BVNTD

Hoạt động kiểm soát mua bán, sáp nhập tại Liên Minh Châu Âu (P1)

22/05/2024

1. Những luận cứ cơ bản của việc kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế

Lịch sử của pháp luật cạnh tranh đã cho thấy, pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế không được hình thành ngay từ thời kỳ đầu của thị trường. Phải đến khi thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển tới mức độ của tư bản độc quyền, các nhà kinh tế học mới phát tín hiệu cho công quyền để cảnh báo về những ảnh hưởng của hiện tượng tập trung kinh tế đến diện mạo cạnh tranh của nền kinh tế. Trong điều kiện của Việt nam, có lẽ, sự sơ khai của thị trường luôn làm cho doanh nhân và nhà nước chưa có đủ điều kiện để nhận thức một cách hệ thống và tòan diện về các vấn đề của thị trường hiện đại. Mặt khác, với những quốc gia đang phát triển thì sự xung đột giữa nhu cầu phát triển năng lực kinh doanh và khả năng kiểm sóat thị trường đã gây ra những lúng túng tất yếu trong việc họach định chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường. Vì lẽ đó, những luận cứ cho việc kiểm sóat tập trung kinh tế cần phải được xác định để nhà nước có thể xác định giới hạn điều tiết của mình vào các hiện tượng tập trung kinh tế. Theo đó, việc kiểm soát tập trung kinh tế được xác định từ những luận cứ cơ bản sau:

* Luận cứ thứ nhất. Cơ sở kinh tế – pháp lý của tập trung kinh tế.

Lịch sử phát triển của kinh tế thị trường cho thấy, cho dù ở thời kỳ đầu, hiện tượng sáp nhập, hợp nhất, mua lại đã được các doanh nghiệp sử dụng cho những mục đích khác nhau, song cho đến nay, chúng vẫn còn nguyên ý nghĩa là công cụ để cơ cấu, tổ chức lại kinh doanh. Trong các giai đọan của thị trường, tập trung kinh tế luôn xuất hiện từ những cơ sở kinh tế cơ bản sau:

Một là. Do sức ép của cạnh tranh trong đời sống kinh doanh. Sự thịnh vượng của thị trường luôn đồng hành với tính khốc liệt của cạnh tranh. Trong cuộc cạnh tranh, các doanh nghiệp có trong tay nhiều phương tiện (nguồn lực) kinh tế sẽ ở vào vị trí có lợi hơn so với các đối thủ còn lại. Để đạt được điều đó, có hai mức độ tập trung có thể xảy ra là (i) các nhà kinh doanh tìm mọi cách với thời gian ngắn nhất để có được vị trí cạnh tranh tối ưu trên thị trường; và (ii) các doanh nghiệp đang yếu thế cần tập hợp thành liên minh hoặc đơn vị to lớn nhằm tìm kiếm cơ hội tồn tại trước đối thủ lớn hơn đang chèn ép họ. Cả hai trường hợp nói trên đều dẫn đến kết quả là các doanh nghiệp đang từ đối đầu trở thành những đơn vị liên kết và không còn cạnh tranh với nhau nữa. Thành ra, sự tập trung kinh tế bắt nguồn ở cạnh tranh nhưng kết quả của nó lại là tiêu diệt cạnh tranh.

Hai là. Do sức ép của các cuộc khủng hỏang kinh tế. Lịch sử đã chứng minh rằng, mỗi khi thị trường xảy ra khủng hoảng thì một trong những giải pháp hiệu qủa mà các doanh nghiệp thường sử dụng là tập trung lại để nương tựa vào nhau hòng tìm kiếm cơ hội tồn tại[1]. Thậm chí, trong các cuộc khủng hoảng đơn lẻ xảy ra trong phạm vi một doanh nghiệp hoặc một ngành nghề kinh doanh nhất định làm cho một vài doanh nghiệp gặp khó khăn đến mức lâm vào tình trạng phá sản thì các biện pháp tập trung kinh tế được đặt ra để giải quyết hòng tránh các hậu quả cho đời sống kinh tế xã hội.

Ba là. Do nhu cầu phát triển năng lực kinh doanh của thị trường. Sự xuất hiện những ngành nghề kinh doanh mới và nhu cầu đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật là tiền đề cho sự hợp tác trong giữa các doanh nghiệp. Nhất là, trong những ngành nghề tồn tại các rào cản cho sự gia nhập, đặc biệt đối với rào cản về vốn. Tức là để có thể tham gia kinh doanh và thu được lợi nhuận thì nhà đầu tư cần có số vốn đáng kể trong khi mỗi doanh nhân hiện đang có nhu cầu tham gia không thể đáp ứng; Ngoài ra, thực tế phát triển thị trường nảy sinh nhiều nhu cầu nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ – kỹ thuật vượt quá năng lực của một doanh nghiệp. Khi đó, sự liên kết là giải pháp duy nhất để giúp các doanh nhân vượt qua được rào cản hoặc đáp ứng các nhu cầu đầu tư và phát triển nói trên. Một trong những phương cách liên kết là tập trung các nguồn lực giữa các doanh nghiệp bằng các cách thức sáp nhập, hợp nhất, liên doanh….

Dưới góc độ pháp lý, tập trung kinh tế được các doanh nghiệp thực hiện dựa trên những nguyên tắc căn bản mà pháp luật đã thừa nhận, đó là:

Thứ nhất. Quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp và các văn bản pháp luật thừa nhận đã tạo ra chủ quyền cho doanh nghiệp trước nhà nước và pháp luật. Chủ quyền của doanh nghiệp được thể hiện cơ bản ở hai nội dung: (i) Doanh nghiệp có quyền định đoạt các vấn đề phát sinh trong nội bộ như quy mô kinh doanh, ngành nghề, kế họach và phương hướng kinh doanh, lao động…; (ii) Doanh nghiệp có quyền tự do liên kết trong kinh doanh, theo đó, quyền tự do khế ước bao gồm sự tự chủ trong việc liên kết đầu tư để mua doanh nghiệp khác hoặc liên minh góp vốn thành lập các chủ thể kinh doanh mới.

Thứ hai. Pháp luật về doanh nghiệp của tất cả các quốc gia đều đã trao doanh nhân (trong đó có các doanh nghiệp) quyền được thay đổi quy mô theo nhu cầu kinh doanh. Trên cơ sở đó, các biện pháp tổ chức lại như sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức kinh doanh… được ghi nhận như là các biện pháp căn bản để doanh nhân năng động thích ứng với các biến động thị trường, phù hợp với năng lực kinh doanh của mình.

* Luận cứ thứ hai. Tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường.

Tập trung kinh tế với tư cách là một hiện tượng đã từng được coi là trào lưu trong lịch sử phát triển thị trường và có những tác động đáng kể đến đời sống kinh tế. Điều đó được nhìn nhận dưới hai góc độ rộng hẹp khác nhau.

Một là. Dưới góc độ lợi ích của các doanh nghiệp tham gia. Dựa vào những cơ sở kinh tế thúc giục các doanh nghiệp tiến hành việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh lại với nhau, có thể phân tích các tác động của tập trung kinh tế bằng những luận cứ sau:

Thứ nhất. Tập trung kinh tế được coi là con đường ngắn nhất để giải quyết nhu cầu tích tụ các nguồn lực thị trường của các nhà kinh doanh nhằm nâng cao năng lực kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Bằng phương cách tích tụ hoặc liên minh các nguồn lực đang được từng doanh nghiệp nắm giữ riêng lẻ thành một khối thống nhất hoặc do một tập đoàn quản lý chung, tập trung kinh tế đã tạo ra khả năng đầu tư lớn hơn với sức mạnh tổng hợp để giải quyết nhiều vấn đề được đặt ra từ thị trường mà mỗi doanh nghiệp tồn tại một mình khó có thể thực hiện triệt để. Có thể kể đến (i) tập trung vốn để nâng cao khả năng đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường; (ii) tập trung khả năng về chất xám để đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao công nghệ quản lý… Vì vậy, các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh… được các lý thuyết kinh tế coi là cách thức không tốn kém nhiều thời gian để hình thành nên quyền lực thị trường.

Thứ hai. Tập trung kinh tế tạo ra khả năng hợp tác sâu sắc trong kinh doanh. Thông qua các hành vi mua lại, liên doanh, các doanh nghiệp tham gia hình thành nên các liên minh kinh doanh hoặc các nhóm doanh nghiệp có mối quan hệ sở hữu hoặc đầu tư với nhau cho dù dưới góc độ pháp lý chúng vẫn là những chủ thể có tư cách độc lập. Các lý thuyết kinh tế về nhóm công ty đã chỉ rõ khả năng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau của nhóm công ty hay tập đoàn kinh tế. Theo đó, sự tồn tại của nhóm kinh doanh tạo ra các hình thức hợp tác kinh doanh khép kín nếu như sự tập trung diễn ra theo chiều dọc (giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành kinh tế – kỹ thuật nhưng ở những công đọan khác nhau của quá trình kinh doanh); hoặc hỗ trợ trong quản lý, thực hiện chiến lược mở rộng, phát triển thị trường; hoặc hợp tác chia sẻ rủi ro khi thị trường có những biến động lớn hòng tìm kiếm cơ hội vượt qua các cuộc khủng hoảng.

Thứ ba. Khi tập trung kinh tế diễn ra giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và ở cùng một công đoạn của quá trình kinh doanh (cùng thị trường liên quan), kết quả sẽ luôn là giữa chúng không còn tồn tại cạnh tranh. Vì vậy, kinh tế học chưa cần phải khẳng định về khả năng các hành vi tập trung kinh tế làm hại đến vị trí cạnh tranh của những doanh nghiệp không tham gia, mà chỉ cần bình luận về khả năng hủy diệt cạnh tranh trong quan hệ nội bộ của những chủ thể tham gia với nhau. Theo đó, từ vai trò là đối thủ cạnh tranh của nhau, các doanh nghiệp tham gia vào việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh đã không còn cơ hội cạnh tranh với nhau bởi sau khi sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp đã hóa thân để hình thành một chủ thể duy nhất; hoặc tạo ra mối quan hệ một nhà bằng hành vi mua lại hoặc liên doanh.

Thứ tư. Tập trung kinh tế có thể là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Quá trình kinh doanh của doanh nhân luôn chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như những biến động của thị trường, nhu cầu kinh doanh thay đổi, sự hình thành các rào cản trên thị trường…. Sự tác động có thể tạo ra cho doanh nghiệp nhiều khó khăn và thuận lợi trong kinh doanh mà từ đó họ cần phải thực hiện các chiến lược cơ cấu lại bản thân cho phù hợp với những thay đổi từ thị trường nhằm đảm bảo tính hiệu quả của họat động kinh doanh. Thực tế đã chứng minh rằng, các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp hoặc liên doanh thường được sử dụng trong những tình huống nói trên.

Hai là. Dưới góc độ của thị trường cạnh tranh. Tập trung kinh tế tạo ra nhiều thay đổi trong cơ cấu và tương quan cạnh tranh trên thị trường, cụ thể là:

(1) Tập trung kinh tế làm thay đổi số lượng doanh nghiệp hiện có trên thị trường. Sự sáp nhập hoặc hợp nhất giữa các doanh nghiệp đã làm cho các doanh nghiệp bị sáp nhập hoặc hợp nhất chấm dứt tồn tại để chuyển giao toàn bộ năng lực kinh doanh cho một chủ thể duy nhất. Khi đó, cơ cấu cạnh tranh vốn có trên thị trường sẽ thay đổi về mặt cấu trúc – số lượng doanh nghiệp. Sự thay đổi trên có thể tác động đến thị trường theo những xu hướng sau: (i) các nguồn lực thị trường sẽ được sử dụng tập trung và hiệu quả hơn, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ của quá trình kinh doanh. Đương nhiên, khi ấy hiệu quả chung cho xã hội cũng sẽ lớn hơn; (ii) hình thái thị trường cạnh tranh có thể sẽ thay đổi và chuyển sang mô mình độc quyền nhóm hoặc hình thành các doanh nghiệp có quyền lực thị trường. Sự thay đổi số lượng doanh nghiệp theo phương thức tập trung vốn, thị trường hoặc các nguồn lực kinh tế khác sẽ làm thay đổi cấu trúc doanh nghiệp trên thị trường và hình thành nên những doanh nghiệp đủ lớn để chi phối các yếu tố của quan hệ thị trường.

(2) Tập trung kinh tế làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên thị trường. Sự tích tụ hoặc liên minh các nguồn lực kinh tế giữa các doanh nghiệp thông qua các biện pháp tập trung kinh tế đã đột ngột làm xuất hiện một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh là tổng năng lực cạnh tranh của tất cả doanh nghiệp tham gia. Về căn bản, tập trung kinh tế sẽ không trực tiếp làm giảm vị trí cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp không tham gia, song chúng lại làm thay đổi quan hệ cạnh tranh giữa họ với doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế so với trước đó. Sự xuất hiện đột ngột một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp có quan hệ sở hữu với nhau đã làm cho tương quan, mức độ và thái độ cạnh tranh trên thị trường thay đổi so với trước khi có hiện tượng tập trung xảy ra.

(3) Các lý thuyết về thị trường đôi khi coi sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh như là các biện pháp cơ cấu lại thị trường và chúng có những tác dụng tích cực đối với sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra. Những luận điểm được đưa ra để chứng minh về vai trò cơ cấu lại thị trường của tập trung kinh tế là (i) các biện pháp sáp nhập, hợp nhất mua lại doanh nghiệp góp phần cơ cấu lại các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả song không làm giảm đi giá trị đầu tư của thị trường. Trong pháp luật kinh doanh, các chế định về giải thể và phá sản doanh nghiệp được coi như những phương thức giải quyết số phận của các doanh nghiệp gặp khó khăn và kinh doanh kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng triệt để hai biện pháp nói trên có thể gây ra hậu quả là sau khi các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản chấm dứt tồn tại thì các giá trị đầu tư của họ sẽ chỉ được dùng để giải quyết trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp và trả lại cho các chủ đầu tư. Khi đó, giá trị đầu tư chung trên thị trường liên quan sẽ giảm đi tương ứng. Trong khi đó, sự sáp nhập, mua lại, hợp nhất có thể diễn ra với vai trò của quá trình điều phối các nguồn lực kinh tế từ những người sử dụng kém hiệu quả để tập trung vào doanh nghiệp có khả năng sử dụng tốt hơn. Khi đó, số lượng doanh nghiệp có thể giảm đi song giá trị đầu tư của thị trường không giảm sút. (ii) Sự manh mún của quy mô đầu tư có thể sẽ làm cho thị trường kém phát triển, lúc đó, tập trung kinh tế lại được coi như giải pháp cho việc cơ cấu lại quy mô kinh doanh trên thị trường. (iii) Trong điều kiện của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc phải đương đầu với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia có tiền lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh lâu đời sẽ là thách thức khá lớn mà các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế thị trường chuyển đổi. Nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia là đòi hỏi tất yếu khi tham gia vào thị trường khu vực và thế giới. Một trong những biện pháp mà nhiều nước (trong đó có cả các nước phát triển) sử dụng là tập trung các nguồn lực kinh tế để hình thành nên các tập đoàn hoặc liên minh có sức mạnh về tài chính, kỹ thuật, công nghệ.

Từ những phân tích về luận cứ cho việc tập trung kinh tế cũng như tác động của chúng đối với thị trường, có thể đưa ra một vài đánh giá sau:

Một là. Việc thực hiện các hành vi tập trung kinh tế là quyền doanh nghiệp. Dưới góc độ kinh tế, các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, liên doanh hay mua lại xuất phát và phụng sự cho nhu cầu kinh doanh của doanh nhân cho nên chúng thuộc phạm vi của quyền tự do kinh doanh mà pháp luật đã thừa nhận và bảo hộ. Vì lẽ ấy, Luật cạnh tranh của các quốc gia đã yêu mến cạnh tranh đều không có chủ đích lọai bỏ các hành vi tập trung kinh tế ra khỏi sinh họat của thị trường.

Hai là. Tập trung kinh tế là sự tập hợp các nguồn lực kinh tế bằng hành vi sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh mà không phải là quá trình tích tụ tư bản thông thường. Nói cách khác, thông qua tập trung kinh tế, các doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh song không phải từ hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp. Do đó, thực tế đã cho thấy, các biện pháp tập trung kinh tế đôi khi được sử dụng để hình thành nên các thế lực thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền.

Ba là. Ở chừng mực nào đó, tập trung kinh tế đem lại cho thị trường hiệu quả nhất định cho dù chúng có thể tạo ra các doanh nghiệp có khả năng chi phối thị trường. Do đó, kinh tế học đã khuyến cáo rằng khi kiểm soát các vụ việc về tập trung kinh tế, nhà nước và pháp luật nhất thiết phải cân nhắc về tính hiệu quả của từng vụ việc cụ thể.

Từ những luận cứ cơ bản trên, kiểm soát kinh tế đã được coi là một trong những nhiệm vụ cơ bản của pháp luật cạnh tranh hiện đại. Tất cả các quốc gia đang phát triển thị trường đều đặt ra cơ chế phối hợp giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật về doanh nghiệp để kiểm sóat việc tập trung kinh tế. Theo đó, pháp luật về doanh nghiệp sẽ thừa nhận quyền được tập trung kinh tế của doanh nhân, quy định về thủ tục pháp lý để họ thực hiện các họat động sáp nhập, hợp nhất, mua lại và góp vốn để đảm bảo trật tự pháp lý trong kinh doanh. Pháp luật cạnh tranh kiểm soát các hiện tượng tập trung kinh tế có khả năng đe dọa đến trật tự cạnh tranh của thị trường bằng hai cơ chế, là: (1) Cấm đóan các trường hợp tập trung kinh tế làm tổn hại đến tình trạng cạnh tranh; (2) Kiểm sóat các trường hợp có khả năng tổn hại đến cạnh tranh.

         

 

[1] Vũ Quốc Thúc, Kinh tế học tập 3, Sài gòn 1963-1964, tr 100.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ