edf40wrjww2News:News_Content
Trong tổng số 28 vụ việc được điều tra năm 2010, Cục đã kết thúc điều tra và ra quyết định xử lý đối với 23 vụ, đình chỉ điều tra 03 vụ việc do kết quả điều tra sơ bộ cho thấy chưa đủ căn cứ kết luận Bên bị điều tra đã thực hiện hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, 02 vụ đang trong giai đoạn điều tra chính thức (chưa ra quyết định xử lý cuối cùng). Trong năm 2010, Cục đã ra quyết định xử lý vụ việc đối với 25 vụ việc với tổng số tiền phạt là hơn 1 tỷ đồng (trong có 02 vụ việc ban đã bắt đầu điều tra từ năm 2009).
Ngoài những vụ việc đã tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật cạnh tranh, trong năm 2010, qua rà soát hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, Cục đã tiến hành điều tra tiền tố tụng đối với 35 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khuyến mại, quảng cáo sản phẩm đã và đang được một số công ty trên địa bàn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện (thực phẩm chức năng, điều hòa, tủ lạnh, bột nêm, mỳ ăn liền ….). Trong đó, 32 vụ việc do Cục khởi xướng điều tra tiền tố tụng, 03 vụ việc điều tra tiền tố tụng theo đơn khiếu nại của doanh nghiệp tuy nhiên do bên khiếu nại không cung cấp đủ thông tin tài liệu theo yêu cầu nên Cục đã không tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh. Phần lớn các vụ việc do Cục khởi xướng điều tra tiền tố tụng đều là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm khá rõ ràng, các vụ việc này sẽ được tiếp tục xem xét và chuyển sang điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng cạnh tranh trong thời gian tới.
Các dạng hành vi bị Cục xử lý vi phạm trong năm 2010 khá đa dạng, bao gồm quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng đa cấp bất chính, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gièm pha nói xấu doanh nghiệp khác. Dạng hành vi vi phạm phổ biến nhất trong năm 2010 là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây nhầm lẫn cho khách hàng về tính năng công dụng của sản phẩm.
Năm 2010, Cục tập trung rà soát mảng quảng cáo các sản phẩm điện tử. Thực tế cho thấy để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhiều hãng sản xuất đồ điện lạnh nổi tiếng đã quảng cáo các sản phẩm của mình với những tính năng ưu việt như tiết kiệm điện 50-60% so với điều hòa thông thường, diệt/vô hiệu hóa vi khuẩn virus lên tới 99,9%, … Các thông điệp quảng cáo mang tính chất so sánh với các loại sản phẩm thông thường dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quá trình điều tra cho thấy các tính năng diệt/vô hiệu hóa các vi khuẩn và virus là không hoàn toàn chính xác. Kết quả báo cáo thí nghiệm cho thấy các sản phẩm chỉ diệt được một số loại vi khuẩn và virus nhất định (thường là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy Ecoli) mà không diệt/vô hiệu hóa được tất cả các loại vi khuẩn và virus như được quảng cáo. Bên cạnh đó, mặc dù các báo cáo thí nghiệm do các công ty cung cấp có độ tin cậy cao bởi các thí nghiệm đều được thực hiện tại các Viện nghiên cứu có uy tín tại Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng về bản chất, kết quả của các báo cáo thí nghiệm chỉ có giá trị ghi nhận công dụng của mẫu sản phẩm được thử nghiệm, không có giá trị với các mẫu khác. Điều kiện thực hiện thí nghiệm tại các nước này cũng khác xa so với điều kiện thực tế vận hành sản phẩm tại Việt Nam (khác nhau về nhiệt độ, điều kiện thí nghiệm, diện tích phòng, thời gian vận hành…). Vì vậy, thông điệp quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng cần đầy đủ để đưa tới người tiêu dùng các nội dung chính xác nhất. Một thông tin không đầy đủ cũng có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, gây nhầm lẫn. Có thể nói, so với năm 2009, tổng số vụ việc cạnh tranh được điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh đã tăng lên gấp đôi. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng, điều này chứng tỏ hiệu quả thực thi pháp luật về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã tăng lên đáng kể.
Trong thời gian tới, số lượng các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh do Cục Quản lý cạnh tranh tiếp nhận và xem xét xử lý dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. Môi trường cạnh tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt, các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các biện pháp cạnh tranh mạnh mẽ hơn, có thể dẫn đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, với việc mở cửa nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh để đáp ứng các cam kết của nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài sẽ tham gia sâu rộng hơn vào đời sống kinh tế trong nước, từ đó có thể xuất hiện các dạng thức cạnh tranh mới, đòi hỏi cơ quan quản lý có sự nghiên cứu, đánh giá cả hai mặt ảnh hưởng tích cực, tiêu cực và đề xuất các biện pháp điều chỉnh nếu cần thiết.