Ngân sách nhà nước đến giữa năm 2023 ước thặng dư (1,5% GDP), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (5,2% GDP). Thặng dư thấp hơn do thu ngân sách thấp và chi ngân sách cao hơn so với cùng kỳ năm, với xung lực tài khóa vào khoảng 3,7% GDP. Số thu ngân sách giảm 7% trong nửa đầu năm 2023 (so cùng kỳ) do các sắc thuế lớn đều giảm, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Đến cuối tháng 6/2023, thu ngân sách đạt 54% dự toán (tương đương 18,3% GDP). Mặt khác, tổng chi ngân sách tăng 12,8% trong nửa đầu năm 2023 so cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh ở mức 43,3% trong nửa đầu năm 2023 (so cùng kỳ), qua đó hỗ trợ cho nền kinh tế. Phần tăng giải ngân đầu tư công bao gồm cả vốn triển khai hợp phần đầu tư trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội được phê duyệt đầu năm 2022 (1,8% GDP).
Rủi ro đối với tăng trưởng đã trở thành hiện thực và cán cân rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn nghiêng theo hướng tiêu cực. Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu bên ngoài đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam, với quy mô ước lên đến 50% GDP. Đồng thời, trong điều kiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, quá trình phục hồi yếu ớt sau đại dịch tiếp tục diễn ra sẽ làm tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tình trạng bất ổn định kéo dài trên thịnếu trường tài chính toàn cầu có khả năng lại làm dấy lên căng thẳng trong khu vực ngân hàng trên toàn cầu, càng khiến cho các nhà đầu tư né tránh rủi ro và làm hạn chế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể làm gia tăng chênh lệch lãi suất hiện hành giữa các thị trường trong nước và quốc tế.63 Điều này có thể gây áp lực tỷ giá lên đồng nội tệ. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang và thiên tai liên quan đến khí hậu có thể làm gia tăng rủi ro theo hướng tiêu cực cho Việt Nam, bao gồm thông qua gia tăng giá cả lương thực thực phẩm và nhiên liệu.
Đầu tư công đang ở mức thấp so với nhu cầu ngày lớn
Việt Nam, trong quá trình tìm cách trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045,1 mong muốn trở thành quốc gia công nghiệp và hiện đại, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Để hoàn thành mục tiêu phát triển tham vọng trên, Chính phủ Việt Nam dự kiến cần duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm ở mức 7% trong suốt giai đoạn 2021-2030 và từ 6,5 đến 7,5% trong giai đoạn từ 2031-2050.2
Quốc gia cũng phải đảm bảo tổng đầu tư toàn xã hội của tất cả các thành phần kinh tế đạt bình quân từ 32 đến 35% GDP trong giai đoạn từ 2021 đến 2030, bao gồm đầu tư công ở mức bình quân 7,3% GDP mỗi năm để hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong giai đoạn trên.3 Quan điểm này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia tăng trưởng cao có đặc trưng là đầu tư công cao, ở mức từ 7% GDP trở lên.4
Mặc dù nhu cầu ngày càng lớn, nhưng tổng đầu tư công của Việt Nam đã giảm xuống trong thập kỷ qua. Từ năm 2011 đến năm 2022, tỷ lệ chi đầu tư công so với tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) và so với GDP đã giảm lần lượt từ 27% xuống 20% và từ 8% xuống 6%.5
Nhìn chung, nền kinh tế vẫn tương đối thiếu vốn đầu tư, đầu tư công tính trên mỗi đầu người và trên mỗi lao động vẫn thấp hơn nhiều so với mức ở các quốc gia thu nhập trung bình cao (UMIC) và quốc gia thu nhập cao (HIC) (các Hình 2.1 và 2.2).
Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia tăng trưởng cao khi họ ở trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay (Hình 2.3).
1 Chiến lược phát triển KTXH 2021–2030 (được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua năm 2021) và Quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 (được Quốc hội phê duyệt vào tháng 01/2023).
2 Quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia 2021–2030, tầm nhìn đến 2050.
3 Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 và quy hoạch phát triển quốc gia tổng thể giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
4 Báo cáo tăng trưởng: Các chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển bao trùm (Ủy bản Tăng trưởng và Phát triển, 2008). Báo cáo đánh giá 3 nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 7% mỗi năm trong vòng 25 năm trở lên kể từ năm 1950; và với tốc độ tăng như thế, quy mô kinh tế của họ đã tăng gần gấp đôi sau mỗi thập kỷ.
5 Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê. Không bao gồm đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
Duy trì bền vững mức đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội và sản xuất, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư. Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng – nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh đang ở mức 35,7% GDP vào năm 20226 so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra – và có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững (tham khảo ví dụ minh họa về nhu cầu hạ tầng giao thông tại Hộp 2.1).
6 Bộ Tài chính.
Hộp 2.1. Những hạn chế về hạ tầng giao thông
Trong 20 năm qua, chi tiêu cho giao thông – bằng khoảng 23% chi đầu tư từ NSNN và 3,5% GDP – tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông nông thôn (75%), do các địa phương quản lý. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, đầu tư tập trung theo hướng đó gây ảnh hưởng đến triển khai các công trình đầu tư có tầm quan trọng chiến lược quốc gia. Chính vì lẽ đó, mật độ đường cao tốc ở Việt Nam thuộc dạng thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (ĐÁ-TBD), và chi phí vận tải đường bộ đứng cao nhất so với các nước khác trong khu vực. Nhiều đoạn dọc trục đường cao tốc Bắc – Nam đến nay chưa được xây dựng. Hạ tầng đườngoc sắt cũng bị lãng quên. Kết nối đa phương thức còn hạn chế, cụ thể giữa đường bộ, đường hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt, còn kết nối giữa đường sắt và hải cảng hầu như chưa tồn tại. Kết nối giao thông tại cửa ngõ các đô thị lớn, cũng như các khu kinh tế, khu công nghiệp, hải cảng và cửa khẩu còn hạn chế.
|
Hiệu suất đầu tư công vẫn có thể được nâng lên đáng kể
Mặc dù tăng mức đầu tư là cần thiết, nhưng Việt Nam cũng cần chú trọng tăng hiệu quả, hiệu suất đầu tư công. Trong giai đoạn 2011–2019, nền kinh tế phải bỏ ra đến sáu đồng cho đầu tư mới tạo ra được thêm sản lượng bằng một đồng VND.7 Chính vì vậy, một đô-la đầu tư của Việt Nam tạo ra tăng trưởng thấp hơn so với Trung Quốc, Ma-lay-xia, Hàn Quốc, Sing-ga-po và Thái Lan8 ở thời điểm họ có cùng mức thu nhập theo đầu người và cùng trình độ phát triển tương đương. Ước tính (năm 2018) của IMF cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của Việt Nam có thể tăng thêm 23% nếu hiệu suất quản lý đầu tư công bằng với các quốc gia đi trước trên toàn cầu.9 Nâng cao hiệu suất chi tiêu công có thể đem lại tác động to lớn về tăng trưởng tổng năng suất và quy mô GDP. Một nghiên cứu quốc tế cho thấy tăng thêm một điểm phần trăm đầu tư công qua cải thiện về hiệu suất có thể nâng tốc độ tăng trưởng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong một vài năm sau.10
7 Dữ liệu về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) lấy của Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK): ICOR giai đoạn 2011-2015 là 6,25, ICOR giai đoạn 2016–2019 là 6,13 và ICOR giai đoạn 2016–2020 là 7,04 vì 2020 là năm ngoại lệ do có đại dịch COVID-19.
8 Các nguồn khác nhau bao gồm Chỉ số phát triển thế giới (2022); "Đánh giá ngành (Tổng hợp): Công nghiệp và Thương mại” (Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 2016); và "Năng suất chững lại và tiềm năng tăng trưởng tương lai của Trung Quốc" (Chuyên đề nghiên cứu chính sách của NHTG số 9298, 2020).
9 Việt Nam: Đánh giá quản lý đầu tư công (PIMA) (IMF, Tháng 11/2018).
10 Đánh giá tác động của đầu tư công đến tăng trưởng (chuyên đề nghiên cứu chính sách số 8604/2018 của Ngân hàng Thế giới).
Mặc dù vậy, hiệu suất đầu tư công của Việt Nam lại bị hạn chế do những thách thức trong thể chế quản lý đầu tư công và quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền.11 Để thảo luận về tiềm năng nâng cao hiệu suất đầu tư công của Việt Nam, chương này rà soát lại kết quả tổng thể đạt được và những thách thức chính đến thời điểm này, đồng thời đưa ra khuyến nghị về điều chỉnh các cơ chế hiện nay – bao gồm cơ chế pháp lý, thể chế, cơ chế khuyến khích và thực thi hiệu lực.