Nền tảng gọi xe trực tuyến, một thành tựu đột phá được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với những ưu điểm không thể phủ nhận đã làm thay đổi diện mạo ngành kinh doanh vận tải, đồng thời, tạo nên sức ép lớn với dịch vụ taxi truyền thống. Sự du nhập của các “kỳ lân” Đông Nam Á như Grab hay Gojek vào Việt Nam đã làm bộc lộ những hạn chế bấy lâu nay của taxi truyền thống. Hụt hơi trong cuộc đua “đốt tiền”, sự nhỏ lẻ, phân tán trong hoạt động kinh doanh đã khiến cho nhiều ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường phải nhanh chóng rút lui hoặc chỉ cầm cự mà không thể chiếm lĩnh được thị trường.
Với quy mô doanh thu đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Singapore cùng tiềm năng, dư địa phát triển lớn nhờ dân số đông và tỷ lệ truy cập Internet cao, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển sôi động, có sự cạnh tranh “khốc liệt” về tài chính, chất lượng dịch vụ và chiến lược mở rộng hệ sinh thái số giữa các nền tảng lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, với những đặc thù riêng như tính chất hai mặt của nền tảng; định giá động theo yếu tố cung, cầu; tính chất kết nối đa chủ ở cả hai mặt của nền tảng cùng với cấu trúc thị trường có mức độ tập trung cao, khi trên 99% thị phần thuộc về 03 doanh nghiệp dẫn đầu, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đặt ra những quan ngại và thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề thực thi pháp luật cạnh tranh.
Tại Việt Nam, người dân bắt đầu làm quen với dịch vụ gọi xe trực tuyến từ năm 2014 cùng với sự gia nhập của hai nền tảng nước ngoài, gồm Uber và Grab. Khi đó, việc đặt xe trực tuyến thông qua các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động còn khá mới mẻ, thậm chí, được gọi nôm na với những cái tên như “xe taxi công nghệ”, “xe ôm công nghệ”.
Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm. Nếu năm 2015, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ đạt 200 triệu đô la Mỹ, thì năm 2021, theo thống kê của Statista, quy mô thị trường này đã đạt khoảng 2,4 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Sở dĩ nền tảng gọi xe trực tuyến ngày càng được ưa chuộng hơn so với dịch vụ taxi truyền thống, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là bởi tính thuận tiện khi dễ dàng gọi xe thông qua ứng dụng, hưởng nhiều ưu đãi, biết được mức phí trước khi thực hiện chuyến đi… Sự tăng trưởng của nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được thúc đẩy nhờ sự phát triển kinh tế và tốc độ số hóa nhanh chóng.
Tương tự như nhiều thị trường ở khu vực Đông Nam Á, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được thống trị bởi một số nền tảng đến từ châu Á. Sau khi Uber rời khỏi khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Grab – một “siêu ứng dụng” có trụ sở tại Singapore đã tiếp quản hoạt động kinh doanh của Uber và trở thành nền tảng đặt xe hàng đầu tại Việt Nam, chiếm hơn 70% thị phần. Bên cạnh Grab, nền tảng Gojek của Indonesia (tiền thân là GoViet) và Be (của Tập đoàn Be, một doanh nghiệp của Việt Nam) gần như chiếm phần còn lại của thị trường gọi xe trực tuyến. Trong khi Grab và be Group đã cung cấp cả tùy chọn đặt xe ô tô và đặt xe mô tô, thì Gojek chỉ gần đây (tháng 11 năm 2021) mới bắt đầu giới thiệu dịch vụ đặt xe ô tô trong danh mục dịch vụ của mình. Ngoài việc cung cấp dịch vụ đặt xe ô tô dưới 9 chỗ và xe máy, các nền tảng này còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và giao đồ ăn, chẳng hạn như GrabExpress, GrabFood của Grab và GoSend, GoFood của Gojek. Ngoài ra, Grab và Be cũng đã hợp tác với các công ty công nghệ và ngân hàng để cung cấp các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử cho các người dùng trên nền tảng của mình (Statista, 2021).
1. Quy mô thị trường
Với dân số đông và tốc độ số hóa nhanh chóng, nền kinh tế Internet của Việt Nam đã tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Theo thống kê của WeAreSocial và Hootsuite, tháng 01 năm 2021, Việt Nam có 68.72 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) (WeAreSocial and Hootsuite, 2021). Việc truy cập internet và sử dụng các nền tảng thương mại điện tử thông qua các ứng dụng di động đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, sự xuất hiện và bùng nổ của đại dịch Covid-19 lại như một “cú huých” làm gia tăng số lượng người tiêu dùng số (digital consumers).
Theo Báo cáo Kinh tế điện tử khu vực SEA năm (e-Conomy SEA 2021) của Google, Temasek và Bain&Company, tại Việt Nam, người tiêu dùng dần đón nhận một nếp sống mới khi có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), với 55% trong số họ đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị (Google, Temasek, Bain&Company, 2022).
Mức độ duy trì giữ ở mức cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một thói quen với 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người đã từng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số trước đại dịch cũng đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83% (Google, Temasek, Bain&Company, 2022).
Nhìn chung, đa số các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ kinh doanh trực tuyến (GMV) của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ đô la Mỹ, tăng 31% so với năm trước. Sự gia tăng này về cơ bản là nhờ vào sức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử cho dù thị trường du lịch trực tuyến bị thu hẹp do các quy định hạn chế di chuyển. Dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29% (Google, Temasek, Bain&Company, 2022).
Cùng với lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ, du lịch trực tuyến, cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số (nội dung nghe, nhìn trực tuyến), lĩnh vực dịch vụ gọi xe và giao nhận đồ ăn trực tuyến đã đóng góp lớn vào tổng giá trị GMV của Việt Nam.
a. Quy mô thị trường trong tương quan với các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến khác
Theo số liệu của Google, Temasek và Bain&Company như Hình 9 dưới đây, có thể nhận thấy rằng, trong cơ cấu các ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam, thì thương mại điện tử bán lẻ và du lịch trực tuyến là hai lĩnh vực có giá trị đứng đầu trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong đại dịch đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể doanh thu du lịch trực tuyến (giảm tới 45%), thay vào đó, dịch vụ vận tải và giao nhận thực phẩm trực tuyến thông qua các nền tảng đã có sự phát triển vượt trội, đạt giá trị 2,4 tỷ đô la Mỹ năm 2021, tăng trưởng 35% so với năm 2020 và tăng hơn 2 lần so với năm 2019 (Google, Temasek, Bain&Company, 2022).
Trong năm 2021, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ của 04 ngành, lĩnh vực gồm thương mại điện tử bán lẻ, vận tải và giao nhận thực phẩm, du lịch trực tuyến và cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số đã đạt khoảng 20,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 98,6% trong tổng giá trị GMV 21 tỷ đô la Mỹ của Việt Nam. Trong đó, giá trị hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực vận tải và giao nhận thực phẩm trực tuyến chiếm khoảng 11,4%[1], đứng thứ ba về giá trị trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam, sau thương mại điện tử bán lẻ và nội dung nghe, nhìn trực tuyến.
Hình 1. Giá trị hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trực tuyến theo ngành, lĩnh vực
Dự kiến, lĩnh vực vận tải và thực phẩm sẽ đạt 5,7 tỷ đô la Mỹ và đóng góp khoảng 10% vào tổng giá trị GMV của Việt Nam năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 24% (Google, Temasek, Bain&Company, 2022).
Hình 3. Mức sẵn sàng chi tiêu của những khách hàng hài lòng theo ngành, lĩnh vực
Sự gia tăng mức độ hài lòng đối với hàng hóa, dịch vụ sẽ dẫn đến tăng mức độ sẵn sàng chi tiêu của khách hàng. Số liệu khảo sát người tiêu dùng khu vực SEA (gồm 06 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) của Google, Temasek và Bain&Company tại Báo cáo e-Conomy SEA 2021 cũng cho thấy, người tiêu dùng dịch vụ gọi xe trực tuyến có nhiều khả năng chi tiêu nhiều hơn nhất (tới 1,7 lần) so với các dịch vụ khác như bách hóa (1,3x), bán lẻ trực tuyến (1,2x), giải trí (1,2x) và giao nhận đồ ăn (1,4x) nếu họ được hài lòng với dịch vụ.
Các số liệu nêu trên cho thấy thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam không chỉ có quy mô lớn ở thời điểm hiện tại mà còn có triển vọng và dư địa phát triển lớn trong giai đoạn sắp tới, trong tương quan với các ngành, lĩnh vực kinh doanh trực tuyến khác.
b. Quy mô thị trường trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực
Báo cáo e-Conomy SEA được Google, Temasek và Bain&Company thực hiện hàng năm nhằm đánh giá sự tăng trưởng nền kinh tế số của 06 quốc gia phát triển nhất trong khu vực Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam (gọi chung là SEA).
Hình 4. Quy mô thị trường gọi xe trực tuyến và giao nhận đồ ăn trong khu vực SEA
Tổng hợp số liệu từ Báo cáo e-Conomy SEA 2021, với giá trị giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực vận tải và giao nhận đồ ăn ước đạt 2,4 tỷ đô la năm 2021, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Singapore, tăng trưởng 35% so với năm 2020, tương đương với mức tăng trưởng của 05 quốc gia khác trong SEA. Được dự đoán mức tăng trưởng kép 24%/năm trong giai đoạn 2021-2025, quy mô thị trường này của Việt Nam ước đạt 5,7 tỷ đô la Mỹ, giúp Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ ba trong khu vực vào năm 2025.
c. Quy mô thị trường trong tương quan với dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi
Hình 2. Doanh thu thị trường gọi xe và taxi tại Việt Nam giai đoạn 2017-2025
Theo số liệu của Statista, doanh thu thị trường gọi xe và taxi (ride-haling and taxi market[1]) tại Việt Nam tăng chậm từ năm 2017 đến 2019 từ 2.681 lên 3.126 triệu đô la Mỹ trước khi giảm xuống mốc 2.102 triệu đô la Mỹ vào năm 2020. Doanh thu giảm mạnh vào năm 2020 được giải thích là do tác động của dịch bệnh Covid-19 (Statista, 2021).
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội, để giữ chân khách hàng và duy trì hoạt động trong thời kỳ đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ vào năm 2021. Doanh thu của dịch vụ gọi xe và taxi tại Việt Nam đã hồi phục, đạt 3.115 triệu đô la Mỹ trong năm 2021 và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong các năm tiếp theo và dự đoán đạt khoảng 4.577 triệu đô la Mỹ vào năm 2025 (Statista, 2021).
Hình 3. Số lượng người dùng trên thị trường gọi xe và taxi tại Việt Nam giai đoạn 2017-2025
Đơn vị tính: triệu người
Số lượng người sử dụng dịch vụ gọi xe và taxi ở Việt Nam đã tăng lên, với 18,6 triệu người dùng vào năm 2017 và tăng trung bình khoảng 0,3 triệu người/năm, ước đạt 19,9 triệu người năm 2021 và dự kiến đạt 21 triệu người vào năm 2025 (Statista, 2021).
Hình 4. Doanh thu bình quân mỗi người dùng trên thị trường gọi xe và taxi tại Việt nam giai đoạn 2017-2025
Đơn vị tính: đô la Mỹ/người/năm
Trong đó, chi tiêu bình quân của mỗi người dùng trên thị trường gọi xe và taxi tại Việt Nam tăng chậm giai đoạn 2017-2019 trước khi giảm xuống trung bình 107,61 đô la Mỹ/người/năm do nhu cầu đi lại giảm xuống trong thời kỳ bùng nổ dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, doanh thu bình quân mỗi người dùng trên thị trường đã tăng lên 156,8 đô la Mỹ/người/năm và dự kiến tiếp tục tăng trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, ước đạt 218,21 đô la Mỹ/người/năm trong năm 2025 (Statista, 2021).
Hình 5. Thị trường gọi xe và taxi Việt Nam phân theo phương thức gọi xe giai đoạn 2017-2025
Theo số liệu của Statista, phần lớn doanh thu từ dịch vụ gọi xe và taxi của Việt Nam giai đoạn 2017-2025 đến từ phương thức gọi xe “ngoại tuyến” và có xu hướng chuyển dần từ “ngoại tuyến” sang “trực tuyến” (Statista, 2021).
Hình 6. Mức độ ưa sử dụng ứng dụng gọi xe ô tô trực tuyến theo khu vực năm 2021
Kết quả khảo sát năm 2021 của Q&Me cho thấy, tại TP. Hồ chí Minh và Hà Nội, phương thức gọi xe trực tuyến được ưa chuộng hơn so với phương thức đặt xe taxi truyền thống, với tỷ lệ 62% người trả lời khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh và 46% người trả lời khảo sát tại Hà Nội sử dụng ứng dụng gọi xe ô tô nhiều hơn so với sử dụng dịch vụ taxi truyền thống. Trong khi đó, ý kiến của người trả lời khảo sát đang sinh sống tại các khu vực khác ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lại cho kết quả ngược lại, với chỉ 21% người sử dụng ứng dụng gọi xe trực tuyến nhiều hơn và 30% vẫn giữ thói quen sử dụng taxi truyền thống nhiều hơn.
Hình 7. Mức độ ưa sử dụng ứng dụng gọi xe mô tô trực tuyến theo khu vực năm 2021
Mức độ ưa sử dụng ứng dụng gọi xe mô tô (xe hai bánh hay “xe ôm”) so với dịch vụ xe ôm truyền thống cũng gần tương tự như với ứng dụng xe ô tô, nhưng nhìn chung, tỷ lệ người ưa sử dụng ứng dụng gọi xe mô tô ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu vực khác đều cao hơn so với tỷ lệ người ưa sử dụng xe ôm truyền thống.
Doanh thu gọi xe theo phương thức ngoại tuyến (taxi truyền thống, gọi qua tổng đài, vẫy trực tiếp ngoài đường, bắt xe tại sảnh đón, bến xe, bến tàu, sân bay…) chiếm ưu thế trong tổng doanh thu gọi xe và taxi tại Việt Nam có thể được lý giải rằng các nền tảng gọi xe trực tuyến hiện nay xây dựng mạng lưới người dùng chủ yếu tại khu vực thành thị, đặc biệt là các thành phố lớn, trong khi độ phủ của taxi truyền thống có thể tới tận các vùng nông thôn, tỉnh lẻ với sự tham gia của nhiều hãng xe hơn.
2. Cấu trúc thị trường
Với quy mô thị trường đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và tiềm năng, dư địa phát triển lớn nhờ dân số đông và tỷ lệ truy cập Internet cao, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”, thu hút sự tham gia, đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chỉ trong một thời gian phát triển ngắn, nhưng thị trường đã chứng kiến sự gia nhập và góp mặt của hàng loạt các nền tảng từ những “kỳ lân” công nghệ thông tin trong khu vực châu Á như Grab (Singapore) và Gojek (Indonesia) cho đến những doanh nghiệp trong nước đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, như VATO (của Phương Trang), MyGo (của Vietel Post) hay những doanh nghiệp hoàn toàn mới như ứng dụng Be của Công ty Cổ phần Be Group, FastGo, Go-Ixe, Aber…
Tuy nhiên, “chiếc bánh” không phải được chia đều cho tất cả những ai tham gia thị trường. Hình 18 dưới đây giới thiệu một số nền tảng gọi xe trực tuyến phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
Hình 8. Một số nền tảng gọi xe trực tuyến phổ biến tại Việt Nam
Như đã trình bày tại mục 2.1 Chương I, cấu phần để tạo nên một nền tảng gọi xe trực tuyến không quá phức tạp, chỉ cần có: (i) ứng dụng cho lái xe (dành cho người lái xe để cung cấp dịch vụ và giao tiếp với khách hàng của họ); (ii) ứng dụng cho người đi xe (để người đi xe đặt, theo dõi hành trình của họ và lựa chọn loại phương tiện) và (iii) Hệ thống điều phối (một hệ thống kết nối lái xe và người đi xe thông qua điện thoại di động của họ). Đồng thời, quy trình gồm 06 bước để thực hiện việc đặt và cung ứng cuốc xe tương đối đơn giản. Do đó, công nghệ và số vốn ban đầu để có thể thiết kế và vận hành một nền tảng gọi xe trực tuyến không phải là rào cản lớn. Điều này cũng được minh chứng bởi sự gia nhập ồ ạt của rất nhiều ứng dụng gọi xe trong và ngoài nước thời gian qua.
Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một vài doanh nghiệp được nhắc đến như là đại diện của thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, điển hình như Grab, Gojek và Be.
Hình 9. Thị phần theo doanh thu trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam năm 2020
Nghiên cứu của ABI Research cho thấy vị thế dẫn đầu của Grab ngày càng được củng cố khi chiếm tới 74,6% thị phần về doanh thu vào năm 2020. Các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phủ kín màu áo xanh Grab (Vietnamnet, 2021).
Ứng dụng Be của doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam đứng thứ 2 trên thị trường với 12,4% thị phần, nhưng đang bị Gojek bám đuổi quyết liệt ở vị trí thứ ba và rút ngắn khoảng cách đáng kể với mức thị phần sát xao 12,3% (Vietnamnet, 2021).
Trên 99% thị phần trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến thuộc về 03 doanh nghiệp dẫn đầu, gồm Grab, Be và Gojek. Các doanh nghiệp khác trên thị trường chỉ chiếm tới chưa đến 1% thị phần còn lại của thị trường.
Để phân khúc thị trường gọi xe, các công ty nghiên cứu thị trường như Statista, Q&Me (thuộc Asia Plus), Mordor Intelligence, The Insight Partner… thường sử dụng các tiêu chí về loại dịch vụ, loại phương tiện hoặc về khu vực địa lý. Về loại dịch vụ, thị trường gọi xe thường được phân khúc thành: cho thuê xe ô tô (car rental); chia sẻ xe ô tô (car sharing); gọi xe trực tuyến (e-hailing); gọi xe tại trạm (station-based mobility) (The Insight Partners, 2022).
Trong phân khúc dịch vụ gọi xe trực tuyến có thể phân chia theo loại phương tiện, theo đó bao gồm:
- Dịch vụ gọi xe bốn bánh (xe ô tô);
- Dịch vụ gọi xe ba bánh;
- Dịch vụ gọi xe hai bánh (xe mô tô/xe máy).
Tại Việt Nam, các nền tảng gọi xe trực tuyến hầu hết khai thác mảng dịch vụ gọi xe ô tô và gọi xe mô tô (xe máy). Cấu trúc các phân khúc thị trường này được trình bày chi tiết dưới đây.
a. Dịch vụ gọi xe ô tô
Hình 10. Ứng dụng gọi xe ô tô phổ biến tại Việt Nam năm 2021
Theo kết quả khảo sát của Q&Me đối với 890 người có độ tuổi từ 16 trở lên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số khu vực khác được tiến hành vào tháng 5 năm 2021, Grab là nền tảng gọi xe ô tô phổ biến nhất tại Việt Nam với 66% số người được khảo sát thường sử dụng. Be đứng thứ 2 với tỷ lệ 22%.
Gojek không có trong bảng xếp hạng này vì tại thời điểm khảo sát, Gojek chưa cung cấp dịch vụ gọi xe ô tô. Tháng 8 năm 2021, Gojek mới bắt đầu cho ra mắt dịch vụ gọi xe bốn bánh với dòng sản phẩm mở màn là GoCar Protect[1], sau đó là GoCar XL.
Các nền tảng khác như FastGo, MyGo và VATO cũng được người đi xe biết đến và sử dụng nhưng với tỷ lệ khá khiêm tốn, chỉ từ 4% đến 8% số người được khảo sát lựa chọn.
Hình 11. Phương thức gọi xe ô tô được người dùng tại Việt Nam ưa sử dụng năm 2021
Khảo sát năm 2021 của Q&Me cho thấy, có tới 49% người dùng ưa chuộng gọi xe ô tô theo phương thức trực tuyến thông qua các ứng dụng di động. 28% người dùng sử dụng song song cả hai phương thức gọi xe trực tuyến và đặt xe taxi truyền thống. Điều đó cho thấy, taxi truyền thống vẫn luôn được coi là giải pháp thay thế cho dịch vụ gọi xe ô tô trên ứng dụng.
Việc dễ dàng đặt cuốc xe là lý do hàng đầu được 68% số người ưa chuộng sử dụng nền tảng gọi xe trực tuyến đưa ra. Các lý do phổ biến khác để họ ưu tiên lựa chọn đặt xe qua nền tảng trực tuyến thay vì đặt taxi truyền thống là do nền tảng gọi xe ô tô trực tuyến đã cung cấp cho họ thông tin về cơ cấu giá rõ ràng (55% người lựa chọn) và đưa ra mức phí tốt hơn (52% người lựa chọn).
b. Dịch vụ gọi xe mô tô
Hình 12. Ứng dụng gọi xe mô-tô phổ biến tại Việt Nam năm 2021
Tương tự như dịch vụ gọi xe ô tô, đối với phân khúc gọi xe mô tô, Grab vẫn duy trì vị trí dẫn đầu khi là nền tảng gọi xe hai bánh phổ biến nhất, được 60% số người khảo sát lựa chọn. Trong khi đó, hai nền tảng Gojek và Be bám đuổi sát xao nhau với tỷ lệ lần lượt là 19% và 18% số người sử dụng. Các ứng dụng đặt xe mô tô khác như MyGo, FastGo và VATO được ít người biết và lựa chọn sử dụng, với tỷ lệ phổ biến chỉ ở mức 2% đến 4%.
Hình 13. Phương thức gọi xe mô tô được người dùng tại Việt Nam ưa sử dụng năm 2021
Kết quả khảo sát của Q&Me năm 2021 cho thấy, 48% người được khảo sát ưa chuộng gọi xe mô tô theo phương thức trực tuyến trong khi chỉ có 13% người sử dụng xe ôm truyền thống nhiều hơn. Lý do nền tảng gọi xe mô tô trực tuyến được ưa chuộng hơn là vì dễ dàng gọi xe qua ứng dụng (59% người lựa chọn), cơ cấu giá rõ ràng (56%), mức giá tốt hơn (54%) và dễ dàng bắt được xe hơn mà không phải chờ đợi lâu (48%).
Xét cả về doanh thu và mức độ phổ biến dựa trên khảo sát ý kiến người dùng, ba nền tảng gọi xe trực tuyến lớn và phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay gồm Grab, Be và Gojek đang chiếm thị phần lớn và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Về lý thuyết cạnh tranh, khi chỉ số CR3 (mức độ tập trung thị trường – concentration ratio), tức tổng thị phần của 03 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường đạt trên 70% thì thị trường được coi là chỉ báo về cấu trúc thị trường độc quyền nhóm với mức độ tập trung cao.
Tuy nhiên, đối với một thị trường có yếu tố công nghệ thông tin và đặc tính phát triển, thay đổi nhanh chóng như nền tảng gọi xe trực tuyến thì doanh thu, thị phần chưa phải là chỉ báo duy nhất và đáng tin cậy về sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp hiện hữu trên thị trường. Chỉ cần một yếu tố mang tính sáng tạo, độc đáo và mới lạ trong chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp mới cũng có thể làm thay đổi cấu trúc và cục diện của thị trường như cách mà nền tảng gọi xe trực tuyến đã từng xuất hiện và làm thay đổi diện mạo của ngành vận tải. Để xem xét một cách tổng thể và toàn diện, cơ quan cạnh tranh cần phân tích, đánh giá các rào cản gia nhập và mở rộng thị trường, thực tiễn và xu hướng phát triển, cạnh tranh trên thị trường.