1. Lịch sử phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là ngành sinh sau đẻ muộn, ra đời sau các nước trong khu vực từ 40-50 năm và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Quá trình đó có thể chia thành các thời kỳ sau:
1.1. Thời kỳ trước năm 1975
Trước năm 1954, xe ô tô sử dụng ở Việt Nam hoàn toàn là xe của nước ngoài được nhập khẩu từ Pháp. Phụ tùng cũng được nhập khẩu 100%. Việt Nam chỉ làm một số chi tiết đơn giản như bulong, ecu,… để phục vụ việc sửa chữa. Đến năm 1950, sau khi thông qua biên giới với các nước xã hội chủ nghĩa, nước ta nhận được viện trợ một số xe dùng để vận chuyển người và quân khí. Sau ngày giải phóng, ta xây dựng một số nhà máy cơ khí và chính phủ có chính sách thúc đẩy việc sản xuất phụ tùng ô tô, chủ yếu là dùng cho các loại xe viện trợ. Sau đó, Ban Cơ khí Chính phủ được thành lập và đã xác định chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, tiến hành chuyên môn hóa từng nhà máy trong việc sản xuất phụ tùng dùng cho từng mác xe và tiến tới làm toàn bộ chi tiết để lắp ráp xe hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, ngày 2 tháng 9 năm 1960, hai chiếc xe đầu tiên lắp ráp tại Việt Nam đã ra đời, tham gia diễu hành trên Quảng trường Ba Đình. Sau hai xe này, nước ta không sản xuất thêm nữa vì chất lượng xe có nhiều hạn chế.
1.2. Thời kỳ từ năm 1975 đến 1991
Thời kỳ này, tính chất kế hoạch mất dần tác dụng, sự bao cấp đầu vào, đầu ra cho các nhà máy ô tô không còn như trước, nhu cầu về phụ tùng cũng hạn chế, thiết bị máy móc, kỹ thuật lỗi thời, lạc hậu, không đảm bảo chất lượng sản phẩm nên các nhà máy đứng trước nguy cơ đóng cửa. Từ năm 1986, ta bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, làm bạn với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. Lúc này, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy những điểm yếu về vốn, công nghệ và con người của ngành trong khi nền kinh tế lại cần nhiều chủng loại xe để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, song song với việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, ta ban hành một loạt các chính sách về ưu đãi đầu tư, giúp cho thị trường ô tô trong nước sôi động hơn, tạo tiền đề cho việc thành lập các liên doanh lắp ráp ô tô.
1.3. Từ năm 1991 đến nay
Với mục tiêu thu hút đầu tư và xây dựng một ngành công nghiệp ô tô tương xứng với các nước trong khu vực, Việt Nam coi đây là ngành trọng điểm, luôn được ưu đãi nhất trong số các ngành công nghiệp. Sự ưu ái này thể hiện qua những chính sách thuế quan của Bộ Tài chính, chính sách thuế ưu đãi về tỷ lệ nội địa hóa, thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, có quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, điều 7b, Nghị định số 57 của Chính phủ, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được áp dụng từ ngày 10/7. Như vậy, từ 10/7, thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện để lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ chính thức giảm về mức 0%.
Với những chính sách ưu đãi trên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 3 năm trở lại đây. các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 2018 đến nay như sau: Năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe; Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 và Năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892. (Ghi chú: số liệu bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã được chứng nhận). Tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.
Tuy nhiên, dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, giá xe sản xuất trong nước vẫn cao gấp 2-3 lần so với nhiều nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đưa nhận định: giá ô tô Việt Nam cao gấp hơn gần 2 lần so với các nước như Thái Lan, Indonesia và con số này còn lớn hơn, nếu so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản… Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe trong nước tăng cao là do thuế, phí cao, trong khi sản lượng tích lũy thấp. Với dân số trên 96 triệu người, trong khi cả nước chỉ có hơn 3 triệu ô tô các loại. Nếu chỉ tính xe cá nhân chiếm 55% tổng số ô tô thì con số này còn thấp hơn nữa, mới chỉ khoảng 2% dân số có ô tô riêng. GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2019 mới chỉ đạt 2.740 USD/người/năm, trong khi giá xe ô tô lại cao gấp 2-3 lần thế giới, vì vậy sở hữu ô tô là chuyện rất xa xỉ với nhiều người.
Một khía cạnh khác chi phối giá xe xuất xưởng là mức nội địa hóa linh kiện. Tỷ lệ nội địa hóa xe con sản xuất tại Việt Nam hiện chỉ đạt 7-10%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và dưới con số trung bình của ASEAN (55-60%) và chỉ dừng lại ở các công đoạn giản đơn trong quy trình sản xuất và lắp ráp. Theo báo cáo của Bộ Công thương, ngành xe nói chung hiện chỉ tự làm được các thành phần như săm, lốp, ghế ngồi, bộ dây điện… có hàm lượng công nghệ thấp.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn ô tô hoá trong thời gian tới. Theo nhận định của Bộ Công thương, với sự phát triển của kinh tế, thu nhập đầu người ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông ngày một phát triển và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng…, giai đoạn ô tô hóa chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong khoảng từ năm 2020 – 2025, trung bình có trên 50 xe/1000 dân, GDP/người lớn hơn 3000 USD. Bộ Công thương cũng dự báo, đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800 – 900 nghìn xe/năm. Trong đó, dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh (chiếm 70% thị trường). Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần. Đến năm 2030, Việt Nam có thể đạt mức 1.5 – 1.8 triệu xe/năm.
2. Vai trò của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
2.1. Tạo tác động lan tỏa trong các ngành công nghiệp, tham gia vào việc thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, Việt Nam đã luôn duy trì được sự tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng, khoảng 6-7%/năm. Công nghiệp đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội cả nước. Một trong số các yếu tố chính của sự thành công đó là đã thu hút đầu tư nước ngoài FDI hoặc cơ hội kinh doanh gia công, tập trung ở các ngành đòi hỏi nhiều lao động, như dệt may, da giày… do giá nhân công thấp. Tuy nhiên hiện nay và trong tương lai, lợi thế cạnh tranh do giá lao động chi phí thấp đang giảm dần. Nếu không có kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, rất có khả năng sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, Việt Nam cần phải cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia về chất, thông qua việc tăng hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm, nâng cao hàm lượng lao động có tay nghề, tăng nội địa hóa ở các ngành công nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy tác động lan tỏa của ngành công nghiệp ô tô đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Ví dụ tại Thái Lan, riêng 16 nhà sản xuất ô tô đã kéo theo sự phát triển và tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 doanh nghiệp hỗ trợ ở nhiều ngành nghề và công đoạn chế tạo khác nhau. Số các doanh nghiệp ở Nhật Bản hỗ trợ cho việc lắp ráp ô tô vào khoảng 30.000. Có thể nói, ngành công nghiệp ô tô là ngành dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và vì vậy, cũng là ngành có ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp và của nền kinh tế nói chung ở mọi quốc gia.
2.2. Đáp ứng nhu cầu bùng nổ sử dụng ô tô trong giai đoạn phổ cập xe hơi
Sản phẩm ô tô sẽ ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" (ô tô hóa) khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân. Hiểu theo nghĩa rộng, motorization là quá trình ô tô trở nên phổ biến và trở thành phương tiện thiết yếu của người dân khi thu nhập được nâng cao. Hiểu theo nghĩa hẹp, đó là thời kỳ bùng nổ nhu cầu sở hữu và sử dụng dòng xe du lịch dưới 9 chỗ. Đây cũng là xu hướng của hầu hết các nước trên thế giới.
Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe.
Để được hưởng lợi từ xu thế motorization tất yếu nói trên, Việt Nam cần phải nâng cao thị phần của xe sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao. Hay nói một cách khác, nếu không có ngành công nghiệp ô tô trong nước thì về lâu dài, Nhà nước cần giải bài toán cân bằng ngoại tệ để đảm bảo lượng ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu ô tô và phụ tùng thay thế trong tương lai.
2.3. Góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, chuyển giao công nghệ, củng cố an ninh, quốc phòng
Đóng góp của công nghiệp ô tô cho sự phát triển của cả ngành công nghiệp, cho nền kinh tế và xã hội là những thực tế hiển nhiên được thừa nhận ở hầu hết các quốc gia có công nghiệp ô tô phát triển. Ngành công nghiệp ô tô phát triển tạo ra cơ hội thu hút nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến cũng như kinh nghiệm kinh doanh và quản lý hiện đại từ các quốc gia công nghiệp phát triển, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với trình độ tay nghề cao.
Tại Việt Nam, tuy công nghiệp ô tô mới đang ở giai đoạn đầu, nhưng cũng đã có những đóng góp có ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cụ thể, công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đã đóng góp cho ngân sách hàng tỷ USD thông qua các loại thuế và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, cũng cần nói đến thuế và việc làm do hệ thống đại lý và các nhà cung cấp của các doanh nghiệp sản xuất ô tô mang lại.
Sự thành công của ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam cũng tạo ra cơ hội chuyển giao các công nghệ đa dạng, liên quan đến công nghiệp ô tô (công nghệ chế tạo cơ khí, công nghệ tin học tự động hóa, công nghệ vật liệu, kỹ năng quản lý và tối ưu hóa sản xuất, v.v.). Mặt khác, chỉ có ngành công nghiệp ô tô mới có thể đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa các phương tiện vận tải phục vụ cho an ninh, quốc phòng với số lượng khá lớn và đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.
3. Cơ hội
Tại Tọa đàm về “Chính sách thuế và vai trò của Hải quan trong thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam”, các chuyên gia đã thảo luận về các vấn đề liên quan ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như chính sách thuế, ngành công nghiệp hỗ trợ… Cụ thể, trong những năm gần đây, thị trường ô tô nói chung và đặc biệt là phân khúc ô tô du lịch nói riêng đang có sự tăng trưởng vượt bậc tương ứng với thời kỳ “ô tô hóa” (Motorization) đang cận kề khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu, chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng lớn.
Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1000 dân đạt 50 xe. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự báo tới năm 2025, thị trường sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm.
4. Thách thức
Theo Bộ Công Thương, hiện tại quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.
Ngoài ra, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong những năm qua vẫn chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Đồng thời, hệ thống giao thông yếu kém, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu sử dụng ô tô của người dân, làm cho cầu về ô tô của nền kinh tế chưa lớn.
Hiện nay, việc chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia khu vực ASEAN từ 10-20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, trong bối cảnh nhiều hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ và một số mức thuế quan trọng đã về 0%. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi đầu ra bị thu hẹp. Do đó, các doanh nghiệp sẽ tăng cường nhập khẩu CBU và các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0% dẫn đến các nhà cung cấp linh kiện trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, tỷ lệ nội địa hóa 40% cũng khó đạt được.
Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 là khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 là khoảng 1,5-1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì toàn bộ thị trường xe con sẽ là xe nhập khẩu; 50% thị trường xe khách và xe tải là xe nhập khẩu, còn lại 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD. Như vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không được phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô.