BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng công bố Báo cáo kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022

03/10/2022

Nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về thực thi các quy định kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam, và tăng cường tính minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) đã thực hiện “Báo cáo kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022”. Việc công bố Báo báo cáo kiểm soát tập trung kinh tế là một hoạt động thường kỳ của Cục CT&BVNTD. Trước đây, Cục CT&BVNTD đã từng công bố “Báo cáo Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 7/2019 – 7/2021” và “Báo cáo Hoạt động tập trung kinh tế năm 2021”.

Báo cáo kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 đã tổng kết những nét chính về hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A) trên thế giới trong nửa đầu năm 2022, đồng thời cung cấp số liệu về hoạt động M&A và kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam trong thời kỳ này.

Trên thế giới, 6 tháng đầu năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm của giá trị M&A toàn cầu về mức trước đại dịch, đạt 2,3 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với số liệu ghi nhận trong nửa đầu năm 2020 – giai đoạn kinh tế có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, con số này đã giảm 23% so với mức kỷ lục năm 2021 khi tổng giá trị M&A trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3 nghìn tỷ USD. Số lượng giao dịch M&A cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 15.764 giao dịch. Tổng số giao dịch quy mô lớn (megadeals) trên toàn cầu (giá trị hơn 5 tỷ đô la Mỹ) đã giảm một phần ba. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022 vẫn có sự góp mặt của các thương vụ lớn. Trên thực tế, có bốn giao dịch với giá trị hơn 50 tỷ đô la Mỹ so với chỉ một giao dịch trong cả năm 2021.

Hoạt động M&A toàn cầu đang gặp nhiều lực cản trong bối cảnh các công ty lo lắng về viễn cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động M&A cũng tăng cao khi các Ngân hàng Trung ương các quốc gia đang tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát. Việc thỏa thuận về giá trị các thương vụ M&A cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh.

Tại Việt Nam, nền kinh tế có xu hướng phục hồi trong năm 2022 với với mức tăng trưởng GDP được dự báo là 6,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 4,4%. Năm 2022 là một năm sôi động đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cũng sử dụng M&A để tập trung nguồn lực vào việc nâng cao năng lực doanh nghiệp và chuyển đổi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Theo “Báo cáo kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022”, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, Cục CT&BVNTD tiếp nhận và thẩm định 62 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Trong đó có 48 hồ sơ kết thúc trong giai đoạn thẩm định sơ bộ với thời gian thẩm định trung bình tính từ thời điểm Cục CT&BVNTD tiếp nhận hồ sơ thông báo đầy đủ hợp lệ là 20 ngày; 02 hồ sơ doanh nghiệp xin rút không thực hiện giao dịch dự kiến thông báo; 12 hồ sơ chưa kết thúc thẩm định trước 30 tháng 6, trong đó có 01 giao dịch thuộc trường hợp thẩm định chính thức.

Để tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến tập trung kinh tế tại trên thế giới và tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, vui lòng xem chi tiết Báo cáo kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 tại đây

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ