Theo cách của người phương Đông. Đạo đức – chữ ĐỨC, và xem xét nó trong sự so sánh với chữ TÀI chữ NHÂN chữ TÂM.
ĐỨC là gì? ĐỨC chính là phẩm chất, nhân cách tốt của con người; là tấm lòng nhân hậu tốt đẹp trong quan hệ ứng xử giữa người với người. Theo nghĩa cổ ĐỨC là sự chân thành, trung thực, không giả dối, bao dung và nhân hậu.
TÀI là gì? TÀI chính là khả năng thực hiện công việc có hiệu quả, có sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, khả năng ấy như sức trỗi dậy của cây non.
TÀI và ĐỨC là hai tiêu chí quan trọng của con người trong xã hội; Tài thể hiện khả năng lao động, Đức thể hiện phẩm chất; hai cái đó không thể thiếu được trong một con người.
Giữa Tài và Đức, người xưa thường coi trọng Đức hơn. “tài thì kém đức một vài phân” (Nguyễn Trãi) bởi nếu hữu Tài vô Đức thì chẳng biết đem cái Tài ấy phục vụ cho ai, phục vụ như thế nào; có khi còn có hại nếu cái Tài ấy phục vụ cho cái phi nghĩa.
NHÂN là gì? NHÂN là người, người có Nhân là người biết trân quý, yêu thương, coi trọng con người. Nhân là cốt lõi của Đức.
Từ chữ NHÂN đơn lẻ, người ta phát triển thành những từ kép dùng để chỉ khái niệm ấy như: Nhân nghĩa (yêu thương coi trọng lẽ phải), Nhân ái (hiền lành và yêu thương), Nhân từ (hiền lành và thương xót lẫn nhau).
Chữ NHÂN, lòng NHÂN vốn là truyền thống của dân tộc Việt. “Mở cửa Nhân chờ khách đến Trồng cây Đức để con ăn”
“Phục thù, báo oán là thường tình ở con người; nhưng tha một vài người để cứu vạn người và củng cố mối bang giao của hai nước là bản tâm của bậc nhân giả…sử xanh chép lại, nghìn thuở lưu thơm”. (Nguyễn Trãi).
TÂM là gì? TÂM là trái tim là bộ phận trung tâm, là tấm lòng trong sáng, nhân ái của con người. Tâm là cốt lõi của Nhân.
Người ta thường dùng chữ TÂM để răn dạy, nhắc nhở mọi người và răn dạy chính bản thân mình trước khi hành động, làm một việc gì đó. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Nguyễn Du).
Tóm lại, truyền thống, đạo lý của người Việt Nam luôn coi trọng chữ ĐỨC là hàng đầu, cốt lõi của chữ ĐỨC lại là chữ NHÂN, trong chữ NHÂN lại có chữ TÂM. ĐỨC – NHÂN – TÂM = ĐẠO ĐỨC.
Từ những phân tích trên chúng ta có thể hiểu:
Đạo đức là toàn bộ những quan điểm lý tưởng, niềm tin, động cơ, chuẩn mực, thái độ và hành vi của mỗi cá nhân về cái thiện, cái ác, về cái đẹp cái xấu, về lẽ sống, về hạnh phúc và nghĩa vụ, lương tâm và trách nhiệm… trong quan hệ giữa người với người trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Đạo đức nghề nghiệp là gì?
Trên cơ sở thống nhất hiểu về đạo đức chúng ta hãy cùng nhau đau ra khái niệm về đạo đức nghề nghiệp với cách tiếp cận “đạo đức nghề nghiệp” là một từ ghép: đạo đức + nghề nghiệp.
Đạo đức nghề nghiệp như là cái nền móng vững chắc của toà nhà, như cái gốc của cây.
Đạo đức nghề nghiệp là cái ĐỨC, cái NHÂN cái TÂM gắn chặt với nghề nghiệp, lòng nhân ái trong nghề nghiệp, tính tập thể trong nghề nghiệp, tính trung thực trong nghề nghiệp.
Người có đạo đức nghề nghiệp là người có ý thức tự chủ, tự điều chỉnh thái độ hành vi của mình; sống có trách nhiệm với công việc, trung thực, thẳng thắn chân thành, chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định của nghề nghiệp, không khoan nhượng với những hành vi phi đạo đức.
Thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của điều tra viên vụ việc cạnh tranh là hoạt động tuân thủ pháp luật, luôn gắn với quyền lợi của các tổ chức kinh tế, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan và người tiêu dùng, uy tín của Việt Nam trên thương trường thế giới, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, vì vậy đòi hỏi người thừa hành nhiệm vụ phải hết sức thận trọng.
Được Nhà nước giao quyền, điều tra viên vụ việc cạnh tranh có quyền trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra vụ việc cạnh tranh, đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính đối với cá nhân, tổ chức. Trong tố tụng cạnh tranh điều tra viêncó quyền lực rất lớn. Chỉ cần điều tra viên có định kiến hoặc có một ấn tượng không tốt đối với đối tượng đang điều tra; tuỳ tiện, thiếu trung thực trong các hoạt động nghề nghiệp của mình theo những động cơ, mục đích khác nhau thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khó lường, làm mất đi sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp, mất đi lòng tin của doanh nghiệp.
Khi điều tra viên không tuân thủ pháp luật, không chú ý đến yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh, không công tâm, minh bạch thì tác hại không chỉ dừng lại ở việc xử sai một vụ việc mà quan trọng hơn, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, uy tín của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ chế thị trường dẫn đến “thương mại hoá” trong nhiều lĩnh vực, vì lợi ích của mình, các đối tượng không trừ một thủ đoạn nào để tiến công vào những người có chức, quyền, đặc biệt là các doanh nghiệp sẵn sàng hi sinh lợi ích nhỏ để đạt được lợi ích lớn hơn. Đạo đức nghề nghiệp sẽ là “chiếc phao cứu sinh” giúp điều tra viên vượt qua những cám dỗ vật chất đó.
Bước vào thời kỳ mới thời kỳ hội nhập kinh tế nước Việt với toàn cầu, “thương trường thực sự là chiến trường”, đòi hỏi phải có đội ngũ điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải có đầy đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức trong sáng, thực sự là những vị quan tòa công minh nắm vững cán cân công lý. Do vậy nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho điều tra viên vụ việc cạnh tranh là một điều hết sức cần thiết và cấp bách.
Những nội dung cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên vụ việc cạnh tranh
Những phẩm chất của điều tra viên vụ việc cạnh tranh:
Tôn trọng, tuân thủ pháp luật và nguyên tắc trong điều tra;
Chính xác, khách quan, toàn diện;
Thận trọng, tỉ mỉ, kiên trì;
Thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học;
Tinh thần tận tâm, tận lực với công việc;
Quyết đoán, chịu trách nhệm cá nhân với những tham mưu, đề xuất của mình;
Khả năng tự chủ, kiềm chế cảm xúc cá nhân;
Có tinh thần cầu thị, luôn học hỏi và biết lắng nghe;
Trung thực, thẳng thắn, kiên quyết bảo vệ công lý đấu tranh với những biểu hiện sai trái, vụ lợi;
Linh cảm nghề nghiệp và niềm tin nội tâm.
Có sức khoẻ tốt để đảm bảo thực hiện công vụ điều tra.
Trên cơ sở thống nhất những phẩm chất trên, hãy nghiên cứu những tiêu chuẩn của điều tra viên theo Luật cạnh tranh.
Điều 52. Tiêu chuẩn điều tra viên
Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực.
Là công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.
Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 05 năm trong một hoặc một số lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều này.
Được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
Có thể rút ra:
Người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trung thực, khách quan, có trình độ cử nhân Luật, và kinh tế, tài chính hoặc tương đương, có nghiệp vụ điều tra, có kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động điều tra có thể được bổ nhiệm làm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Điều tra viên phải có trách nhiệm, tận tâm tận lực với công việc, làm việc một cách nghiêm túc, khoa học, nghiên cứu phân tích đánh giá công việc được giao khách quan, toàn diện, chính xác, chịu trách nhiệm với những tham mưu đề xuất của mình.
Luôn luôn tuân thủ pháp luật trong xử lý công việc giữ vững các nguyên tắc trong điều tra vụ việc cạnh tranh.
Không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực công tác, luôn học hỏi kinh nghiệm, biết lắng nghe và phân tích các ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc và cầu tiến bộ. Thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật, chính trị, xã hội, rút bài học kinh nghiệm trong từng vụ việc mình đã xử lý.
Trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc, không để những tác động ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến kết quả thụ lý vụ việc.Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, không vụ lợi, phải có một lương tâm trong sáng, một nhân cách con người thì mới hành động theo lẽ phải được.
Giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho điều tra viên
“Lấy nhân tâm thu phục lòng người”; lời răn dạy của người xưa luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong hoạt động của người cán bộ điều tra thời nay.
Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, bên cạnh những chứng cứ đã thu thập được, điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải có kiến thức và trình độ văn hoá, biết vận dụng pháp luật, kiến thức kinh tế, tài chính kết hợp với vốn sống, trình độ hiểu biết để vận động, giáo dục; và quan trọng hơn là phải biết dùng tình cảm để cảm hoá, thuyết phục đối tượng. Làm được như vậy thì đối tượng điều tra mới “tâm phục, khẩu phục”.
Một số biện pháp quản lý điều tra viên:
Quản lý bằng pháp luật và bằng quy chế, quy định của lực lượng.
Quản lý điều tra viên thông qua công việc được giao.
Quản lý điều tra viên bằng biện pháp thanh tra, kiểm tra.
Phát huy vai trò của tổ chức Đảng, Đoàn để quản lý đối với các điều tra viên.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát điều tra viên.
Xử lý kỷ luật nghiêm và làm tốt công tác luân chuyển cán bộ khi điều tra viên có dấu hiệu sai phạm.
Động viên khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích, đúng chính sách khích lệ điều tra viên trong công tác.