BVNTD

Bản chất của tập trung kinh tế

Tập trung kinh tế còn có vai trò như một cách thức tạo khả năng hợp tác sâu sắc trong kinh doanh, sẽ giúp cho doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tổng hợp và có thể thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Ngoài ta, tập trung kinh tế có thể làm tăng hiệu quả kinh tế theo quy mô và phạm vi, làm giảm chi phí, nâng cao chất lượng và thúc đẩy sản lượng.

Hiện nay, dưới góc độ lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2018, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có xu hướng tăng lên, điều này cho thấy sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp – trong đó, doanh nghiệp vừa tăng 24,7%, doanh nghiệp nhỏ tăng 22,3% và tỷ trọng bộ phận doanh nghiệp này tăng 6% so với năm 2012, thì việc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế còn giữ vai trò tích cực, thúc đẩy sự phát triển hoạt động kinh doanh ngày càng tăng dẫn đến các các doanh nghiệp lựa chọn các hình thức tập trung kinh tế  như một kênh gia nhập thị trường hiệu quả. Hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong những năm tới. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các vụ tập trung kinh tế có lợi cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, tập trung kinh tế có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc thị trường và suy giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Hệ quả là, các doanh nghiệp có thể cùng nhau phối hợp về giá hoặc thỏa thuận về sản lượng đầu ra gây hạn chế cạnh tranh. Khi đó, các hành vi tập trung kinh tế cần phải được kiểm soát để bảo vệ trật tự cạnh tranh. Biện pháp pháp lý, cụ thể là các chính sách và quy định pháp luật, là một trong những biện pháp đầu tiên mà Nhà nước có thể sử dụng để kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế.

Hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam đã và đang diễn biến khá phức tạp, tập trung kinh tế tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn những yếu tố hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh có thể gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh. Vì vậy các hoạt động tập trung kinh tế không những cần được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và giám sát chặt chẽ mà còn cần sự hỗ trợ, hợp tác và ý thức cùng xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trên thị trường.

Tập trung kinh tế là một xu hướng phát triển tất yếu của tư bản trong kinh tế thị trường. Vì những lý do khác nhau trong nền kinh tế như cạnh tranh gay gắt, nhu cầu áp dụng công nghệ mới, nhu cầu về vốn và sức mạnh tài chính… mà khả năng của từng nhà tư bản riêng rẽ không thể đáp ứng được mà vấn đề tập trung kinh tế luôn diễn ra trên thương trường. Mục tiêu cụ thể của các hình thức khác nhau của tập trung kinh tế suy cho cùng là tạo ra những doanh nghiệp lớn trên cơ sở tập trung sức mạnh của nhiều doanh nghiệp sẵn có trên thương trường. Số lượng của các đối thủ cạnh tranh sẽ giảm đi và vì thế, mức độ “hoàn hảo” trong cạnh tranh cũng bị giảm sút.

Bản chất pháp lý của tập trung kinh tế

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện hành vi tập trung kinh tế.

Chủ thể thực hiện hành vi tập trung kinh tế là doanh nghiệp. Tập trung kinh tế là nhằm tăng cường năng lực kinh tế của các doanh nghiệp và cũng là quyền của các doanh nghiệp, bắt nguồn từ nhu cầu của doanh nghiệp chứ không thể là ý tưởng của các cơ quan nhà nước. Người mua cổ phần để nắm quyền chi phối doanh nghiệp khác thông thường là doanh nghiệp. Tuy nhiên một số hoạt động mua lại và nắm giữ tạm thời cổ phần do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm thực hiện không được coi là hành vi tập trung kinh tế vì đây là một trong những hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp đó. Những doanh nghiệp này mua lại và nắm giữ tạm thời cổ phần không thực hiện quyền bỏ phiếu phát sinh từ cổ phần mà họ nắm giữ để gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, về hình thức và mục đích của tập trung kinh tế.

Tập trung kinh tế diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh, mua cổ phần, góp vốn và những hình thức khác như kiêm nhiệm chức vụ nhưng phải gắn với mục đích sở hữu toàn bộ một doanh nghiệp khác hoặc sở hữu một phần đủ để kiểm soát, chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó. Kết quả của vụ tập trung kinh tế  phải có sự thay đổi cơ cấu chủ sở hữu của doanh nghiệp, đây là điểm khác cơ bản so với các hành vi hạn chế cạnh tranh khác như Cartel, lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền không dẫn đến thay đổi cơ cấu chủ sở hữu doanh nghiệp.

Thứ ba, về hậu quả của tập trung kinh tế  phải là thay đổi cấu trúc thị trường, hạn chế về cạnh tranh và có thể dẫn tới độc quyền.

 Không phải mọi hành vi tập trung kinh tế đều bị pháp luật kiểm soát. Chỉ khi nào thị phần kết hợp của các doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế  đạt đến một mức độ nhất định mà pháp luật coi là có thể cản trở cạnh tranh tự do, hoặc tạo ra độc quyền thì những hành vi đó mới bị kiểm soát. Bởi lúc này, thị trường đột ngột xuất hiện doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có tiềm lực kinh doanh lớn hơn trước mà không phải trải qua quá trình tích tụ tư bản. Vị trí của các doanh nghiệp còn lại trong quá trình quá trình tích tụ tư bản, vị trí của các doanh nghiệp còn lại trong quá trình cạnh tranh sẽ giảm đi trước doanh nghiệp được hình thành từ tập trung kinh tế .

Thứ tư, về đối tượng tập trung kinh tế là tài sản, các quyền và nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp.

Tập trung kinh tế là kết quá của quá trình tích tụ, tập trung tư bản hình thành những doanh nghiệp lớn mạnh hơn về tài chính. Do vậy, đối tượng mà các bên tham gia vụ tập trung kinh tế hướng đến phải là vốn, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Suy cho cùng các quyền, lợi ích này cũng gắn liền với việc sở hữu, nắm giữ được một số vốn nhất định để từ đó người có các quyền, lợi ích này sẽ kiểm soát, chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị sáp nhập, bị hợp nhất hay bị mua lại.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ