edf40wrjww2News:News_Content
Nhằm đạt được một giải pháp tích cực cho các bên trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc áp dụng các Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), WTO cung cấp một cơ chế giải quyết tranh chấp cho các thành viên của mình thông qua Hiệp định về các Qui tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp (DSU). Cơ chế giải quyết tranh chấp này được cho là hiệu quả hơn so với cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT 1947 vì đã đưa ra được một cơ chế thực thi tốt hơn và được xem như cơ chế giải quyết tranh chấp phát triển nhất trong bất kỳ hệ thống luật hiện hành nào. Thực tế cho thấy các nước phát triển có lợi thế hơn và vận dụng tốt hơn cơ chế giải quyết tranh chấp này so với các nước đang phát triển. Để tham gia một cách có hiệu quả trong hệ thống này, các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức nhất định. Bài viết này đề cập đến những khó khăn và thách thức mà các nước thành viên đang phát triển thường gặp phải trong việc giải quyết các tranh chấp theo DSU. Các khó khăn và thách thức này bao gồm (i) hạn chế về nguồn lực pháp luật, (ii) hạn chế về mặt tài chính, (iii) vấn đề thực thi các phán quyết và khuyến nghị của Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB), (iv) vấn đề trả đũa và bị trả đũa lại, và (v) hiệu quả của các điều khoản về đối xử ưu đãi đặc biệt cho các nước đang phát triển trong DSU và trong các hiệp định WTO có liên quan. Cuối cùng, bài viết cũng đưa ra một số đề xuất về hướng giải quyết những khó khăn thách thức đó, nhằm đạt được kết quả khả quan hơn cho các nước đang phát triển trong việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hiện nay được xem như cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất trong hệ thống luật pháp quốc tế.[1] Cơ chế này không chỉ đóng vai trò như một cơ quan tư pháp mà còn như là một cơ chế phòng ngừa tranh chấp, giúp làm cân bằng giữa các quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO. Nó thực hiện ba chức năng chính: (i) đảm bảo hệ thống thương mại đa phương hoạt động một cách an toàn và dễ dự đoán bằng cách củng cố và tăng cường tính bắt buộc phải thi hành các quy định của pháp luật (rule of law);[2] đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO;[3] vàlàm rõ quyền và nghĩa vụ này thông qua việc giải thích Hiệp định WTO phù hợp với các qui tắc có tính tập quán về giải thích công pháp quốc tế.[4] Với các chức năng này, các bên tranh chấp bắt buộc phải tuân thủ các cam kết của họ theo các hiệp định liên quan.[5] Các khuyến nghị và phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc thực thi đối với các bên trong vụ tranh chấp.
Mục tiêu của WTO trong việc thiết lập cơ chế này là "để đạt được một giải pháp tích cực cho các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên" (Điều 3.7 của DSU). Thông qua cơ chế này, các thành viên WTO có thể đảm bảo rằng các quyền của họ theo các Hiệp định WTO được thực thi. Điều này tạo điều kiện cho mỗi thành viên có thể khởi kiện chống lại bất kỳ thành viên nào khác vi phạm các chính sách thương mại nhằm bắt buộc các thành viên đó phải tuân thủ những nghĩa vụ của mình theo các cam kết trong các hiệp định WTO. Theo cơ chế này, các thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ bắt đầu bằng một cuộc tham vấn song phương và nếu tham vấn không thành công, các thành viên khiếu nại có thể yêu cầu DSB thành lập Ban Hội thẩm. Nếu các thành viên WTO có quan tâm đến tranh chấp, họ có thể tham gia như các bên thứ ba. Tính đến tháng 6 năm 2013, đã có tổng cộng 462 tranh chấp được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp DSU của WTO, trong đó có đến 236 vụ tranh chấp liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế đối kháng, và các biện pháp tự vệ.
Sự tham gia của các nước đang phát triển vào hệ thống giải quyết tranh chấp WTO
Đến tháng 6 năm 2013, WTO đã có 159 thành viên, trong đó tỷ lệ của các thành viên đang phát triển lớn hơn tỷ lệ các thành viên phát triển, chiếm khoảng hai phần ba tổng số thành viên WTO. Tuy nhiên, sự tham gia của các thành viên đang phát triển vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vẫn còn thấp hơn nhiều so các nước phát triển. Chỉ có một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Argentina, Thái Lan tích cực trong việc tham gia các cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Việt Nam cũng tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp này với tư cách là nguyên đơn chống lại Hoa Kỳ trong hai vụ, DS404 và DS429, liên quan đến sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh xuất xứ từ Việt Nam. Các nước đang phát triển ở châu Phi ít tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp này do sự giao thương của các nước này với các thành viên khác của WTO thấp nên tranh chấp ít xảy ra. Về sự tham gia trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO của các nước đang phát triển, George A.Bermnann và Peros C.Mavroidis cho rằng:[6]
Một hệ thống giải quyết tranh chấp mà ở đó các nước đang phát triển được tiếp cận hoàn toàn, cho phép các quốc gia này không chỉ đơn thuần khẳng định quyền của mình theo các hiệp định của WTO mà còn giúp họ thực hiện các nghĩa vụ của mình theo các hiệp định đó với lòng tin rằng họ có thể bảo vệ một cách đầy đủ các lợi ích của mình trong bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến sự tuân thủ những nghĩa vụ đó. Do đó, sự hiểu biết về hệ thống giải quyết tranh chấp và sự tham gia của các nước đang phát triển vào hệ thống này là sự đóng góp quan trọng đối với khả năng tổng thể của họ trong việc hưởng các lợi ích từ các quyền và nghĩa vụ của mình theo các Hiệp định của WTO.
Tranh chấp từ các nước đang phát triển chiếm khoảng 25% tổng số các vụ tranh chấp được khởi xướng mỗi năm theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Tính đến tháng 5 năm 2013, các nước đang phát triển đã đưa 195 tranh chấp trong tổng số 462 vụ ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Đặc biệt, trong năm 2010, phần lớn các vụ khởi xướng được đưa ra bởi các nước đang phát triển. Họ tham gia vào hệ thống không chỉ với tư cách nguyên đơn hoặc bị đơn mà còn với tư cách bên thứ ba. Trong số các nước đang phát triển, Trung Quốc, Ấn Độ, Argentina, Brazil và Thái Lan là những thành viên đang phát triển tham gia tích cực nhất. Trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp này. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã đi theo “chủ nghĩa pháp luật hiếu chiến” (‘aggressive legalism’), bằng cách sử dụng việc giải quyết tranh chấp đa phương vừa như một "lá chắn" (‘shield’) để kháng kiện vừa như một "thanh gươm" (‘sword’) để khởi kiện nhằm bảo vệ và phát triển các lợi ích thương mại của mình.[7]
Bảng 1: So sánh sự tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO giữa các nước đang phát triển và các nước đang phát triển từ năm 1995 đến tháng 6 năm 2013
Đơn vị tính: Vụ
Bảng 2: Sự tham gia của một số các nước đang phát triển tiêu biểu trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO từ năm 1995 đến tháng 6 năm 2013
Đơn vị tính: Vụ
Khó khăn và thách thức mà nước đang phát triển thường phải đối mặt trong quá trình giải quyết tranh theo cơ chế giải quyết tranh chấp WTO
Các nước đang phát triển gần đây đã chủ động hơn trong việc tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Tuy nhiên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, các nước đang phát triển đã lãng phí thời gian và tiền bạc khi sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để chống lại các nước có ngành công nghiệp phát triển.[10] Trên thực tế, để tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp này, các nước đang phát triển gặp phải một số thách thức sau:
Thiếu các chuyên gia chuyên ngành về luật WTO và thủ tục giải quyết tranh chấp của DSU
Các thành viên đang phát triển được cho là bị hạn chế về nguồn thông tin, nguồn lực pháp luật và công tác tổ chức hành pháp.[11] Trong việc giải quyết giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, năng lực về mặt pháp luật của các bên được coi là một yếu tố quan trọng mang tính tiên đoán trong việc xác định bên nào sẽ giành thắng lợi trong tranh chấp. Nhiều nước đang phát triển thiếu các chuyên gia pháp lý và/hoặc các luật sư am hiểu lĩnh vực pháp luật WTO, không chỉ thiếu trong các cơ quan thuộc chính phủ mà còn trong các đoàn luật sư hay công ty luật tư nhân.
Đáng chú ý, hầu hết các nước đang phát triển có rất ít hoặc không có luật sư để giải quyết các vấn đề liên quan đến WTO, rất ít hoặc không có luật sư trong công ty luật tư nhân có kinh nghiệm về luật WTO, và ít hoặc không có các công ty hoặc các hiệp hội thương mại có liên lạc thường xuyên với các cơ quan chính phủ về các vấn đề thương mại trong nước và quốc tế.[12] Luật WTO chỉ đơn thuần được giới thiệu thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, hay khóa học ngắn hạn nhưng không được giảng dạy một cách hoàn chỉnh ở nhiều nước đang phát triển. Vì vậy, nhiều nước đang phát triển thiếu các chuyên gia pháp lý về WTO để giải quyết tranh chấp liên quan đến các hiệp định của WTO. Do đó, họ buộc phải trả một khoản lệ phí rất đắt cho các công ty luật quốc tế nhiều khi chỉ để thực hiện sự phòng vệ hay phản kháng trong một vụ tranh chấp.[13]
Trong khi đó, các nước phát triển như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu lại có lợi thế đáng kể về nguồn lực trong việc tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO. Ví dụ, luật sư của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là thuộc các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, trong đó có đội ngũ chuyên gia pháp luật dành riêng cho việc giải quyết các tranh chấp tại WTO. Tương tự như vậy, bộ phận về dịch vụ pháp lý của Ủy ban Châu âu có hàng chục luật sư chuyên ngành từ các lĩnh vực làm việc khác nhau cùng với luật sư riêng của văn phòng tại Brussels, những người mà Uỷ ban Châu âu có thể thuê khi cần thiết, giải quyết các vấn đề liên quan đến WTO. Các luật sư này được đào tạo tốt và thường nghiên cứu pháp luật của WTO trong các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Và cho dù Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có luật sư của chính phủ được đào tạo chuyên nghiệp như vậy, họ vẫn thường xuyên dựa vào sự hỗ trợ của các công ty luật tư nhân, các doanh nghiệp, và các hiệp hội thương mại.
Trên thực tế, các nước đang phát triển cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa ngay từ lúc trước khi vụ kiện bắt đầu, bởi vì trước khi bắt đầu thủ tục tố tụng, các quốc gia này phải đối mặt với quyết định xem có nên khởi kiện và có đủ khả năng theo đuổi vụ kiện hay không. Do các nước đang phát triển tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO với tần suất ít hơn so với các nước phát triển, nên họ cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn trong việc giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, các thành viên WTO có nền kinh tế phát triển tiếp cận tốt hơn về luật WTO, có chuyên môn pháp lý cao hơn, nên họ có thể dễ dàng đạt được thành công hơn trong giải quyết tranh chấp.
Hạn chế về mặt tài chính
Thách thức lớn thứ hai của các nước đang phát triển trong việc giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp WTO là vấn đề tài chính. Chi phí để theo đuổi một vụ giải quyết tranh chấp là rất cao, có thể từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô la. Có thể nói rằng việc giải quyết tranh chấp WTO là rất tốn kém và chí phí đó trở thành vấn đề lớn đối với các nước đang phát triển hơn là đối với các nước phát triển. Trong khi đó, xác suất thành công cho các nước đang phát triển lại có thể thấp hơn so với các nước phát triển do sự chênh lệch về các nguồn lực, đặc biệt trong các tranh chấp mà một bên là nước đang phát triển và một bên là nước phát triển với nhiều nguồn lực cao hơn.
Bên cạnh đó, chi phí phụ như tổn thất bởi sự thất bại đối với nước đang phát triển có thể sẽ cao hơn so với các nước phát triển. Theo Niall Meagher, thất bại trong giải quyết tranh chấp WTO có thể có hai hình thức:[14] một là thất bại trong việc khởi kiện trong trường hợp là nguyên đơn, hai là thất bại trong việc kháng kiện nếu là bị đơn… Một quốc gia đang phát triển, với một nền kinh tế nhỏ và kém đa dạng hơn, có thể có ít phương án hơn trong việc trang trải chi phí cho vụ kiện. Những quốc gia đang phát triển cũng rất dễ bị mất lòng tin vào hệ thống giải quyết tranh chấp WTO do sự thất bại trong việc khiếu kiện trong trường hợp là nguyên đơn trong vụ tranh chấp. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến quyết định của một quốc gia đang phát triển đối với cả việc khởi kiện lẫn kháng kiện.
Ngoài ra, thời gian thực hiện cho quá trình giải quyết tranh chấp này khá dài, trung bình ít nhất là ba năm, và thời gian đó có thể gây bất lợi cho các ngành công nghiệp mới nổi của các nước đang phát triển nếu là một bên trong tranh chấp. Hơn nữa, thủ tục của cơ chế giải quyết tranh chấp DSU được coi là quá kỹ thuật và tốn kém. Do đó, các nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý chuyên môn và tận dụng được những lợi ích của hệ thống giải quyết tranh chấp này để kiện các thành viên khác, đặc biệt là thành viên phát triển.
Quan ngại về việc thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB của bên thua kiện trong tranh chấp
Quá trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được chia thành ba giai đoạn chính: thủ tục tham vấn, xét xử của ban hội thẩm và của cơ quan phúc thẩm, và giai đoạn thực thi. Trong giai đoạn tham vấn, nếu các bên tìm ra được một giải pháp thỏa đáng và phù hợp với các hiệp định liên quan thì là tốt nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp không có giải pháp thoả đáng nào được đưa ra, DSU cung cấp hai giải pháp có thể thực hiện: bên vi phạm thu hồi các biện pháp có liên quan nếu chúng được cho là không phù hợp với quy định của bất kỳ hiệp định WTO nào, và bồi thường nếu việc thu hồi ngay lập tức biện pháp này không khả thi. Trong giai đoạn thực thi, khuyến nghị và phán quyết của DSB là ràng buộc, mang tính bắt buộc thi hành, việc bồi thường thiệt hại và trả đũa là biện pháp mang tính khắc phục.
Tuy rằng các khuyến nghị và phán quyết của DSB là ràng buộc, bên thua kiện bắt buộc phải thực thi nhưng việc thực thi này được thực hiện như thế nào là một vấn đề mà bên thắng kiện trong tranh chấp rất quan tâm. Các phán quyết và khuyến nghị của DSB không tự bản thân nó thực hiện, vì vậy việc thực hiện phụ thuộc vào bên thua kiện có hành động thích hợp ra sao. Bản thân các biện pháp khắc phục theo luật WTO không có qui định đối với bất kỳ sự khắc phục thiệt hại nào do việc không tuân thủ của một thành viên gây ra đối với thành viên khác. Vì vậy, các nước đang phát triển thường phải đối mặt với khó khăn trong việc bắt buộc bên thua kiện thực hiện những phán quyết, đặc biệt là khi họ là những quốc gia phát triển. Vì các nước có nền kinh tế lớn hơn thường có thói quen dựa theo các quy tắc có lợi cho mình theo kiểu cá lớn nuốt cá bé hơn là tuân theo lẽ phải và sự công bằng. Đối với họ, biện pháp khắc phục tối ưu sẽ là một biện pháp đủ tốt để có thể chống lại các đối thủ nhưng không gây bất lợi cho mình. Xu hướng này cũng được đem ra xem xét trong việc giải thích lý do tại sao các biện pháp khắc phục của WTO vẫn còn là một vấn đề tồn tại.[15]
Theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, nếu một thành viên WTO vi phạm nghĩa vụ của mình theo các cam kết trong WTO và không tuân thủ phán quyết của WTO, thì các bên tranh chấp phải thương lượng đền bù và phải được cả hai bên tranh chấp đều chấp thuận. Tuy nhiên, việc bồi thường được thoả thuận bởi hai bên không bị ràng buộc bởi luật WTO và vì thế nó đã hiếm khi xảy ra.[16] Theo Điều 22.2 của DSU, nếu các bên không thể thống nhất về số tiền bồi thường, DSU cho phép bên khiếu kiện có quyền trả đũa bằng một biện pháp đối phó. Theo đó, bên khiếu kiện có thể yêu cầu DSB cho phép họ trả đũa theo các hiệp định nếu bị đơn không tuân thủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB và nếu họ thất bại trong việc bồi thường cho thành viên bị ảnh hưởng thắng kiện trong phiên tranh chấp.
Quan ngại về hiệu quả của trả đũa và bị trả đũa lại từ các thành viên phát triển mạnh như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu
Trả đũa được coi là một phản ứng của bên thắng kiện đối với bên thua trong tranh chấp khi bên thua kiện không tuân thủ phán quyết và khuyến nghị của DSB. Trả đũa cũng được coi là một công cụ được sử dụng bởi các thành viên cho rằng mình đã bị thiệt hại do việc không tuân thủ của các thành viên vi phạm, nhằm để buộc thành viên này thu hồi các biện pháp không phù hợp trong WTO. Tuy nhiên, biện pháp trả đũa chống lại các thành viên không thực hiện khuyến nghị và phán quyết của DSB là lựa chọn cuối cùng mà các thành viên khiếu kiện nên làm cho dù quyền trả đũa là một phương tiện quan trọng để làm các biện pháp vi phạm phù hợp theo các hiệp định của WTO. Các cuộc đàm phán về việc bồi thường khi các biện pháp khác không có hiệu quả được khuyến khích hơn là thực biện biện pháp trả đũa.[17]
Về mặt lý thuyết, trả đũa là một biện pháp khắc phục để đảm bảo sự tuân thủ đúng với các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Tuy nhiên, thực tế, trả đũa không phải là một biện pháp khắc phục hiệu quả đối với các thành viên đang phát triển. Biện pháp trả đũa có tác dụng cho các đối tác thương mại lớn của nước đang phát triển chứ không phải là cho bản thân các nước đang phát triển. Mục tiêu cơ bản của biện pháp trả đũa là làm cho bên vi phạm tuân thủ các phán quyết của DSB, trong khi đó các nước đang phát triển có quyền lực kinh tế kém hơn, sẽ lo ngại về hiệu quả của nó, đặc biệt là khi họ đấu tranh với các thành viên phát triển, những nước có quyền lực kinh tế mạnh hơn.
Các quy tắc và thực tiễn của WTO về các biện pháp khắc phục được xây dựng có phần thiên vị cho lợi ích của các thành viên có thị trường lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.[18] Do có thị phần lớn trên thị trường thế giới, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu nhìn chung muốn các nước đang phát triển tuân thủ các quy định và phán quyết của WTO bởi vì họ nhận thấy rằng việc tiếp cận các thị trường lớn của những quốc gia này rất quan trọng không chỉ đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu mà còn tạo công ăn việc làm cho nguồn lao động ở các quốc gia đó. Ngược lại, việc tiếp cận với thị trường các nước đang phát triển có một tỷ trọng nhỏ trong thị phần toàn cầu, lại ít ảnh hưởng đến lợi ích của nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Rõ ràng việc trả đũa có thể gây hại cho thành viên thực hiện quyền trả đũa từ góc độ kinh tế vì nó có thể làm tăng giá cho người tiêu dùng và làm giảm phúc lợi chung trong các quốc gia này.[19]Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng lo ngại nếu thực hiện quyền trả đũa đối với các nước lớn hơn trong tranh chấp có thể họ sẽ bị mất các khoản viện trợ hoặc các lợi ích khác trong kinh tế, thương mại hay ngoại giao. Thực sự việc trả đũa có thể gây tổn hại nền kinh tế quốc gia của bên thắng kiện nhiều hơn là được.
Vấn đề về hiệu quả của các điều khoản đặc biệt và ưu đãi dành cho các nước đang phát triển trong DSU và các hiệp định WTO có liên quan
Lời nói đầu của Hiệp định thành lập WTO có đoạn viết:
Thừa nhận rằng cần phải thiết lập những nỗ lực tích cực để đảm bảo rằng các nước đang phát triển, và đặc biệt là những nước chậm phát triển trong số đó, đảm bảo chắc chắn một phần trong sự tăng trưởng thương mại quốc tế tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế của họ,
Luật WTO quy định các điều khoản ưu đãi và đặc biệt dành cho các thành viên đang phát triển, trong đó có tính đến sự mất cân bằng kinh tế và nhu cầu phát triển của họ.[20] Theo đó, DSU có những qui định đối xử ưu đãi đặc biệt hướng đến các lợi ích dành riêng cho các nước đang phát triển và mang lại cho họ một sân chơi pháp lý và kinh tế ngang bằng trong hệ thống luật WTO.[21] Theo DSU, sự đối xử đặc biệt và ưu đãi cho các nước đang phát triển được qui định từ bước tham vấn cho đến khâu xét xử và giai đoạn thực thi.
Trong quá trình tham vấn, các thành viên đặc biệt chú ý đến các lợi ích của các thành viên đang phát triển. Do đó, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời gian tham vấn nếu đối tượng của tham vấn là một nước đang phát triển.[22] Tương tự như vậy, ở giai đoạn xét xử, nếu tranh chấp giữa một bên là nước đang phát triển và một bên là nước phát triển, thì ban hội thẩm phải bao gồm ít nhất một thành viên từ nước đang phát triển nếu thành viên này yêu cầu.[23] Ngoài ra, nếu một nước thành viên đang phát triển là bị đơn trong tranh chấp, ban hội thẩm phải tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên đó có đủ thời gian để chuẩn bị và trình bày lập luận của mình.[24] Khi một hoặc nhiều thành viên đang phát triển là các bên tranh chấp, trong quá trình xét xử, ban hội thẩm phải xem xét đến các qui định về đối xử khác biệt và ưu đãi đặc biệt đối với các thành viên đang phát triển khi các điều khoản đó có trong các hiệp định liên quan.[25] Trong giai đoạn thực thi các phán quyết và khuyến nghị của cơ quan giải quyết tranh chấp, các nước đang phát triển cũng được hưởng sự đối xử khác biệt, đặc biệt chú ý đến các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của các nước thành viên này liên quan đến các biện pháp là đối tượng của việc giải quyết tranh chấp.[26] Trong giai đoạn giám sát thực hiện, nếu một nước thành viên đang phát triển đưa ra vấn đề về sự đối xử khác biệt, DSB cần phải có hành động thích hợp ngoài việc giám sát và báo cáo tình hình.[27] DSB cũng cần xem xét không chỉ vấn đề thương mại của các biện pháp bị kiện mà cả ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế của các thành viên đang phát triển.
Tuy nhiên, mặc dù có những quy tắc định hướng trong DSU về việc dành ưu đãi đặc biệt cho các nước đang phát triển nếu các nước này là một bên trong tranh chấp, việc tuân thủ phán quyết của WTO vẫn còn phụ thuộc vào các mối quan hệ "sức mạnh", chứ không phụ thuộc vào các biện pháp bồi thường cơ bản.[28]Có nghĩa là, các nước đang phát triển là nguyên đơn với sức mạnh kinh tế nhỏ và yếu hơn khó có thể trông đợi các nước phát triển là bị đơn tuân thủ và thi hành các phán quyết và khuyến nghị của Cơ quan xét xử. Có ý kiến cho rằng không có cách nào để đảm bảo rằng sự đối xử ưu đãi và đặc biệt trong các hiệp định của WTO là dành cho các nước thành viên đang phát triển trong thực tế.[29] Thực vậy các nước đang phát triển rất quan ngại về hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng như tình trạng thiếu minh bạch đối với các biện pháp thực hiện các quy định ưu đãi đó. Ví dụ, như đã đề cập ở trên, Điều 21.2 của DSU quy định "nên" đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về lợi ích của các Thành viên đang phát triển trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên không có thêm sự giải thích rõ ràng rằng quy định này được thực thi như thế nào. Đây thực sự là một điều khoản không bắt buộc. Đúng như Gregory Shaffe đã nói, cho dù quan điểm về tự do hóa thương mại và vấn đề thực thi của nó như thế nào, các nước phát triển vẫn đang ở thế bất lợi trước hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.[30]
Sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn Luật WTO (ACWL) đối với các thành viên đang phát triển trong quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO
ACWL là một tổ chức độc lập của WTO thành lập năm 2001 theo quy định của Hiệp định thành lập Trung tâm tư vấn luật WTO. Mục đích của ACWL là cung cấp cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển năng lực pháp luật cần thiết để họ có thể tận dụng một cách đầy đủ những lợi ích do WTO mang lại. Trung tâm này được thành lập để hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển tham gia đầy đủ hơn trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và nâng cao độ tin cậy của hệ thống giải quyết tranh chấp này.
ACWL cung cấp trợ giúp pháp lý hiệu quả về luật WTO với một chi phí thấp hơn chi phí theo đuổi một vụ kiện thông thường theo cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Như đã thảo luận, các thành viên đang phát triển thường thiếu nguồn lực pháp luật và hạn chế về tài chính sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Vì vậy, các dịch vụ pháp lý của ACWL được coi là rất hiệu quả cho các nước đang phát triển nhằm hạn chế chi phí kiện tụng và đặc biệt là khuyến khích họ đưa vụ tranh chấp ra cơ quan giải quyết tranh chấp WTO. Trên thực tế, trong năm 2012, ACWL đã cung cấp 236 ý kiến pháp lý cho các nước đang phát triển và kém phát triển và hỗ trợ các nước này thực hiện 41 vụ tranh chấp tại WTO. Hầu hết các thành viên yêu cầu dịch vụ của ACWL hoặc hài lòng hoặc rất hài lòng (96 phần trăm) với những lời khuyên pháp lý của ACWL.[31]
Bảng 3: Sự tham gia của ACWL trong quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO (2002-2012)
Nguồn: ACWL
Về mặt lý thuyết, trong giải quyết tranh chấp, ACWL có thể hỗ trợ các thành viên từ bước khởi đầu đến các bước tiếp theo để thực hiện giải quyết vụ tranh chấp. Tuy nhiên, trong thực tế, nó có lẽ cũng không hiệu quả với mọi thành viên và không thực sự khuyến khích các nước mới tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. ACWL dường như có tác dụng hơn cho những nước đã phần nào có kinh nghiệm liên quan đến WTO. Các chuyên gia cho rằng ACWL thực sự là một cơ chế hỗ trợ các nước đã có hiểu biết nhất định về luật WTO và quá trình thực thi vụ tranh chấp.[32]
Lời kết
Bằng cách tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, một mặt, các thành viên WTO có cơ hội để đạt được một giải pháp tích cực cho các tranh chấp cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo các hiệp định WTO. Mặt khác, nó có thể đảm bảo rằng họ hành động phù hợp với nghĩa vụ của mình theo các hiệp định của WTO. Tuy nhiên, các thành viên đang phát triển phải đối mặt với khó khăn nhất định trong việc giải quyết tranh chấp này. Mặc dù DSU có qui định ưu tiên và sự đối xử khác biệt cho các nước thành viên đang phát triển, nhưng đây vẫn là một cơ chế giải quyết tranh chấp có phần thiên vị, trong đó, các thành viên đang phát triển có ít lợi thế hơn so với các thành viên phát triển. Nguồn lực pháp luật hạn chế, khó khăn về tài chính, lo ngại việc trả đũa, về sự thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là hạn chế lớn cho các thành viên đang phát triển tham gia có hiệu quả và đạt được thành công trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO.
Một số đề xuất cho các nước đang phát triển tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO một cách hiệu quả hơn như sau:
Thứ nhất, các nước đang phát triển cần nâng cao nguồn lực pháp luật, đây được coi là vấn đề quan trọng nhất đối với mỗi thành viên tham gia vào giải quyết vụ tranh chấp. Bởi vì đây là một yếu tố có thể dự báo cho sự thành công của một bên tranh chấp. Đối với các nước thành viên chưa có cơ quan/phái đoàn đại diện tại WTO nên thành lập các cơ quan đại diện này tại WTO. Cơ quan này sẽ là cầu nối để truyền tải thông tin về các vụ tranh chấp của WTO, dịch vụ pháp lý của ACWL, và các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế đến quốc gia của mình. Họ cũng có thể đại diện cho chính phủ mình tham gia vào giải quyết vụ tranh chấp. Ngoài ra, các Thành viên đang phát triển có thể sử dụng hỗ trợ kỹ thuật từ ACWL bằng cách gửi các chuyên gia pháp lý và luật sư của họ để ACWL đào tạo nghiệp vụ luật WTO. Các thành viên đang phát triển nên thành lập nhóm các luật sư của chính phủ chuyên về luật WTO. Các thành viên này cũng nên kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức phát triển ở các nước phát triển để giúp họ thực hiện các quyền của họ trong khuôn khổ WTO. Hơn nữa, để giảm thiểu chi phí kiện tụng trong các việc giải quyết tranh chấp tại WTO, các bên trong vụ kiện được khuyến khích sử dụng biện pháp tham vấn, trung gian và hòa giải trước khi tham gia tố tụng.
Thứ hai, tăng cường sự liên kết giữa các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và khu vực tư nhân. Các ngành công nghiệp trong nước cần nhận thức được rằng việc giải quyết tranh chấp tại WTO không chỉ là nhiệm vụ của chính phủ mà còn của các ngành công nghiệp địa phương. Các thành viên đang phát triển có ít nguồn lực công hơn thành viên phát triển, do đó, điều này có thể hạn chế khả năng đối phó của họ trong các tranh chấp tại WTO. Đối với vấn đề tài chính, sự hợp tác của các ngành công nghiệp địa phương và chính phủ sẽ khiến cho các nước đang phát triển tham gia dễ dàng hơn vào hệ thống giải quyết tranh chấp này. Có thể nói sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ và các ngành công nghiệp địa phương song song với sự hỗ trợ từ các công ty luật và các tổ chức hỗ trợ pháp lý sẽ giúp thành viên đang phát triển tham gia có hiệu quả trong hệ thống giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, vấn đề về tính hiệu quả của các điều khoản đối xử đặc biệt và ưu đãi đối với các thành viên đang phát triển trong quá trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cần được quan tâm hơn nữa để những điều khoản đó mang tính thực tiễn hơn. Đó có thể là những hướng dẫn thực thi cụ thể để Cơ quan giải quyết tranh chấp DSB dễ dàng thực hiện hơn. Bên cạnh đó, các nước thành viên đang phát triển có thể nêu vấn đề này thông qua những phiên họp/đàm phán có liên quan trong khuôn khổ WTO nhằm nâng cao hiệu quả của những qui định về đối xử đặc biệt ưu đãi đối với những nước đang phát triển trong quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO.
Cuối cùng, để làm cho DSU trở thành một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và không thiên vị cho các nước đang phát triển, các khuyến nghị và phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp WTO phải thực hiện đúng và thực hiện một cách kịp thời bởi các bên tham gia tranh chấp. Nhờ đó, các thành viên đang phát triển sẽ giảm bớt hoặc không còn lo ngại việc trả đũa và củng cố niềm tin đối với cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Do đó họ có thể tự tin, có niềm tin vững chắc và tham gia hiệu quả hơn vào cơ chế giải quyết tranh chấp này.
Thạc sỹ – Luật sư
Phạm Vân Thành
[1]David Palmeter “The WTO as a Legal System” (2000) Fordham Internal Law Journal,Vol. 24 (1&2), trang 10.
[2]A Handbook on the WTO Dispute Settlement System: A WTO Secretariat Publication prepared for publication by the Legal Affairs Division and the Appellate Body (Cambridge University Press, 2004), trang 2.
[5]Guohua Yang WTO Dispute Settlement Understanding: A detailed Interpretation Bryan. Mercurio, Yongjie Li (ed) (Kluwer Law International, 2005), trang 16.
[6] George Bermann and Petros C.Mavroidis Developing Countries in the WTO System (Cambridge University Press, 2007), trang 215.
[7] Bryan Mercurio and Mitali Tyagi “China’s Evolving Role in WTO Dispute Settlement: Acceptance, Consolidation and Activation” (2012), trang 91.
[8] WTO Dispute Settlement: The Disputes, Disputes by country/territory.
[9] WTO Dispute Settlement: The Disputes, Disputes by country/territory.
[10]Robert E. Hudec “The Adequacy of WTO Dispute Settlement Remedies: A Developing Country Perspective” in Bernard Hoekman, Aaditya Mattoo, and Philip English (ed) Development, Trade and the WTO: A Handbook (World Bank, 2002), trang 81.
[11]George Bermann and Petros C.Mavroidis Developing Countries in the WTO System (Cambridge University Press, 2007), trang 221.
[12] Gregory Shaffer “How to Make the WTO Dispute Settlement System Work for Developing Countries” (2003) ICTSD Resource Paper, trang 27.
[13] Alejandro Sánchez – Arriaga “Dispute Settlement Understanding of the WTO: Implication for Developing Countries” (2004) PQDT, trang 78.
[14] George Bermann and Petros C.Mavroidis (ed) WTO Law and Developing Countries (Cambridge University Press, 2007), trang 220.
[15]Gregory Shaffer “How to Make the WTO Dispute Settlement System Work for Developing Countries” (2003) ICTSD Resource Paper, trang 37
[16]Gregory Shaffer “How to Make the WTO Dispute Settlement System Work for Developing Countries” (2003) ICTSD Resource Paper, trang 37
[17]George Bermann and Petros C.Mavroidis Developing Countries in the WTO System (Cambridge University Press, 2007), trang 235.
[18]Gregory Shaffer “How to Make the WTO Dispute Settlement System Work for Developing Countries” (2003) ICTSD Resource Paper, trang 38.
[19] See Lucas Eduardo F. A. Spadano “Cross-agreement retaliation in the WTO disputes settlement system: an important enforcement mechanism for developing countries?” (2008), World Trade Review, trang 511–545.
[20] R. Rajesh Babu Remedies under the WTO Legal System (Martinus Nihoff Publisher, 2012), trang 343
[21] R. Rajesh Babu Remedies under the WTO Legal System (Martinus Nihoff Publisher, 2012), trang 371
[23] Điều 8.10 of the DSU
[28] R. Rajesh Babu Remedies under the WTO Legal System (Martinus Nihoff Publisher, 2012), trang 345-346.
[29] R. Rajesh Babu Remedies under the WTO Legal System (Martinus Nihoff Publisher, 2012), trang 376.
[30]Gregory Shaffer “The Challenges of WTO Law: Strategies for Developing Country Adaptation” (2006) World Trade Review, trang 1.
[31] ACWL, Report on Operations 2012, trang 3.
[32] Chad P. Bown and Rachel McCulloch “Developing Countries, Dispute Settlement, and the Advisory Centre on WTO Law” (2012), trang 16.