Trong phần trước chúng ta đã nêu tên các biện pháp cần được tiến hành để thu thập chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh. Trong thực tiễn, quá trình điều tra là quá trình liên tục áp dụng các biện pháp này. Trong bài học này chúng ta cùng tìm hiểu cách thức tiến hành từng biện pháp điều tra. Nội dung bài học này đề cập đến các biện pháp điều tra sau:
Tiếp nhận chứng cứ
Lấy lời khai xác định hành vi vi phạm quy định của pháp luật về Trưng cầu giám định
Yêu cầu áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính
Các biện pháp hỗ trợ và đảm bảo cho hoạt động điều tra
Trình bày được quy trình tiếp nhận, cách thức lập biên bản giao nhận đồ vật, tài liệu sử dụng làm chứng cứ; các bước tiến hành và phương pháp lấy lời khai; các trường hợp, thủ tục và phương pháp sử dụng kết quả giám định, khám xét; các quy định pháp luật có liên quan đến chính sách khoan hồng, khai thác tình tiết giảm nhẹ, áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.
Có những ký năng trong lập các biên bản, xây dựng đề xuất áp dụng biện pháp điều tra và hỗ trợ điều tra.
Nhận xét, đánh giá về việc thực hiện các biện pháp điều tra, nhận định về
những sai sót có thể gặp phải và cách khắc phục.
Tiếp nhận đồ vật, tài liệu
Tiếp nhận đồ vật, tài liệu là hoạt động thu giữ chứng cứ thực hiện với các đồ vật, tài liệu (các nguồn chứng cứ vật chất) chứa đựng các thông tin có thể được sử dụng làm chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Đối tượng của tiếp nhận chứng cứ là các vật chứng. Nếu là các lời khai thì chúng phải đã được vật chất hoá, tức đã được phản ánh vào các phương tiện vật chất có khả năng ghi tin và phát tin.
Việc tiếp nhận chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh luôn gắn với quyền và nghĩa vụ chứng minh của chủ thể điều tra và những người tham gia tố tụng cạnh tranh. cần phân biệt giữa nguồn cung cấp chứng cứ với nguồn chứng cứ. Nguồn chứng cứ là những thực thể (người, vật, tài liệu) chứa đựng thông tin chứng minh sự thật của vụ việc cạnh tranh. Còn nguồn cung cấp chứng cứ là các tổ chức, cá nhân nắm giữ các nguồn chứng cứ mà chủ thể điều tra vụ việc cạnh tranh phải khai thác.
Anh/chị có thể liệt kê nhiều nguồn cung cấp chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh. Tuy nhiên, theo quyền và nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể chúng ta có hai dạng nguồn cung cấp chứng cứ sau:
Chứng cứ do các tổ chức, cá nhân là các bên tham gia tố tụng cạnh tranh giao nộp;
Chứng cứ do Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh khai thác từ các tổ chức, cá nhân không phải là các bên tham gia tố tụng cạnh tranh.
Trường hợp nguồn giao nộp
Theo quy định tại Điều 67 Luật Cạnh tranh 2018, thì:
Bên khiếu nại; người có quyền lợi, nghĩa vụ có yêu cầu độc lập cung cấp chứng cứ chứng minh cho tính có căn cứ và hợp pháp của khiếu nại và yêu cầu của họ.
Bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng cạnh tranh với bên khiếu nại hoặc chỉ có quyền lợi phản đối khiếu nại đưa ra chứng cứ chứng minh tính có căn cứ và hợp pháp cho những phản đối của mình.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người làm chứng.
Điều 19 Nghị định 35 quy định cụ thể về việc giao nộp chứng cứ như sau:
Người tham gia tố tụng cạnh tranh quy định tại Điều 66 của Luật Cạnh tranh trừ người phiên dịch có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan điều
tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Việc giao nộp chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp và chữ ký của người nhận và dấu của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc cạnh tranh và một bản giao cho bên giao nộp chứng cứ giữ.
Các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ không được quá thời hạn điều tra quy định tại Điều 81, 87 của Luật Cạnh tranh, thời hạn điều tra bổ sung quy định tại Điều 89, 90, 91 của Luật Cạnh tranh hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Khi giao nộp chứng cứ, điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải tiến hành những hoạt động xoay quanh những nội dung công việc cơ bản sau đây:
– Kiểm tra tư cách của người giao tài liệu, đồ vật hãy kiểm tra các giấy tờ tuỳ thân của họ: chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, thẻ hành nghề luật sư… Người giao đồ vật, tài liệu làm chứng cứ phải trực tiếp là những người tham gia tố tụng cạnh tranh hoặc người đại diện của một trong các bên tham gia tố tụng cạnh tranh nhằm ràng buộc trách nhiệm pháp lý của họ trong việc cung cấp chứng cứ.
Kiểm tra sơ bộ đồ vật, tài liệu:
Đối với đồ vật: xem xét các đặc điểm nhận biết, tính chất của đồ vật (đặc biệt những tính chất có liên quan đến việc bảo quản đồ vật).
Đối với tài liệu là các văn bản: xem xét hình thức để sơ bộ đánh giá tính hợp pháp, hợp lệ như: có đúng mẫu không, các chữ ký, con dấu có rõ ràng không; có xác nhận của những người đã cung cấp tài liệu hoặc thông tin được ghi trong tài liệu không… Xem xét sơ bộ nội dung văn bản nhằm xác định: nội dung có liên quan gì đến vụ việc không, toàn bộ có được thể hiện bằng tiếng Việt không, có đọc được nội dung không…
Đối với các phương tiện thu âm âm, ghi hình: xem xét các đặc điểm bề ngoài (thuộc loại gì: băng từ, đĩa mềm, đĩa com-pac, USB…), có thể yêu cầu người giao dán nhãn để nhận biết; nghe, xem nội dung để xác định có thể nghe, xem được không, có liên quan đến vụ việc không, đã được thể hiện bằng tiếng Việt chưa…
Đề nghị người giao đồ vật, tài liệu:
Trình bày về quá trình thu thập đồ vật, tài liệu: đây là cơ hội để những người giao tài liệu, đồ vật chứng minh tính hợp pháp của nguồn chứng cứ, đồng thời cũng tạo cho điều tra viên có thuận lợi khi xem xét, đánh giá chứng cứ sau này. Đối với phương tiện thu âm, ghi hình, những trình bày này phải được thể hiện thành văn bản có sự xác nhận của ít nhất người được thu âm, ghi hình về việc ghi âm, ghi hình đó.
Giải thích về giá trị chứng minh của đồ vật, tài liệu: Yêu cầu người giao đồ vật, tài liệu trình bày rõ tài liệu, đồ vật đó dùng để chứng minh vấn đề gì trong khiếu nại, yêu cầu hay phản đối của họ.
Đưa ra nhận xét thống nhất về chứng cứ và các đề nghị:
Trong buổi làm việc, điều tra viên cùng người giao đồ vật, tài liệu thống nhất với nhau về các thông tin là chứng cứ được phản ánh trên các đồ vật, tài liệu. Đối với những đồ vật, tài liệu khẳng định là chứng cứ thì tiến hành lập biên bản giao nộp ngay. Đối với những đồ vật, tài liệu mà lời giải thích của người giao đồ vật, tài liệu về giá trị chứng minh của đồ vật, tài liệu chưa rõ ràng thì có thể vẫn tiến hành thu nhận nhưng yêu cầu bên giao tiếp tục bổ sung, làm rõ. Nếu qua làm việc, nhận thấy đồ vật, tài liệu không có giá trị chứng minh cho khiếu nại, yêu cầu hoặc phản đối của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh giao tài liệu thì điều tra viên cùng thống nhất với bên giao không tiến hành thủ tục giao nhận chứng cứ nữa.
– Lập biên bản về việc giao nhận tài liệu, đồ vật:
Trường hợp đồ vật, tài liệu được điều tra viên và bên giao thống nhất xác định có thể sử dụng làm chứng cứ thì điều tra viên phải tiến hành lập biên bản về việc giao nộp chứng cứ. Biên bản phải ghi rõ những nội dung chính sau:
Địa điểm, thời gian giao nộp;
Họ, tên và tư cách tham gia tố tụng cạnh tranh của người giao nộp;
Họ và tên của điều tra viên được phân công nhận chứng cứ;
Tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của đồ vật, tài liệu; số bản, số trang của tài liệu. Cần chú ý khi mô tả phải thể hiện rõ những đặc điểm để xác định tính đơn nhất của đồ vật, tài liệu.
Những giải thích, bổ sung của người giao nộp về quá trình thu thập và giá trị chứng minh của đồ vật, tài liệu (nếu người giao nộp đề nghị);
Chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp;
Chữ ký của điều tra viên nhận đồ vật, tài liệu;
Dấu của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc cạnh tranh và một bản giao cho bên nộp chứng cứ giữ.
Như vậy chúng ta đã nghiên cứu về trường hợp nguồn cung cấp chứng cứ thứ nhất – Chứng cứ do các bên tham gia tố tụng cạnh tranh giao nộp. Sau đây chúng ta cùng xem xét đến trường hợp nguồn cung cấp chứng cứ thứ hai – Chứng cứ do các tổ chức, cá nhân không phải là các bên tham gia tố tụng cạnh tranh cung cấp.
Trường hợp nguồn khai thác
Khác với trường hợp nguồn cung cấp chứng cứ thứ nhất, trong trường hợp nguồn cung cấp chứng cứ thứ hai, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh phải chủ động tiến hành các hoạt động để thu thập các chứng cứ được phản ánh từ các nguồn vật chất. Chính vì vậy, điều tra viên vụ việc cạnh tranh thụ lý vụ việc cần thực hiện một số hoạt động sau đây:
Nghiên cứu các chứng cứ, thông tin đã thu thập được, lập các giả thuyết điều tra, xác định những vấn đề cần chứng minh hay những thông tin cần phải thu thập được để làm rõ các giả thuyết.
Nghiên cứu các hệ thống phản ánh và lưu trữ thông tin để xác định các phương tiện vật chất phản ánh thông tin và nơi bảo quản, lưu trữ các nguồn chứng cứ vật chất đó. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh cần:
Khai thác chính các thông tin đã có trong vụ việc cạnh tranh đang được điều tra để xác định nguồn cung cấp vật chứng, tài liệu;
Nghiên cứu tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý bộ máy, quản lý thành viên và xã hội của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề… Chú ý chế độ, quy trình lập, luân chuyển, lưu trữ các thông tin, tài liệu quản lý; các bản báo cáo… và các cá nhân trực tiếp thực hiện những việc này.
Tổng kết các dạng nguồn cung cấp tin phổ biến đối với các vụ việc cạnh tranh tương tự đã được điều tra giúp hình thành kinh nghiệm của điều tra viên vụ việc cạnh tranh trong xác định nguồn thông tin vật chất.
Lập công văn đề nghị cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan cung cấp vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh có chữ ký của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và dấu của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Cần lưu ý:
Các đề nghị phải rõ ràng, càng cụ thể càng tốt;
Các đề nghị phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bên cung cấp;
Nên hạn chế các trường hợp thông tin không được phép công bố trừ trường hợp nó là chứng cứ bắt buộc để làm rõ vụ việc cạnh tranh. Nếu cần phải khai thác thì phải giải thích rõ ràng ghi rõ trách nhiệm bảo mật của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Điều tra viên vụ việc cạnh tranh hãy mang công văn đề nghị cung cấp vật chứng, tài liệu trực tiếp đến cơ quan, tổ chức hoặc trực tiếp gặp các cá nhân có liên
quan. Anh/chị có thể vận dụng các cách thức tổ chức buổi tiếp xúc như trong quá trình lấy lời khai (sẽ nghiên cứu ở phần sau) để trao đổi với người đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân sẽ cung cấp tài liệu, vật chứng.
Khi nhận đồ vật, tài liệu anh/chị cũng tiến hành sơ bộ kiểm tra như trường hợp nguồn cung cấp thứ nhất. Tất nhiên, bên giao vật chứng, tài liệu trong trường hợp này không phải giải thích về quá trình thu thập (vì chúng phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ của bên cung cấp) và giá trị chứng minh của chúng (điều này thuộc về nhiệm vụ của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh). Tuy nhiên, anh/chị nên tranh thủ những người cung cấp để khai thác thêm các thông tin có liên quan hoặc cần thiết cho việc điều tra của mình.
Lập biên bản làm việc và giao nhận tài liệu. Việc lập biên bản về cơ bản tương tự như trường hợp nguồn cung cấp tin thứ nhất nhưng nên dùng: Biên bản làm việc hoặc Biên bản làm việc và giao nhận tài liệu thay vì Biên bản giao nộp chứng cứ. Các tài liệu nên có dấu hoặc chữ ký xác nhận của bên cung cấp vào tất cả các tờ, các bản.
Lấy lời khai
Lấy lời khai là một biện pháp thu thập chứng cứ trong đó người có thẩm quyền dùng các tác động thích hợp để người khai cung cấp những thông tin có ý nghĩa cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc mà họ biết.
Lấy lời khai là một phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều tra và cũng là một quyền năng pháp lý của chủ thể điều tra. Trong khuôn khổ điều tra vụ việc cạnh tranh, phương pháp lấy lời khai được hiểu bao gồm: lấy lời khai bên khiếu nại; bên bị điều tra; người làm chứng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong quá trình làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan…
Trước hết, anh/chị cần lưu ý lấy lời khai là một biện pháp mang tính pháp lý do đó nó phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về điều tra vụ việc cạnh tranh. Về quy định pháp lý, việc lấy lời khai được thực hiện thao quy định tại các
Điều 83 và Điều 84 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:
Điều 83. Lấy lời khai
Điều tra viên vụ việc cạnh tranh tiến hành lấy lời khai của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, tổ chức, cá nhân liên quan khác để thu thập và xác minh các thông tin, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Việc lấy lời khai quy định tại khoản 1 Điều này được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Trong trường hợp cần thiết, việc lấy lời khai có thể được tiến hành bên ngoài trụ sở của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Biên bản ghi lời khai phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ vào từng trang. Người khai có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản còn phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản vào từng trang.
Trường hợp người được lấy lời khai từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản, điều tra viên vụ việc cạnh tranh tiến hành lấy lời khai phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Điều 84. Triệu tập người làm chứng trong quá trình điều tra
1. Trong quá trình điều tra, các bên có quyền đề nghị Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh triệu tập người làm chứng. Bên đề nghị triệu tập người làm chứng có nghĩa vụ trình bày lý do cần thiết phải có người làm chứng để Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh quyết định.
2. Việc lấy lời khai của người làm chứng phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 83 của Luật này.
Về mặt nghiệp vụ, việc lấy lời khai cần chú ý một số vấn đề sau đây:
Lấy lời khai không chỉ đơn giản là việc cán bộ kiểm tra đặt câu hỏi, người khai trả lời mà thực sự là quá trình tác động tâm lý giữa họ với nhau. Trong quá trình lấy lời khai, cán bộ lấy lời khai tác động đến nhận thức, thái độ của người khai để họ hiểu được trách nhiệm của mình mà hợp tác với cơ quan hải quan trong việc làm rõ sự việc. Ngược lại, người được lấy lời khai cũng tác động trở lại người lấy lời khai để đạt những ý đồ của họ.
Chính vì vậy, trước hết chúng ta cần hiểu về quá trình hình thành lời khai:
Quá trình hình thành lời khai:
Cảm giác: là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, các giác quan cảm nhận các sự vật, hiện tượng tác động đến con người. Quá trình cảm giác bị chi phối bởi quy luật về ngưỡng cảm giác. Theo đó, cảm giác của con người chỉ trong ngưỡng nhất định, phụ thuộc vào khả năng từng cá nhân, tình trạng cơ thể…
Tri giác: là giai đoạn tổng hợp các cảm nhận để hình thành hình ảnh trọn vẹn về sự vật, hiện tượng. Quá trình tri giác luôn bị tri phối bởi lăng kính chủ quan (những tri thức đã có, thái độ, tình cảm đối với sự việc…). Vì vậy, cùng một sự việc có nhiều lời khai khác nhau. Bên canh đó, quá trình này còn bị chi phối bởi quy luật về hình và nền. Tức là, điều kiện, bối cảnh tiếp nhận thông tin phối việc nhận biết sự vật, hiện tượng của con người.
Ghi nhớ: là việc lưu giữ những thông tin về sự vật, hiện tượng đã tri giác được. Sự ghi nhớ bị chi phối bởi hai quy luật về trí nhớ và sự quên. Theo đó, sự bền vững của trí nhớ phụ thuộc váo mức độ đầy đủ, chi tiết, động cơ, mục đích, sự huy động các giác quan, sự chú ý trong quá trình tri giác. Sự quên tỷ lệ thuận với thời gian và tỷ lệ nghịch
với mức độ bền vững của trí nhớ. Sự quên chỉ là tương đối. Khả năng nhớ của con người rất lớn. Khi gặp kích thích phù hợp, trí nhớ có khả năng được phục hồi.
Tái tạo và chuyển giao thông tin (trong Lấy lời khai): Việc tái tạo và chuyển giao thông tin phụ thuộc vào thái độ và động cơ khai báo, khả năng diễn đạt của người khai; vào khả năng làm việc, thái độ của cán bộ Lấy lời khai…
Không chỉ đối với người được lấy lời khai, điều tra viên khi lấy lời khai cũng bị ảnh hưởng bởi những quy luật tâm lý. Những ảnh hưởng đó chủ yếu là:
Sức ép của công việc: lao động điều tra là một lao động đặc biệt với sức ép lớn chứa đựng mâu thuẫn giữ yêu cầu và tham vọng khám phá sự thật với khả năng và quyền hạn bị hạn chế.
Những bế tắc trong quá trình giải quyết vụ việc;
Sự tác động của các mối quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp…
Những tác động này có thể dẫn đến các hiện tượng tâm lý tiêu cực như:
Căng thẳng, bão hòa cảm xúc (lãnh cảm);
Xu hướng hướng kết quả theo định kiến của mình;
Xu hướng muốn “buộc tội” hơn gỡ tội…
Với những quy luật tâm lý cơ bản nêu trên, để lấy lời khai tốt, điều tra viên phải chú ý:
Chuẩn bị kỹ càng trước những buổi làm việc có lấy lời khai:
Nghiên cứu kỹ các thông tin, tài liệu đã có về vụ việc và những tình tiết có khả năng liên quan đến người sẽ được hỏi. Cần chú ý kiểm tra những người tham gia tố tụng cạnh tranh đã có bản giải trình chưa, nội dung giải trình đã rõ ràng chưa. Nếu họ đã có bản giải trình và nội dung giải trình đã rõ ràng thì không lấy lời khai đối với họ nữa.
Cố gắng tìm hiểu trước thông tin về người được hỏi.
Xác định rõ mục tiêu cụ thể cần đạt được, từ đó vạch kế hoạch với những câu hỏi, cách hỏi, chứng cứ cần sử dụng.
Lựa chọn địa điểm hỏi: tốt nhất nên tổ chức buổi lấy lời khai tại trụ sở Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Trường hợp rất cần thiết mới lấy lời khai ngoài trụ sở Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nhưng phải lưu ý liên hệ người làm chứng cho việc lấy lời khai (thường là tổ trưởng dân phố) hoặc liên hệ với Ủy ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức để chứng kiến và xác nhận. Ngoài ra, trước khi hỏi phải kiểm tra kỹ địa điểm hỏi nhằm tránh những bất ngờ có thể xảy ra.
Chuẩn bị một tâm thế thực sự cầu thị, sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận thông tin.
Tạo sự tiếp xúc tâm lý ban đầu một cách thích hợp.
Giai đoạn tiếp xúc tâm lý ban đầu là giai đoạn người lấy lời khai trực tiếp tiến hành các tác động tâm lý đầu tiên đến người được lấy lời khai. Nhiệm vụ của giai đoạn tiếp xúc tâm lý ban đầu bao gồm:
Thăm dò về thái độ sẵn sàng hợp tác của người được lấy lời khai. Bằng cách dành chút thời gian hỏi thăm họ về cuộc sống trên cơ sở những ưu điểm của cá nhân và gia đình họ. Hãy đưa ra những lời khen ngợi về những ưu điểm của họ vì ai cũng có nhu cầu được khen, nhu cầu nhẳng định… hoặc tỏ vẻ “bàn luận” đôi chút về những vấn đề giống nhau, nhất là những vấn đề liên quan tới hứng thú, sở thích của họ. Con người thường hay thông cảm, dễ gần, thân thiện khi giữa họ có cái gì đó giống nhau.
Quan sát sơ bộ, xác định đặc điểm khí chất của người được lấy lời khai.
Mỗi con người có những đặc điểm khi chất khác nhau. Trong lấy lời khai có thể chú ý đến hai dạng là người dễ xúc động và người chai lỳ.
Người “dễ xúc động” thường có những biểu hiện không dám nhìn xung quanh, cử chỉ bối rối, lóng ngóng. Ở họ thường xuất hiện sự biện hộ về mặt tâm lý, thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác đã làm cho họ không làm chủ được mình… Đối với những người này cần làm giảm cảm xúc mạnh của đối tượng bằng cách đánh giá thấp những sai lầm của họ, phê phán người khác có liên quan nhất định với hành vi trục lợi.
+ Người “chai lỳ” thường không bị lương tâm dày vò, luôn tỏ vẻ bình tĩnh, tự tin. Với trường hợp này phải chuẩn bị đầy đủ có tài liệu chứng cứ, chuẩn bị tâm thế sử dụng các thủ thuật tác động mạnh mới có thể thu được kết quả lấy lời khai như mong đợi.
Xây dựng điều kiện tâm lý thuận lợi cho hoạt động lấy lời khai. Để buổi lấy lời khai được diễn ra thuận lợi, cần phải đưa người được lấy lời khai vào trạng thái tâm lý tích cực, thực sự quan tâm đến cuộc giao tiếp và muốn được trao đổi, chia sẻ thông tin với người lấy lời khai. Cần tạo ra bầu không khí tâm lý thích hợp tương ứng với đặc điểm tâm lý, tính cách của đối tượng. Tuỳ thuộc vào từng người được lấy lời khai, người lấy lời khai có thể tạo ra bầu không khí nhẹ nhàng, thoải mái nhưng có trường hợp cũng phải tạo ra sự căng thẳng ngay từ đầu nhất là đối với các trường hợp có khí chất lì lượm. Bên cạnh đó cần tạo ra quan hệ tâm lý thuận chiều tức có sự hoà hợp, hiểu biết và cảm thông lẫn nhau, không để nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt ngay từ đầu.
Một số thủ thuật tâm lý cần được sử dụng ở giai đoạn này là:
Tỏ ra quan tâm đến người được lấy lời khai, đến tâm tư và hoàn cảnh của họ. Trong giai đoạn tiếp xúc ban đầu, người lấy lời khai nên trò chuyện ngoài nội dung lấy lời khai, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, người thân của người được lấy lời khai. Tạo điều kiện cho họ tâm sự về hoàn cảnh hiện tại của họ. Trong quá trình đó tuyệt đối không nên đưa ra các nhận xét, đánh giá mà cần thể hiện sự chia sẻ, cảm thông với tâm tư và hoàn cảnh của họ.
Tạo ra những điểm “thống nhất” giữa người lấy lời khai và người được lấy lời khai bằng cách trao đổi về những chủ đề chung như thời tiết, thể thao, giá cả thị trường… cốt yếu là dễ nhận được thái độ đồng tình từ người được lấy lời khai.
Tìm hiểu và tỏ ra “cùng hứng thú” với những lĩnh vực thuộc hiểu biết sâu, là mối quan tâm của người được hỏi. Hãy cố gắng trò truyện với họ về những chủ đề đó sẽ dễ làm cho họ “hoà đồng” vào câu chuyện.
Chuyển câu chuyện vào chủ đề chính với sự mở đầu một cách nghiêm túc bằng việc giải thích quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, khéo léo cảnh báo về những thái độ sai trái ở người được hỏi;
Cần tránh lộ rõ ý đồ khai thác thông tin với người được hỏi nhằm đảm bảo tính khách quan cho thông tin cần thu thập.
Hãy để người được hỏi tự do trình bày những gì họ biết:
Bắt đầu vào nội dung chính bằng việc để người được hỏi trình bày tất cả thông tin họ biết.
Người hỏi tập trung nghe cố gắng ghi nhớ những thông tin cần thiết. Không nên ngắt lời của người khai, chỉ khi nào người khai có dấu hiệu trả lời mông lung, rời quá xa vấn đề mới đề nghị họ trình bày lại.
Bước tiếp theo, anh/chị hãy đặt những câu hỏi mở, để tiếp tục khai thác hiểu biết của người được hỏi.
Câu hỏi mở là những câu hỏi mà người được hỏi có nhiều khả năng lựa chọn nội dung và cách thức trả lời. Các câu hỏi mở rất có tác dụng trong việc kích thích người được hỏi tái tạo một cách chi tiết hơn. Sử dụng linh hoạt các phương pháp khai thác, củng cố thông tin Hỏi thẳng: là đưa câu hỏi nêu rõ sự việc, tình tiết buộc người được hỏi phải trả lời thẳng vào vấn đề. Những câu hỏi đóng thường được sử dụng để hỏi thẳng. Hỏi thẳng thường nhanh chóng làm rõ vấn đề cần hỏi; áp đảo tinh thần người được hỏi; tạo sức ép từ người hỏi. Tuy nhiên, nếu chứng cứ, tài liệu không chính xác sẽ lộ ý đồ.
Hỏi chi tiết lời khai: câu hỏi được đưa ra trên cơ sở khai thác chi tiết các tình tiết trong nội dung lời khai của người được hỏi nhằm làm rõ lô gích tình tiết sự việc về không gian, thời gian hoặc làm chính xác hoặc kiểm tra tính xác thực của lời khai. Tuy nhiên cần chú ý tránh câu hỏi có tính chất “mớm” ý trả lời theo thiên kiến của cán bộ kiểm tra.
Hỏi tuần tự: đưa ra các câu hỏi theo tuần tự các sự việc hoặc lô-gích liên tiếp theo diễn biến sự việc để người được hỏi liên tưởng, nhớ lại sự việc. Đối với người khai báo thành thực, khi trả lời các câu hỏi tuần tự thường mạch lạc; ngược lại người khai gian dối thường lúng túng hoặc lảng tránh Tuy nhiên cần chú ý tránh đưa ra câu hỏi dạng áp đặt dễ nhận được thông tin sai lệch.
Hỏi đứt quãng: phân chia sự việc cần hỏi thành nhiều tình tiết theo nhiều giai đoạn, đặt ra những câu hỏi không theo hệ thống, lúc đoạn này, lúc đoạn khác, xen lẫn các câu hỏi đệm không liên quan đến sự việc cần hỏi. Cách hỏi đưa người được hỏi vào thế bị động trong tư duy lô-gích nên khó chuẩn bị trước câu trả lời thống nhất.
Hỏi vòng quanh: đưa ra nhiều câu hỏi phụ không liên quan trực tiếp đến vấn đề chính nhưng có ý nghĩa khẳng định hoặc phủ nhận các tình tiết nhỏ của vấn đề chính, sau đó đột ngột đặt câu hỏi vào vấn đề chính làm người được hỏi khó khai báo gian dối.
Hỏi vạch trần lời khai gian dối: đưa những tình tiết, chứng cứ đã được khẳng định rõ ràng vào trong câu hỏi để chỉ rõ cho người được hỏi về sự gian dối trong câu trả lời của họ nhằm buộc họ phải thay đổi thái độ khái báo.
Lập biên bản ghi lời khai, biên bản làm việc theo đúng quy định:
Điều này đã nằm trong trình tự, thủ tục các anh/chị đã ghi ở trên. Anh/chị cần lưu ý biên bản ghi lời khai chỉ có giá trị pháp lý khi nó được lập đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Một số vấn đề sau cần lưu ý khi lập biên bản ghi lời khai, biên bản làm việc:
Biên bản ghi lời khai, biên bản làm việc bao giờ cũng là khâu cuối cùng sau hàng loạt các hoạt động tác động đã được thực hiện. Không phải bất kỳ câu hỏi, câu trả lời nào cũng ghi vào biên bản. Chỉ những gì thật cần thiết là kết quả khai thác được mới nên thể hiện vào biên bản.
Biên bản ghi lời khai, biên bản làm việc là tài liệu pháp lý, bởi vậy về mặt hình thức phải đảm bảo đúng thể thức. Việc ghi lại các câu hỏi, câu trả lời phải chặt chẽ, dùng từ ngữ đơn nghĩa, rõ ràng.