Thị trường bất động sản (viết tắt là BĐS) có vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế, tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển tỷ trọng đóng góp của thị trường BĐS nước ta chiếm khoảng 15% của nền kinh tế và chiếm khoảng 20%-30% tổng giá trị tài sản cố định của nền kinh tế Việt Nam, do đó nhận thức đầy đủ về vai trò của thị trường BĐS sẽ có ý nghĩa trong việc xây dựng chiến lược phát triển trong tương lai.
Khi thị trường bất động sản công nghiệp (viết tắt là BĐSCN) phát triển, với hệ thống pháp luật quản lý tốt thì mọi giao dịch sẽ được đăng ký và các bên tham gia thị trường thực hiện các nghĩa vụ thuế sẽ tăng lên góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Khi thị trường BĐSCN phát triển, không những tạo điều kiện cho các thị trường bổ trợ như vật tư, lao động trong xây dựng, thiết kế, trang trí nội thất …có điều kiện phát triển, mà còn có cơ hội tiếp cận các công nghệ mới trong kiến trúc, xây dựng cũng như quy trình kỹ thuật, quản lý BĐSCN … từ các đối tác liên doanh nhằm ngày một hoàn thiện hơn. Trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp. Với hạ tầng sẵn có, các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án, đồng thời góp phần quan trọng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông thôn của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả nước. Ngược lại, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi làm ăn và tích lũy hiệu quả tại Việt Nam thì đã cân nhắc, ủng hộ, thậm chí trực tiếp tham gia nhiều hơn vào đầu tư trở lại cho hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Ngoài ra, đầu tư BĐSCN còn phải giúp tạo động lực để các khu công nghiệp ở nước ta cải thiện một cách thực chất các vấn đề liên quan đến người lao động, không chỉ đơn thuần giải quyết việc làm mà còn phải trở thành nơi tạo an sinh xã hội cho họ đồng thời cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Vai trò khác của thị trường BĐSCN là khi thị trường phát triển xu hướng giá trị của tài nguyên đất thông thường sẽ tăng lên theo thời gian (trong dài hạn), điều này sẽ tác động đến hành vi của người quản lý, khai thác, sử dụng BĐSCN là hướng tới sự sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn tài nguyên đất.
Ngoài ra, phát triển và quản lý tốt thị trường BĐSCN, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất là điều kiện quan trọng để sử dụng có hiệu quả tài sản quý giá thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Các tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất để phục vụ cho mục đích ở, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nhu cầu khác của cuộc sống. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì quyền sử dụng đất ở Việt Nam được: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn và cho thuê lại. Như vậy, quyền sử dụng đất được công nhận là hàng hoá, một loại hàng hoá đặc biệt tham gia vào thị trường BĐSCN. Quản lý thị trường bất động sản công nghiệp trước hết phải quan tâm việc giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất theo quy hoạch chính là biện pháp hữu hiệu để sử dụng có hiệu quả nguồn hàng hoá đặc biệt này.
Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang là điểm thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhu cầu về bất động sản công nghiệp vì thế sẽ tăng nhanh và là cơ hội đối với phát triển kinh tế nên vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản cũng là một vấn đề rất được được quan tâm.
Thị trường BĐSCN nói riêng và thị trường BĐS nói chung là một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo – thiếu tính hiệu quả. Vì vậy sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Sự can thiệp của Nhà nước được thể hiện một cách tập trung ở chỗ Nhà nước đảm bảo tính pháp lý cho các bất động sản, đó là những điều kiện quan trọng để BĐS có thể được giao dịch, mua bán một cách công khai minh bạch như những hàng hóa thông thường khác; tiến hành kiểm soát các giao dịch trên thị trường bất động sản, đảm bảo cho thị trường hoạt động một cách lành mạnh, thúc đẩy các thị trường khác cùng phát triển, giảm thiếu rủi ro, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư.
Sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường BĐSCN trong nhiều trường hợp là sự kiểm soát một cách trực tiếp, cụ thể và rõ ràng. Do vậy, muốn đánh giá một cách hợp lý giá trị của bất động sản, đòi hỏi thẩm định viên nhất thiết phải có sự am hiểu về cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước về bất động sản cũng như có sự cập nhật một cách thường xuyên các chế độ quản lý của Nhà nước về bất động sản trong một thời kỳ.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc đàm phán và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA với nguyên tắc tự do trong hoạt động đầu tư sẽ tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển. Thực tế này sẽ phát sinh nhu cầu khá cao về BĐSCN.
Bên cạnh đó, việc ký kết thành công hiệp định EVFTA và EVIPA mới đây là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương và mở đường cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, các hiệp định thương mại tự do sẽ là động lực để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang những quốc gia tham gia Hiệp định thương mại, từ đó giúp gia tăng nhu cầu thuê bất động sản tại các KCN trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF), năm 2019 chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng thứ 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất giữa các nước ASEAN trong năm qua. Việt Nam có 10/12 trụ cột có điểm số tăng. Trong đó, trụ cột về năng lực tiếp cận công nghệ thông tin có thứ hạng cao nhất (41), tăng 54 bậc so với năm 2018. Điều này phần nào thể hiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều cải thiện so với những năm trước đó, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời cũng thể hiện được những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển.
Một số vấn đề về cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đáng được quan tâm cụ thể như sau:
1. Cạnh tranh về giá thuê
Năm 2019, chi phí đất công nghiệp Việt Nam cạnh tranh so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Giá đất BĐSCN tại khu vực Trung Quốc lên đến 180 -200 USD/m2/cả chu kỳ thuê trong khi đó, giá đất tại khu vực miền Bắc của Việt Nam chỉ 99 USD/m2/cả chu kỳ thuê. Ngoài ra, các chuyên gia của Savills Việt Nam cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong những thị trường có chi phí xây dựng công nghiệp cạnh tranh nhất. Tại Tp.HCM, chi phí xây dựng trung bình các nhà xưởng và nhà kho cơ bản là 352 USD/m2; các nhà máy và trung tâm phân phối lớn là 412 USD/m2; và các nhà máy công nghệ cao là 618 USD/m2. Dù mức lương nhân công ngành sản xuất của Việt Nam tăng từ 237 USD/tháng trong năm 2018 lên 252 USD/tháng thì đây vẫn là một con số tương đối thấp so với các nước trong khu vực, so với Trung Quốc là 968 USD/tháng, Malaysia là 766 USD/tháng. Vào tháng 1 năm 2020, theo Nghị định Chính phủ 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức lương tăng mạnh, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các nước Châu Á.
Tuy nhiên thị trường BĐS công nghiệp đã ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng mạnh từ năm 2018 (do thu hút đầu tư nước ngoài mạnh), dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu có thêm các khu công nghiệp mới trên một số địa bàn trọng yếu. Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, ở phía Bắc, giá thuê tại Hà Nội lên đến 129 USD/m2 (tăng 13,1% so với năm 2019), Bắc Ninh là 95 USD/m2 (tăng 9,2%), Hưng Yên: 83 USD/m2 (tăng 6,4%), Hải Dương: 76 USD/m2 (tăng 15,1%), Hải Phòng: 96 USD/m2 (tăng 3,2%), Thanh Hóa: xấp xỉ 40 – 50 USD/m2… Ở phía Nam, giá thuê đất trong các khu công nghiệp năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh đạt 147 USD/m2, Bình Dương: 107 USD/m2 (tăng 4,9% so với năm 2019), Đồng Nai: 98 USD/m2 (tăng 6,5%), Long An: 123 USD/m2 (tăng 7,8%), Bà Rịa – Vũng Tàu: 65 USD/m2 (tăng 18,1%). Vì thế nếu giá cho thuê tiếp tục tăng cao, Việt Nam có thể giảm khả năng cạnh tranh về giá trong lĩnh vực này.
2. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước và ngoài nước
Hai quý đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng và nổi bật của phân khúc bất động sản khu công nghiệp so với các phân khúc khác trên thị trường. Trong đó đáng chú ý khi các doanh nghiệp ngoại đang có các hành động để thâu tóm, mở rộng quỹ đất tại các tỉnh dẫn đầu về công nghiệp của Việt Nam.
Trước những dự báo tích cực về triển vọng của phân khúc BĐSCN, đặc biệt là BĐS kho vận, hậu cần tại Việt Nam, ngay từ đầu năm 2021 đã chứng kiến một làn sóng đầu tư hạ tầng KCN trên cả nước. Trong cuộc chạy đua đó, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp FDI vốn có sẵn lợi thế về tiềm lực tài chính sẽ chọn cách “đi tắt, đón đầu” thông qua việc M&A với những doanh nghiệp trong nước có sẵn quỹ đất và dự án đã cơ bản hoàn thiện về pháp lý đầu tư.
Theo một báo cáo mới được Savills Việt Nam công bố, từ nửa đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng BĐSCN lại không ngừng nóng lên và chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn với sự chiếm ưu thế của các doanh nghiệp ngoại.
Cụ thể, mới đây Boustead Projects đã mua lại 49% cổ phần trong Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD. Ngoài ra, ESR Cayman Limited đã gia nhập thị trường Việt Nam khi hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển Công nghiệp BW thành lập liên doanh và đặt mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 tại khu công nghiệp Mỹ Phước 4 gần TP.HCM.
Cũng theo dữ liệu từ Savills Việt Nam từ giữa năm 2020, tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu USD cho một thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam; dự án 81.000 m2 của Logos Property tại KCN VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào Q4/2021. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp kho bãi Châu Á lớn là GLP cũng đã có kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam hay Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh…
Frasers Property Việt Nam, một trong những nhà phát triển bất động sản ngoại có quy mô lớn tại Việt Nam đã vừa ra mắt dự án đầu tiên tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam, dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường kho xưởng, nhà máy cho thuê lên tới hơn 200.000m2 sàn trong các năm tới.
Các công ty đến từ Trung Quốc cũng tham gia vào mảng mua bán và sáp nhập này. Cuối năm ngoái, công ty SEA Logistic Partners (SLP) đã ký kết hợp tác liên doanh với GLP (đơn vị quản lý đầu tư vận hành kho bãi lớn nhất Trung Quốc) để hướng tới mục tiêu phát triển mảng bất động sản kho vận tại Việt Nam. Cho tới cuối quý 2 năm nay, liên doanh giữa 2 công ty này đã thâu tóm được tới hơn 700.000m2 đất nằm tại 5 dự án khu công nghiệp có vị trí then chốt tại các thành phố lớn.
Theo một số chuyên gia, hiện nay thị trường bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam vẫn được coi là “non trẻ” nếu so với các thị trường khác trong khu vực. Chính vì vậy năng lực vận hành và quản lý của các đơn vị phát triển trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính cạnh tranh. Hiện nay một số đơn vị có được quỹ đất tốt đa phần là nhờ dựa vào các lợi thế địa phương, tuy nhiên lại chưa có đủ năng lực để triển khai và quản lý một cách quy mô, bài bản. Một số dự án mặc dù đã có quy hoạch được duyệt, nhưng lại dậm chân tại chỗ suốt nhiều năm liền khiến cho tài nguyên đất bị lãng phí.
Suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp nội đa phần chưa tận dụng được hết lợi thế của mình. Nhiều đơn vị mới chỉ khai thác được “phần ngọn”, tức là chỉ dựa vào việc có quỹ đất rộng và đắc địa để kinh doanh bán hoặc cho thuê đất. Trong các năm tới, với việc thị trường bất động sản khu công nghiệp bước vào một chu kỳ phát triển mới, đòi hỏi nhiều sự đầu tư, nâng cấp và bài bản hơn thì việc phát triển các mô hình mới là điều bắt buộc. Đơn cử như việc xây dựng các khu vực nhà xưởng đạt chất lượng, hiện đại để sẵn sàng cho thuê ngay khi các doanh nghiệp có nhu cầu. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam khi dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, việc họ có nhu cầu thuê trước các nhà xưởng sẵn để thăm dò trước khi đầu tư dây chuyền lâu dài là câu chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.
3. Một số yếu tố tác động đến cạnh tranh trên thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam
a. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19
Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, kết hợp với đại dịch COVID-19 khiến các công ty đa quốc gia đang cân nhắc một cách nghiêm túc về việc dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc, nhằm phân tán rủi ro về chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào một đối tác, đồng thời tận dụng cơ hội để giảm chi phí và tăng lợi thế cạnh tranh. Theo nghiên cứu, các nhà đầu tư đang và sẽ thực hiện việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể phân thành 03 nhóm:
- Nhóm các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu – những công ty tốt nhất thuộc các ngành công nghệ cao, các ngành không cần nhiều nhân công sẽ dịch chuyển sang các nước như Malaysia, Thái Lan, Mexico, Brazil…
- Nhóm các nhà đầu tư tầm trung đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Đài Loan – những công ty thuộc các ngành gia công, lắp ráp, chuỗi cung ứng đơn giản, cần nhiều nhân công sẽ dịch chuyển sang các nước như: In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Ấn Độ.
- Nhóm các nhà đầu tư cơ hội đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, những công ty thuộc các ngành như dệt may, điện tử, gỗ, nội thất, hoá chất,… có công nghệ thấp, cần nhiều nhân công sẽ tìm cách dịch chuyển chủ yếu sang các nước như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia.
Hiện nay, một số tập đoàn lớn đã, đang và sẽ dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam gồm có:
- Samsung, LG và nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã rời xưởng khỏi Trung Quốc vào Việt Nam.
- Foxconn và bên cung ứng cho Apple suppliers sẽ tuyên bố họ có ý định sản xuất ở Việt Nam trong vài năm tới.
- Google lên kế hoạch chuyển một vài bộ phận của chuỗi sản xuất điện thoại Pixel 4A vào Pixel 5 phone vào Việt Nam trong 2020-2021.
- Microsoft có kế hoạch chuyển chuỗi sản xuất máy tính Surface vào Việt Nam trong năm 2020-2021.
- Nintendo, một công ty game, đã chuyển sản xuất bảng điều khiển game Switch Lite vào Việt Nam.
- Komatsu, do dịch Covid-19 đã rời chuỗi sản xuất khung và bộ điều khiển ô tô từ Trung Quốc về Nhật Bản và Việt Nam.
- Các công ty khác như TCL (điện tử – Trung Quốc), Goertek (điện tử – Trung Quốc), Lenovo (điện tử, máy tính), Sharp (điện tử, máy ảnh – Nhật Bản), Kyocera (máy in, photocopy – Nhật Bản), Asics (giầy – Nhật Bản),… là một vài doanh nghiệp lớn khác cũng đang dự định vào Việt Nam.
Có thể nhận thấy, làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra đã mở ra cơ hội lớn cho BĐSCN Việt Nam. Việt Nam sở hữu lợi thế nhân công trẻ, dồi dào, chi phí thấp, thuế suất TTNDN của Việt Nam theo quy định đang ở mức 20% – thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore – do đó rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các công ty hoạt động trong các KCN cũng được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thị thực, miễn thuế 2 – 4 năm, giảm thuế 3 – 15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
BĐSCN Việt Nam đang được hưởng lợi rõ rệt từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Với thể chế chính trị ổn định, đồng thời là quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Các nhà đầu tư nước ngoài đang coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng để có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các KCN, nhà máy, trung tâm chế xuất…nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có hồi kết.
b. Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs) có hiệu lực
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc đàm phán và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA với nguyên tắc tự do trong hoạt động đầu tư sẽ tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, phấn đấu sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển. Thực tế này sẽ phát sinh nhu cầu khá cao về BĐSCN.
Bên cạnh đó, việc ký kết thành công hiệp định EVFTA và EVIPA mới đây là một bước tiến quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương và mở đường cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, các hiệp định thương mại tự do sẽ là động lực để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang những quốc gia tham gia Hiệp định thương mại, từ đó giúp gia tăng nhu cầu thuê bất động sản tại các KCN trong giai đoạn tiếp theo.
c. Hạ tầng, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF), năm 2019 chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đứng thứ 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất giữa các nước ASEAN trong năm qua. Việt Nam có 10/12 trụ cột có điểm số tăng. Trong đó, trụ cột về năng lực tiếp cận công nghệ thông tin có thứ hạng cao nhất (41), tăng 54 bậc so với năm 2018. Điều này phần nào thể hiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều cải thiện so với những năm trước đó, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời cũng thể hiện được những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển.
Về vấn đề cơ sở hạ tầng, theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, các dự án, công trình đầu tư công hiện đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 05 và 05 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, 08 dự án PPP đã chuyển sang đầu tư công có tổng mức đầu tư hơn 88,000 tỷ đồng cho thấy những hành động quyết liệt từ Thủ tướng chính phủ, nhằm đẩy nhanh thủ tục để có thể khởi công trong tháng 8-2020 sau khi Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư.
Năm 2020, tổng số vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước ước tính hơn 30 tỷ USD (+220% so với số vốn thực hiện giải ngân năm 2019). Trong đó, ngành giao thông vận tải được đầu tư nhiều nhất với 4,284 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc Nam và các dự án liên quan đến hàng không như sân bay Long Thành lên đến 129,073 tỷ đồng. Với tình hình đầu tư công được đẩy mạnh sẽ giúp cho cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giúp kết nối hạ tầng, logistic của các khu công nghiệp đến các thành phố trung tâm và cảng biển ngày càng thuận tiện hơn. Từ đó tạo động lực giúp ngành BĐSCN tăng trưởng và gia tăng khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài so với các nước trong khu vực.
Tại phía Bắc, việc phát triển hạ tầng giao thông liên tỉnh đã góp phần nâng cao khả năng giao thương hàng hoá, kết nối Hà Nội tới những vùng kinh tế trọng điểm. Đơn cử như đường Vành đai 4, và Vành đai 5 – Vùng Thủ đô, hỗ trợ kết nối giao thông thuận lợi từ Hà Nội tới các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, và Thái Nguyên. Các đường vành đai còn thúc đẩy nguồn cung bất động sản tương lai tại khu vực vành đai Hà Nội.
Tại phía Nam, ngoài TP.HCM, các khu vực vùng ven khác cũng đang thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đầu năm 2021, Long An đề xuất phát triển khu kinh tế quy mô lớn gần khu Nam TP.HCM. Tới đây có thêm Alibaba, GS Energy, sẽ giúp cho thị trường bất động sản khu công nghiệp tại đây thêm sôi động. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là điểm sáng nhờ hưởng lợi cơ sở hạ tầng với cảng Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành.
d. Quỹ đất cho phát triển bất động sản công nghiệp dồi dào
Theo quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp tại các địa phương, quỹ đất dành cho phát triển các khu công nghiệp trong tương lai là khá lớn. Theo khảo sát của HOUSELINK, bên cạnh 289 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch đạt 125.145 ha, trong tương lai có ít nhất 210 khu công nghiệp sẽ được đầu tư, phát triển và đi vào hoạt động; với tổng diện tích quy hoạch đạt 62.125 ha. Trong số 210 khu công nghiệp kể trên, có 75 khu công nghiệp đang xây dựng và 135 khu công nghiệp đang hoàn thành thủ tục đầu tư hoặc giải phóng mặt bằng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có quỹ đất công nghiệp dồi dào dành cho các nhà đầu tư sản xuất trong 10 năm tới.
e. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đi thuê
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đi thuê được cụ thể hoá bằng 2 tiêu chí: Các thông báo liên quan được thông tin kịp thời, dễ thấy, dễ xem và các phản hồi về khu công nghiệp được tiếp nhận và giải quyết.
Khoảng 61% doanh nghiệp đồng ý rằng các thông báo liên quan được thông tin kịp thời, dễ thấy, dễ xem làm gia tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thuê bất động sản. Gần 60% cho rằng các phản hồi về khu công nghiệp được tiếp nhận và giải quyết nâng cao sự hài lòng của họ khi thuê.
f. Rào cản gia nhập và phát triển hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam
Các doanh nghiệp cho rằng còn tương đối nhiều rào cản trong việc gia nhập và phát triển trên thị trường. Trong đó, tỷ lệ nhiều nhất là khoảng 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy rào cản pháp lý đang là rào cản gây trở ngại trong việc gia nhập và phát triển trên thị trường.
Về yếu tố tác động đến mức độ thuận lợi trong việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 2/3 số doanh nghiệp nhận thấy cải cách quy định pháp lý về gia nhập thị trường thúc đẩy việc chính thức hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng lưu ý là phần lớn (từ trên 85% đến 95%) đồng ý với yếu tố khung khổ pháp lý được thực hiện nghiêm túc giúp doanh nghiệp thuận lợi khi gia nhập thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có tác động trực tiếp đến tính thuận lợi của việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Trong số các áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước nước ngoài cùng ngành là mạnh mẽ nhất (trên 47%), tiếp đến là áp lực cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành (38%). Các yếu tố khác như giá cho thuê và loại hình nhà xưởng, văn phòng cho thuê và các dịch vụ đi kèm dường như không phải là các áp lực cạnh tranh lớn nhất (đều dưới 10%).