BVNTD

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tham dự Cuộc họp Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN lần thứ 28

19/04/2022

Từ ngày 28 – 30 tháng 3 năm 2022, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tham dự Hội nghị của Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN lần thứ 28 và các cuộc họp liên quan theo hình thức trực tuyến (Hội nghị AEGC 28). Mục tiêu của Cuộc họp nhằm tổng kết những kết quả đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động về cạnh tranh của ASEAN trong năm 2021 cũng như thảo luận kế hoạch, công việc trong giai đoạn tiếp theo.

Tham dự Cuộc họp có đại diện cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và một số chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ); Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản (JFTC); Ủy Ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC), Ủy ban Cạnh tranh Niu Di-lân (NZCC); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); Cơ quan cạnh tranh Hoa Kỳ (DOJ)…

Theo cơ chế chủ tịch luân phiên, Ủy ban Cạnh tranh Brunei đảm nhận vai trò là chủ tịch AEGC năm 2022 nhằm giúp các nước thành viên ASEAN tăng cường năng lực thực thi chính sách và luật cạnh tranh, hướng đến việc góp phần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển bền vững.

Trong Cuộc họp AEGC lần thứ 28, các nước thành viên ASEAN đã cập nhật kết quả thực Kế hoạch Hành động Cạnh tranh ASEAN (ACAP) trong năm 2021 và bàn luận kế hoạch và hoạt động sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2022, triển khai các nội dung trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN và các đối tác phát triển (GIZ, OECD, ACCC, JFTC, NZCC, DOJ,…).

ACAP bao gồm năm mục tiêu chiến lược hướng đến một khu vực ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động với chính sách cạnh tranh hiệu quả và tiến bộ. Năm mục tiêu chiến lược trong ACAP bao gồm: (i) Thiết lập cơ chế quản lý cạnh tranh hiệu quả ở tất cả các quốc gia Thành viên ASEAN; (ii) Tăng cường năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các cơ quan cạnh tranh trong khu vực ASEAN; (iii) Xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực ASEAN; (iv) Tăng cường nhận thức về cạnh tranh trong khu vực ASEAN; (v) Tiến tới sự hài hòa về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực ASEAN.

Một số thành tích và kết quả nổi bật mà AEGC đạt được trong năm 2021 liên quan đến các mục tiêu chiến lược nói trên như sau:

– Hoàn thiện cơ chế quản lý cạnh tranh tại các nước thành viên ASEAN: Luật Cạnh tranh đã chính thức được ban hành tại Campuchia từ ngày 5 tháng 10 năm 2021. Tiếp theo đó, vào ngày 17 tháng 02 năm 2022, Thủ tướng Campuchia cũng đã thông qua Nghị định về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Campuchia. Tại Lào, việc thực thi hiệu quả luật cạnh tranh đã được đưa vào kế hoạch quốc gia về phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ủy ban Cạnh tranh Lào cũng đang rà soát các quy định pháp luật cạnh tranh để cho phép cơ quan cạnh tranh hợp tác tốt hơn với các bộ ngành và các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN có xu hướng ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOUs) để hỗ trợ quá trình hợp tác điều tra, xử lý các vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và các giao dịch mua bán sáp nhập xuyên biên giới trong phạm vi ASEAN, ví dụ như MOUs giữa Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) và Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS).

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các cơ quan cạnh tranh trong khu vực ASEAN

Hội nghị AEGC 28 tiếp tục thảo luận về Lộ trình nâng cao năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của khu vực trong giai đoạn từ 2021-2025, đề ra 6 lĩnh vực cần tăng cường năng lực là đào tạo kỹ năng cho cán bộ tại các cơ quan cạnh tranh; tuyên truyền phổ biến pháp luật và chính sách cạnh tranh; tăng cường thực thi luật cạnh tranh; xây dựng cơ quan cạnh tranh; tổ chức các hội thảo chuyên đề; và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan.

Ngoài ra, cho đến thời điểm hiện tại AEGC đang duy trì trang web đào tạo trực tuyến với 12 học phần để hỗ cán bộ cạnh tranh các nước ASEAN trang bị các kiến thức cơ bản về cạnh tranh, các nguồn tài liệu đào tạo phong phú về tuyên truyền phổ biến pháp luật, và cạnh tranh trong nền kinh tế số.

Xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực ASEAN

Một trong những diễn đàn quan trọng để hỗ trợ hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN là Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN được tổ chức hai lần một năm. Cuộc họp Mạng lưới thực thi cạnh tranh ASEAN lần thứ 5 đã được tổ chức vào ngày 31 tháng 3 năm 2022 tập trung thảo luận về kinh nghiệm thực thi pháp luật cạnh tranh tại các nước thành viên ASEAN và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác thực thi pháp luật cạnh tranh, đặc biệt đối với các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới, các giao dịch mua bán sáp nhập có tác động đến nhiều quốc gia thành viên ASEAN.

Một trong những giải pháp đáng chú ý là dự định xây dựng Hướng dẫn Cổng chia sẻ thông tin về các việc rà soát, thẩm định các giao dịch M&A tại các quốc gia thành viên ASEAN. Theo đó, cơ quan cạnh tranh các nước thành viên sẽ chia sẻ thông tin, cập nhật quá trình thẩm định, điều tra các vụ việc M&A tại nước mình. Dự kiến Cổng chia sẻ thông tin này sẽ giúp cơ quan cạnh tranh cac nước hợp tác sâu hơn khi xử lý các vụ việc tập trung kinh tế xuyên biên giới.

– Tăng cường nhận thức về cạnh tranh trong khu vực ASEAN

Một hoạt động quan trọng để tăng cường nhận thức về cạnh tranh trong khu vực ASEAN trong năm 2021 là việc tổ chức Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9, từ ngày 1-2 tháng 12 năm 2021 tại Việt Nam với chủ đề “Hành động của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh của khu vực sau đại dịch Covid-19”. Đây là sự kiện cạnh tranh quan trọng của Nhóm AEGC, được tổ chức thường niên, nhằm tạo ra một diễn đàn cạnh tranh không chỉ cho đại diện cơ quan quản lý cạnh tranh các nước ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp, giới nghiên cứu đến từ khu vực mà còn cả đại diện của các cơ quan cạnh tranh phát triển trên thế giới, các tổ chức/mạng lưới quốc tế về cạnh tranh tham dự và chia sẻ về các vấn đề mang tính thời sự, thiết thực về cạnh tranh trong khu vực.

– Tiến tới sự hài hòa về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực ASEAN

Nhằm đạt được sự hài hòa về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực ASEAN, Ban Thư ký ASEAN đã phối hợp với các nước thành viên thực hiện nghiên cứu “Những điểm tương đồng và khác biệt trong luật cạnh tranh các quốc gia ASEAN”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đến thời điểm hiện tại các nước thành viên ASEAN đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh trên toàn khu vực. Tất cả 10/10 nước thành viên ASEAN hiện đã có Luật Cạnh tranh, việc thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh được nhìn nhận như một yếu tố quan trọng trong Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025 với mục tiêu là duy trì các quy tắc về cạnh tranh để ASEAN trở thành một khu vực cạnh tranh với thị trường hoạt động theo đúng chức năng và hiệu quả. Nghiên cứu dự kiến sẽ được công bố công khai trên Cổng thông tin của Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN.

Ngoài ra, tại Cuộc họp Lãnh đạo cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN lần thứ hai (Cuộc họp AHCA) diễn ra vào ngày 15 tháng 3 năm 2022, các nhà Lãnh đạo Cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN đã thống nhất thông qua “Tuyên bố chung của các Thủ trưởng các Cơ quan ASEAN về duy trì chính sách cạnh tranh trong bối cảnh phục hồi kinh tế”, thể hiện nỗ lực của Cơ quan Cạnh tranh các nước ASEAN nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung các nỗ lực thực thi vào các thị trường chiến lược và các ngành công nghiệp quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế, hợp lý hóa các quy trình thực thi pháp luật cạnh tranh tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương