BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tham gia Cuộc họp Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (Nhóm AEGC) lần thứ 29

16/11/2022

Từ ngày 17-20 tháng 10 năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tham gia Cuộc họp Nhóm chuyên gia cạnh tranh ASEAN (Cuộc họp AEGC) lần thứ 29 và các cuộc họp liên quan của nhóm AEGC với các đối tác phát triển theo hình thức trực tuyến. Tham dự Cuộc họp có đại diện của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác phát triển (Đức, Úc, Niu Di-lân, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, OECD). Bà Hajah Rena Azlina Dato Haji Abdul, Chánh Văn phòng, Ủy ban Cạnh tranh Bruinei, Chủ tịch AEGC phát biểu khai mạc và chủ trì Cuộc họp.

Cuộc họp AEGC lần thứ 29 tập trung vào một số nội dung chính (i) Cập nhật tình hình xây dựng và thực thi luật và chính sách cạnh tranh các nước ASEAN năm 2022; (ii) Rà soát kết quả triển khai các hoạt động hợp tác về cạnh tranh của Nhóm AEGC năm 2022; (iii) Đánh giá kết quả hoạt động hợp tác về cạnh tranh của ASEAN với các đối tác phát triển và thảo luận Kế hoạch hợp tác trong thời gian tới. Một số nội dung nổi bật của Cuộc họp như sau:

Cập nhật tình hình xây dựng và thực thi luật và chính sách cạnh tranh các nước ASEAN năm 2022

Tại Cuộc họp, cơ quan cạnh tranh ASEAN đã cập nhật những điểm nổi bật trong công tác xây dựng và thực thi luật chính sách cạnh tranh năm 2022. Ngoài các hoạt độngvề công tác thực thi, Cuộc họp đã cập nhật những điểm mới điểm mới về thể chế cạnh tranh của các nước ASEAN với một số điểm nổi bật. Malaysia đang tiến trình sửa đổi Luật cạnh tranh 2010, dự kiến thoàn thành cuối năm 2022. Ủy ban cạnh tranh Indonesia ban hành Chương trình tuân thủ cạnh tranh cho doanh nghiệp (ngày 14 tháng 3 năm 2022). Cơ quan cạnh tranh Philippines mở thêm Văn phòng điều tra tại nam Luzon. Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban cạnh tranh.

Khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Cạnh tranh

Ban Thư ký ASEAN cập nhật Cuộc họp về tình hình triển khai các sáng kiến kinh tế ưu tiên của ASEAN năm 2022 trong đó bao gồm hoạt động khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh (AFAC) đã được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 54 tổ chức vào ngày 14-15 tại Siem Riep, Cambodia. Cũng tại Hội nghị này, các Bộ trưởng đã thông qua Hướng dẫn Nguyên tắc đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh làm cơ sở để khởi động đàm phán Hiệp định Khung ASEAN về Cạnh tranh. Hiệp định AFAC sẽ là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhằm tạo dựng và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng tại ASEAN thông qua việc tạo thuận lợi cho hoạt động phối hợp và hợp tác về cạnh tranh xuyên biên giới giữa các nước thành viên ASEAN, đồng thời cung cấp các biện pháp xử lý hiệu quả các vấn đề cạnh tranh mà các bên cùng quan tâm.

Tăng cường năng lực thực thi luật và chính sách cạnh tranh của các nước khu vực ASEAN

Cuộc họp đã tổng kết các hoạt động nâng cao năng lực cho cơ quan cạnh tranh ASEAN được tiến hành trong năm 2022, bao gồm các chương trình đào tạo trực tuyến được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác về cạnh tranh giữa ASEAN và các nước Hoa Kỳ, Anh Quốc, Ốt-xtrây-lia, Niu Di lân có nội dung phong phú, thiết thực được thiết kế phù hợp với nhu cầu đào tạo của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN. Cuối năm 2022 và năm 2023, AEGC tiếp tục triển khai một số hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cơ quan cạnh tranh ASEAN bao gồm: Tổ chức chuỗi hoạt động đào tạo về cạnh tranh trong thị trường kinh tế số trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Úc-Niu Di lân; Khóa đào tạo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ với chủ đề về xây dựng kế hoạch và quản lý rủi ro trong hoạt động thực thi; và Khóa đào tạo của Cơ quan cạnh tranh Vương quốc Anh với chủ đề về Cạnh tranh và Phát triển bền vững.

Xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh khu vực ASEAN

Một trong những hoạt động nhằm tăng cường cơ chế hợp tác cạnh tranh của khu vực được AEGC tiến hành là hoạt động Xây dựng Cổng thông tin ASEAN chia sẻ về các vụ việc tập trung kinh tế ASEAN. Cuộc họp cho ý kiến về Dự thảo Hướng dẫn xây dựng Cổng thông tin dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Để tăng cường cơ chế hợp tác khu vực ASEAN về cạnh tranh, Hội nghị nhất trí sẽ đăng tải các thỏa thuận hợp tác (MoU) giữa cơ quan cạnh tranh ASEAN lên Trang thông tin điện tử của AEGC. Theo đó, giao diện Trang thông tin điện tử AEGC sẽ được sửa đổi và bổ sung thêm mục “Các thỏa thuận hợp tác song phương”.

Tăng cường nhận thức về cạnh tranh khu vực ASEAN

Hội thảo về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ASEAN là một trong những hoạt động trong chuỗi các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức khu vực ASEAN về cạnh tranh. Hội thảo đã diễn ra ngày 06 tháng 10 năm 2022 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện cơ quan cạnh tranh, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ASEAN. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa công tác cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, tập trung vào những nội dung liên quan đến những vấn đề về cạnh tranh trong nền kinh tế số. Cuộc họp đã ghi nhận thành công của Hội nghị cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 1-2 tháng 12 năm 2021 do Việt Nam chủ trì với hơn 700 đại diện tham dự và tiếp tục thảo luận kế hoạch tổ chức Hội nghị ACC lần thứ 10 dự kiến vào cuối năm 2023. Nhằm tăng cường nhận nhức khu vực về cạnh tranh, Cuộc họp đã thảo luận về tiến độ xây dựng và ban hành  một số ấn phẩm về cạnh tranh khu như Sổ tay ASEAN về cạnh tranh cho doanh nghiệp; Hướng dẫn đo lường chỉ số nhận thức của doanh nghiệp về cạnh tranh khu vực ASEAN.

Ngoài ra, Cuộc họp thảo luận về những điểm điều chỉnh bổ sung nhằm hoàn thiện giao diện Cổng thông tin AEGC trong thời gian tới đồng thời cũng khuyến khích các cơ quan cạnh tranh lưu ý định kỳ đăng tin/bài của mình trên Cổng thông tin. Cuộc họp ghi nhận ý kiến của Singapore về việc sẽ thiết kế tài liệu tuyên truyền quảng bá về Trung tâm nghiên cứu cạnh tranh của ASEAN (V-ACRC) nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng của V-ACRC tới các đối tượng quan tâm trong và ngoài khu vực.

Tiến tới hài hòa hóa về luật và chính sách cạnh tranh trong khu vực ASEAN

Với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu hài hòa hóa về cạnh tranh khu vực, Ban Thư ký ASEAN đã đề xuất Cuộc họp cho ý kiến về biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng Nghiên cứu “Những điểm tương đồng và khách biệt về luật và chính sách cạnh tranh khu vực ASEAN” trong đó bao gồm đề xuất về hội nhập luật và chính sách cạnh tranh khu vực. Đây được cho là tài liệu tham khảo có giá trị không chỉ đối với cán bộ cơ quan cạnh tranh mà còn với giới học thuật, công ty luật và các đối tượng quan tâm đến nội dung cạnh tranh. Với ý nghĩa như vậy, Cuộc họp đã đã thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận nghiên cứu đối với các đối tượng quan tâm trong đó bao gồm xây dựng bản Tóm tắt nghiên cứu và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của AEGC và Trang thông tin điện tử của các cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN; tổ chức hội thảo các đại diện cơ quan cạnh tranh ASEAN nhằm đánh giá đề xuất của Nghiên cứu về chiến lược hội nhập luật và chính sách cạnh tranh ASEAN và khả năng triển khai các đề xuất đó.

Hợp tác giữa AEGC với các đối tác phát triển

Tại các phiên họp giữa với các đối tác phát triển, thay mặt AEGC, bà Aziz Anisah Syakirah Hj Anwari cảm ơn đánh và giá cao những hỗ trợ các đối tác phát triển cho ASEAN về cạnh tranh thời gian qua. Bà Aziz khẳng định sự hỗ trợ của các đối tác là thực sự cần thiết và hữu ích, tạo điều kiện cho cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và luật cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh khu vực vẫn còn có sự hạn chế nhất định về nguồn lực và kinh nghiệm. Tại Cuộc họp này, các bên đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai hoạt động hợp tác về cạnh tranh của ASEAN với các đối tác phát triển (Đức, Úc, Niu Di-lân, Hoa Kỳ, Anh, OECD) và thảo luận về kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Cuộc họp AEGC là cuộc họp thường kỳ (2 lần/năm) giữa các đại diện cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN. Cuộc họp được tổ chức để đại diện các cơ quan cạnh tranh cập nhật về tình hình xây dựng và thực thi luật và chính sách cạnh tranh của các nước ASEAN trong kỳ; thảo luận, trao đổi về các hoạt động hợp tác cạnh tranh khu vực và đề ra kế hoạch hoạt động cạnh tranh của AEGC cho kỳ tiếp theo; đánh giá kết quả hoạt động hợp tác cạnh tranh và thống nhất kế hoạch hợp tác của AEGC với các đối tác phát triển.

Để biết thêm thông tin về Hợp tác khu vực ASEAN về Chính sách Cạnh tranh, có thể truy cập trang điện tử www.asean-competition.org./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ