Thứ tư, về trình tự, thủ tục gia hạn
Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 40/2018/ NĐ – CP, được giữ nguyên so với Nghị định 42/2014/NĐ – CP.
Theo tác giả, quy định về thời hạn và gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là không cần thiết bởi lẽ những doanh nghiệp nào đủ điều kiện, muốn tiếp tục hoạt động thì vẫn hoạt động bình thường như các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp, đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp nếu doanh nghiệp không muốn tiếp tục hoạt động nữa thì họ có thể thực hiện thủ tục tự nguyện chấm dứt hoạt động. Còn trường hợp doanh nghiệp vi phạm trong quá trình hoạt động thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Do đó, việc quy định thủ tục gia hạn thời gian hoạt động sau 05 năm đối với các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp sẽ trở thành rào cản về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Ngoài ra còn làm gia tăng chi phí thực hiện thủ tục hành chính công của nhà nước.
Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động khi thuộc trường hợp tự nguyện chấm dứt, lý do chấm dứt hoạt động phụ thuộc vào doanh nghiệp. Bên cạnh trường hợp tự nguyện này, pháp luật bán hàng đa cấp còn còn quy định trường hợp chấm dứt bắt buộc.
- Các trường hợp bắt buộc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp
Giấy chứng nhận hết hiệu lực không được gia hạn, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động này hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp
Thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương và thực hiện các hoạt động niêm yết công khai tại trụ sở chính…; Ngoài ra phải chấm dứt, thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải hoàn thành những nghĩa vụ theo quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền.
- Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp
– Trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp:
Đầu tiên doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chấm dứt, bao gồm: Thông báo chấm dứt; Báo cáo; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (01 bản sao); giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (01 bản chính); quyết định về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp (01 bản sao).
Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Sau khi nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hợp lệ, trong thời 10 ngày Bộ công thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và thông báo cho các Sở Công Thương trên toàn quốc.
- Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp do giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực hoặc bị thu hồi:
Hồ sơ chấm dứt bao gồm: Mẫu thông báo, Mẫu báo cáo theo quy định và 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh lần gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; 01 bản chính giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực hoặc bị thu hồi, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tới Bộ Công Thương và trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, thông báo cho các Sở Công Thương trên toàn quốc theo một trong các phương thức: Gửi qua bưu điện;Thư điện tử; Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Quy định cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự xã hội, quyền lợi của các tổ chức cá nhân có liên quan pháp luật đã đặt ra các hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ- CP.
Một trong những điểm tiến bộ của Nghị định 40/2018/NĐ- CP so với Nghị định 42/2014/NĐ-CP đó là đã bãi bỏ quy định yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về một trong các nội dung đa cấp phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo. Với quy định này, mặc dù mục đích để bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp nhưng quy định về việc chấp thuận khoản tiền mua tài liệu này lại phát sinh kẽ hở trên thực tế vô hình chung giúp các doanh nghiệp bán hàng đa cấp “có cửa” để thực hiện hành vi bị cấm. Theo đó, thay vì yêu cầu các người tham gia phải đặt cọc một khoản tiền hay mua một lượng hàng hoá ban đầu trả phí để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, doanh nghiệp có thể yêu cầu người muốn tham gia phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua một tập tài liệu. Nhận thấy thiếu sót từ quy định này của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cho nên Nghị định số 40/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về chi phí tham gia hội thảo, khoá đào tạo, hội nghị đa cấp, thay vào đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp thì không được thu phí dưới bất kỳ hình thức nào.
Nghị định 40/2018/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác và cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trước khi nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời, có rất nhiều tổ chức, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng đã có hàng loạt hội nghị, hội thảo giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Các nhà làm luật nhận thức rủi ro nếu việc này được cho phép mà dẫn đến thiệt hại xảy ra thì quyền lợi của người tham gia mạng lưới và người tiêu dùng không được đảm bảo. Vì thế, Nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời so với Nghị định cũ đã được bổ sung thêm các hành vi bị cấm nêu trên để tránh các cá nhân, tổ chức tham gia vào các mạng lưới bán hàng đa cấp bất chính nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người họ đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về việc nghiêm cấm tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại như đại diện, môi giới, đại lý… để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này. Các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật.
Trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Xuất phát từ tính đặc thù, cần phải siết chặt quản lý của ngành nghề kinh doanh bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngoài tuân thủ các trách nhiệm chung theo quy định của pháp luật doanh nghiệp điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh hàng ngày thì còn phải tuân thủ các trách nhiệm mà Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định riêng cho các doanh nghiệp tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp tại Điều 40. Cụ thể:
– Thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
– Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký.
– Xây dựng, công bố giá bán của các hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp và tuân thủ giá bán đã công bố.
– Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp.
– Giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.
– Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp các hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp.
– Khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định pháp luật đúng với giải trình kỹ thuật khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp có thể truy cập và truy xuất các thông tin cơ bản về hoạt động bán hàng đa cấp của họ.
– Vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
– Vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm điện thoại, thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận.
– Cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
– Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan về điều kiện kinh doanh và lưu thông đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Như vậy, để bảo vệ người tham gia trước các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhằm hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép.
Ngoài ra, nghị định 40/2018/NĐ – CP còn bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại các địa phương như sau:
– Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp muốn hoạt động tại địa phương phải nộp hồ sơ đăng ký và phải được Sở Công Thương tại các địa phương đồng ý xác nhận đăng ký hoạt động tại địa phương. Cơ quan quản lý tại địa phương có quyền thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động tại địa phương nếu doanh nghiệp có các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.
– Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm uỷ quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.
– Doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
– Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ, xuất trình hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
– Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi thực hiện.
-Trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương tới Sở Công Thương khi có một trong các thay đổi liên quan đến: Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương; Người đại diện của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương.
-Khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện các công việc theo Khoản 2 Điều 24 nghị định 40/2018/NĐ – CP.
- Trường hợp muốn chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp cho Sở Công thương.
Như vậy, việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại các địa phương đã giúp công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp không yêu cầu doanh nghiệp phải có chi nhánh, địa điểm kinh doanh tại địa phương dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Tại một số địa phương, doanh nghiệp cử người đại diện mang tính chất đối phó, không liên hệ được hoặc không nắm bắt được các hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, do đó không đạt được mục đích là đầu mối làm việc của doanh nghiệp với các Sở Công Thương địa phương.
Quy định về quản lý đối với chủ thể tham gia bán hàng đa cấp
Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp
Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, để tham gia kí kết hợp đồng với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng quy định những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm:
– Những người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả…, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;
– Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng không được thực hiện hoạt động kinh doanh đa cấp, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;
– Những người đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ – CP mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
– Các cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ – CP như: Cá nhân là thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân… không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định 40/ 2018/ NĐ- CP;
– Những người là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Việc cấm cán bộ, công chức tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp được xem là một bước tiến bộ và đột phát nhất về điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp. Xuất phát từ đặc thù của phương pháp bán hàng này là từ cá nhân tới cá nhân trên cơ sở khai thác các mối quan hệ giữa con người với nhau nên cán bộ, công chức (những người ít nhiều có nhiều uy tín, địa vị, có mối quan hệ rộng) dễ thành công trong việc kêu gọi mọi người tham gia vào mạng lưới, thu nhập từ hoạt động bán hàng đa cấp thường cao hơn nhiều so với lương của cán bộ, công chức thì họ rất dễ thôi công việc Nhà nước để kinh doanh bán hàng đa cấp. Điều này dẫn tới các hiện tượng tiêu cực trong công việc của các cán bộ, công chức.
Ngoài ra, việc cấm cán bộ, công chức tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp còn còn nhằm bảo đảm cho môi trường kinh doanh đa cấp được cạnh tranh công bằng lành mạnh. Vì cán bộ, công chức tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp sẽ có nguy cơ gây nên các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh do việc lợi dụng và sử dụng uy tín cũng như quyền hạn của cán bộ, công chức để làm lợi cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà họ tham gia.
Trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp
Trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ – CP gồm những trách nhiệm sau:
“- Chỉ thực hiện các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên.
– Phải xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng.
– Tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp.
– Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực khi giới thiệu về doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, kế hoạch trả thưởng và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.”
Người tham gia bán hàng đa cấp không chỉ đơn thuần là việc ký kết và chịu sự ràng buộc từ hợp đồng với công ty bán hàng đa cấp mà còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm và phải tuân thủ nghiêm ngặt nội quy của doanh nghiệp đặt ra.Nghị định 40/2018/NĐ- CP có hiệu lực đã quy định bổ sung những hành vi bị cấm của người tham gia bán hàng đa cấp tăng từ 5 lên 7 trường hợp so với Nghị định 42/2014/ NĐ – CP, cụ thể như sau:
– Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Cũng giống như đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp cũng đặt ra quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp yêu cầu người khác phải đặt cọc tiền để được tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Đây là một quy định rất cần thiết, tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, giúp loại bỏ sự biến tướng của hoạt động bán hàng đa cấp, tạo ra môi trường kinh doanh đa cấp chân chính, lành mạnh.
– Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Quy định này góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp vì lợi nhuận, chạy theo giá trị của đồng tiền mà có những hành vi “thổi phồng” về chất lượng, công năng của hàng hóa, cũng như uy tín của doanh nghiệp để tạo ra sự tin tưởng đối với khách hàng, với mục đích bán được hàng hóa mà không quan tâm tới lợi ích của khách hàng. Trong khi đó, sự hiểu biết của người dân đối với hoạt động kinh doanh đa cấp còn rất mơ hồ, nhẹ dạ cả tin nên rất dễ mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không phù hợp với mục đích sử dụng.
– Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
– Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia. Quy định này chính là giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp, siết chặt quản lý nhằm triệt tiêu những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu lẫn nhau nhằm hạ thấp uy tín của doanh nghiệp khác, tranh giành người tham gia. Kiểm soát tốt vấn đề này sẽ là cơ hội tốt để loại bỏ những hành vi bán hàng đa cấp bất chính.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp;
– Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Quy định này được xem là điều kiện cần đáp ứng để được tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
– Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Có thể thấy, việc quy định thêm 02 hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp là thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương và Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác là một quy định hết sức tiến bộ của Nghị định 40/2018/NĐ – CP. Nhìn chung những quy định mới về cấm người tham gia bán hàng đa cấp đã đáp ứng phần nào những điểm nóng nổi cộm của bán hàng đa cấp hiện nay, tạo hành lang pháp lý tốt cho hoạt động quản lý bán hàng đa cấp. Đồng thời quy định này cũng chính là một bảo đảm, bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tạo cơ sở để Nhà nước thực hiện việc quản lý một cách sát sao, có hiệu quả, hạn chế những sai phạm trong quá trình các chủ thể thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp.