BVNTD

Cạnh tranh trong ngành ô tô

Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại cạnh tranh trong ngành ô tô, cụ thể như sau:

            1. Cạnh tranh về giá

Các loại dòng xe có sự phân biệt về giá cả tương đối rõ, trong đó hầu hết các thương hiệu lớn đều có đầy đủ các loại dòng xe ở các mức giá từ thấp tới cao (giá xe có thể khác nhau tới 10-20 lần). Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, các tính năng cần thiết, mức độ yêu thích, khả năng chi trả (bao gồm chi phí mua xe và chi phí thường xuyên như nhiên liệu, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng…).

            2. Cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu

Từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam bằng 0%, nếu chính sách thuế hiện nay không có gì thay đổi, chắc chắn xe nhập khẩu sẽ rẻ hơn, vì vậy sự cạnh tranh giữa các sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu sẽ diễn ra mạnh hơn. 

Hiện tại linh kiện của Toyota Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN, đang chịu thuế suất thuế nhập khẩu là 5%, kèm theo chi phí lắp ráp… Nếu sang nhập khẩu xe nguyên chiếc, Toyota Việt Nam sẽ giảm được 5% thuế linh kiện, chi phí sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam cùng nhân sự trong dây chuyền sản xuất. Với dự báo nhu cầu tiêu thụ ô tô tiếp tục tăng lên, doanh nghiệp có cơ hội tăng sản lượng, đồng thời giảm được chi phí sản xuất, chi phí phân phối. Vì vậy, các doanh nghiệp ô tô còn đang lắp ráp, sản xuất muốn tiếp tục đứng vững trên thị trường phải giảm giá thành sản xuất hiện nay từ 15-20% ở tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ mới có thể cạnh tranh được.

Có nhiều doanh nghiệp làm ô tô tại Việt Nam đang phân vân với quyết định tiếp tục đầu tư vào sản xuất hay dừng lại để chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Tuy nhiên, cần duy trì sản xuất và phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vì công nghiệp ô tô có vai trò đầu tàu, khi phát triển tốt có thể kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực công nghiệp như luyện kim, nhựa, cơ khí hay công nghệ thông tin và nhiều ngành sản xuất.

Các doanh nghiệp có kết quả hoạt động tốt như Toyota Việt Nam, THACO là nhờ đầu tư mạnh cho hoạt động lắp ráp, tổ chức sản xuất, nội địa hoá được một số chi tiết phụ tùng, làm tốt công tác phân phối, dịch vụ sau bán hàng nên đang chiếm lĩnh được thị trường, có doanh số bán xe tốt.

Tuy nhiên cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng là một vấn đề mà một số nhà sản xuất ô tô trong nước có quan ngại về cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Với thực tế Việt Nam bắt đầu làm ô tô khoảng 20 năm trở lại đây trong khi Thái Lan đã phát triển qua 50 năm, vấn đề sản lượng sản xuất ô tô rất quan trọng. Toyota và THACO hiện đang lắp ráp và đầu tư sản xuất phụ tùng linh kiện với doanh số tốt và thị phần lớn. Ngoài ra tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2021 đạt 150.481 chiếc, tăng đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp đang nỗ lực giảm được giá thành sản xuất xe khoảng 15%.

            3. Cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ô tô trong nước

Đối với mỗi dòng xe đều có sự cạnh tranh quyết liệt. Chẳng hạn các dòng xe của Toyota được nhiều người Việt lựa chọn do bền, tiết kiệm xăng, đồ phụ tùng thay thế sẵn và phổ biến. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng hiện nay đang dần thay đổi, khi khách hàng cởi mở hơn và các thương hiệu ôtô khác cũng bán tốt hơn, đặc biệt là Mazda (xem thêm ở thị phần,…). Điển hình là sự cạnh tranh trực tiếp giữa các dòng xe như Mazda 3 với Toyota Corolla Altis và Mazda 6 với Toyota Camry.

Nhóm khách hàng ưa chuộng các thương hiệu mới thường là người trẻ có độ tuổi từ 20 đến 40. Đây đều là những người trẻ có thu nhập ổn định, tự kinh doanh và thích gu thời trang mới mẻ, hiện đại.

            4. Cạnh tranh giữa các nhà bán hàng và cung cấp dịch vụ

Một yếu tố cạnh tranh cũng cần được lưu ý là kinh doanh ô tô và dịch vụ sửa chữa ô tô trong mấy năm trở lại đây được các chuyên gia đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng lớn, khi nhu cầu mua ô tô của người dân ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay khi nhiều đại lý bán lẻ, sửa chữa ô tô phải chịu kết quả kinh doanh lỗ lớn do sức tiêu thụ xe đột ngột giảm sâu. Các hãng xe giảm giá, giảm lợi nhuận nhưng vẫn ít người mua. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, các đơn vị kinh doanh, sửa chữa ô tô gặp khó khăn vì người tiêu dùng Việt đang có chung suy nghĩ chờ đợi mua xe giá rẻ khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm về 0%. Từ đó, các hãng xe giảm giá, giảm lợi nhuận, buộc các đại lý cũng phải giảm giá, dẫn đến thu không đủ bù chi. Kinh doanh ô tô cũ cũng không thuận lợi do áp lực giảm giá từ xe mới. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, thuế phí các loại…

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh, sửa chữa ô tô lâm vào tình trạng khó khăn nằm ở phân khúc xe nhập khẩu do phụ thuộc quá lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu, trong khi đó linh kiện, phụ tùng được nhập khẩu về lại chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn được ủy quyền quyết định.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ