Lượng xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng cao sau hiệu ứng tác động từ chính sách giảm thuế nhập khẩu ô-tô về 0% theo cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Sản lượng ô-tô nhập khẩu bảy tháng đầu năm 2019 đã tăng 500% so cùng kỳ năm 2018 và đến hết tháng 9 là 100 nghìn chiếc.
Xe ô tô sản xuất ở nước ngoài nhập về Việt Nam ngày càng nhiều đã làm gia tăng sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước, khiến cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam trở nên khó khăn. Do xuất phát điểm của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam chậm hơn khoảng 20 năm so với các nước trong khu vực và đặc thù tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá thành cao, ngành sản xuất ô-tô Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các nước đi trước mà còn phải cạnh tranh với sự phát triển của các nước trong khu vực như Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, công nghiệp ô-tô Việt Nam đang xuất hiện những điểm tích cực. Về phía cung, công ty cổ phần ô-tô Trường Hải tăng công suất dây chuyền lắp ráp, hãng xe VinFast sản xuất ô-tô mang thương hiệu Việt Nam. Về phía cầu, nhu cầu cho với xe nội địa tăng cao. Đặc biệt ngày 9/10/2020, Bộ Công an đã nghiệm thu 70 xe chỉ huy chiến đấu do VinFast sản xuất, được sử dụng làm xe chỉ huy trong lực lượng công an, làm nhiệm vụ dẫn đoàn tại các sự kiện quan trọng và phục vụ các lãnh đạo, chỉ huy.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh chính sách thuế có thể làm hụt thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ góp phần bảo vệ được thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và là cơ sở thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, sau khi thực hiện chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% (theo Nghị định 125/2017 NĐ-CP), từ cuối năm 2017 đến nay đã có 13 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện và đã được hoàn số thuế khoảng 9.500 tỷ đồng. Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp tuy được hoàn thuế nhưng lại có đóng góp tăng cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể năm 2018, chỉ 4 doanh nghiệp gồm: Toyota Việt Nam, TC Motor, Trường Hải và Ford Việt Nam đã nộp ngân sách tăng khoảng 7.300 tỷ đồng so với 2017 và năm 2019 nộp tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với 2018.
Theo các doanh nghiệp, việc ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% giúp cho việc mua linh kiện từ khu vực ngoài ASEAN giảm chi phí và giá thành một số mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước giảm được từ 3-5%, qua đó giúp giảm giá bán. Nếu tiếp tục giảm thuế, phí sẽ giúp tăng sản lượng ô tô, như vậy ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển, đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, thị trường ô tô có sự phục hồi mạnh mẽ khi tâm lý người tiêu dùng muốn mua xe trước khi hết hạn ưu đãi giảm lệ phí trước bạ vào các tháng cuối năm 2020. VAMA thống kê, doanh số trong tháng 12/2020 đạt 47,8 nghìn xe, tăng 31,6% so với tháng trước và tăng 45% so với cùng kỳ năm trước gồm 36,8 nghìn xe du lịch, 10,6 nghìn xe thương mại, 336 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số tiêu thụ xe nhập khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 18,4 nghìn xe, tăng 44%, còn xe lắp ráp trong nước là 29,3 nghìn xe, tăng 25%. Thêm nữa TC Motor đã vươn lên dẫn đầu toàn thị trường trong tháng 11/2020. Bên cạnh đó, Kia Việt Nam thuộc Công ty ô tô Trường Hải (THACO) quản lý lại là thương hiệu đầu tiên lắp ráp ô tô ở Việt Nam xuất khẩu ngược một số dòng xe du lịch như Kia Soluto, Cerato, Sedona sang Myanmar và trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á – Thái Lan. Tháng 2/2021, mẫu xe Vinfast Fadil của Vinfast Việt Nam đã đứng đầu doanh số các xe bán ra. Đây cũng là một trong số ít hãng xe kéo dài ưu đãi hỗ trợ lệ phí trước bạ cho người tiêu dùng đến hết tháng 2/2021.
Năm 2021 được các chuyên gia nhân định là khó dự đoán đối với thị trường xe ô tô Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh, song trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang tích cực triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho toàn dân, kỳ vọng khống chế được dịch bệnh đang rất cao, đồng nghĩa với những cơ hội phục hồi thị trường ô tô cũng mang tính khả thi cao. Cũng trong năm nay, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho biết vẫn sẽ cố gắng đưa các mẫu xe mới về thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), việc giảm, bãi bỏ thuế đối với ô tô có thể khiến giá xe nhập khẩu vào Việt Nam rẻ hơn và áp lực cạnh tranh giá đối với các liên doanh lắp ráp xe ô tô hoặc doanh nghiệp xe ô tô của Việt Nam sẽ rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi, kích cầu.
Lĩnh vực sản xuất ô tô là một lĩnh vực có rào cản gia nhập rất cao do yêu cầu về vốn và công nghệ. Vì vậy, số lượng các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô là ổn định, hầu như không có doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, có một doanh nghiệp (Vinaxuki) đã rút lui khỏi thị trường do thua lỗ và rơi vào tình trạng phá sản. Đối với lĩnh vực nhập khẩu và phân phối xe ô tô (gồm cả ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng), số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường này là khá lớn (trên 500 doanh nghiệp). Mặc dù mức độ tập trung trong lĩnh vực sản xuất ô tô là khá cao nhưng mức độ cạnh tranh trên thị trường cũng cao do ô tô sản xuất trong nước phải cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe cùng loại, cùng phân khúc nhập khẩu từ nước ngoài.
Mức độ cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là đối với thị trường xe ô tô dưới 9 chỗ ngày càng gia tăng kể từ thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2018 (là thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam về 0% theo lộ trình cắt giảm thuế quan AFTA).
Về lý thuyết, việc giảm thuế nhập khẩu như vậy sẽ có lợi cho người tiêu dùng và làm gia tăng cầu đối với dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ. Điều này cũng sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các dòng xe sản xuất trong nước và dòng xe cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài, hiện tượng này dẫn đến các khả năng cạnh tranh như sau:
Thứ nhất, các nhà sản xuất xe trong nước sẽ buộc phải giảm giá, thậm chí thấp dưới điểm hòa vốn để tiêu thụ lượng xe đã sản xuất và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Như vậy, sẽ tiềm ẩn nguy cơ một số nhà sản xuất không có tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược chính sách phát triển phù hợp sẽ phải rút lui khỏi thị trưởng (như Vinaxuki là một minh chứng);
Thứ hai, trong lĩnh vực sản xuất ô tô sẽ xuất hiện sự liên kết, hợp tác nhằm gia tăng sức mạnh thị trường thông qua tập trung kinh tế (chủ yếu là hình thức liên doanh) nhằm tham gia một cách hiệu quả nhất vào chuỗi giá trị sản xuất khu vực/toàn cầu và thông qua đó sẽ có chính sách giá phù hợp mà không bị lệ thuộc vào việc thuế nhập khẩu về 0% theo AFTA. Việc thành lập liên doanh Thành Công-Huyndai vào tháng 9 năm 2017 là một minh chứng cho xu hướng nêu trên. Tương tự, một số các hãng xe lớn như Toyota, Mazda, Trường Hải, BMW,v.v. cũng có kế hoạch hợp tác, liên kết, kết hợp với các hãng sản xuất xe khác trong tương lai nhằm khai thác lợi thế, ổn định và gia tăng tiềm lực kinh tế, sức mạnh thị trường để tồn tại và phát triển.
Trên cơ sở phân tích toàn diện ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, điều kiện kinh doanh, các cam kết quốc tế, các quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành, cùng với việc nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất và khuyến nghị đối với 03 nhóm vấn đề nhằm phát triển và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như sau:
CÁC KHUYẾN NGHỊ VỀ THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH
1. Định hướng chung
Tại một số nước đang phát triển, khi quy mô thị trường đủ lớn, các nhà lắp ráp và nhà cung cấp sẵn sàng lập các trung tâm thiết kế riêng, hình thành cụm ngành công nghiệp ô tô để phục vụ cho thị trường đó, và ngành có những đòi hỏi khắt khe về quy mô tối thiểu (tính kinh tế theo quy mô), nên trong bối cảnh hiện nay các nước đi sau khó có thể thành công với chiến lược phát triển một thương hiệu ô tô mới của riêng mình. Là nước dân số đông, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, và sắp bước vào thời kỳ motorization, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, để phát triển, công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải phát triển trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của việc phát triển công nghiệp ô tô trong giai đoạn trước mắt là tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu của các thương hiệu của các Tập đoàn toàn cầu hiện có, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam, đồng thời thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất có định hướng vào thị trường “ngách”, các hãng xe, dòng xe chưa có cơ sở sản xuất lớn tại thị trường ASEAN để tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung vào ba nhóm giải pháp sau:
- Phát triển lành mạnh thị trường ô tô;
- Duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; và
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô.
Sự can thiệp chính sách cần đáp ứng được ba mục tiêu này.
Công nghiệp ô tô chỉ có thể phát triển khi có thị trường, và cơ hội thị trường đó phải dành cho các nhà sản xuất trong nước chứ không phải cho xe nhập khẩu. Để thị trường phát triển lành mạnh, tăng trưởng ổn định, trước hết chính sách ban hành cần có tính đồng bộ, dài hạn để doanh nghiệp có thể dự đoán trước và lồng ghép tác động chính sách vào kế hoạch sản xuất của mình, không tạo ra những cú sốc chính sách làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chính sách trước khi ban hành cần có sự tham vấn đầy đủ và đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước. Việc thay đổi cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt vừa qua đã tạo cú hích cho thị trường phân khúc xe cỡ nhỏ phát triển.
Để có thể hỗ trợ sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh với xe nhập khẩu, các giải pháp cần tập trung giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, cắt giảm giá bán xe, và ngăn chặn gian lận thương mại, quản lý giám sát việc nhập khẩu xe nguyên chiếc, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước khác trong khu vực để xây dựng chương trình phát triển công nghiệp ô tô phù hợp với các cam kết quốc tế nhưng vẫn khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước và cạnh tranh với xe nhập khẩu từ bên ngoài. Các biện pháp hỗ trợ cần minh bạch, rõ ràng, có sự cam kết, đồng thuận và nỗ lực từ hai phía, Chính phủ và nhà sản xuất.
Khi có thị trường, các nhà lắp ráp sẽ dần dần phát triển chuỗi cung ứng trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống nhà cung cấp tốn kém cả về thời gian và chi phí. Để hỗ trợ các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô là một trong những giải pháp cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
2. Các giải pháp cụ thể
2.1. Các giải pháp bảo đảm thị trường phát triển minh bạch, ổn định
Trước tiên cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước thông qua các biện pháp sau:
- Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi có lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là ô tô rất lớn. Mặc dù có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn trong tình trạng yếu kém. Việc triển khai xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chậm, chất lượng chưa cao. Tình trạng đường bộ bị lấn chiếm trái phép không kiểm soát được gây khó khăn trong việc đi lại của người dân;
- Có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; xem xét khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến, ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước. Một số biện pháp như điều chỉnh lại thuế tiêu thụ đặc biệt, có thể tiến tới bỏ thuế TTĐB đối với dòng xe tải, xe bán tải, xe từ 16 đến 24 chỗ vì những dòng xe này phục vụ chủ yếu nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân đặc biệt là khu vực ngoại thành, giảm và loại bỏ thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và các loại phí phụ tạo điều kiện giảm giá xe ô tô, thúc đẩy nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước;
- Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm. Các quy định hiện hành về kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa) đối với ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu chưa có sự bình đẳng cần thiết. Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện phải chịu nhiều chi phí và tốn nhiều thời gian hơn trong quá trình chứng nhận sự phù hợp đối với chất lượng sản phẩm so với ô tô nhập khẩu. Vì vậy, cần sửa đổi các quy định về chứng nhận sự phù hợp chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với ô tô, bảo đảm bình đẳng hơn giữa xe trong nước và xe nhập khẩu trong vấn đề này.
- Ngoài ra, có thể xem xét, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường như chính sách cho vay ưu đãi mua ô tô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hoá sản xuất và tiêu dùng ô tô, phát triển lành mạnh thị trường ô tô trong nước. Cần cung cấp đầy đủ các ưu đãi, đặc biệt về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước theo đúng hiệp định WTO. Song song với việc nhận ưu đãi và giảm thuế, Nhà nước cũng cần có cam kết rõ ràng với các doanh nghiệp FDI trong vấn đề chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa và có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô
2.2. Các giải pháp duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước
- Hình thành doanh nghiệp qui mô lớn: Việc tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam là điều rất cần thiết. Doanh nghiệp quy mô lớn sẽ dẫn dắt thị trường ô tô trong nước, từ đó giúp thị trường hoạt động mạnh hơn, có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần thu hút đầu tư và tập trung các chính sách ưu đãi, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động;
- Thu hút đầu tư FDI: Việc thu hút đầu tư các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền công nghiệp ô tô Việt Nam so với các nước trong khu vực;
- Hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh: Hiện nay đang có sự cạnh tranh cao về giá giữa các dòng xe sản xuất trong nước và nhập khẩu nước ngoài. Mặt khác, ở Việt Nam ngành công nghiệp ô tô còn rất non trẻ, do vậy việc đặt ra các chính sách hỗ trợ giảm giá sản phẩm là điều cần thiết. Cụ thể:
+ Điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo nguyên tắc nhỏ hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký và thấp hơn mức thuế các nước ASEAN đang áp dụng;
+ Nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối phần giá trị tạo ra trong nước); (Giải pháp này có thể gây ra các quan ngại về các cam kết quốc tế, mặc dù các nước ASEAN đang áp dụng. Tuy nhiên đây là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước và khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa);
(iv) Phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô: Việc phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp ô tô là vấn đề cốt lõi. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng. Một số chuyên gia cho rằng các trường dạy nghề tại Việt Nam hiện đã có khá nhiều nhưng chất lượng chưa đồng đều và đặc biệt đào tạo mang tính thực nghiệm còn yếu khi các trường chưa có nhiều điều kiện để giúp sinh viên thực hành và tiếp cận với thực tế. Cũng về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp, đại lý ôtô thừa nhận nguồn lao động Việt Nam trẻ, năng động nhưng nhân lực chất lượng cao còn thiếu, đặc biệt trong ngành ôtô vốn là ngành đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, kỹ thuật cao. Nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu lao động, điều cần thiết là đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc xây dựng cập nhật tài liệu giảng dạy, xây dựng ngân hàng việc làm và sinh viên sắp tốt nghiệp, có thể xem xét gắn việc cấp ngân sách đào tạo với kết quả thực hiện liên kết, chất lượng đào tạo.
2.3. Các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô
- Thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới: Thị trường công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước hiện còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của doanh nghiệp nội địa. Vì vậy việc thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới là điều thiết yếu. Để thu hút FDI, cần tăng cường xúc tiến đầu tư và đối ngoại nhân dân. Khi đã chuẩn bị cơ bản các điều kiện, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp xúc tiến đầu tư. Có thể phải mở văn phòng giao dịch tại nước đầu tư để cung cấp thông tin đầu tư và giải quyết ngay các thủ tục đầu tư cho các DN nhỏ và vừa của nước đầu tư;
- Hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác – liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ việc nghiên cứu ứng dụng sản phẩm, thành lập các trung tâm nghiên cứu ứng dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô. Các trung tâm này có thể do nhà nước đầu tư có sự liên kết chặt chẽ với các công ty lắp ráp và các nhà cung cấp hàng đầu thế giới, hoặc do các công ty đầu tư với sự trợ giúp của Chính phủ.
- Ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn linh kiện, phụ tùng; triển khai các hoạt động hài hòa hóa tiêu chuẩn linh kiện, phụ tùng ô tô. Điều này là cơ sở cho việc định hướng phát triển, một mặt nhằm tăng khả năng công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo tiền đề để xúc tiến xuất khẩu, mặt khác nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng tới sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, góp phần đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao (Nghị quyết 115/NQ-CP).
- Triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo các nội dung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017.
2.4. Các giải pháp phát triển thị trường ô tô điện tại Việt Nam
Ngành công nghiệp ô tô đang có dấu hiệu bước sang kỷ nguyên xe điện. Khác với ngành công nghiệp ô tô truyền thống đã hình thành cả trăm năm nay với các siêu cường thống trị như Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản. Điểm xuất phát của các doanh nghiệp trong ngành xe điện hiện gần như bằng nhau. Đó chính là cơ hội cho những doanh nghiệp mới nhảy vào ngành và những nước như Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu thông qua việc thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia và sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ vào hệ sinh thái xe điện.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cấp quốc gia về triển khai và áp dụng xe điện với sự cân bằng giữa hai yếu tố cung và cầu. Lộ trình xác định các chính sách khuyến khích cần thiết để thúc đẩy cơ hội tham gia của doanh nghiệp trong nước vào những cấu phần của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà Việt Nam có tiềm năng.
Mục tiêu chính của lộ trình là thay thế nhập khẩu, thậm chí tham gia vào hoạt động xuất khẩu. Cụ thể: thành lập cơ quan ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm và điều phối các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và triển khai lộ trình, xây dựng bộ tiêu chuẩn và yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn chung để khuyến khích sản xuất trong nước, xây dựng tiêu chuẩn khí thải chuyên biệt cho các loại xe trên thị trường.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cần thực hiện phân tích toàn diện về mức độ sử dụng, mật độ phương tiện, mô hình giao thông và tình trạng tắc nghẽn và phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện, xác định vị trí để đảm bảo các trạm sạc được đặt tại các vị trí thuận tiện, phù hợp với cơ sở hạ tầng điện và mạng lưới điện.
KHUYẾN NGHỊ VỀ THỰC THI VÀ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT CẠNH TRANH
- Nhà nước cần ủng hộ và khuyến khích việc các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước hợp tác, liên kết, kết hợp với các hãng/doanh nghiệp sản xuất xe có uy tín và thương hiệu trên thế giới nhằm tăng quy mô và tính hiệu quả cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh cần tăng cường hoạt động giám sát và kiểm soát tập trung kinh tế (đặc biệt là hình thức liên doanh) đối với các hoạt động liên kết, hợp tác theo hình thức tập trung kinh tế. Nếu việc liên kết, hợp tác theo hình thức tập trung kinh tế thuộc đối tượng kiểm soát theo quy định của pháp luật cạnh tranh (thông báo hoặc bị cấm) thì cần thiết phải giám sát chặt chẽ do thị trường sẽ xuất hiện doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể và có khả năng áp dụng chính sách giá gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
- Ngành công nghiệp ô tô là một ngành có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh ở trong tất cả các khâu, công đoạn của chuỗi giá trị (từ cung cấp sản phẩm/nguyên liệu đầu vào, sản xuất, lắp ráp, phân phối, phụ tùng thay thế, dịch vụ sửa chữa,…) vì vậy cơ quan cạnh tranh cần chủ động, tích cực trong việc giám sát thị trường, phát hiện hành vi vi phạm (nếu có) và có biện pháp xử lý phù hợp.
- Đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành, cần lưu ý rà soát pháp luật cạnh tranh để có chương trình tuân thủ (compliance program) hoặc nếu đã có những hành vi có khả năng chưa phù hợp với pháp luật thì cần chấm dứt, có biện pháp khắc phục và tham vấn với cơ quan cạnh tranh để được hướng dẫn và phối hợp tích cực trong quá trình xử lý theo trình tự của pháp luật.