BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện “Khảo sát nhận thức của Doanh nghiệp nhỏ và vừa về pháp luật cạnh tranh “

10/03/2022

     Dự án “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh” (Dự án) là một trong các dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ nguồn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản nhằm mục tiêu tăng cường môi trường cạnh tranh của Việt Nam thông qua việc hoàn thiện chính sách cạnh tranh và tăng cường năng lực thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh tại Việt Nam. 
     Báo cáo Khảo sát nhận thức của Doanh nghiệp nhỏ và vừa về pháp luật Cạnh tranh là một trong các hoạt động của Dự án nhằm tìm hiểu, đánh giá mức độ nhận thức của Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về pháp luật thương mại nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng. Từ đó, thúc đẩy quá trình giám sát, rà soát thị trường, tăng cường phát hiện các dấu hiệu, nguy cơ xảy ra hành vi phản cạnh tranh để từ đó đưa ra những nhận định, cảnh báo sớm giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh hoặc chuẩn bị thông tin, dữ liệu giúp đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh tại, tăng cường thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam. Từ báo cáo trên, có thể là nguồn tư liệu hỗ trợ hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn tới phù hợp với chủ thể đang hoạt động với số lượng lớn trên thị trường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
     Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi hết sức căn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển. Đến nay, số lượng DNNVV chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp cả nước . Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của khu vực DNNVV có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2007 đến nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có bước phát triển mạnh mẽ về lượng và chất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do những biến động và khủng hoảng trong thị trường trong nước và thế giới số lượng DNNVV bị ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhằm duy trì và tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Để tránh rơi vào tình trạng phá sản, một số doanh nghiệp đã cắt giảm nhiều chi phí trong đó có các chi phí hành chính, tư vấn pháp luật. Do đó, mức độ nhận thức về pháp luật và đặc biệt là các nguy cơ xảy ra các hành vi bóp méo cạnh tranh gây ảnh hưởng đến đối tượng DNNVV có thể gia tăng. Có thể nói, việc nhận định đánh giá được mức độ am hiểu pháp luật, đặc biệt là pháp luật cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những tiền đề quan trọng để hoạch định chính sách và pháp luật cạnh tranh đi sâu hơn vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp nhỏ và vừa nơi chiếm đa số trên lãnh thổ Việt Nam.
     Trong khuôn khổ Dự án “Hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Cục CT&BVNTD đã tổ chức xây dựng và hoàn thiện báo cáo “Khảo sát nhận thức của Doanh nghiệp nhỏ và vừa về pháp luật Cạnh tranh ”. Báo cáo được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực đơn vị sự nghiệp trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kết hợp cùng chuyên gia của JICA và cán bộ cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
     Các thông tin, dữ liệu được thu thập nhằm phục vụ mục đánh giá tình trạng hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn Covid-19, mức độ hiểu biết pháp luật cạnh tranh của Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
    Mục tiêu khảo sát
     Khảo sát này được thực hiện nhằm: 
     A. Xác định mức độ hiểu biết của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi nghành nghề lĩnh vực và khu vực địa lý tại Việt Nam.
     B. Xác định được nhận thức của các nhóm DNNVV về pháp luật cạnh tranh. Các nhóm doanh nghiệp này sẽ được phân loại theo quy mô của doanh nghiệp, hình thức sở hữu, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh và khu vực địa lý. 
     C. Đề xuất các phương thức nhằm nâng cao nhận thức của DNNVV về pháp luật cạnh tranh để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng. 
     Đối tượng khảo sát
     Đối tượng của khảo sát là các DNNVV đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, để đảm bảo tính đại diện, các doanh nghiệp được khảo sát đang kinh doanh trong mọi ngành nghề lĩnh vực với nhiều quy mô cũng như hình thức sở hữu khác nhau trên toàn quốc. Đại diện của doanh nghiệp trả lời phiếu khảo sát được ưu tiên là các cấp lãnh đạo hoặc người phụ trách kinh doanh/ pháp chế. 
    Lượng mẫu
    Để kết quả cuộc khảo sát đạt tính toàn diện, số lượng phiếu câu hỏi khảo sát đã gửi đến trên 2500 doanh nghiệp DNNVV tại 3 miền Bắc, Trung, Nam 
    Số lượng phiếu câu hỏi khảo sát được phân bổ như sau:
    Theo quy mô: doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ. 
    Theo ngành nghề lĩnh vực: nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp nhóm công nghiệp và xây dựng và nhóm dịch vụ.
    Theo khu vực địa lý: doanh nghiệp tại miền Nam, doanh nghiệp tại Miền Bắc, doanh nghiệp từ miền Trung. 
    Nội dung khảo sát
    Nội dung khảo sát tập trung các nội dung chính như sau: 
    –  Thông tin doanh nghiệp được khảo sát bao gồm các nội dung liên quan đến quy mô doanh nghiệp, hình thức sở hữu, lĩnh vực ngành nghề và khu vực địa lý. Đây là cơ sở để xác định nhóm doanh nghiệp có nhận thức hạn chế về pháp luật cạnh tranh.
    –  Hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bao gồm các nội dung liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid -19. 
    –  Hiểu biết của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh 
    –  Hiểu biết của doanh nghiệp về cơ quan cạnh tranh 
    –  Thực trạng sự vận dụng pháp luật cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp 
    1.Tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
    Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,0% so với cùng thời điểm năm 2019.
    Theo khu vực kinh tế: Tại thời điểm 31/12/2020, có 541.709 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 66,8% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nước, tăng 6,5% so với cùng thời điểm năm 2019. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 258.431 doanh nghiệp, chiếm 31,8%, tăng 7,8%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 11.398 doanh nghiệp, chiếm 1,4%, tăng 13,0%. Một số địa phương có số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2020 cao, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh có 254.699 doanh nghiệp, chiếm 31,4% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 6,3% so với năm 2019; Hà Nội có 165.875 doanh nghiệp, chiếm 20,4%, tăng 6,4%; Bình Dương có 34.836 doanh nghiệp, chiếm 4,3%, tăng 10,2%; Đồng Nai có 24.270 doanh nghiệp, chiếm 3,0%, tăng 8,4%; Đà Nẵng có 23.666 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, tăng 4,9%; Hải Phòng 20.195 doanh nghiệp, chiếm 2,5%, tăng 1,4%…
    Năm 2020, cả nước có 134.941 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3% về số doanh nghiệp so với năm 2019.
    Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 nhiều nhất với 92.024 doanh nghiệp, giảm 7,6% số doanh nghiệp so với năm 2019; khu vực công nghiệp và xây dựng có 40.277 doanh nghiệp, tăng 10,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.640 doanh nghiệp, tăng 30,1%.

DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI NĂM 2020

    Năm 2020 có 44.096 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019. Đây là năm có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
    Theo khu vực kinh tế: Có 30.690 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ quay trở lại hoạt động, tăng 12,5% so với năm 2019; có 12.629 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, tăng 10,5% và 777 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 8,8%.


    Những ảnh hưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19
Trong khảo sát của Cục CT&BVNTD, trên 60,5% lượng DNNVV cho biết đã phải cắt giảm lao động, giảm giờ sản xuất do việc khách hàng hủy đơn hàng là một trong những tác động lớn nhất tới doanh nghiệp của họ. Một số doanh nghiệp bị khách hàng trì hoãn hoặc từ chối thanh toán cho các đơn hàng đã hoàn thành, những tác động đối với doanh nghiệp và người lao động là rất lớn.
 Theo thông tin thu thập trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19 năm 2020-2021 “Nhiều nhà mua hàng hủy đơn bất ngờ, một số thì yêu cầu giảm giá thậm chí giảm tới 70%. Vì vậy mà các nhà máy phải cho người lao động nghỉ việc từ 50-80% và cho thôi việc 10%”. 
    2. Kết quả khảo sát
Tương quan giữa số phiếu hợp lệ và các chỉ tiêu đã đề ra
Để khảo sát mang tính đại diện, Nhóm nghiên cứu xây dựng mục tiêu khảo sát với 2500 doanh nghiệp đặt mục tiêu thu về tối thiểu 300 doanh nghiệp. Kết thúc khảo sát, dự án đã hoàn thành hơn 118% chỉ tiêu về lượng phiếu đã đề ra. 

    2.1.    Nhận thức chung về pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp
Nhóm nghiên cứu đánh giá mức độ nhận thức về pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp theo 6 mức độ, từ “chưa hề biết” tới “rất tốt”. Tuy nhiên, để giúp người tham gia khảo sát định lượng mức độ hiểu biết, Nhóm nghiên cứu đã cung cấp diễn giải chi tiết từng cấp độ.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát được phân loại thành 3 nhóm: 
(i)    Doanh nghiệp có nhận thức khá trở lên, chiếm tỷ lệ 32,96%;
(ii)    Doanh nghiệp có nhận thức trung bình, bao gồm: “bình thường” và “đã từng nghe thấy nhưng không nắm rõ”, chiếm tỷ lệ 50,7%; 
(iii)    Doanh nghiệp chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh, chiếm tỷ lệ 16,34% . 
Như vậy, mức độ trung bình về nhận thức pháp luật cạnh tranh của khảo sát này là “đã từng nghe thấy nhưng không nắm rõ” và “bình thường”. 
    Mức độ nhận thức pháp luật cạnh tranh
 
    Trong nhóm doanh nghiệp có nhận thức pháp luật cạnh tranh từ khá trở lên, doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở nhận thức khá, tức là hiểu biết về hành vi quy định tại pháp luật cạnh tranh (17,18%). Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp có nhận thức pháp luật cạnh tranh ở mức độ “rất tốt” hầu hết là doanh nghiệp tư vấn luật, hoặc văn phòng luật sư, do vậy, Nhóm nghiên cứu không xem xét nhóm này trở thành mẫu đại diện cho nhóm “mức độ từ khá trở lên”. 
    Ngoài ra, 16,34% doanh nghiệp lựa chọn đáp án “chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh”. Mặc dù, tỷ lệ này được xem xét là tỷ lệ cao trong khảo sát với 355 mẫu. Tuy nhiên, nếu so sánh với một khảo sát của Cục CT&BVNTD đã thực hiện tại năm 2015   liên quan đến nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh có giảm mạnh.
    Nguồn cung cấp thông tin pháp luật tới doanh nghiệp
    Liên quan tới nhóm doanh nghiệp đã biết về pháp luật cạnh tranh, phiếu khảo sát cung cấp câu hỏi liên quan đến nguồn thông tin mà qua đó doanh nghiệp đã được biết tới Luật Cạnh tranh. Câu hỏi được thiết kế với nhiều đáp án trả lời, từ đó doanh nghiệp có thể cung cấp đầy đủ các kênh thông tin nêu trên. 
    Theo số liệu khảo sát, phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, trang mạng xã hội) là nguồn phổ biến nhất, với tỷ lệ lựa chọn lên đến 78,02%. Nguồn thông tin phổ biến thứ hai là hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của Cục CT&BVNTD; hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của cơ quan, tổ chức khác; và kênh thông tin tư vấn từ chuyên gia pháp lý, luật sư. Tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn các kênh này lần lượt là 38,59%; 44,78% và 37,46%. Tuy nhiên, chỉ 2,53% số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát được biết pháp luật cạnh tranh thông qua vụ việc cạnh tranh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng liệt kê kênh thông tin khác như: “kiến thức nội bộ của doanh nghiệp thông qua công ty mẹ hoặc nhân viên bộ phận pháp chế; được đối tác đề cập giới thiệu”.
Đối với nguồn thông tin từ hoạt động tuyên truyền phổ biến của Cục CT&BVNTD, trang thông tin điện tử của Cục CT&BVNTD là nguồn phổ biến hiệu quả nhất. Số lượng doanh nghiệp đã biết tới pháp luật cạnh tranh thông qua website của Cục CT&BVNTD chiếm 34,9%. Các nguồn thông tin từ (i) hoạt động hội thảo, tập huấn, tọa đàm; (ii) sách, báo, tờ rơi, tạp chí và (iii) thông cáo báo chí về các vụ việc cạnh tranh đã được điều tra và xử lý có mức độ phổ biến trung bình. Số lượng doanh nghiệp đã tiếp cận pháp luật cạnh tranh thông qua các nguồn này chiếm tỷ lệ trong từ 21% – 24%. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn được biết pháp luật cạnh tranh thông qua hoạt động “yêu cầu cung cấp thông tin của Cục CT&BVNTD phục vụ công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh”. 
Đối với nguồn thông tin từ hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của cơ quan, tổ chức khác, cơ quan quản lý ngành là nguồn có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất (39,72%). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiếp nhận thông tin liên quan tới pháp luật cạnh tranh thông qua chính quyền, sở ban ngành tại địa phương (31,83%) và hiệp hội ngành nghề (29,01%). 
    Nhận thức về hành vi quy định tại Luật Cạnh tranh
    Luật Cạnh tranh chứa đựng nhiều thuật ngữ chuyên môn, hàm lượng kỹ thuật cao, nên nhóm nghiên cứu đã chuyển thể câu hỏi về hành vi theo cách thức diễn giải chi tiết, mô tả gần gũi với hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng trả lời câu hỏi dựa trên hiểu biết cũng như cách thức hoạt động kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp. 
    Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
    Để khảo sát nhận thức liên quan đến hành vi, Cục CT&BVNTD đã xây dựng câu hỏi khảo sát tập trung ở 3 vấn đề chính: (1) hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng , bị cấm mặc định theo quy định tại LCT 2018 ; (2) chính sách khoan hồng; (3) lợi ích khi doanh nghiệp phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ việc; (4) miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. 
Đối với các hành vi được diễn giải trong phiếu khảo sát, nếu doanh nghiệp thực hiện thì doanh nghiệp đó không chỉ vi phạm Luật Cạnh tranh mà còn có thể vi phạm Bộ Luật hình sự. Mặc dù hành vi có tính chất nghiêm trọng như trên, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng chưa cao. Doanh nghiệp nhận thức đúng các hành vi này chỉ đạt tỷ lệ từ 49% tới 57%. Trong khi đó, khoảng 25% doanh nghiệp tham gia khảo sát không đưa ra nhận định về hành vi và lựa chọn “không biết”. 
Đáng chú ý, khoảng 20% tới 30% doanh nghiệp cho rằng các hành vi diễn giải nêu trên là “đúng” và được phép thực hiện, điều này phản ánh một phần thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay. Các doanh nghiệp hiểu biết sai có thể không thực hiện hành vi, mà chính là các các bên chịu tác động của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, do nhận thức sai lệch nên các doanh nghiệp này coi các hành vi vi phạm như là thông lệ kinh doanh trên thị trường. Việc nhận thức sai lệch này tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh được thực hiện, tạo nên tác động không lành mạnh tới môi trường kinh doanh, cũng như gây tổn hại tới phúc lợi xã hội, cũng như quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
    Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường
    Để đánh giá nhận thức của doanh nghiệp về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, Cục CT&BVNTD thiết kế 2 nhóm câu hỏi dựa trên cấu thành hành vi vi phạm, bao gồm: vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp trên thị trường liên quan và hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Theo kết quả khảo sát, doanh nghiệp có nhận thức về các quy định liên quan tới hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường chưa cao. 
Mức độ hiểu biết được xác định qua 3 cấp độ: hiểu đúng (lựa chọn phương án 2); hiểu sai (lựa chọn phương án 3,4) và không biết (lựa chọn phương án 1). Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hiểu đúng về quy định doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường thấp, đạt 46,20% lượng mẫu. Trong khi đó, 21,13% doanh nghiệp trả lời sai và 32,68% doanh nghiệp trả lời không biết. 
    Đối với quy định liên quan đến tập trung kinh tế
    Hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhận thức về định nghĩa tập trung kinh tế phù hợp với quy định tại Luật Cạnh tranh. 84,79% doanh nghiệp trả lời đúng câu hỏi về định nghĩa tập trung kinh tế. 
    Nhận thức về quy định tập trung kinh tế bị cấm, thủ tục thông báo tập trung kinh tế và tập trung kinh tế có điều kiện của doanh nghiệp ở mức trung bình. Khoảng 76% doanh nghiệp trả lời đúng câu hỏi về tập trung kinh tế bị cấm. Ngoài ra, khoảng 56% doanh nghiệp không đồng ý với quan điểm “Tập trung kinh tế liên quan đến thị trường Việt Nam không bị cấm trong mọi trường hợp và doanh nghiệp được tự do thực hiện” (quan điểm này là không phù hợp với quy định tại pháp luật cạnh tranh). 52,11% doanh nghiệp biết được quy định thông báo tập trung kinh tế phù hợp với quy định tại pháp luật cạnh tranh. Đồng thời, 53,52% doanh nghiệp có nhận thức đúng về quy định tập trung kinh tế có điều kiện. 
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sai hoặc không biết đối với các câu hỏi liên quan tới quy định tập trung kinh tế còn ở mức cao. Khoảng 48% doanh nghiệp trong khảo sát không biết hoặc trả lời sai về quy định thông báo tập trung kinh tế (tỷ lệ trả lời sai chiếm 22,81%, không biết chiếm 25,07%). Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng sau khi nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tới Cục CT&BVNTD, doanh nghiệp có thể ngay lập tức tự động thực hiện vụ việc  chiếm khoảng 9%. Đối với quy định tập trung kinh tế có điều kiện , 33,80% doanh nghiệp không biết về quy định này, 12,67% doanh nghiệp có quan điểm không phù hợp với quy định tại Luật Cạnh tranh.
    Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
    Doanh nghiệp có nhận thức về hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở mức khá. Số lượng doanh nghiệp trả lời đúng định nghĩa hành vi cạnh tranh không lành mạnh chiếm tới 60,29% số lượng tham gia khảo sát.
    Nhận thức về hình thức xử phạt
     Để đánh giá nhận thức về hình thức xử phạt hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh, Cục CT&BVNTD khảo sát doanh nghiệp về các hình thức khi xử lý hành vi vi phạm, các mức phạt tiền đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm quy định tập trung kinh tế. 
    Nhìn chung, nhận thức của doanh nghiệp về hình thức xử phạt hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh còn thấp.  Khoảng 30,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát có câu trả lời đúng đối với các hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật cạnh tranh. Khoảng 45% doanh nghiệp trả lời đúng mức phạt tiền đối với hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi vi phạm quy định tập trung kinh tế. 51,54% doanh nghiệp có nhận thức đúng về mức phạt tiền của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
        Nhận thức về cơ quan cạnh tranh
Việc nhận thức đầu mối quản lý nhà nước về cạnh tranh giúp cho doanh nghiệp dễ dàng liên hệ, tìm đến để được hỗ trợ, tư vấn về pháp luật cạnh tranh trong quá trình kinh doanh, đồng thời được giải quyết các khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp.
Trong khảo sát này, để tìm hiểu nhận thức về cơ quan cạnh tranh, Cục CT&BVNTD cung cấp câu hỏi “cơ quan nào là đầu mối quản lý nhà nước về cạnh tranh” cùng với nhiều đáp án (từ không biết, đáp án đúng và đáp án sai). Số lượng doanh nghiệp biết đến Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) với vai trò là đầu mối quản lý nhà nước về cạnh tranh đạt tỷ lệ 65,63%. Trong khi đó, 24,78% doanh nghiệp lựa chọn đáp án không biết và 9,59% doanh nghiệp còn lại trả lời sai.
    3. Kết luận 
    Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia khảo sát có mức độ hiểu biết pháp luật cạnh tranh chưa cao, chưa có khả năng vận dụng pháp luật cạnh tranh một cách hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, do nhận thức chưa cao, doanh nghiệp còn có nhiều tâm lý lo ngại không phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu cũng như môi trường công nghiệp 4.0. Tại nhiều nước trên thế giới, việc vận dụng pháp luật cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng ngày của doanh nghiệp được xem như công cụ hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân doanh nghiệp đó. Trong khi đó, mức độ nhận thức của số đông DNNVV tham gia khảo sát chưa nhận thấy vấn đề nêu trên.
Để tạo lập môi trường cạnh tranh, công bằng bình đẳng, tạo cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài, cũng như bảo vệ doanh nghiệp trong nước, Báo cáo Khảo sát đã kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức doanh nghiệp về pháp luật nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng:
   – Hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia;
   – Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh đến từng khía cạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
   – Cần xây dựng chính sách nhất quán từ trung ương đến địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch Covid-19;
   – Triển khai cơ chế phối hợp, thúc đẩy các dịch vụ tư vấn hỗ trợ pháp luật và phát triển kinh doanh dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời đại 4.0

*Ghi chú:

1.Số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2021 (VCCI)

2. Các tỷ lệ trong báo cáo được tính với tổng lượng phiếu hợp lệ.

3. Khảo sát nhận thức doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh, phục vụ công tác sửa Luật Cạnh tranh 2004.

4.Thỏa thuận về giá, sản lượng, phân chia khách hàng giữa các doanh nghiệp cùng thị trường liên quan và thỏa thuận thông đồng đấu thầu giữa mọi doanh nghiệp.

5. Khi doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh khi thực hiện hành vi.

6.Quan điểm này không phù hợp với quy định tại Luật Cạnh tranh.

7. Quy định tại Điều 42 Luật Cạnh tranh: “Tập trung kinh tế có điều kiện là tập trung kinh tế được thực hiện nhưng phải đáp ứng một hoặc một số điều kiện sau đây: chia, tách, ….”
 

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương