BVNTD

Các quy định pháp lý đối với ngành sản xuất, kinh doanh ô tô

07/09/2022

1. Yêu cầu quản lý bằng pháp luật

1.1. Bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng

Ô tô không phải là hàng hóa tiêu dùng bình thường mà là một loại hàng hóa đặc biệt, có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng và sức khỏe của người sử dụng mà còn an toàn của những người tham gia giao thông khác. Theo quy định của pháp luật hiện hành, ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2).

Ô tô là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất. Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được đảm bảo quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi. Tuy nhiên, quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu lên nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế, chế tài để bảo đảm thực hiện quyền này của người tiêu dùng cũng như ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ này.

Đối với ô tô nhập khẩu, hiện nay, chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà nhập khẩu ô tô nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ví dụ như một số xe ô tô nhập khẩu phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của hãng, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn của người sử dụng và cộng đồng, tuy nhiên không có doanh nghiệp nhập khẩu nào chịu trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, xe ô tô nhập khẩu khi phát sinh các lỗi kỹ thuật tương tự được triệu hồi và sửa chữa miễn phí.

Việc thiếu các ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu ô tô đã dẫn tới những bất cập sau:

– Nhà nhập khẩu không có trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi phát sinh yêu cầu xử lý lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất;

– Hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của nhà nhập khẩu không tương thích với xe nhập khẩu dẫn đến khả năng gây mất an toàn, bởi xe ô tô không chỉ là sản phẩm cơ khí đơn thuần, mà còn là sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ cao (trong đó bao gồm cả các công nghệ đặc thù riêng của các hãng sản xuất như công nghệ điều khiển hệ thống phanh, động cơ hay các phần mềm chuyên dụng của từng hãng xe) nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, sử dụng. Đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu chuyển đổi sang sử dụng động cơ theo tiêu chuẩn Euro 4, hệ thống điều khiển sẽ được thiết kế sử dụng hệ thống phần mềm điện tử thay vì hệ thống điều khiển cơ khí như trước đây;

– Không ràng buộc được trách nhiệm triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật đối với nhà nhập khẩu theo thông lệ quốc tế;

– Không đáp ứng được yêu cầu thu hồi, thải bỏ ô tô theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.2. Bảo vệ môi trường

Ô tô cũng là một trong các loại hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể như sau:

– Trong quá trình vận hành, ô tô phát ra các loại khí thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như CO2, CO, HC, NO…

– Sau khi thải bỏ hoặc hết niên hạn sử dụng, các chi tiết, linh kiện, bộ phận của ô tô khi trở thành phế liệu, rác thải có khả năng gây ảnh hưởng rất lớn tới an toàn môi trường, ví dụ các vi mạch điện tử, lốp xe, xăng, dầu, động cơ, các loại ăc quy… chứa hàm lượng kim loại nặng và các chất độc hại cao. Việc xử lý các phế liệu, chất thải này cần phải tốn rất nhiều chi phí.

Theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thì xe ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm thải bỏ cần thu hồi, xử lý theo quy định nhằm bảo vệ môi trường. Việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thuộc trách nhiệm của các nhà sản xuất xe ô tô.

Vì vậy, cần thiết phải ban hành các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô nhằm đảm bảo xe ô tô đưa vào vận hành an toàn cho người sử dụng, không gây tác hại đến môi trường, cũng như ràng buộc trách nhiệm xử lý các ô tô thải bỏ sau quá trình lưu thông đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.

1.3. Đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Thực tế hiện nay, do chưa có các quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với các nhà nhập khẩu ô tô, vì vậy dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại và cạnh tranh không công bằng giữa nhà nhập khẩu chính hãng với các nhà nhập khẩu không chính hãng. Xe ô tô nhập khẩu có hệ thống bảo hành, bảo dưỡng chính hãng đảm bảo chất lượng xe và phụ tùng đi kèm nên giá nhập khẩu thường cao hơn ô tô cùng loại nhập khẩu không chính hãng.

Đồng thời, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải chịu rất nhiều trách nhiệm ràng buộc đối với sản phẩm khiến chi phí sản xuất tăng cao, các nhà nhập khẩu ô tô hiện chưa có các quy định tương tự, dẫn đến sự mất bình đẳng về trách nhiệm đối với sản phẩm cũng như về vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp này.

            1.3. Các văn bản pháp lý trong ngành

            Văn bản pháp luật điều chỉnh trong ngành kinh doanh, sản xuất và lắp ráp ô tô trên thị trường Việt Nam bao gồm:

 

Bảng 1: Danh sách văn bản pháp luật trong lĩnh vực ô tô

 

TT

Số Ký hiệu

Tên văn bản

Ngày ban hành

Ngày hiệu lực

Hiệu lực

  1. 1

61/2020/QH14

Luật Đầu tư 2020

17/06/2020

01/01/2021

Còn hiệu lực

  1. 2

59/2020/QH14

Luật Doanh nghiệp 2020

17/06/2020

01/01/2021

Còn hiệu lực

  1. 3

05/2007/QH12

Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007

21/11/2007

01/07/2008

Hết hiệu lực một phần

  1. 4

111/2015/NĐ-CP

Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ

03/11/2015

01/01/2016

Còn hiệu lực

  1. 5

30/2011/TT-BGTVT

Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới

15/04/2011

30/05/2011

Đã sửa đổi

  1. 6

54/2014/TT-BGTVT

Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới

20/10/2014

15/12/2014

Còn hiệu lực

  1. 7

1168/QĐ-TTg

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

16/07/2014

16/07/2014

Còn hiệu lực

  1. 8

1211/QĐ-TTg

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

24/07/2014

24/07/2014

Còn hiệu lực

  1. 9

880/QĐ-TTg

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

9/06/2014

9/06/2014

Còn hiệu lực

  1. 10

229/QĐ-TTg

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

04/02/2016

04/02/2016

Còn hiệu lực

  1. 11

116/2017/NĐ-CP

Nghị định về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô

17/10/2017

17/10/2017

Còn hiệu lực

  1. 12

17/2020/NĐ-CP

Sửa đổi nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương

05/02/2020

22/03/2020

Còn hiệu lực

 

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp

 

2. Các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô

Các quy định liên quan đến sản xuất, lắp ráp ô tô được nêu tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể về dây chuyền sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm.

(i) Khái niệm các loại ô tô đã được tiêu chuẩn hóa: Ô tô con, ô tô khách và ô tô tải là ô tô được quy định theo TCVN 7271:2003TCVN 6211:2003.

(ii) Tiêu chuẩn chung doanh nghiệp được xác định phải đáp ứng để được thực hiện sản xuất, lắp ráp ô tô bao gồm các nội dung sau:

  • Yêu cầu chung về nhà xưởng

+ Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; phải có đủ diện tích để bố trí các dây chuyền sản xuất, lắp ráp, kiểm tra phù hợp quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô theo Dự án đầu tư.

+ Nền nhà xưởng phải được sơn chống trơn hoặc có biện pháp khác nhằm chống trơn trượt và có vạch chỉ giới phân biệt lối đi an toàn và khu vực lắp đặt, bố trí các dây chuyền sản xuất.

+ Các sơ đồ quy trình công nghệ tổng thể và theo từng công đoạn sản xuất, lắp ráp phải được bố trí ở nơi thuận tiện thực hiện, theo dõi và kiểm soát quy trình.

+ Nhà xưởng phải được trang bị các hệ thống, trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ sản xuất, lắp ráp như: Hệ thống điện công nghiệp – điện sinh hoạt; hệ thống cấp nước công nghiệp – sinh hoạt; hệ thống thông gió; hệ thống cung cấp và phân phối khí nén; máy phát điện dự phòng, bãi đậu xe, khu vực thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

– Dây chuyền công nghệ lắp ráp

+ Doanh nghiệp phải trang bị và lắp đặt dây chuyền công nghệ lắp ráp bao gồm: Lắp ráp khung, thân xe, lắp ráp tổng thành và lắp ráp ô tô theo đúng quy trình công nghệ đã nêu trong Dự án đầu tư.

+ Dây chuyền lắp ráp khung, thân xe phải được trang bị tối thiểu các thiết bị chính sau:

+ Hệ thống nâng hạ, xe vận chuyển gá đẩy chuyên dụng theo dây chuyền, hệ thống ray dẫn hướng dùng cho xe gá đẩy;

+ Các đồ gá hàn lắp cho sườn trái, sườn phải, mui xe, sàn xe, đuôi xe và cho lắp các cụm khung, vỏ đối với ô tô con; các đồ gá cho hàn lắp các dầm ngang dọc của khung đối với ô tô khách;

+ Các đồ gá chuyên dụng cho ghép mảng, cụm vỏ ô tô vào khung;

+ Đồ gá lắp thùng chở hàng vào thân đối với ô tô tải;

+ Các trang thiết bị phụ, sửa chữa đi kèm.

+ Dây chuyền lắp ráp tổng thành và lắp ráp ô tô bao gồm: Lắp ráp các cụm tổng thành, hệ thống gầm, cầu sau, cầu trước và động cơ vào khung, các cụm điều khiển chính, trang thiết bị nội thất bên trong và hệ thống cửa lên xuống, cửa cạnh vào thân ô tô,

+ Số lượng, chủng loại và đặc tính kỹ thuật của các trang thiết bị, dụng cụ, đồ gá cho dây chuyền lắp ráp phải phù hợp với chủng loại sản phẩm và quy mô sản lượng trong Dự án đầu tư.

– Dây chuyền hàn

+ Doanh nghiệp phải trang bị dây chuyền hàn phù hợp với từng chủng loại ô tô, nhưng tối thiểu phải trang bị các thiết bị chính sau đây:

+ Máy hàn, thiết bị hàn và đồ gá chuyên dùng.

+ Hệ thống nâng, hạ, vận chuyển gá đẩy chuyên dụng theo dây chuyền.

+ Đồ gá hàn các mảng thân ô tô.

– Dây chuyền sơn

+ Doanh nghiệp phải có dây chuyền sơn tự động hoặc bán tự động phù hợp, gồm các công đoạn chính sau đây:

+ Làm sạch và xử lý bề mặt;

+ Rửa, loại bỏ khoáng chất và điều hòa thể tích;

+ Sơn nhúng điện ly, sơn phun, sơn áp lực, sấy;

+ Chống thấm nước;

+ Sơn trang trí, sơn bóng lớp ngoài cùng và phủ sáp để bảo vệ nước sơn.

+ Yêu cầu kỹ thuật về công nghệ sơn:

  • Đối với ô tô con: Thân vỏ ô tô phải được sơn nhúng điện ly lớp bên trong; lớp ngoài thân vỏ ô tô được sơn phun;
  • Đối với ô tô khách: Thân vỏ ô tô phải được sơn nhúng điện ly toàn bộ hoặc từng phần trước khi được sơn màu;
  • Đối với ô tô tải: Cabin ô tô được sơn nhúng điện ly lớp bên trong và sơn phun lớp bên ngoài; khung ô tô được sơn phun.
  • Doanh nghiệp phải trang bị đầy đủ các thiết bị kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng lớp sơn như: Độ dày, độ bóng, độ bám dính bề mặt.

– Dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm

+ Dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm phải được trang bị các thiết bị kiểm tra chuyên dùng theo từng công đoạn lắp ráp và thiết bị kiểm tra các chỉ tiêu xuất xưởng theo quy định hiện hành bao gồm cả chỉ tiêu an toàn và nồng độ khí thải.

+ Các thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng các quy định của pháp luật về đo lường.

+ Doanh nghiệp phải trang bị hệ thống máy tính để lưu trữ các kết quả kiểm tra chỉ tiêu ô tô lắp ráp xuất xưởng.

– Đường thử ô tô

+ Tất cả ô tô do doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phải được chạy thử trên đường thử ô tô đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu quy định tại Nghị định này. Kết quả chạy thử phải được lưu trữ trên hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp.

+ Đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800 m, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra được chất lượng của xe sản xuất, lắp ráp trước khi xuất xưởng trên các loại đường: Đường bằng phẳng (là loại đường có mặt đường vuông góc với mặt phẳng trung tuyến của xe và thẳng hướng theo hướng di chuyển của xe), đường sỏi đá (là loại đường có mặt đường được phủ sỏi đá), đường gồ ghề (là loại đường có nhiều chỗ nhô lên không đồng đều trên bề mặt), đường gợn sóng (là loại đường có nhiều chỗ nhô lên không đồng đều trên bề mặt), đường dốc lên xuống (là loại đường có độ dốc tối thiểu 20% theo cả hai chiều dốc lên và dốc xuống), đường trơn ướt (là loại đường được thiết kế với hệ số ma sát nhỏ hơn so với hệ số ma sát đường bằng phẳng), đường cua (là loại đường có hình dạng một phần của cung tròn).

2.1. Quy định liên quan đến nhập khẩu ô tô

Hệ thống quy định liên quan đến nhập khẩu ô tô chủ yếu dựa trên các quy định của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP. Các quy định đề cập đến nội dung nhập khẩu và có sự phân biệt rõ giữa 02 đối tượng ô tô là ô tô đã qua sử dụng (cũ) và ô tô chưa qua sử dụng (mới).

Điều kiện chung:

– Doanh nghiệp có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

– Doanh nghiệp có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu:

– Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất;

– Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.

– Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng

Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu

– Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải là ô tô đã đăng ký lưu hành tại các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam;

– Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định;

– Khi tiến hành thủ tục kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

Quy định về sản phẩm ô tô bị cấm nhập khẩu

Thông tư 13/2015/TT-BGTVT đã quy định rõ về các loại ô tô, linh kiện ô tô cấm nhập khẩu, cụ thể như sau:

– Các loại ô tô, xe bốn bánh, các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc có gắn động cơ và bộ linh kiện lắp ráp bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ được quy định rõ theo mã HS như bảng dưới đây:

Bảng 2: Quy định các loại ô tô, linh kiện ô tô cấm nhập khẩu

Mã hàng (HS)

Mô tả hàng hóa theo quy định của Bộ Tài chính tại Biểu thuế xuất nhập khẩu

Mô tả khác của chuyên ngành

8426.41.00

– – Chạy bánh lốp

Các loại cần trục bánh lốp

8426.49.00

– – Loại khác

Các loại cần trục bánh xích

8427.10.00

– Xe tự hành chạy bằng mô tơ điện

Các loại xe nâng tự hành chạy bằng mô tơ điện

8427.20.00

– Xe tự hành khác

Các loại xe nâng tự hành khác

8427.90.00

– Các loại xe khác

Các loại xe nâng khác

8429.11.00

– – Loại bánh xích

Các loại máy ủi bánh xích

8429.19.00

– – Loại khác

Các loại xe máy chuyên dùng khác (ví dụ: các loại máy ủi bánh lốp, các loại máy ủi bánh thép, các loại máy ủi, lu bánh chân cừu)

8429.20.00

– Máy san đất

 

8429.30.00

– Máy cạp

 

8429.40.30

– – Máy đầm

Các loại xe lu tĩnh bánh lốp, bánh thép, bánh chân cừu, bánh hỗn hợp

8429.40.40

– – Xe lu rung với lực rung của trống không quá 20 tấn

 

8429.40.50

– – Các loại xe lu rung khác

 

8429.40.90

– – Loại khác

 

8429.51.00

– – Máy chuyển đất bằng gầu tự xúc lắp phía trước

Các loại máy xúc lật bánh lốp, bánh xích

8429.52.00

– – Máy có cơ cấu phần trên quay được 360o

Ví dụ: các loại máy đào bánh lốp, bánh xích, máy đào gầu ngoạm, máy đào thi công tường vây…

8429.59.00

– – Loại khác

Ví dụ: các loại máy đào và vận chuyển vật liệu…

8430.10.00

– Máy đóng cọc và nhổ cọc

Các loại máy đóng cọc bánh lốp, bánh xích, máy đóng cọc chạy trên ray, máy đóng và nhổ cọc

8430.20.00

– Máy xới và dọn tuyết

Các loại máy ủi tuyết, máy xới và dọn tuyết

8430.31.00

– – Loại tự hành

Các loại máy đào đường hầm

8430.39.00

– – Loại khác

 

8430.41.00

– – Loại tự hành

Các loại máy khoan cọc nhồi (ví dụ: cọc bê tông cốt thép, cọc cát, cọc đá, cọc hỗn hợp…); máy ép bấc thấm bánh lốp, bánh xích

8430.49.10

– – – Bệ dàn khoan và các mảng cấu kiện tích hợp sử dụng trong các công đoạn khoan

Ví dụ: các loại bệ dàn khoan cọc nhồi chạy trên ray, máy khoan cọc nhồi loại di động…

8430.49.90

– – – Loại khác

Ví dụ: các loại máy khoan định hướng ngang, khoan đá, khoan đường hầm

8430.50.00

– Máy khác, loại tự hành

 

8430.61.00

– – Máy đầm hoặc máy nén

 

8430.69.00

– – Loại khác

 

8701.20 (*)

– Máy kéo đường bộ dùng cho bán rơ moóc (rơ moóc 1 trục)

Các loại xe ô tô đầu kéo dùng cho sơ mi rơ moóc (bán rơ moóc)

8701.90.10

– – Máy kéo nông nghiệp

Các loại máy kéo nông nghiệp

8701.90.90

– – Loại khác

Các loại xe kéo sơ mi rơ moóc

87.02

Xe ô tô chở 10 người trở lên, kể cả lái xe

Các loại xe ô tô

87.03 (**)

Xe ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả xe chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua

Các loại xe ô tô

8703.10.10

– – Xe ô tô chơi golf, kể cả xe phục vụ sân gôn (Golf buggies)

– Các loại xe 4 bánh chở người chạy trong sân golf

8703.10.90

– – Loại khác

– Các loại xe chạy trong khu vui chơi giải trí, khu du lịch, bao gồm:

+ Xe chở người 4 bánh có gắn động cơ;

+ Xe địa hình.

– Các loại xe máy chuyên dùng khác có gắn động cơ

87.04 (***) 

Xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa

Các loại xe ô tô, kể cả xe ô tô sát xi có buồng lái.

8704.90.99

– – – Loại khác

– Xe chở hàng 4 bánh chạy trong sân golf.

– Xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ

87.05

Xe chuyên dùng có động cơ, trừ các loại được thiết kế chủ yếu dùng để chở người hay hàng hóa (ví dụ, xe cứu hộ, xe cần cẩu, xe cứu hỏa, xe trộn bê tông, xe quét đường, xe phun tưới, xe sửa chữa lưu động, xe chiếu chụp X-quang)

Các loại xe ô tô

8705.90.90

– – Loại khác

– Các loại xe ô tô thi công mặt đường (ví dụ: xe ô tô chuyên dùng rải nhựa đường, rải nhũ tương và Bitum nhũ tương, xe ô tô chuyên dùng rải chất kết dính, ô tô sơn, kẻ vạch đường).

– Các loại xe ô tô bơm bê tông.

– Các loại xe máy chuyên dùng bao gồm:

+ Xe san cát trong sân golf;

+ Xe lu cỏ;

+ Máy cắt cỏ;

+ Xe phục vụ giải khát trong sân golf;

+ Xe phun, tưới chất lỏng.

– Các loại xe máy chuyên dùng khác có gắn động cơ

87.06

Khung gầm đã lắp động cơ, dùng cho xe có động cơ thuộc các nhóm từ 87.01 đến 87.05

Các loại xe ô tô sát xi không có buồng lái

8709.11.00

– – Loại chạy điện

 

8709.19.00

– – Loại khác

– Các loại xe máy chuyên dùng phục vụ trong sân bay, bao gồm:

+ Xe vận chuyển hàng bằng băng tải;

+ Xe đầu kéo hàng hóa, hành lý;

+ Xe thang vận chuyển hành khách lên xuống máy bay;

+ Xe phục vụ hành khách cần hỗ trợ đặc biệt;

+ Xe cấp nhiên liệu cho máy bay;

+ Xe cấp nước sạch cho máy bay;

+ Xe chuyên dùng vệ sinh máy bay;

+ Xe hút chất thải vệ sinh máy bay;

+ Xe kéo đẩy tầu bay;

+ Xe và thiết bị khởi động khí;

+ Xe và trạm điều hòa không khí;

+ Xe và thiết bị cấp điện cho tàu bay;

+ Xe trung chuyển.

– Các loại xe chuyên dùng khác (Ví dụ: xe chuyên dùng chở sỉ, xe chuyên dùng chở vật liệu)

87.11

Mô tô (kể cả mopeds) và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, có hoặc không có thùng xe bên cạnh; mô tô thùng

Các loại xe mô tô, xe gắn máy

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tự tổng hợp trên Thông tư 13/2015/TT-BGTVT

– Vật tư, phương tiện đã qua sử dụng bao gồm: Máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe bốn bánh có gắn động cơ; Khung gầm của ô tô, máy kéo có gắn động cơ (kể cả khung gầm mới có gắn động cơ đã qua sử dụng, khung gầm đã qua sử dụng có gắn động cơ mới); Các loại ô tô đã thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu; Các loại ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc (trừ các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc chuyên dùng), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đã qua sử dụng loại quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu; Ô tô cứu thương do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

3. Quy định về điều kiện kỹ thuật, lưu thông đối với sản phẩm ôtô

3.1. Quy định kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và nghị định sửa đổi bổ sung 17/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vê môi trường đối với ô tô như sau:

Đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước:

+ Trường hợp kiểu loại ô tô có sự thay đổi tính tiện nghi và thẩm mỹ nhưng không làm thay đổi các thông số an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được sử dụng làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận kiểu loại thì doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được sử dụng kết quả chứng nhận đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho kiểu loại ô tô trước đó;

+ Các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành của ô tô thuộc phạm vi áp dụng của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được thử nghiệm và chứng nhận theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng tại Việt Nam;

+ Trường hợp chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành nhập khẩu từ nước ngoài đã có kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận xe cơ giới thì thực hiện theo thỏa thuận;

+ Kiểu loại chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành nhập khẩu của ô tô được cơ quan quản lý chất lượng Việt Nam cấp giấy chứng nhận cho Đại diện hợp pháp tại Việt Nam của doanh nghiệp sản xuất nước ngoài thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô được sử dụng kiểu loại chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành này mà không phải thử nghiệm, chứng nhận lại;

+ Kết quả kiểm tra, chứng nhận chất lượng ô tô, các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành có hiệu lực trong thời hạn 36 tháng.

Đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu:

+ Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất;

+ Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường.

+ Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng

Đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu:

+ Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải là ô tô đã đăng ký lưu hành tại các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam;

+ Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định;

+ Khi tiến hành thủ tục kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

3.2. Quy định đăng ký cơ sở, bảo hành bảo dưỡng

Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Nghị định sửa đổi bổ sung 17/2020/NĐ-CP có quy định cụ thể về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu xe ô tô quy định như sau:

Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận:

– Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp.

– Mặt bằng, nhà xưởng đảm bảo phục vụ việc thực hiện bảo hành, bảo dưỡng.

– Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc.

– Có đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Các trang thiết bị đo lường phục vụ công việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.

– Có thiết bị chẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe (đối với ô tô có trang bị bộ điều khiển điện tử) phù hợp với các loại xe do cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng. Phần mềm thiết bị chẩn đoán phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ.

– Có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

– Các điều kiện nêu trên của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đối với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô theo các loại ô tô tương ứng tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự.

– Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của:

+ Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước); hoặc

+ Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô).

3.3. Dán nhãn năng lượng ô tô loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ

Thông tư 40/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ như sau:

– Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe.

– Thông tư này không bắt buộc áp dụng đối với:

+ Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

+ Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự;

+ Xe nhập khẩu đơn chiếc và không vì mục đích kinh doanh xe;

+ Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;

+ Xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).

– Các loại xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này phải được dán nhãn năng lượng theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

3.4. Quy chuẩn áp dụng khí thải đối với xe ô tô nhập khẩu

Kể từ ngày 1/1/2021, tất cả xe ô tô được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2. Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới được thực hiệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, cụ thể như sau:

Đối với xe ô tô tham gia giao thông:

– Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1.

– Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

– Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu

– Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng Mức 4.

– Trường hợp ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu có thời điểm mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Luật hải quan hoặc đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

4. Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô

Chương II Nghị định 116/2017/NĐ-CP và nghị định sửa đổi bổ sung 17/2020/NĐ-CP quy định các nội dung về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô và các thủ tục liên quan, cụ thể:

4.1. Các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô

Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Cơ sở vật chất:

+ Doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô đáp ứng các yêu cầu tối thiểu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.

4.2. Các quy định về nhập khẩu ô tô

Chương III Nghị định quy định các nội dung về điều kiện nhập khẩu ô tô, bao gồm:

– Chỉ doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

– Doanh nghiệp được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp. Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định này

– Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu ô tô tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng hai điều kiện sau: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này và có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ