BVNTD

[Bài số 5/8] – Những biểu hiện của hoạt động bán hàng đa cấp bất chính

Bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật Việt Nam thừa nhận và Nhà nước đã ban hành khuôn khổ pháp lý riêng để quản lý hoạt động này. Theo đó, các doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, đăng ký với Bộ Công Thương và chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, việc đăng ký hoạt động không có nghĩa là doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động đúng pháp luật và kinh doanh chân chính. Song song với việc ban hành các quy định cho phép doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động chính thống, pháp luật cũng có những quy định cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Theo đó, các hành vi vi phạm nghiêm trọng, hay còn được gọi là bán hàng đa cấp bất chính, được liệt kê cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật và doanh nghiệp vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Các trường hợp nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc các tội danh liên quan.

Cập nhật và kế thừa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về bán hàng đa cấp trước đây, các hành vi bị cấm đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm các quy định này sẽ bị phạt tối đa đến 200 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định sô 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, một số biểu hiện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính có thể tổng hợp như sau:

(i) Cung cấp thông tin gian dối về sản phẩm

Đây là dạng vi phạm phổ biến nhất của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính. Để thu hút được người tham gia và mua hàng, các doanh nghiệp có xu hướng nói quá về công dụng sản phẩm về cơ hội làm giàu khi tham gia kinh doanh với Công ty.

Hình thức này phổ biến ở dạng quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có công dụng thần kỳ, chữa được các bệnh nang y, bệnh hiểm nghèo. Để tăng tính thuyết phục, nhiều doanh nghiệp bố trí người vào vai bệnh nhân để làm nhân chứng sống cho việc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đã khỏi bệnh mặc dù bệnh viện không thể chữa khỏi. Với việc chứng kiến “người thật, việc thật”, rất nhiều người đã bỏ khoản tiền lớn để mua sản phẩm với hy vọng “chữa” được bệnh cho bản thân hoặc người thân của mình, nhiều người cũng mang các câu chuyện này chia sẻ lại với người thân dẫn đến có nhiều nạn nhân hơn tham gia mua các sản phẩm này.

Tuy nhiên, thực tế sản phẩm của các doanh nghiệp này chỉ là các sản phẩm thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh.

(ii) Cung cấp thông tin gian dối về cơ hội kinh doanh

Một hình thức khác của dạng vi phạm này là quảng bá về cơ hội làm giàu nhanh chóng khi tham gia bán hàng đa cấp.

Một số doanh nghiệp đã đánh vào lòng tham của người tham gia bằng cách vẽ ra các viễn cảnh giàu sang với thu nhập rất cao, với những tài sản lớn và những chuyến du lịch sang trọng. Để tạo lòng tin, các doanh nghiệp này tổ chức các sự kiện hoành tráng, tổ chức trao thưởng hàng trăm triệu đồng hay nhiều tỉ đồng cho các cá nhân. Với việc chứng kiến người khác “nhận thưởng” với khoản tiền rất lớn và chia sẻ về thành công của mình, rất nhiều người đã mờ mắt đầu tư khoản tiền rất lớn để “làm giàu”. Tuy nhiên, những người này không biết được rằng các khoản thưởng đó hoàn toàn không có thật, đây là chiêu trò được dàn dựng để lôi kéo người khác tham gia đầu tư. Cũng có một số người được trao thưởng nhưng số người này chỉ chiếm số ít và tiền trao thưởng chính là tiền do những người tham gia sau nộp vào Công ty, chứ không đến từ việc bán hàng như các doanh nghiệp khác.

(iii) Yêu cầu đặt cọc, nộp tiền tham gia hoặc bắt buộc mua hàng hóa khi tham gia

Đây cũng là dạng thức bán hàng đa cấp bất chính diễn ra phổ biến trong thời kỳ đầu bán hàng đa cấp du nhập vào Việt Nam. Các doanh nghiệp bất chính thường tìm cách dụ dỗ, khiến cho người tham gia phải bỏ ra một số tiền ban đầu để gia nhập vào mạng lưới. Sau khi mất tiền để tham gia, người tham gia tiếp tục mời gọi những người khác nộp tiền vào mà không mua bán sản phẩm gì, hoặc có sản phẩm nhưng sản phẩm không có giá trị. Cứ như vậy, tiền được nộp vào hệ thống không dựa trên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa mà chỉ nộp tiền khống, dùng tiền đó chi trả hoa hồng cho người vào trước. Những người vào sau chiếm số đông trong mạng lưới sẽ chịu thiệt hại, không đòi lại được tiền khi hệ thống không thể tuyển thêm được người nộp tiền vào.

Dạng thức này có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, có thể là yêu cầu đặt cọc một khoản với cam kết sau này sẽ trả lại; có thể yêu cầu nộp một khoản tiền với lý do mua tài liệu đào tạo, tham gia buổi tập huấn; có thể buộc mua một lượng hàng hóa kém chất lượng với giá rất cao với lý do sử dụng thử để trải nghiệm sản phẩm và tư vấn cho khách hàng về sản phẩm.

Bản thân người bị dụ dỗ thường không nhận thức được bản chất của việc nộp tiền bởi họ được những người thân quen giới thiệu nên hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, sau đó khi không lấy lại được tiền hoặc không bán được sản phẩm thì họ mới nhận ra vấn đề. Có những người chấp nhận bỏ cuộc và mất tiền. Cũng có người lại đi dụ dỗ, lôi kéo người thân, bạn bè tham gia để lấy lại số tiền mình đã mất. Cứ như vậy, số nạn nhân ngày càng tăng cho đến khi không có thêm người tham gia và hệ thống sụp đổ.

(iv) Cho người tham gia nhận tiền từ việc tuyển dụng người mới

Trả tiền cho việc tuyển dụng là một trong những dấu hiệu nhận biết căn bản đối với hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Ở những doanh nghiệp này, việc bán hàng không được chú trọng mà chỉ tập trung tuyển dụng, lôi kéo người mới tham gia. Để khuyến khích tuyển dụng, doanh nghiệp chi trả một khoản hoa hồng cho người tham gia khi người đó tuyển được một người mới.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng của các doanh nghiệp này thường gắn với việc người được tuyển dụng nộp một khoản tiền dưới các hình thức khác nhau như đặt cọc hay mua hàng. Nguồn gốc khoản tiền thưởng dành cho người tuyển dụng cũng chính là từ khoản tiền do người được tuyển dụng nộp cho Công ty. Các doanh nghiệp này sẽ tồn tại đến khi không tuyển được người mới nữa, không còn tiền để chi trả cho tuyến trên nữa thì sẽ tự sụp đổ.

(v) Cho người tham gia đầu tư nhiều mã số, ký nhiều hợp đồng

Trong hoạt động bán hàng đa cấp chính thống, mỗi người tham gia chỉ ký một hợp đồng tham gia và được cấp một mã số để xác nhận vị trí trong mạng lưới của Công ty. Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính, người tham gia được khuyến khích đầu tư nhiều tiền, thông qua việc một người ký nhiều hợp đồng, tạo lập nhiều mã số trên hệ thống, mỗi mã số nộp một khoản tiền, hệ thống sẽ xếp các mã số để mã số trên được hưởng hoa hồng từ mã số phía dưới. Theo cách này, khi mới gia nhập, người tham gia sẽ được nhận một khoản hoa hồng nhất định, thực chất là từ doanh số của các mã số tuyến dưới của chính mình. Tuy nhiên, đến các kỳ tính thưởng tiếp theo, người đó sẽ không còn được hưởng hoa hồng gì nếu không đầu tư thêm tiền, bởi các mã số này đều là mã số ảo, không tự phát sinh được hoa hồng do không có hoạt động mua bán liên quan đến mã số đó.

Đây là cách thức được một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng để kêu gọi đầu tư vì người đầu tư bị thu hút bởi khoản hoa hồng ban đầu khi họ mới nộp tiền vào hệ thống mà không ý thức được việc khoản hoa hồng đó chỉ phát sinh một lần hoặc chỉ phát sinh khi họ đầu tư thêm tiền cho các mã số phía dưới.

Để tránh bị phát hiện, các doanh nghiệp này thường hướng dẫn, cho phép người tham gia mượn giấy tờ cá nhân của người thân quen để ký hợp đồng. Bằng cách này, một người sẽ có thể đầu tư vào nhiều mã số, mỗi mã số gắn với một hợp đồng và một cá nhân khác nhau, tuy nhiên tiền sẽ do một người nộp và hoa hồng cũng chỉ trả cho một người.

Trong những năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp vì các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Một số đối tượng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như vụ việc liên quan đến Công ty Liên Kết Việt hay vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long.

Vì vậy, người dân khi tham gia hợp tác với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần hiểu rằng không phải doanh nghiệp nào được cấp giấy chứng nhận cũng là doanh nghiệp hoạt động chân chính.

Trường hợp nhận thấy doanh nghiệp mình hợp tác có biểu hiện của bán hàng đa cấp bất chính như nêu trên, cần thu thập chứng cứ, thông báo với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời giúp các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan một cách nghiêm minh, thích đáng.

[Bài số 1/8] – Bản chất hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

[Bài số 2/8] – Các hình thức kinh doanh dễ bị nhầm là kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP

[Bài số 3/8] – Những điều kiện đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam

[Bài số 4/8] – Kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Viêt Nam trong thời gian vừa qua

[Bài số 6/8] – Các hình thức bán hàng đa cấp biến tướng hiện nay

[Bài số 7/8] – “Kịch bản” lừa đảo của các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép

[Bài số 8/8] – Những điều cần lưu ý khi tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ