BVNTD

Cơ cấu tổ chức và cơ chế thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC)

Thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) tổ chức một số hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có Khóa đào tạo về bảo vệ người tiêu dùng tại Melbourne trong 2 tuần. Tại Khóa đào tạo, các chuyên gia ACCC đã giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về cơ cấu tổ chức và cơ chế thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Úc của ACCC.[1]

1.  Vị trí trong bộ máy nhà nước và cơ cấu tổ chức của ACCC

* Vị trí trong bộ máy nhà nước:

ACCC là cơ quan độc lập theo luật định của Khối thịnh vượng chung. Theo đó, ACCC độc lập với các cơ quan thực thi Luật tiêu dùng khác ở mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc. Cụ thể, ACCC không giải quyết các yêu cầu, khiếu nại cụ thể của từng người tiêu dùng cụ thể, mà sẽ xem xét các hành vi/vấn đề cụ thể của doanh nghiệp trên thị trường (thông qua các nguồn thông tin thu thập được), đánh giá sự phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như mức độ nguy hại của hành vi đó và có các hành động phù hợp để điều chỉnh, ví dụ như gửi thư cảnh báo/nhắc nhở doanh nghiệp, tiến hành vụ việc điều tra, khởi kiện ra Tòa án… Việc giải quyết các yêu cầu, khiếu nại cụ thể của người tiêu dùng thuộc thẩm quyền của cơ quan thực thi Luật tiêu dùng khác ở mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc.

* Cơ cấu tổ chức:

ACCC có một Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 Ủy viên. Việc bổ nhiệm vào Ủy ban này có sự tham gia của Khối thịnh vượng chung, chính phủ tiểu bang và lãnh thổ.

Các đơn vị chuyên môn trong ACCC phân chia theo lĩnh vực phụ trách, bao gồm: Ban Cạnh tranh; Ban Sát nhập, Miễn trừ và Điện tử; Ban Người tiêu dùng và Thương mại công bằng; Ban An toàn sản phẩm cho người tiêu dùng; Ban Quyền thông tin của người tiêu dùng; Trung tâm chống lừa đảo quốc gia; Ban Cơ sở hạ tầng; Ban Tư vấn chuyên môn & Dịch vụ; Chương trình nhận dạng kỹ thuật số & Giám đốc rủi ro; Ban Hợp tác.

Sơ đồ tổ chức các phòng ban của ACCC

2. Vai trò, nhiệm vụ của ACCC

Vai trò của ACCC là quản lý và thực thi Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng 2010 (Cth) (CCA) và các luật khác, thúc đẩy cạnh tranh và giao dịch công bằng, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ cũng như quản lý cơ sở hạ tầng quốc gia vì lợi ích của tất cả người dân Úc.

3. Cơ chế thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của ACCC

Trong quản lý và thực thi pháp luật về người tiêu dùng, dựa trên các nguồn thông tin thu thập được, ACCC sẽ xem xét một hành vi cụ thể của doanh nghiệp về khả năng vi phạm quy định pháp luật cũng như mức độ nguy hại của hành vi đó để có các hành động tương ứng. Việc xem xét, đánh giá này được thực hiện qua nhiều bước, và không phải bất kỳ hành vi nào được phản ánh tới ACCC cũng sẽ được chuyển thành một vụ việc điều tra chính thức.

* Thu thập, xử lý thông tin

Đầu tiên, tại ACCC, Trung tâm thông tin (Info Center) là đơn vị tiếp nhận thông tin, phản ánh về các vấn đề liên quan tới tiêu dùng từ các cá nhân, tổ chức (thông qua các phương thức như: gọi điện thoại tới đường dây nóng, gửi email, gửi thư qua bưu điện, gửi yêu cầu trực tiếp trên website của ACCC…). Ngoài ra, ACCC cũng có thể thu thập thông tin về các vấn đề liên quan tới người tiêu dùng thông qua các khảo sát, điều tra hoặc từ chính các vấn đề do các bộ phận thực thi liên quan của ACCC tự phát hiện.

Khi nhận được các thông tin, phản ánh, Trung tâm thông tin ACCC có thể thực hiện các công việc sau:

– Đưa ra lời khuyên về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật cũng như các bước tiếp theo để các cá nhân thực hiện để giải quyết khiếu nại của mình.

– Hướng dẫn người tiêu dùng và doanh nghiệp truy cập đến các nội dung liên quan trên trang web ACCC.

– Hướng dẫn người tiêu dùng và doanh nghiệp đến các cơ quan chính phủ liên quan tới nội dung khiếu nại, phản ánh. 

– Ghi lại mối quan ngại của họ về kiểu hành vi tiềm ẩn khả năng vi phạm quy định của pháp luật hoặc gây thiệt hại và giúp ACCC phân bổ nguồn lực cho các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, ACCC sẽ không can thiệp thay mặt cá nhân nào, không thực hiện việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như không đưa ra lời khuyên pháp lý hay quyết định chính thức về việc liệu vi phạm có xảy ra hay không (chỉ có Tòa án Úc mới có thẩm quyền này). ACCC cũng không điều chỉnh hoặc ấn định giá cho hàng hóa hoặc dịch vụ.

 

Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin tại ACCC

Sau khi thu thập, bộ phận đánh giá, tổng hợp thông tin trong Trung tâm thông tin sẽ tiến hành đánh giá các vấn đề được phản ánh. Theo thống kê của ACCC, trung tâm thông tin nhận được hàng trăm phản ánh mỗi ngày, và chịu trách nhiệm sàng lọc các phản ánh này để xác định các hành vi có khả năng gây tổn hại đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và/hoặc quy trình cạnh tranh để chuyển lên cấp cao hơn (ví dụ các bộ phận chịu trách nhiệm về thực thi và tuân thủ) của ACCC xem xét và đưa ra hành động khả thi.

Hàng năm, ACCC cũng sẽ xem xét để đưa ra các vấn đề ưu tiên mà ACCC sẽ chú trọng quan tâm trong năm đó. Ví dụ, trong năm 2023-2024, ACCC đặt ra 18 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có an toàn sản phẩm, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, điều khoản không công bằng, nền tảng số…

 

Các lĩnh vực ưu tiên của ACCC trong giai đoạn 2023-2024

Việc xem xét đánh giá cũng bao gồm cả yếu tố liệu các vấn đề đang được xem xét có nằm trong các lĩnh vực ưu tiên kể trên hay không.

* Xem xét, đánh giá vụ việc

Khi báo cáo của Trung tâm thông tin được gửi lên, các bộ phận thực thi và tuân thủ của ACCC sẽ tiến hành các bước xem xét, đánh giá vấn đề được báo cáo, thu thập thêm thông tin để cân nhắc quyết định có khởi xướng điều tra vụ việc hay không. Theo thông tin từ ACCC, hàng năm cơ quan này tiếp nhận khoảng hơn 400 nghìn phản ánh, tuy nhiên chỉ có 500 vụ việc đươc tiến hành điều tra, và trong đó chỉ 152 vụ việc có dẫn tới các hành động can thiệp của ACCC như đưa vụ việc ra Tòa; Thông báo vi phạm; ký cam kết được Tòa án đảm bảo thi hành với doanh nghiệp; công bố các báo cáo công khai; hoặc các hoạt động tuân thủ khác.

                                                                              

Trong quá trình đánh giá một vụ việc để quyết định có đưa vụ việc đó ra điều tra hay không, ACCC sẽ xem xét đồng thời cả tính tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như mức độ gây thiệt hại của hành vi để có hành động phù hợp.

* Khởi xướng điều tra vụ việc

Giai đoạn khởi xướng điều tra tại ACCC thường kéo dài trong khoảng 4 tháng. Theo đó, các bộ phận thực thi và tuân thủ sẽ xây dựng báo cáo chi tiết về vụ việc, trong đó có phân tích về hành vi của doanh nghiệp, giả thiết về vụ việc, giả thiết về thiệt hại do hành vi gây ra…

Trong giai đoạn khởi xướng điều tra, ACCC có thể liên hệ với người khiếu nại, doanh nghiệp hoặc bên thứ ba để thu thập thêm thông tin trên cơ sở tự nguyện vào các thời điểm thích hợp.

Kết thúc giai đoạn khởi xướng điều tra, ACCC có thể chuyển vụ việc sang điều tra chính thức, hoặc kết thúc vụ việc hoặc có các quyết định giải quyết vụ việc khác, ví dụ như gửi thông báo tới doanh nghiệp về việc hành vi có dấu hiệu không phù hợp quy định của pháp luật, hoặc ra công bố công khai…

* Điều tra chính thức vụ việc

Trong giai đoạn này, ACCC tập trung vào việc điều tra về thiệt hại, hành vi vi phạm và sự phù hợp với các Ưu tiên và Chính sách thực thi và tuân thủ của ACCC. ACCC có quyền sử dụng các công cụ điều tra như quyền cưỡng chế, lệnh khám xét trong giai đoạn này (phù hợp với quy định của pháp luật). ACCC cũng có thể tham vấn các chuyên gia pháp luật ngoài ACCC trong giai đoạn này.

Kết thúc giai đoạn điều tra chính thức, ACCC sẽ đưa ra các quyết định như Quyết định khởi kiện ra Toa, hoặc đưa ra thông báo vi phạm, hoặc chấp nhận cam kết sửa đổi của doanh nghiệp, hoặc chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để truy tố hình sự.

* Kết thúc điều tra vụ việc

Trong giai đoạn này, ACCC tiếp tục thực hiện các bước sau khi các quyết định được đưa ra trong giai đoạn điều tra chính thức, ví dụ như đàm phán và hoàn thiện các cam kết sửa đổi của doanh nghiệp; bắt đầu và quản lý, thực hiện các thủ tục, quy trình tố tụng cho đến khi kết thúc vụ việc được khởi kiện ra Tòa (trong đó bao gồm hòa giải và các bước đàm phán khác). Đồng thời, ACCC cũng phát hành thông cáo báo chí về vụ việc.

* Giám sát thực thi

Trong giai đoạn này, ACCC tiến hành hoàn thiện các thủ tục sau tố tụng như thanh toán chi phí, hoàn trả tài liệu; giám sát việc thanh toán các khoản phạt hoặc thực thi cam kết của doanh nghiệp.  Ngoài ra, ACCC cũng có thể tiến hành việc đánh giá lại toàn bộ vụ việc để rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi pháp luật sau này.

Có thể thấy rằng, ACCC có cơ cấu tổ chức khá đồ sộ với nhiều phòng ban chuyên môn khác nhau, và một hệ thống trung tâm thông tin hiện đại, chuyên trách để thu thập và xử lý khối lượng thông tin cực lớn. Quy trình điều tra và xử lý vụ việc của ACCC cũng bao gồm nhiều bước tách biệt rõ ràng và có cơ chế giám sát thực thi để đảm bảo hiệu quả của quyết định mà ACCC đưa ra trong mỗi vụ việc. Theo nhận định của các chuyên gia ACCC trong Khóa đào tạo về bảo vệ người tiêu dùng do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và ACCC tổ chức, việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của ACCC cũng nhằm mục tiêu lớn nhất là duy trì một “đỉnh thực thi” đáng tin cậy, theo đó chú trọng nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan về tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này có thể thấy được rất rõ ở các cơ chế như không tiến hành điều tra vụ việc mà chỉ gửi thông báo tới doanh nghiệp về dấu hiệu chưa phù hợp với quy định của pháp luật khi hành vi vi phạm không gây ra thiệt hại đáng kể; hay cơ chế cho phép doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận cam kết sửa đổi với ACCC…


[1] Thông tin, số liệu của bài viết được tham khảo từ website của ACCC (https://www.accc.gov.au/) và các bài giảng của ACCC tại Khóa đào tạo về bảo vệ người tiêu dùng do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và ACCC tổ chức.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ