BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tham dự Cuộc họp Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 theo hình thức trực tuyến

15/04/2022

Ngày 31 tháng 3 năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tham dự Cuộc họp Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 (ACEN – ASEAN Competition Enforcers’ Network) theo hình thức trực tuyến. 
Cuộc họp Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 (Cuộc họp ACEN) diễn ra vào ngày 31 tháng 3 năm 2022 theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện cơ quan cạnh tranh các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. Nội dung chính của cuộc họp nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật tình hình thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh tại các quốc gia ASEAN trong năm vừa qua; thảo luận những hoạt động nhằm tăng cường hợp tác, đặc biệt là hợp tác trong thực thi pháp luật cạnh tranh đối với các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới, các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra trên lãnh thổ các quốc gia ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Bà Heidi Farah Sia Abdul Rahman, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Brunei, kiêm Chủ tịch Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách và pháp luật cạnh tranh đối với các quốc gia, nhất là trong giai đoạn các nước đang nhanh chóng phục hồi kinh tế sau những ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid. Có thể thấy, thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh hiệu quả tại các quốc gia trong thời gian vừa qua đã góp phần đáng kể giúp duy trì cạnh tranh lành mạnh, tạo ra môi trường cạnh tranh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, cố gắng duy trì môi trường cạnh tranh, tạo ra sân chơi bình đẳng, thực thi pháp luật canh tranh nhằm loại bỏ các hoạt động phản cạnh tranh gây ảnh hưởng tới hiệu quả thị trường. 
Tại Cuộc họp, Bà Rachel Burges – chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh đã trình bày tóm tắt kết quả và một số nội dung cập nhật “Nghiên cứu những điểm tương đồng và khác biệt trong luật cạnh tranh các quốc gia ASEAN (Study on Commonalities and Differences across Competition Legislation in ASEAN)”. Hiện nay, 10/10 nước thành viên ASEAN đã có Luật Cạnh tranh. Theo đó, các nước thành viên ASEAN đã đạt được những tiến bộ và thành quả vượt bậc trong thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh tại từng quốc gia cũng như ở cấp độ khu vực. Qua đó, các quốc gia ASEAN hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường, thúc đẩy hợp tác thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh ngày càng hiệu quả hơn trên toàn khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vấn đề này cũng được nêu tại Mục 26 và Mục 27 Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN đến 2025 (AEC Blueprint 2025) như sau “Để ASEAN trở thành một khu vực cạnh tranh với thị trường hoạt động theo đúng chức năng và hiệu quả, các quy tắc về cạnh tranh cần được duy trì”. Kết quả “Nghiên cứu những điểm tương đồng và khác biệt trong luật cạnh tranh các quốc gia ASEAN” cho thấy việc hài hòa hóa các quy định và thực thi pháp luật cạnh tranh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các cơ quan cạnh tranh hợp tác điều tra và xử lý các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (các-ten) và các giao dịch mua bán, sáp nhập xuyên biên giới trong lãnh thổ ASEAN. Việc hài hòa hóa việc thực thi pháp luật cạnh tranh có thể được thực hiện hiệu quả thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn, hợp tác và phối hợp thực thi giữa các cơ quan cạnh tranh trong quá trình thực thi pháp luật quốc gia.
Tại Cuộc họp ACEN lần thứ 5, đại diện 06 cơ quan cạnh tranh ASEAN gồm Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về các quy định, quy trình thẩm định các vụ việc tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh. Theo đó, một số quốc gia gồm Việt Nam, Lào có quy định rằng các doanh nghiệp thuộc ngưỡng thông báo theo quy định phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến cơ quan cạnh tranh để xem xét, đánh giá theo quy định của pháp luật cạnh tranh trước khi thực hiện giao dịch. Các quốc gia có quy định về cơ chế rà soát tác động cạnh tranh khi các vụ việc mua bán, sáp nhập có tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường là Philippines, Myanmar và Singapore; theo đó các doanh nghiệp sẽ thực hiện thông báo sau giao dịch M&A hoặc thông báo dựa trên cơ chế tự nguyện. Hiện nay, Luật Cạnh tranh Malaysia đang được sửa đổi và bổ sung quy định về kiểm soát hoạt động mua bán, sáp nhập; quy định cấm về các hoạt động mua bán, sáp nhập gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể đến thị trường hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, dự thảo Luật Cạnh tranh Malaysia sửa đổi cũng quy định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế bắt buộc đối với các giao dịch có tổng doanh thu/ hoặc tài sản kết hợp giữa các doanh nghiệp từ 250 – 350 triệu RM; hoặc doanh thu của một trong các bên từ 100 triệu RM trở lên. Ủy ban Cạnh tranh Malaysia sẽ có 120 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ, hợp lệ để rà soát giao dịch tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh Malaysia. 
Trong thời gian sắp tới, các cơ quan cạnh tranh ASEAN sẽ xây dựng Hướng dẫn cổng chia sẻ thông tin về các vụ việc sáp nhập nhằm tăng cường hơn nữa việc chia sẻ thông tin, cập nhật kịp thời về quá trình thẩm định, điều tra các vụ việc mua bán, sáp nhật của cơ quan cạnh tranh. Việc xây dựng cổng thông tin chia sẻ này sẽ tạo nền tảng hợp tác chuyên sâu hơn giữa các cơ quan cạnh tranh trong quá trình xử lý các vụ việc M&A có tính chất xuyên biên giới trong thời gian sắp tới. 
Cuộc họp Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 đã diễn ra thành công với nhiều thông tin chia sẻ, thảo luận sôi nổi giữa đại diện các cơ quan cạnh tranh ASEAN và đại diện Ban Thư ký ASEAN. Trong thời gian sắp tới, Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác, triển khai tốt quá trình thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh trong nước; đồng thời đẩy mạnh tăng cường hợp tác hơn nữa để phát triển thực thi chính sách và luật cạnh tranh trên cấp độ khu vực ASEAN./.
Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN gồm các cán bộ cơ quan cạnh tranh các nước thành viên ASEAN thực thi pháp luật và chính sách cạnh tranh tại quốc gia. Hàng năm, ACEN sẽ tiến hành họp 02 lần để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin về chính sách, thực thi luật và chính sách cạnh tranh ở cấp độ kỹ thuật chuyên môn. Bên cạnh đó, các cán bộ thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh các quốc gia ASEAN tăng cường hợp tác chuyên sâu trong trao đổi thông tin, hướng tới hợp tác trong điều tra và xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh có tính chất xuyên biên giới có ảnh hưởng tới cạnh tranh các quốc gia và trong khu vực (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, mua bán và sáp nhập).
Để tham khảo Nghiên cứu “Study on Commonalities and Differences across Competition Legislation in ASEAN”, có thể tải tại https://www.asean-competition.org/read-news-study-on-commonalities-and-differences-across-asean-competition-laws-delivered
Để tìm hiểu thêm thông tin về Kế hoạch Hành động về Cạnh tranh ASEAN giai đoạn 2016- 2020, có thể truy cập đường link sau: https://asean-competition.org/read-publication-new-acap-2025-and-implementation-schedule-2021-2025
Thông tin về Kế hoạch Hành động Cạnh tranh ASEAN giai đoạn 2021 – 2025 có thể truy cập đường link https://asean-competition.org/read-publication-new-acap-2025-and-implementation-schedule-2021-2025 ./.
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương