác nhau, có sự thống nhất với nhau thì thông tin đó càng có độ tin cậy cao hơn.

Căn cứ vào từng vấn đề cụ thể cần chứng minh và tổng thể các vấn đề cần chứng minh đã được xác định cho vụ việc, điều tra viên phải đánh giá chứng cứ thu được đã đảm bảo đưa ra kết luận cho từng vấn đề và toàn bộ vụ việc chưa.

Đối với những vấn đề cụ thể phải chứng minh, việc đánh giá sự đầy đủ về chứng cứ dựa trên quy tắc sau:

Thông tin có độ tin cậy càng cao thì không cần thiết thu thập nhiều chứng cứ.

Vấn đề cần chứng minh càng quan trọng (là mấu chốt để làm rõ bản chất của vụ việc) thì càng cần nhiều chứng cứ, thu thập từ nhiều loại nguồn, nhiều nguồn cung cấp khác nhau để chứng minh.

Đối với toàn bộ vụ việc, việc đánh giá sự đầy đủ về chứng cứ được đánh giá dựa trên số lượng các vấn đề cần chứng minh đã có chứng cứ chứng minh. Một vụ việc cạnh tranh sẽ được chứng minh hoàn hảo nếu tất cả những vấn đề cần chứng minh đều có chứng cứ tin cậy chứng minh. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta phải chấp nhận kết thúc điều tra mà có những vấn đề cần chứng minh còn yếu về chứng cứ miễn là những vấn đề đó không làm thay đổi bản chất của vụ việc.

Sử dụng chứng cứ

Đối với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, chứng cứ được sử dụng để:

Xây dựng, kiểm tra, củng cố hay loại trừ các giả thuyết điều tra đã được xây dựng;

Mở rộng phạm vi thu thập chứng cứ, kiểm tra các thông tin mới được thu thập, ghi nhận;

Làm cơ sở áp dụng biện pháp điều tra và tiến hành các hoạt động điều tra cụ thể;

Làm căn cứ để đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra.

Trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh, chứng cứ được sử dụng công khai trừ một số trường hợp theo quy định pháp luật.

Điều tra vụ việc cạnh tranh luôn là công việc không đơn giản. Điều đó đòi hỏi

Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải dự liệu trước các phương án để triển khai các bước đi, các công việc cần tiến hành sao cho có hiệu quả nhất. Điều đó được thực hiện bởi quá trình lập và triển khai kế hoạch điều tra.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ