Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:
Sáp nhập doanh nghiệp;
Hợp nhất doanh nghiệp;
Mua lại doanh nghiệp;
Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.
Vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế quy định tại khoản 5 Điều
Luật Cạnh tranh 2018 được xác định khi:
Quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc tập trung kinh tế xác định việc tập trung kinh tế trong vụ việc thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm;
Việc tập trung kinh tế được các doanh nghiệp tham gia thực hiện và diễn ra sau khi có quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Một sự thực là các hành vi tập trung kinh tế trong thực tiễn có thể đa dạng hơn những quy định “đóng khung” của Luật Cạnh tranh. Vì vậy, sẽ có những trường hợp, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam nhưng việc vận dụng đúng như những quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành về các thủ tục xử lý hồ sơ tập trung kinh tế sẽ gặp vướng mắc. Chẳng hạn như:
Tập trung kinh tế trên thực tế thuộc ngưỡng phải thông báo, nhưng do đánh giá sai hoặc thiếu đầy đủ, doanh nghiệp tập trung kinh tế cho rằng trường hợp của họ không thuộc trường hợp phải thông báo, vì vậy họ không thực hiện việc nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tập trung kinh tế của họ đã gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Do sự khác biệt trong quy định giữa Luật Cạnh tranh 2018 so với Luật Cạnh tranh 2004 về thủ tục xử lý thông báo tập trung kinh tế26, trong khi Luật Cạnh tranh 2018 không thể áp dụng hồi tố, vì vậy sẽ có những vụ việc tập trung kinh tế xảy ra trước khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam cần phải được xử lý theo quy định mới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sẽ có các hoạt động tập trung kinh tế do các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Doanh nghiệp nước ngoài được hiểu là tổ chức kinh tế không có sự hiện diện pháp lý tại Việt Nam nhưng có các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam. Các hoạt động tập trung kinh tế do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể tác động gây hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam và có thể bị xử lý theo Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam.
Các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế bao gồm:
1) Mặt khách thể
Về quan hệ xã hội bị xâm phạm, vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong kiểm soát tập trung kinh tế. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam không cấm các doanh nghiệp tập trung kinh tế. Việc các doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp hay liên doanh với nhau là quyền của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tập trung kinh tế là biểu hiện của xu hướng độc quyền hóa. Ở một mức độ đủ lớn nhất định, các doanh nghiệp được tập trung kinh tế sẽ có khả năng kiểm soát thị trường dẫn đến nguy cơ gây hạn chế cạnh. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh đưa ra những quy định để kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những doanh nghiệp không tham gia tập trung kinh tế và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Đối tượng tác động của vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế là tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp sử dụng để tham gia tập trung kinh tế. Khi các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp, liên doanh, đã có sự dịch chuyển các nguồn lực kinh tế cho hoạt động kinh doanh trên thị trường liên quan về một doanh nghiệp nhất định. Trong trường hợp tập trung kinh tế vi phạm pháp luật, những doanh nghiệp vi phạm là doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, có doanh thu, thị phần lớn trên thị trường. Sau khi tập trung kinh tế được thực hiện, mức độ tập trung trên thị trường sẽ cao đến mức đủ để các doanh nghiệp tập trung kinh tế kiểm soát thị trường liên quan, từ đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động đáng kể trên thị trường.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP thì “giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên” là một trong các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Điều đó có nghĩa là đối tượng tác động của hành vi tập trung kinh tế là một trong những yếu tố để xác định tập trung kinh tế đó có vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Nếu giá trị tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được xác định từ 1.000 tỷ đồng trở lên mà doanh nghiệp vi phạm các thủ tục về thông báo tập trung kinh tế thì doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đã vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế.
Đối với doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán, ngưỡng giá trị giao dịch nói trên là từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Đối với doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là tổ chức tín dụng, ngưỡng giá trị giao dịch nói trên là từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam thì các quy định về ngưỡng giá trị giao dịch của tập trung kinh tế nói trên sẽ không được áp dụng.
2) Mặt khách quan
Về hành vi, vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế được thể hiện bởi hành vi thực hiện các hình thức tập trung kinh tế gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp mà không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và quy định của Luật Cạnh tranh về tập trung kinh tế.
Theo nội dung phân tích các quy định pháp luật liên quan đến tập trung kinh tế ở phần trước, có thể xác định các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế bao gồm:
(44.1a) Thực hiện tập trung kinh tế thuộc ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế mà không thực hiện thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh;
(44.1b) Thực hiện tập trung kinh tế khi hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bị trả lại theo đúng quy định của Luật Cạnh tranh;
(44.2) Thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong khi chưa hết thời hạn thẩm định sơ bộ (30 ngày kể từ ngày hồ sơ được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận);
(44.3) Thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp phải thẩm định chính thức khi chưa có quyết định về việc tập trung kinh tế của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
(44.4) Thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu phải thực hiện các điều kiện mà thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện đó;
(44.5) Thực hiện tập trung kinh tế trong khi theo quyết định về việc tập trung kinh tế của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xác định tập trung kinh tế đó là bị cấm;
(44.6) Thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Về hậu quả, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, hầu hết hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục kiểm soát tập trung kinh tế đều không cần xét đến hậu quả (các hàng vi từ 44.1 đến 44.5). Chỉ có hành vi quy định tại khoản 6 Điều 44 mới yêu cầu phải có hậu quả gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
3) Mặt chủ thể
Vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế đòi hỏi điều kiện về chủ thể vi phạm. Điều kiện này được thể hiện qua các ngưỡng thông báo tập trung kinh tế liên quan đến chủ thể thực hiện tập trung kinh tế.
Chủ thể tham gia tập trung kinh tế không phải là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán thì phải thỏa mãn một trong các ngưỡng sau:
Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Đối với chủ thể tập trung kinh tế là doanh nghiệp bảo hiểm, điều kiện để xác định chủ thể vi phạm là một trong các ngưỡng sau:
Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Đối với chủ thể tập trung kinh tế là công ty chứng khoán, điều kiện để xác định là chủ thể vi phạm là một trong các ngưỡng sau:
Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Đối với chủ thể tập trung kinh tế là tổ chức tín dụng, điều kiện để xác định chủ thể vi phạm là một trong các ngưỡng sau:
Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
4) Mặt chủ quan
Về yếu tố lỗi, vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế được thực hiện bởi lỗi cố
Cụ thể, mặc dù biết đã “vượt ngưỡng” nhưng doanh nghiệp vi phạm không thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế. Khi hồ sơ thông báo đang được
thẩm định sơ bộ, mặc dù chưa nhận được thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, tức chưa biết rõ tập trung kinh tế dự định thực hiện có được thực hiện hay không, nhưng doanh nghiệp đã tiến hành tập trung kinh tế. Khi hồ sơ tập trung kinh tế đang trong giai đoạn thẩm định chính thức, dù chưa có quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhưng doanh nghiệp vẫn cố ý thực hiện tập trung kinh tế. Khi nhận được quyết định về việc tập trung kinh tế của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong đó yêu cầu phải thực hiện các điều kiện nhất định, nhưng doanh nghiệp vẫn cố ý thực hiện tập trung kinh tế mà không thực hiện đầy đủ các điều kiện được yêu cầu. Hoặc khi nhận được quyết định về việc tập trung kinh tế của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong đó đã ghi rõ tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm nhưng doanh nghiệp vẫn cố ý thực hiện tập trung kinh tế. Doanh nghiệp biết rõ tập trung kinh tế có khả năng gây hạn chế cạnh tranh nhưng vẫn thực hiện tập trung kinh tế.
Động cơ, mục đích không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế.
Nguồn thông tin ban đầu của vụ việc về tập trung kinh tế
Từ đặc điểm của vi phạm về tập trung kinh tế có thể xác định nguồn tin ban đầu của vụ việc có dấu hiệu vi phạm này bao gồm:
Kết quả chủ động rà soát các vụ tập trung kinh tế đã được thực hiện;
Kết quả giám sát, nắm bắt thông tin về hoạt động tập trung kinh tế của các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế;
Đơn “tố giác” của những người trong nội bộ doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
Đơn khiếu nại của những doanh nghiệp không tham gia tập trung kinh tế hoặc bị “ép buộc” tham gia tập trung kinh tế;
Đơn khiếu nại của người tiêu dùng hoặc hiệp hội người tiêu dùng;
Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ tập trung kinh tế cụ thể;
Báo cáo phân tích thị trường, phân tích ngành kinh tế của các tổ chức nghiên cứu kinh tế, hiệp hội, ngành nghề, các chuyên gia kinh tế phản ánh về dấu hiệu vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế.
Biện pháp phát hiện vụ việc về tập trung kinh tế
Như đã phân tích ở phần trên, bản chất của hoạt động tập trung kinh tế là sự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp về việc dịch chuyển tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp. Kết quả của hoạt động tập trung kinh tế dẫn đến sự thay đổi cơ cấu vốn, tài sản, thay đổi các vị trí quản lý, điều hành; là sự thay thế của một pháp nhân mới trên thị trường và sự vắng mặt của pháp nhân đã bị “thâu tóm”. Những thay đổi đó phải chỉ có giá trị sau khi doanh nghiệp tập trung kinh tế đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời để duy trì hoạt động kinh doanh bình thường, tất yếu doanh nghiệp tập trung kinh tế phải thông báo đến nhà cung cấp, khách hàng, các ngân hàng… những thay đổi đó. Vì vậy, so với vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, vi phạm về tập trung kinh tế dường như có nhiều thông tin hơn.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau đây:
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;
Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan;
Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;
Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;
Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
Điều 15 Nghị định 35/2020/NĐ-CP hướng dẫn nội dung đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế như sau:
Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế.
Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung được đánh giá để xác định nguy cơ tạo ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, khả năng gia tăng phối hợp, thông đồng giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan.
Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau được đánh giá để xác định khả năng các bên sau tập trung kinh tế tạo ra ưu thế cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh khác nhằm ngăn cản hoặc loại bỏ cạnh tranh gia nhập thị trường.
Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan được xem xét tổng thể dựa trên các ưu thế về đặc tính sản phẩm, chuỗi sản xuất, phân phối, năng lực tài chính, thương hiệu, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu thế khác của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trong quan hệ với đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan, dẫn tới nguy cơ tạo ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế.
Khả năng doanh nghiệp tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sau tập trung kinh tế được đánh giá căn cứ vào một hoặc một số yếu tố sau đây:
Thay đổi dự kiến về cầu trước khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá, thay đổi sản lượng hoặc điều kiện giao dịch của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường liên quan;
Thay đổi dự kiến về cung của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan trước khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá, thay đổi sản lượng hoặc điều kiện giao dịch của hàng hóa, dịch vụ;
Thay đổi dự kiến về giá, sản lượng, điều kiện giao dịch của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ là các yếu tố đầu vào cho các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
Điều kiện và nguy cơ các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường gia tăng phối hợp hoặc thỏa thuận nhằm tăng giá bán hoặc tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu;
Các yếu tố khác có ảnh hưởng đến khả năng tăng giá hoặc tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế.
Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập, mở rộng thị trường được xác định dựa trên một hoặc một số yếu tố sau đây:
Mức độ kiểm soát yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh trước và sau tập trung kinh tế;
Đặc điểm cạnh tranh trong ngành, lĩnh vực và hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong giai đoạn trước tập trung kinh tế;
Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định này;
Các yếu tố khác dẫn đến khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường.
Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế được xem xét khi yếu tố đó trực tiếp ảnh hưởng hoặc thay đổi đáng kể kết quả đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của tập trung kinh tế quy định tại Điều này.
Tuy nhiên, việc phát hiện được vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế vần cần nhiều nỗ lực của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh.
Nhìn từ góc độ bản chất hành vi, tập trung kinh tế cũng là một dạng thỏa thuận nhưng nội dung liên quan đến việc dịch chuyển nguồn lực kinh tế tập trung vào chủ thể sau khi tập trung. Vì vậy, biện pháp phát hiện vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế cũng có những tương đồng nhất định với biện pháp phát hiện vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, có nghĩa là cung có thể chia thành các biện pháp phát hiện chủ động và các biện pháp phát hiện thụ động. Tuy nhiên, với tính chất của tập trung kinh tế, các biện pháp chủ động cần được ưu tiên.
Phát hiện chủ động các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế. Có một số nguồn thông tin chủ yếu mà Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh có thể dựa vào để chủ động phát hiện vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế.
Thứ nhất, hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của các doanh nghiệp. Trong sáu hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế được mô tả tại Điều 44 Luật Cạnh tranh 2018, có đến năm hành vi vi phạm gắn liền quá trình thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp có nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, ngoài việc tiến hành các hoạt động thẩm định theo nội dung và biện pháp đã được quy định, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cũng cần có những hoạt động giám sát để chủ động phát hiện vi phạm.
Thứ hai, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp tập trung kinh tế. Các giao dịch tập trung kinh tế chỉ có giá trị pháp lý khi các doanh nghiệp tập trung kinh tế thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh. Hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh nếu có thể khai thác tốt cũng là nguồn quan trọng để phát hiện các giao dịch tập trung kinh tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đối với những nguồn tin trên là rất phong phú. Việc rà soát tập trung vào những nghi vấn về khả năng gây ra hạn chế cạnh tranh. Các thông số về chủ thể tập trung kinh tế cần được nhanh chóng kiểm tra thông qua các dữ liệu đã được công khai hoặc dữ liệu sẵn có tại Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh. Nếu thấy rõ ràng hoạt động tập trung kinh tế chưa đến ngưỡng, khả năng gây hạn chế cạnh tranh là rất thấp thì cần dừng các hoạt động rà soát để tập trung nguồn lực vào các vụ việc khác. Khi việc sáp nhập không thể được làm rõ ngay lập tức, nhưng thông tin sẵn có không đủ để xác định có nên tiến hành điều tra, nhóm điều tra nên xây dựng kế hoạch xác minh ban đầu. Kế hoạch xác minh ban đầu này chỉ nên tập trung vào việc liệu có đảm bảo việc điều tra thêm hay không và chỉ nên giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn. Nội dung xác minh ban đầu nên tập trung vào một số nhiệm vụ rời rạc hoặc, nếu thích hợp, các yêu cầu thông tin hạn chế có thể được thực hiện mà không cần sử dụng nhiều nguồn lực. Yêu cầu thông tin từ các bên, thông qua một lần gửi văn bản hoặc cuộc họp và liên hệ với một số khách hàng hoặc cơ quan chức năng có kiến thức về ngành có thể có hiệu quả trong việc thu thập thông tin kịp thời về các vấn đề ngưỡng trong thời gian đầu một cuộc điều tra.
Phát hiện thụ động các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế. Đối với các nguồn tin thụ động, trong giai đoạn phát hiện vụ việc, nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra tính chính xác của các thông tin đã thu nhận được từ những người cung cấp hoặc nguồn tiếp nhận. Trước hết, điều tra viên cần nghiên cứu chi tiết nội dung thông tin xem đã đầy đủ các yếu tố để xác định những vấn đề chủ yếu sau:
+Việc tập trung kinh tế đã xảy ra hay chưa? Đó là hình thức tập trung kinh tế nào? Đã có những tài liệu nào minh chứng cho việc tập trung kinh tế đã xảy ra? Những tài liệu đó có tin cậy không?
+Các chủ thể tham gia tập trung kinh tế là những doanh nghiệp nào? Đã có tài liệu xác định tư cách của các chủ thể đó chưa?
+Hành vi vi phạm được mô tả trong thông tin ban đầu là gì? Chủ thể tập trung kinh tế có gửi hồ sơ thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không? Nếu có thì hồ sơ đó đã được xử lý ở giai đoạn nào và kết quả xử lý ra sao? Nếu không gửi hồ sơ thì thông tin về ngưỡng thông báo có được thể hiện trong thông tin ban đầu không? Đã có những thông tin, tài liệu nào là căn cứ để xác định việc gây hạn chế cạnh tranh hoặc khả năng gây hạn chế cạnh tranh hay chưa?
Sau khi trả lời những câu hỏi trên, nhóm điều tra viên nên xây dựng kế hoạch kiểm tra nhanh các thông tin đó. Kế hoạch này cần tập trung ưu tiên sử dụng những nguồn thông tin sẵn có. Chẳng hạn: rà soát hệ thống dữ liệu hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; tra cứu nhanh bằng sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet; liên hệ với nguồn thông tin (người khiếu nại, người “tố giác”, tác giả của các nghiên cứu…); trao đổi thông tin với cơ quan đăng ký kinh doanh…