BVNTD

Điều tra vụ việc cạnh tranh và xây dựng giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh

22/05/2024

Điều tra vụ việc cạnh tranh là hoạt động tố tụng cạnh tranh trong đó các chủ thể điều tra có thẩm quyền tiến hành các hoạt động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để chứng minh sự thật của vụ việc cạnh tranh.

          Vụ việc cạnh tranh là tổng hợp của nhiều yếu tố: tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến vụ việc; quá trình thực hiện các hành vi cạnh tranh; những thiệt hại thực tế đã xảy ra; nguyên do nảy sinh vụ việc…

1. Quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh

Quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh là một quá trình nhận thức về của vụ việc cạnh tranh. Đó là quá trình đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ hiện tượng, sự kiện rời rạc, đơn lẻ đến bản chất của toàn bộ sự việc. Mục tiêu cuối cùng là điều tra viên vụ việc cạnh tranh nhận thức được đầy đủ bản chất của vụ việc cạnh tranh. Đối với một điều tra viên, tư duy đúng về quá trình chứng minh sẽ giúp hình dung toàn bộ tiến trình nhận thức vụ việc. Một cách khái quát nhất có thể hình dung quá trình chứng minh trong điều tra vụ việc cạnh tranh qua sơ đồ sau:

Từ sơ đồ trên, ta thấy, sau khi có những thông tin ban đầu, chủ thể điều tra phải xây dựng giả thuyết ban đầu về vụ việc. Từ giả thuyết điều tra ban đầu, chủ thể điều tra xác định những vấn đề phải chứng minh và chứng cứ cần thu thập để làm rõ những vấn đề phải chứng minh đó. Tiếp theo, kế hoạch điều tra được xây dựng với các phương án thu thập chứng cứ chứng minh cho từng vấn đề cần phải làm rõ. Các biện pháp điều tra sẽ được tiến hành để thu thập thông tin, tài liệu. Thông tin, tài liệu sau khi được thu thập sẽ được kiểm tra, đánh giá giá trị chứng minh để xác định xem thông tin, tài liệu nào có thể dùng làm chứng cứ. Đồng thời, các chứng cứ, tài liệu cũng được nghiên cứu để kiểm tra, điều chỉnh lại giả thuyết điều tra đã được xây dựng trước đó. Sau đó quá trình được lặp lại cho đến khi có đủ chứng cứ để xây dựng được kết luận về vụ việc cạnh tranh. Một vụ việc cạnh tranh sẽ kết thúc hoàn hảo khi toàn bộ sự việc được làm rõ bằng chứng cứ.
2. Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh
Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh là những nhận định, phán đoán của điều tra viên vụ việc cạnh tranh về bản chất, nội dung, diễn biến, các bên liên quan, các yếu tố khác và những mối liên hệ giữa chúng trong một vụ việc cạnh tranh.
Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh là một công cụ nhận thức về vụ việc cạnh tranh của điều tra viên vụ việc cạnh tranh. Giả thuyết được hình thành một cách tự nhiên trong tư duy của điều tra viên do nhu cầu muốn tìm hiểu, khám phá sự thật vụ việc cạnh tranh. Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh vì vậy là sản phẩm tư duy chủ quan, mang dấu ấn tâm lý cá nhân của điều tra viên. Hiểu biết của điều tra viên vụ việc cạnh tranh về pháp luật cạnh tranh, các dạng thức vi phạm pháp luật về cạnh tranh, kinh nghiệm thực tiễn điều tra vụ việc cạnh tranh và đặc biệt thái độ khách quan, công tâm, trách nhiệm với công việc điều tra có ảnh hưởng rất lớn đến việc đưa ra những nhận định, phán đoán.
Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh dù là sản phẩm tư duy chủ quan nhưng không phải không có cơ sở. Khi xây dựng giả thuyết, điều tra viên được xây dựng trên cơ sở tất cả những thông tin Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh đã thu thập được, bao gồm cả những thông tin, tài liệu đã được kiểm chứng và những thông tin chưa được kiểm chứng.
Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh được xây dựng để giải thích cho những vấn đề chưa rõ ràng, còn thiếu thông tin, tài liệu để khẳng định trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh. Vụ việc càng ít thông tin, tài liệu, càng cần đưa ra nhiều nhận định, phán đoán.
Giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh phải được kiểm tra trong toàn bộ quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh. Như vậy, quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh là quá trình liên tục xây dựng kiểm tra các giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh cho đến khi sự thật khách quan được chứng minh.
Giả thuyết điều tranh cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chứng minh vụ việc cạnh tranh. Giả thuyết điều tra càng sát thực thì càng giúp các điều tra viên rút ngắn thời gian điều tra. Ngược lại, nhận định, phán đoán sai có thể đưa đến những sai lầm, mất thời gian tốn kém các nguồn lực.
3. Nguyên tắc xây dựng xây dựng và kiểm tra giả thuyết điều tra
Nguyên tắc 1: Giả thuyết điều tra phải có tính hiện thực.
Việc xây dựng giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh phải dựa vào tất cả những thông tin đã thu thập được, bao gồm cả những thông tin đã được kiểm chứng (chứng cứ) và cả những thông tin chưa được kiểm chứng. Khi đưa ra nhận định, phán đoán, điều tra viên cần nỗ lực tư duy một cách khách quan nhất có thể.
Nguyên tắc 2: Hệ thống giả thuyết điều tra phải đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ. Tại một thời điểm, hệ thống giả thuyết điều tra phải giải thích tất cả những tình tiết chưa rõ của vụ việc cạnh tranh.
Nguyên tắc 3: Giả thuyết điều tra phải đảm bảo tính khoa học. Các giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh được đưa ra dựa trên những kết luận đã được các ngành khoa học có liên quan khẳng định và được thực tế khách quan kiểm nghiệm là đúng đắn.
Nguyên tắc 4: Tất cả các giả thuyết điều tra phải kiểm tra được và phải được kiểm tra. Giả thuyết điều tra phải có khả năng kiểm chứng được, tức phù hợp với thẩm quyền, phương tiện, biện pháp, điều kiện của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Để những nguyên tắc trên đi vào thực tế, quá trình xây dựng giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên cần có phương pháp đúng. Phương pháp xây dựng giả thuyết đơn giản chỉ là các bước điều tra viên cần thực hiện để có thể đưa ra được những nhận định, phán đoán tốt nhất.
4. Phương pháp xây dựng giả thuyết điều tra
Xây dựng giả thuyết điều tra gồm 03 bước như sau:
Bước 1: Tập hợp chứng cứ, tài liệu đã thu thập được.
Tập hợp các tài liệu, đồ vật, thông tin đã thu thập được.
Phân loại, sắp xếp thông tin, tài liệu (đối với trường hợp đã có một lượng thông tin tài liệu nhất định):
+ Vấn đề cần phải chứng minh trong vụ việc cạnh tranh.
+ Mức độ tin tưởng của thông tin, tài liệu (đã là chứng cứ chưa).
+ Diễn tiến thời gian của sự việc.
Bước 2: Phân tích tài liệu, thông tin nhằm xác định mối liên hệ giữa các yếu tố cấu thành vụ việc cạnh tranh.
Công cụ quan trọng được sử dụng trong bước này là SƠ ĐỒ VỤ VIỆC mô phỏng các mối liên hệ giữa các yếu tố trong vụ việc cạnh tranh được xây dựng trên cơ sở các thông tin đã thu thập được.
Bước 3. Đưa ra nhận định, phán đoán:
Trên cơ sở Sơ đồ liên kết các điều tra viên cần làm việc theo nhóm. Các ý kiến đánh giá phân tích khác nhau, phản biện lẫn nhau sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá chính xác hơn.
Nội dung các nhận định bao gồm:
Tính chất của vụ việc: có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh đã được thực hiện hay không? Nếu có là hành vì gì?
 
Các cá nhân, tổ chức cụ thể liên quan đến vụ việc?
Diễn biến, cách thức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Mục đích thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh?
Những lợi ích mà bên vi phạm có thể nhận được?
Những thiệt hại, mức độ tác động của hành vi vi phạm?
Nguyên nhân làm phát sinh hành vi vi phạm?…
1.4. Phương pháp kiểm tra giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh
Giả thuyết điều tra chỉ là những nhận định, phán đoán do đó không thể sử dụng để đưa ra kết luận về vụ việc cạnh tranh. Để đi đến kết luận về vụ việc, giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh phải được kiểm tra.
 Góc độ lý thuyết, có hai phương pháp cơ bản chứng minh giả thuyết điều tra:
Phương pháp chứng minh trực tiếp: Chứng minh trực tiếp là phương pháp xuất phát từ chính giả thuyết điều tra chúng ta xác định những vấn đề cần chứng minh, chứng cứ cần thu thập để làm rõ chính giả thuyết đó.
Phương pháp chứng minh gián tiếp: Chứng minh gián tiếp là phương pháp chứng minh các giả thuyết trung gian khác với giả thuyết cần chứng minh nhưng có mối liên hệ khẳng định hoặc phủ định giả thuyết cần chứng minh qua đó chứng minh giả thuyết chính.
Có hai cách chứng minh gián tiếp:
Phản chứng minh: Loại trừ dần các giả thuyết cho phép suy đoán sự phù hợp thực tế của giả thuyết chính. Cách này được thực hiện khi chúng ta có các giả thuyết trái ngước nhau mà việc chứng minh giả thuyết này sẽ loại trừ giả thuyết khác.
Chứng minh hệ quả: Chứng minh các giả thuyết là hệ quả nảy sinh có thể từ giả thuyết chính.
Kết quả của kiểm tra một giả thuyết điều tra vụ việc cạnh tranh có thể xuất hiện bốn khả năng sau:
Khả năng thứ nhất: Các tình tiết, sự kiện bắt nguồn từ giả thuyết hoàn toàn phù hợp với tình tiết, sự kiện thực tế. Khi đó, giả thuyết được xác định là đúng.
Khả năng thứ hai: Các tình tiết, sự kiện bắt nguồn từ giả thuyết hoàn toàn không phù hợp với tình tiết, sự kiện thực tế. Khi đó, giả thuyết đã xây dựng là không đúng, cần loại bỏ và xây dựng giả thuyết mới.
Khả năng thứ ba: Các tình tiết, sự kiện bắt nguồn từ giả thuyết chỉ phù hợp một phần với tình tiết, sự kiện thực tế. Khi đó, những tình tiết, sự kiện phù hợp được dùng làm cơ sở xây dựng giả thuyết mới; những tình tiết, sự kiện thiếu cơ sở sẽ bị loại bỏ.
Khả năng thứ tư: Giả thuyết đưa ra không thể kiểm tra và không kiểm tra được. Trong trường hợp này giả thuyết vẫn không bị loại trừ nhưng phải xem lại lại cơ sở xây dựng giả thuyết, phương pháp biện pháp thu thập, phân tích thông tin trong quá trình kiểm tra.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ