BVNTD

Các biện pháp điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

22/05/2024

Khai thác hệ thống hồ sơ, tài liệu sẵn có tại Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh

 

Tại Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, trong quá trình điều tra các vụ việc cạnh tranh cũng như thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý nhà nước, có thể có những hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền đang được điều tra.

Trong khuôn khổ điều tra vụ việc lạm dụng vị trí, thống lĩnh, hệ thống lưu trữ tại Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh có thể có những tài liệu, thông tin hữu ích cho công tác điều tra. Mặc dù những thông tin đó có thể không sử dụng làm chứng cứ của vụ việc song nếu khai thác hiệu quả, những thông tin, tài liệu đã có giúp cho các điều tra viên hoặc nhóm điều tra định hướng thu thập chứng cứ. Cụ thể như:

Hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được từ những vụ việc cạnh tranh khác đã và đang được điều tra liên quan đến doanh nghiệp bị điều tra: những thông tin cơ bản về doanh nghiệp; hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp bị điều tra; nguồn hàng; danh sách khách hàng; hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối; những sai phạm trong quá khứ…;

 

Hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc khảo sát, phân tích thị trường: chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường; đặc điểm của thị trường; các dữ liệu thống kê về cung, cầu, giá cả của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường (có thể liên quan đến thị trường liên quan của vụ việc đang điều tra); kết cấu của thị trường; các rào cản thị trường đã và đang tồn tại…

Rà soát các thông tin công khai

Khác với các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các vụ việc mà chủ thểvi phạm luôn tìm cách giấu diếm về việc thỏa thuận, trong vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, do tính chất và phạm vi ảnh hưởng trên thị trường của chủ thể nên các “động thái”, hành vi của thường được nhiều chủ thể xã hội quan  tâm. Thông tin về hành vi “phản cạnh tranh” của các doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền thường có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà cung cấp, đến khách hàng. Vì vậy, dù không mong muốn, nhưng những hành vi và hệ quả của lành vị lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền thường được bộc lộ trên các phương tiện truyền thông, trong các báo cáo nghiên cứu phân tích thị trường. Những thông tin đó trước hết giúp cho việc phát hiện vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền. Trong quá trình điều tra, mặc dù những thông tin đó có tính chất tham khảo nhiều hơn là có giá trị làm chứng cứ song nó cũng giúp cơ quan điều tra định hướng triển khai các biện pháp thu thập chứng cứ.

 Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu

Cũng như điều tra các vụ việc cạnh tranh khác, yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu là một biện pháp điều tra quan trọng. Từ những nội dung đã thảo luận về vấn đề cần chứng minh và chứng cứ, chúng ta thấy nhiều thông tin, tài liệu làm chứng cứ trong điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền cần được thu từ khách hàng, nhà phân phối, đại lý và đặc biệt từ doanh nghiệp bị điều tra. Ngoài ra, nhiều thông tin, tài liệu dùng làm chứng cứ trong điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền cần được khai thác từ các cơ quan quản lý nhà nước như: cơ

 

 

quan thống kê, thuế, hải quan hoặc tổ chức không phải là một bên trong vụ việc như: tổ chức tín dụng, hãng vận tải, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông….

Để yêu cầu cung cấp thông tin có hiệu quả, điều tra viên vụ việc cạnh tranh cần chú ý một số vấn đề sau đây:

Biện pháp yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần tiến hành sớm nhằm đảm bảo tiến độ điều tra. Như đã phân tích ở trên, điều tra một vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền thường kéo dài và lượng thông tin, tài liệu cần thu thập là rất lớn. Cần lưu ý rằng, ngay cả trong trường hợp bên được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu rất tích cực thì họ cũng cần có thời gian để tập hợp, xem xét các thông tin, tài liệu, dữ liệu cần cung cấp. Đặc biệt những dữ liệu thống kê cần rất nhiều thời gian để tổng hợp. Vì vậy, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, khi xác định được nguồn cần khai thác phải gửi ngay văn bản yêu cầu sớm nhất có thể. Trong điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, các dữ liệu thống kê để xác định thị trường sản phẩm liên quan, thị trường địa lý liên quan cần phải được tính toán để thu thập sớm. Các tài liệu, số liệu, thông tin cần thu từ diện rộng khách hàng, nhà cung cấp, đại lý cũng cần được triển khai ngay khi có quyết định điều tra vụ việc. Cần phân công điều tra viên chịu trách nhiệm với từng đầu mối được yêu cầu. Sau khi gửi văn bản yêu cầu, điều tra viên cần liên hệ để kiểm tra, thúc đẩy việc thực hiện tiến độ cung cấp tài liệu. Nếu cần thiết, điều tra viên có thể làm việc trực tiếp với đầu mối cung cấp, thống nhất về mẫu, lập các bảng kê, bảng tổng hợp để đảm bảo thu được những thông tin cần thiết.

Nghiên cứu kỹ, xác định chính xác những thông tin, tài liệu được yêu cầu phù hợp khả năng của bên cung cấp. Điều tra viên vụ việc cần có hiểu biết về tính chất của các loại nguồn cung cấp thông tin. Cần hiểu về vị trí của doanh nghiệp, khách hàng, đại lý trong vụ việc được điều tra. Hiểu về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước hay chức năng của các tổ chức có liên quan. Bên cạnh đó điều tra viên cần tìm hiểu kỹ về cơ chế hình thành, luân chuyển thông tin, tài liệu trong nội bộ đơn vị điều tra và trong mối quan hệ giữa đơn vị bị điều tra

 

với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài. Khi đã chắc chắn, theo cơ chế vận hành thông tin, một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào đó phải có, phải lưu trữ hoặc phải biết về thông tin nào đó thì phải lập yêu cầu đề nghị cung cấp thông tin với họ. Dù kết quả không thu được tài liệu thì vẫn phải có xác nhận của bên được yêu cầu để đảm bảo tính chặt chẽ trong thủ tục điều tra. Ngoài những vấn đề về cơ chế, quy chế liên quan đến chế độ thông tin, trường hợp qua những thông tin, tài liệu đã có cho thấy một cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nhận một tài liệu, thông tin nào đó, thì việc yêu cầu đã có căn cứ, vì vậy về mặt thủ tục điều tra, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh phải gửi yêu cầu cung cấp. Nhìn chung, để việc thu thập thông tin, tài liệu làm chứng cứ thuận lợi, trước khi yêu cầu, điều tra viên được phân công nên có sự trao đổi trước với bên được yêu cầu để thống nhất về nội dung và thời gian thực hiện.

Tối ưu hóa lượng thông tin, tài liệu cần thu thập trong một lần yêu cầu. Điều này có nghĩa là cần hạn chế số lần yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu đối với cùng một cơ quan, tổ chức, cá nhân. Căn cứ vào những thông tin đã có và chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của đối tượng được yêu cầu, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cần cố gắng xác định được nhiều nhất những thông tin có thể khai thác từ bên được yêu cầu. Các nội dung yêu cầu dù được diễn đạt ngắn gọn, rõ nghĩa thì cũng phải đảm bảo bao quát được tất cả những thông tin, tài liệu có thể khai thác một cách khách quan nhất. Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, thông tin, tài liệu trả về trong nhiều trường hợp khác với chủ ý ban đầu của điều tra viên. Vì vậy, những yêu cầu đưa ra theo chủ kiến rất dễ bị sót, dẫn đến phải yêu cầu lại nhiều lần.

Thông tin, tài liệu thu được phải được nghiên cứu, đánh giá kịp thời. Khi nhận được thông tin, tài liệu do bên được yêu cầu cung cấp, các điều tra viên vụ việc phải khẩn trương nghiên cứu đánh giá. Điều này rất quan trọng vì ngay trong nội dung thông tin, tài liệu được cung cấp có thể có những mâu thuẫn mà chưa được giải trình thỏa đáng. Mặt khác, các thông tin, tài liệu mới thu thập được thường có những chỉ dẫn để mở ra những hướng thu thập, tài liệu mới. Các điều tra

 

viên điều tra vụ việc phải phân tích hết sức cẩn thận, đánh giá từng mẩu thông tin, nhạy bén trong đưa ra những nhận định để kịp thời triển khai hướng điều tra tiếp theo.

Lấy lời khai

Cũng như trong điều tra các vụ việc cạnh tranh khác, lấy lời khai trong điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền là một biện pháp điều tra phổ biến. Việc lấy lời khai được tiến hành theo những quy định pháp luật về tố tụng cạnh tranh và có những phương pháp chung. Những nội dung này chúng ta đã nghiên cứu trong khóa đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, đối với những người khác nhau, tùy thuộc vào vai trò của họ trong vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền mà xác định nội dung cần khai thác khác nhau.

           Trong vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, khách hàng, nhà phân phối hoặc đại lý của doanh nghiệp bị điều tra thường là bên “bị hại”. Họ có thể là chủ thể đơn nhất song cũng có thể là một tập hợp cho đa số tham gia thị trường liên quan. Trong trường hợp có nhiều “bị hại”, việc lấy lời khai của tất cả khách hàng, nhà phân phối hoặc đại lý của doanh nghiệp bị điều tra là không thể. Vì vậy, cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có thể lựa chọn một số đại diện là những đấu mối phân phối hoăc tiêu thụ chính để lấy lời khai. Những nội dung cần tập trung khai thác gồm:

            Vị trí của họ trên thị trường và tính chất của mối quan hệ giữa họ hoặc doanh nghiệp của họ với doanh nghiệp bị điều tra; ai là người ở doanh nghiệp bị điều tra thường xuyên liên hệ với họ?

         Nhận thức của họ về vị trí của doanh nghiệp bị điều tra trên thị trường;

        Các giao dịch thương mại mà doanh nghiệp, cửa hàng của họ đã thực hiện với bên bị điều tra;

        Những thay đổi về giá cả, số lượng, điều kiện mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, những yêu cầu cụ thể… mà doanh nghiệp bị điều tra đã áp đặt, ép buộc họ phải chấp nhận, phải thực hiện;

 

 

Tính chất đơn phương mà doanh nghiệp bị điều tra khi đưa ra những thay đổi hoặc yêu cầu;

Khả năng thay thế chủ thể giao dịch của họ từ doanh nghiệp bị điều tra sang các nhà phân phối, cung cấp hoặc khách hàng khác;

Những thiệt hại, khó khăn mà họ đã gặp phải trong quá trình kinh doanh…

        Đối với những người là nhân viên của doanh nghiệp bị điều tra, cần tiến hành lấy lời khai với những người ở các bộ phận kinh doanh, bộ phận quan hệ khách hàng, trợ lý, thư ký… là những người trực tiếp nhận và thực hiện các chỉ đạo từ bộ phận quản trị, điều hành doanh nghiệp. Họ có thể là những người trực tiếp có mặt, ghi biên bản, hỗ trợ tài liệu tại các cuộc họp giữa các nhân sự cấp cao liên quan đến việc đưa ra chính sách quan trọng của doanh nghiệp bị điều tra. Họ cũng là những người trực tiếp truyền đạt và triển khai các chỉ đạo của cấp lãnh đạo của doanh nghiệp. Với nhóm người này, quá trình lấy lời khai cần tập trung vào những vấn đề sau:

Vai trò, vị trí và trách nhiệm của họ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị điều tra; những nhiệm vụ cụ thể mà họ thường xuyên phải thực hiện;

Các cuộc họp, cuộc gặp và diễn biến, nội dung của các cuộc họp, cuộc gặp giữa các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp bị điều tra hoặc giữa những người quản lý điều hành doanh nghiệp với các đối tác, khách hàng mà họ đã trực tiếp tham gia;

Những chỉ đạo, nhiệm vụ mà họ được những người quản lý, điều hành giao liên quan đến việc triển khai thực hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm;

Các tài liệu nội bộ, thư, thông báo, tin nhắn… liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm mà họ đã tham gia trong quá trình xử lý; Việc lưu trữ và quản lý những tài liệu đó tại doanh nghiệp;

Quá trình thực hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm mà họ biết…

Đối với những nhân sự cấp cao, những người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp bị điều tra, hiểu biết của họ về vị trí của doanh nghiệp và hành vi có dấu hiệu vi phạm là đầy đủ nhất. Tuy nhiên, họ luôn có xu hướng che giấu thông tin, cung cấp thông tin gian dối hoặc tìm cách biện minh, thậm chí ngụy biện, phủ nhận về việc xảy ra vi phạm. Về cơ bản, họ sẽ cố gắng chứng minh

 

doanh nghiệp của họ không có vị trí thống lĩnh hay độc quyền bằng việc mở rộng phạm vi thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Họ cũng sẽ đưa ra những lý do “hợp lý” để biện minh cho những quyết định mà họ đã đưa ra. Vì vậy, đối với nhóm này, cơ quan điều tra vụ việc nên áp dụng chiến thuật “chia tách, phân hóa”, có nghĩa là tiến hành lấy lời khai độc lập của từng người trong khoảng thời gian gần nhau. Sử dụng những mâu thuẫn trong lời khai của chính họ và giữa họ với nhau để tạo ra mâu thuẫn giữa họ. Những vấn đề cần chú ý khai thác khi lấy lời khai đối với nhóm này gồm:

– Vai trò, vị trí, trách nhiệm, quyền hạn của họ trong việc đưa ra những quyết định điều hành hoạt động của doanh nghiệp bị điều tra;

          Nhận thức của họ về vị trí của doanh nghiệp bị điều tra trên thị trường liên quan. Nếu họ không thừa nhận vị trí thống lĩnh, độc quyền thì yêu cầu họ phải có sự giải thích và cung cấp những bằng chứng xác đáng cho phản đối của họ.

        Xác nhận những thông tin, tài liệu đã thu thập được trực tiếp liên quan đến họ và họ hoàn toàn có thể biết cơ quan điều tra cạnh tranh đã thu được. Với nội dung này cần cân nhắc cẩn thận về thông tin, tài liệu cần xác nhận nhằm tránh việc họ đoán biết được “điểm yếu” hay “chủ ý” của cơ quan điều tra;

– Các quyết định liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm mà họ trực tiếp đưa ra và lý do mà họ đã đưa ra những quyết định đó; Quá trình thực hiện và kết quả thực hiện các quyết định đó tại doanh nghiệp bị điều tra như thế nào?

Nhận thức của họ về những hệ quả khi ban hành những quyết định có nội dung “phản cạnh tranh”…

Khám xét

Mặc dù không phổ biến như trong điều tra vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhưng trong điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, việc phối hợp tiến hành khám xét cũng là một biện pháp cần được tính đến.

Các biện pháp điều tra khác

Ngoài những biện pháp điều tra nói trên, các biện pháp điều tra khác có thể được cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành như: trưng cầu giám định; tham vấn ý kiến của các chuyên gia; phối hợp với các cơ quan điều tra khác…

Kết thúc điều tra

Để xây dựng báo cáo và kết luận điều tra vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, nhóm điều tra viên cần tổ chức họp để thống nhất các nội dung có thể kết luận về từng vấn đề của vụ việc.

Khi cuộc điều tra kết thúc, nhóm điều tra cần lập báo cáo kết quả điều tra thể hiện rõ được những nội dung sau:

        Tóm tắt: về doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bị điều tra; về vị trí thống lĩnh, độc quyền của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra; hành vi lạm dụng vị trí mà doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra đã thực hiện; các điều khoản của Luật Cạnh tranh áp dụng cho hành vi vi phạm đó.

        Thông tin chi tiết về doanh nghiệp hoặc từng doanh nghiệp bị điều tra: tư cách pháp nhân, nội dung đăng ký kinh doanh; danh tính của những người quản lý,

điều hành; hệ thống tổ chức; mạng lưới kinh doanh; chi tiết về hàng hóa, dịch vụ là đối tượng của hành vi vi phạm…

        Thông tin kết luận về vị trí của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra trên thị trường liên quan:

          Mô tả về thị trường hàng hóa, dịch vụ liên quan: tên (mã số hàng hóa), đặc điểm, tính chất riêng biệt của hàng hóa, dịch vụ. Cơ sở để giới hạn phạm vi xác định hàng hóa, dịch vụ liên quan.

      Mô tả về thị trường địa lý liên quan: xác định khu vực thị trường; cơ sở xác định phạm vi liên quan.

      Kết luận về thị phần của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra: cơ sở và phương pháp sử dụng để xác định thị phần của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra; hoặc

 

 

 

        Kết luận về sức mạnh thị trường của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra: Các yếu tố xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp bị điều tra; Các chứng cứ, căn cứ để xác định sức mạnh thị trường.

          Mô tả về hành vi/các hành vi lạm dụng vị trí của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp đã thực hiện:

          Tất cả các hành vi nghi vấn cụ thể đã được thực hiện, hành vi nào đã kết luận được là vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

        Diễn biến thực hiện từng hành vi nghi vấn;

        Phương thức, cách thức, tần suất thực hiện hành vi vi phạm;

        Nhà phân phối, khách hàng, đại lý bị ảnh hưởng..

        Kết luận về hành vi vi phạm, điều luật áp dụng cho từng hành vi vi phạm đó.

        Hậu quả hoặc những tác động ảnh hưởng của hành vi kết luận là vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền đến các nhà phân phối, khách hàng, đại lý; đến thị trường và xã hội.

        Các đề xuất về phương án xử lý cụ thể đối với vụ việc.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ