Để tìm hiểu bất cứ điều gì chưa rõ ràng, chúng ta đều cần xác định những nội dung cần phải làm rõ hay những câu hỏi mà chúng ta cần tìm ra câu trả lời thỏa đáng mà qua đó sự việc sẽ được làm rõ. Trong xác minh, điều tra một vụ việc, khoa học pháp lý gọi những vấn đề cần làm rõ là đối tượng chứng minh. Trong hệ thống quy định pháp luật về tố tụng, những vấn đề đó được cụ thể hóa thành những vấn đề phải hoặc cần phải chứng minh trong xử lý các vụ việc, vụ án. Tuy nhiên, trong những quy định của Luật Cạnh tranh 2018 về hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không có điều khoản nào điều chỉnh về vấn đề này. Chúng ta cùng tham khảo về đối tượng chứng minh trong pháp luật tố tụng sự tương đồng với tố tụng cạnh tranh để tham khảo.
Vấn đề đối tượng chứng minh trong tố tụng dân sự:
Nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự xác định nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh
Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây: a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.
Do cách tiếp cận như trên, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định những vấn đề phải chứng minh mà quy định những vấn đề không phải chứng minh tại Điều 92 như sau:
Điều 92. Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh 1. Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:
Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Tòa án thừa nhận;
Những tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật;
Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tính khách quan của những tình tiết, sự kiện này hoặc tính khách quan của văn bản công chứng, chứng thực thì Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức công chứng, chứng thực xuất trình bản gốc, bản chính.
Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.
Đương sự có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm đại diện.
Khía cạnh khoa học pháp lý, trong giải quyết vụ việc dân sự, tòa án vẫn phải xác định đối tượng chứng minh song trách nhiệm chứng minh thuộc về các đương sự. Đối tượng chứng minh trong vụ án dân sự là những tình tiết, những vấn đề cần phải làm rõ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. Tùy từng vụ án dân sự khác nhau, tùy phạm vi yêu cầu của các đương sự mà đối tượng chứng minh được xác định khác nhau. Đối tượng chứng minh trong giải quyết vụ án dân sự bao gồm: Những tình tiết thuộc về nội dung, bản chất của vụ án; Những tình tiết khác của vụ án dân sự. Những tình tiết thuộc về bản chất của vụ án là những vấn đề thể hiện trực tiếp các yêu cầu của đương sự trong vụ án dân sự.
Vấn đề đối tượng chứng minh trong Luật Xử lý vi phạm hành chính
Trong xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết, cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có thể phải tiến hành xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính. Trong những trường hợp đó, cơ quan xử lý vi phạm hành chính cần xác định được đối tượng chứng minh. Vấn đề này được quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Điều 59. Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính
Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:
Có hay không có vi phạm hành chính;
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;
Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này;
Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
Vấn đề đối tượng chứng minh trong tố tụng hình sự
Trong tố tụng hình sự, theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh sự thật của vụ án hình sự thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Vì vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm phải xác định đối tượng chứng minh trong vụ án. Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự được Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tại Điều 85 như sau:
Điều 85. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Qua phân tích những nội dung quy định của pháp luật chúng ta có thể có các nhận xét sau:
Đối tượng chứng minh là những vấn đề cần phải hoặc bắt buộc phải làm rõ để xác định sự thật của vụ việc được xác minh, điều tra, xử lý.
Việc xác định đối tượng chứng minh là cần thiết trong quá trình xử lý tất cả các vụ việc, vụ án đang được xác minh và điều tra.
Trách nhiệm xác định đối tượng chứng minh phụ thuộc vào nghĩa vụ chứng minh của các chủ thể tham gia vào các quá trình tố tụng.
Luật Cạnh tranh quy định về quyền và nghĩa vụ chứng minh như sau:
Bên khiếu nại, bên bị điều tra có nghĩa vụ “Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời các thông tin, tài liệu, đồ vật cần thiết liên quan đến kiến nghị, yêu cầu của mình” (điểm a, khoản 4, Điều 67 Luật Cạnh tranh 2018).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ: “Xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ và cung cấp thông tin, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mà mình đại diện” (điểm b, khoản 5, Điều 68 Luật Cạnh tranh 2018).
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp (khoản 1 Điều 76, Luật Cạnh tranh 2018). Quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có quyền áp dụng các biện pháp điều tra kể cả lấy lời khai bên khiếu nại, bên bị điều tra (Điều 83, Luật Cạnh tranh 2018). Trong trường hợp, vụ việc cạnh tranh do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tự phát hiện (khoản 2, Điều 80, Luật Cạnh tranh), trách nhiệm chứng minh thuộc về Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và bên bị điều tra.
Quyền và nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng cạnh tranh được giải thích thêm tại Điều 17, Nghị định 35 như sau:
Bên khiếu nại có quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ và chứng minh cho khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
Bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phản đối khiếu nại, yêu cầu của người khác đối với mình có quyền chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.
Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều của Luật Cạnh tranh.
Bên cạnh đó, trong Điều 18 Nghị định 35 cũng xác định những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh:
Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh:
Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoặc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thừa nhận.
Những tình tiết, sự kiện đã được ghi trong văn bản và được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của tình tiết, sự kiện trong văn bản này thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp, giao nộp văn bản xuất trình văn bản gốc, bản chính.
Bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản mà một bên đưa ra thì bên đưa ra tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản đó không phải chứng minh. Bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có người đại diện tham gia tố tụng thì sự thừa nhận hoặc không phản đối của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự nếu không vượt quá phạm vi đại diện.
Sau khi nghiên cứu những nội dung trên, chúng ta có thể kết luận như sau:
Đối tượng chứng minh trong điều tra vụ việc cạnh tranh là tất cả những yếu tố (vấn đề) của vụ việc cạnh tranh mà chủ thể điều tranh cần phải làm rõ để có thể đưa ra kết luận về bản chất của vụ việc đó.
Theo Luật Cạnh tranh, nghĩa vụ chứng minh trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh có tính chất hỗn hợp, vừa có tính chất của tố tụng dân sự, vừa có tính chất của quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh phải và nên xác định đối tượng chứng minh khi điều tra vụ việc cạnh tranh. Ngay trong trường hợp chứng cứ hoàn toàn do các bên tham gia vụ việc cạnh tranh giao nộp thì việc Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cũng cần xác định được những vấn đề cần phải làm rõ để định hướng, đặt yêu cầu với các bên tham gia vụ việc.
Những vấn đề cần phải chứng minh chung cho một vụ việc cạnh tranh như sau:
Có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện hay không?
Đó là hành vi cụ thể nào? Quá trình diễn biến, thời gian, địa điểm, phương thức thực hiện hành vi vi phạm? Hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hành vi vi phạm? Phương tiện được sử dụng nào được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm?…
Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh? Họ có đủ điều kiện xác định chủ thể của hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không? Doanh nghiệp vi phạm có vai trò như thế nào khi thực hiện hành vi vi phạm? Động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm là gì? Những lợi ích vật chất họ thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh?
Ai là bên có quyền và lợi ích bị xâm phạm bởi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh? Tính có căn cứ trong nội dung khiếu nại, kiến nghị của họ về yêu cầu đền bù thiệt hại?
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có hành vi vi phạm?
Các tác động và mức độ tác động của hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh đến thị trường: Gây hạn chế cạnh tranh ở mức độ đáng kể hay không? Có dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh không? Có gây thiệt hại cho khách hàng không?
Những nguyên nhân nào dẫn đến xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh?
Trên đây là đối tượng chứng minh chung cho tất cả các vụ việc cạnh tranh.
Trong từng vụ việc cụ thể, đối tượng chứng minh được xác định theo qui định pháp luật về từng hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh cụ thể.
Phương pháp xác định đối tượng chứng minh
Phần trên, chúng ta đã xác định được đối tượng hay những vấn đề cần phải chứng minh chung cho các vụ việc cạnh tranh. Đối với từng vụ việc cạnh tranh cụ thể chúng ta phải xây dựng được hệ thống các vấn đề chứng minh cụ thể. Để xác định những vấn đề cần phải chứng minh trong một vụ việc cạnh tranh, điều tra viên cần thực hiện như sau:
Bước 1: Nhận định về hành vi có dấu hiệu vi phạm.
Nội dung này thực chất đã được thực hiện trong quá trình xây dựng giả thuyết điều tra. Trường hợp giả thuyết điều tra xác định nhiều hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, hãy lựa chọn 1 hoặc 2 hành vi có dấu hiệu rõ ràng nhất để thực hiện tiếp bước sau.
Bước 2: Xác định quy định cần được áp dụng.
Mục tiêu của bước này là phải xác định được hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được quy định trong điểm nào, khoản nào, điều nào của Luật Cạnh tranh 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều tra viên cần căn cứ vào những thông tin đã có (các dấu hiệu), hiểu biết về pháp luật và thực tiễn để đưa ra nhận định. Trường hợp có nhận định khác nhau về điều luật áp dụng, hãy dựa vào dấu hiệu rõ nhất để đưa ra lựa chọn hợp lý nhất.
Bước 3: Xác định những vấn đề cần phải chứng minh.
Dựa vào những vấn đề cần phải chứng minh chung cho các vụ việc cạnh tranh, tiến hành phân tích quy định cụ thể của điều luật cần áp dụng để xác định nội dung cụ thể từng vấn đề cần phải làm rõ.