BVNTD

Hội nghị AEGC lần thứ 27 tổng kết việc thực hiện năm mục tiêu chiến lược trong Kế hoạch hành động về cạnh tranh của ASEAN trong năm 2021

21/10/2021

      Từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 10 năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tham dự Hội nghị của Nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN lần thứ 27 và các cuộc họp liên quan theo hình thức trực tuyến (Hội nghị AEGC 27). Mục tiêu của Cuộc họp nhằm tổng kết những kết quả đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động về cạnh tranh của ASEAN trong năm 2021 cũng như thảo luận kế hoạch, công việc trong giai đoạn tiếp theo. 
     Theo cơ chế chủ tịch luân phiên, Ủy ban Cạnh tranh Indonesia (ICC) đảm nhận vai trò là chủ tịch AEGC năm 2021 nhằm giúp các nước thành viên ASEAN tăng cường năng lực thực thi chính sách và luật cạnh tranh, hướng đến việc góp phần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển bền vững. 
      Tham dự Hội nghị AEGC 27 có đại diện cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và một số chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ); Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản (JFTC); Ủy Ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc (ACCC), Ủy ban Cạnh tranh Niu Di-lân (NZCC); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); Cơ quan cạnh tranh Hoa Kỳ (DOJ),…
      Kế hoạch Hành động Cạnh tranh ASEAN (ACAP) bao gồm năm mục tiêu chiến lược hướng đến một khu vực ASEAN cạnh tranh, đổi mới và năng động với chính sách cạnh tranh hiệu quả và tiến bộ. 
      Năm mục tiêu chiến lược trong ACAP bao gồm: (i) Thiết lập cơ chế quản lý cạnh tranh hiệu quả ở tất cả các quốc gia Thành viên ASEAN; (ii) Tăng cường năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các cơ quan cạnh tranh trong khu vực ASEAN; (iii) Xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực ASEAN; (iv) Tăng cường nhận thức về cạnh tranh trong khu vực ASEAN; (v) Tiến tới sự hài hòa về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực ASEAN. 
      (1) Thiết lập cơ chế quản lý cạnh tranh hiệu quả ở tất cả các quốc gia Thành viên ASEAN
      Tại Hội nghị AEGC 27, các nước thành viên ASEAN đã cập nhật kết quả thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh tại quốc gia mình trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
       Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng về xây dựng pháp luật cạnh tranh của Campuchia khi dự thảo Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội nước này thông qua vào ngày 9 tháng 9 năm 2021 và Thượng viện thông qua vào ngày 20 tháng 9 năm 2021. Để chuẩn bị thực thi Luật Cạnh tranh sau khi ban hành, Campuchia hiện đang soạn thảo các nghị định hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban Cạnh tranh Campuchia.
       Ngoài ra, các quốc gia ASEAN khác cũng tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật cạnh tranh tại nước mình. Ví dụ, trong năm 2021, Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã ban hành Hướng dẫn Hợp tác để khuyến khích các doanh nghiệp nước này tìm đến sự hỗ trợ của CCCS trong bối cảnh quốc gia này đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới. Thái Lan cũng ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn về hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty cung cấp dịch vụ gọi đồ ăn và các nhà hàng tại nước này. 
       Năm 2021 cũng đánh dấu sự nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh. 
       Uỷ ban Cạnh tranh Indonesia đang giám sát tác động cạnh tranh của thương vụ sáp nhập giữa nhà cung cấp ứng dụng gọi xe Gojek và "gã khổng lồ" thương mại điện tử Tokopedia, tạo thành tập đoàn công nghệ lớn nhất nước có tên GoTo Group. Sự hình thành của GoTo Group kết hợp các dịch vụ thương mại điện tử, gọi xe trực tuyến và các dịch vụ tài chính, thanh toán tạo ra nền tảng đầu tiên ở Đông Nam Á cung cấp ba dịch vụ thiết yếu trong cùng một hệ sinh thái. 
      Uỷ ban Cạnh tranh Malaysia đã ban hành quyết định xử lý hành vi thoả thuận ấn định giá của 7 công ty kinh doanh trong lĩnh vực kho bãi tại nước này với mức tiền phạt cho mỗi công ty từ 6.000 USD đến 80.000 USD. 
      Uỷ ban cạnh tranh Philippines cũng đã hoàn tất việc thẩm định 225 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, ban hành 34 hướng dẫn thực thi luật cạnh tranh, khởi xướng điều tra 28 vụ việc cạnh tranh với tổng mức tiền phạt là 170,4 triệu Peso.
      (2) Tăng cường năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của các cơ quan cạnh tranh trong khu vực ASEAN
      Hội nghị AECG 27 cũng thảo luận về Lộ trình nâng cao năng lực thực thi pháp luật cạnh tranh của khu vực trong giai đoạn từ 2021-2025 trong đó nhấn mạnh hai trụ cột chính để nâng cao năng lực là thực thi pháp luật cạnh tranh và thể chế cạnh tranh.  Trong đó có 6 lĩnh vực cần tăng cường năng lực là đào tạo kỹ năng cho cán bộ tại các cơ quan cạnh tranh; tuyên truyền phổ biến pháp luật và chính sách cạnh tranh; tăng cường thực thi luật cạnh tranh; xây dựng cơ quan cạnh tranh; tổ chức các hội thảo chuyên đề; và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan. 
       Ngoài ra, AEGC cũng duy trì trang web đào tạo trực tuyến với 9 học phần để hỗ cán bộ cạnh tranh các nước ASEAN trang bị các kiến thức cơ bản về cạnh tranh, các nguồn tài liệu đào tạo phong phú về tuyên truyền phổ biến pháp luật, và cạnh tranh trong nền kinh tế số. 
      (3) Xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực ASEAN
      Về việc xây dựng cơ chế hợp tác về cạnh tranh trong khu vực ASEAN, các nước thành viên cho rằng vẫn còn có những vướng mắc liên quan đến việc chia sẻ thông tin mật giữa cơ quan cạnh tranh mặc dù việc chia sẻ thông tin là vô cùng cần thiết và hữu ích trong quá trình điều tra các vụ việc cạnh tranh xuyên biên giới. Thái Lan cho rằng nước này không có không có định nghĩa cụ thể về thông tin mật vì tất cả các yêu cầu chia sẻ thông tin mật cần phải được sự chấp thuận của Chính phủ. Trong khi Campuchia  phải trải qua một quy trình hành chính rất phức tạp để phê duyệt việc chia sẻ thông tin mật.
      (4) Tăng cường nhận thức về cạnh tranh trong khu vực ASEAN
     Một hoạt động quan trọng để tăng cường nhận thức về cạnh tranh trong khu vực ASEAN trong thời gian tới là việc tổ chức Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9, dự kiến diễn ra từ ngày 1-2 tháng 12 năm 2021 tại Việt Nam với chủ đề “Hành động của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh của khu vực sau đại dịch Covid-19”.
     Đây là sự kiện cạnh tranh quan trọng của Nhóm AEGC, được tổ chức thường niên, nhằm tạo ra một diễn đàn cạnh tranh không chỉ cho đại diện cơ quan quản lý cạnh tranh các nước ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp, giới nghiên cứu đến từ khu vực mà còn cả đại diện của các cơ quan cạnh tranh phát triển trên thế giới, các tổ chức/mạng lưới quốc tế về cạnh tranh tham dự và chia sẻ về các vấn đề mang tính thời sự, thiết thực về cạnh tranh trong khu vực.
       Hội nghị dự kiến sẽ kết hợp hình thức tổ chức tại chỗ và trực tuyến theo đó các đại biểu trong nước sẽ trực tiếp tham gia hội nghị và các đại biểu quốc tế sẽ tham gia trực tuyến. 
      (5) Tiến tới sự hài hòa về chính sách và pháp luật cạnh tranh trong khu vực ASEAN
      Năm 2021 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên tổ chức Cuộc họp lãnh đạo cấp cao Cơ quan Cạnh tranh ASEAN. Đây là sáng kiến được đưa ra tại Cuộc họp nhóm Chuyên gia Cạnh tranh ASEAN năm 2020. Tại cuộc họp này, lãnh đạo cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN sẽ trao đổi về thực thi luật và chính sách cạnh tranh ở cấp cao, cập nhật tình hình thực thi tại các quốc gia, đồng thời thảo luận những chủ đề có tầm ảnh hưởng trong khu vực, định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật và chính sách cạnh tranh của ASEAN trong dài hạn, góp phần thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển bền vững. 
 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Qua phản ánh của người dân, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Bộ Công Thương (UBCTQG) đã thu thập được một số thông tin liên quan đến dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty Cổ phần Thương