Ngày 28 và 29 tháng 9 năm 2022 đã diễn Cuộc họp các nhà lãnh đạo cấp cao Đông Á về chính sách Cạnh tranh (“EATOP 17”) lần thứ 17 và Hội nghị về Chính sách và Luật Cạnh tranh Đông Á lần thứ 14 (“EAC 14”) tại Manila, Philippines. Đây là các sự kiện cạnh tranh thường niên của khu vực do cơ quan cạnh tranh các nước Đông Á thay phiên chủ trì tổ chức. Sự kiện EATOP 17 và EAC 14 năm nay do Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) tổ chức với sự phối hợp của Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản (JFTC) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI).
Tham dự Cuộc họp EATOP 17 có gần 60 đại diện cơ quan cạnh tranh quy tụ hầu hết các lãnh đạo cấp cao nhất, người đứng đầu của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và New Zealand, bao gồm Ủy viên Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản, Ủy viên thường trực Ủy ban Thương mại Lành mạnh Hàn Quốc, Giám đốc điều hành Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Singapore, Giám đốc điều hành và Ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Philippines, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Lành mạnh Đài Loan, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Campuchia, Giám đốc điều hành Ủy ban Cạnh tranh Malaysia, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng…
Cuộc họp EATOP lần thứ 17 được thảo luận về 04 chủ đề chính đang được các cơ quan cạnh tranh các quốc gia quan tâm gồm:
Xu hướng phát triển về luật và chính sách cạnh tranh quốc gia trong thời gian gần đây – Vai trò của các cơ quan cạnh tranh trong việc ứng phó với các cú sốc kinh tế
Trong vài thập kỷ gần đây, nền kinh tế thế giới đã bị ảnh hưởng bởi các cú sốc cung và cầu với mức độ khác nhau. Từ kủng hoảng Tài chính Châu Á 1997 đến khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008 và gần đây hơn là ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã được kêu gọi thực hiện các chính sách có thể giảm bớt những cú sốc kinh tế gây ảnh hưởng tới quốc gia. Tuy nhiên, một số động thái của Chính phủ có thể gây ra những chính sách và quy định có tính phản cạnh tranh; như hạn chế nhập khẩu hàng hóa, thương mại, hạn chế hoạt động kinh tế và xu hướng bảo hộ các doanh nghiệp trong nước…có thể ảnh hưởng tới quá trình cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
Tại Phiên họp này, các diễn giả đã trình bày các bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của các cơ quan cạnh tranh trong việc ứng phó với các cú sốc kinh tế, các biện pháp cụ thể mà cơ quan cạnh tranh khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý chuyên ngành để hài hòa hóa các chính sách công nghiệp đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh trong các lĩnh vực của nền kinh tế, các chính sách mà cơ quan cạnh tranh cần ban hành nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng bởi các cú sốc kinh tế.
Chính sách cạnh tranh các quốc gia Đông Á và quá trình hội nhập khu vực
Trong quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia, quá trình tham gia vào các khuôn khổ định chế thương mại song phương và khu vực đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nói riêng, cho khu vực và cho nền kinh tế thế giới nói chung. Những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia Đông Á ngày càng trở nên sâu và rộng hơn. Trong đó, các cam kết về cạnh tranh trong các FTAs/RTAs ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cạnh tranh, đem lại hiệu quả đầu tư và thương mại theo các Hiệp định.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết và có hiệu lực đã góp phần đưa các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào kỷ nguyên mới của hội nhập khu vực, bao gồm cả các vấn đề về cạnh tranh. Khi các quốc gia nới lỏng các rào cản thương mại và thúc đẩy cạnh tranh thông qua các cam kết FTAs, điều này có thể làm tăng khả năng các doanh nghiệp sẽ thực hiện các hành vi như các-ten xuyên biên giới, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; do đó sẽ gây ra các tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng.
Trong Phiên họp này, các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề, cách thức các quốc gia Đông Á tăng cường hội nhập khu vực, tận dụng các cơ hội mà RCEP mang lại và vẫn đảm bảo hiệu quả cạnh tranh trên thị trường, biện pháp cơ quan cạnh tranh điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới, hài hòa hóa các quy tắc cạnh tranh giữa các quốc gia Đông Á. Qua đó, các diễn giả cho rằng cần nâng cao hơn nữa hoạt động hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh các quốc gia Đông Á trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới. Các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh gồm thông báo, tham vấn, chia sẻ thông tin, tài liệu về vụ việc cạnh tranh trong khuôn khổ nguồn lực và quy định pháp luật các quốc gia.
Các diễn giả cũng thảo luận về việc các quốc gia ASEAN sẽ khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Cạnh tranh trong thời gian sắp tới. Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54 đã công bố khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh – một hiệp định hợp tác chính thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phối hợp và hợp tác xuyên biên giới về luật và chính sách cạnh tranh giữa các nước thành viên ASEAN.
Mua sắm công và các vấn đề về cạnh tranh
Hoạt động mua sắm công có thể xảy ra một số hành vi gây ảnh hưởng tới cạnh tranh như thông đồng trong đấu thầu; các hành vi này cũng chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật cạnh tranh các quốc gia. Các hành vi thỏa thuận giá trong đấu thầu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng tới lợi ích người tiêu dùng và cộng đồng.
Trong phiên họp này, các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh các quốc gia trong việc phát hiện các hành vi gian lận giá thầu trong mua sắm công, đặc biệt trong bối cảnh thu thập dữ liệu trong các vụ việc cạnh tranh thông thầu là rất khó khăn; cách thức cơ quan cạnh tranh thực thi luật nhằm giảm thiểu các hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu tại các quốc gia; các khuyến nghị mà cơ quan cạnh tranh đưa ra nhằm khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động mua sắm công tại các quốc gia.
Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới của nền kinh tế
Các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới của nền kinh tế là một trong những chủ đề mới được cơ quan cạnh tranh các quốc gia rất quan tâm trong thời gian gần đây. Các lĩnh vực như kinh tế số, thanh toán trực tuyến, video game, dược phẩm,v.v có nhiều đặc điểm khác biệt trong quá trình phát triển và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp so với các thị trường truyền thống. Do đó, trong quá trình đánh giá cạnh tranh, thẩm định các thông báo tập trung kinh tế (mua bán, sáp nhập) giữa các doanh nghiệp trên thị trường, cơ quan cạnh tranh cần hết sức cẩn trọng trong việc đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh, tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.
Tại phiên này, đại diện cơ quan cạnh tranh các quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc rà soát, thẩm định và đánh giá các vụ việc tập trung kinh tế trong các lĩnh vực mới của nền kinh tế. Theo đó, cơ quan cạnh tranh cần tăng cường hợp tác chuyên môn với các cơ quan quản lý chuyên ngành, cần đưa ra các chính sách đúng đắn nhằm đảm bảo cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của thị trường, đồng thời tăng cường trao đổi hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh các quốc gia trong các vụ việc M&A có tính chất xuyên biên giới.
Được tổ chức song song với Cuộc họp EATOP 17, Hội nghị EAC là hội nghị hàng năm dành cho các cán bộ cơ quan cạnh tranh các quốc gia Đông Á, doanh nghiệp, văn phòng luật, trường đại học và các nhà nghiên cứu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh. Các nội dung chính của Hội nghị EAC lần thứ 14 được thảo luận gồm:
Các quy định về phát triển bền vững và chính sách cạnh tranh
Một số quy định, chính sách về ưu tiên phát triển bền vững có thể hạn chế cạnh tranh trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. Ví dụ, bằng cách hạn chế sử dụng than và các nhiên liệu hóa thạch khác trong sản xuất điện, một số nhà sản xuất điện có thể phải rút lui khỏi thị trường. Ngoài ra, các nguồn trợ cấp cho năng lượng tái tạo có thể vi phạm khái niệm trung lập về cạnh tranh.
Trong phiên này, các tham luận viên đã có những chia sẻ hết sức ý nghĩa về kinh nghiệm các quốc gia về các vấn đề như sau: Những quy định về tính bền vững có thể ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh, vai trò của cơ quan cạnh tranh trong việc đảm bảo rằng các quy định về tính bền vững có tác động tối thiểu đến cạnh tranh, các quy định về tính bền vững ảnh hưởng như thế nào đến việc thực thi pháp luật cạnh tranh và làm thế nào để các cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý cạnh tranh có thể hài hòa các chính sách của họ trong việc đạt được các kết quả phát triển như tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất.
Mối quan hệ giữa chính sách cạnh tranh và pháp luật về bảo mật thông tin
Sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số đã đặt ra những thách thức mới đối với các chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý cạnh tranh. Trong phiên này, các diễn giả đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề gồm: tầm quan trọng của dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số, các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng trước sự phát triển và gia tăng nhanh chóng của thị trường kinh tế số, các tác động qua lại giữa chính sách cạnh tranh và chính sách bảo mật thông tin các quốc gia, các biện pháp mà cơ quan cạnh tranh và cơ quan quản lý quyền riêng tư có thể áp dụng trong quản lý thị trường kỹ thuật số.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005, Hội nghị EATOP là sự kiện cạnh tranh thường niên của khu vực, là nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo cấp cao cơ quan cạnh tranh các nước Đông Á để trao đổi, chia sẻ những vấn đề nổi bật trong công tác thực thi chính sách và luật cạnh tranh của khu vực. Từ năm 2008 trở lại đây, Hội nghị EATOP được tổ chức song song với Hội nghị EAC tạo nên một cầu nối giữa cơ quan cạnh tranh và doanh nghiệp nhằm cùng lắng nghe ý kiến, chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của các bên liên quan trong việc thực thi và tuân thủ chính sách và luật cạnh tranh khu vực.
Hội nghị EAC là một diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa cơ quan thực thi và các đối tượng áp dụng chính sách và luật cạnh tranh. Điều này giúp thu hẹp dần khoảng cách, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa cơ quan cạnh tranh và doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ luật cạnh tranh trên tinh thần khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh lành mạnh. Hội nghị EAC nêu bật tầm quan trọng của môi trường cạnh tranh hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho người tiêu dùng./.