BVNTD

Hội nghị triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

31/03/2023

Ngày 29 tháng 3 năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Theo quy định tại Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia được Chính phủ ban hành ngày 10 tháng 02 năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.  

Để triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ (Nghị định số 03/2023/NĐ-CP), nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy lãnh đạo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thời gian qua, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tham mưu, trình Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương đề án nhân sự thực hiện các chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh và tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

1. Kiện toàn nhân sự thực hiện một số nhiệm vụ trong tố tụng cạnh tranh

Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 của Quốc hội quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh quy định tại Luật này.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 của Quốc hội và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 03/2023/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tối đa là 15 người, gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác. Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu trước mắt đặt ra là kiện toàn bộ máy gồm 08 thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương công bố Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Do đó, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 29 tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và 07 thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, gồm:

1. Ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

2. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

3. Ông Ngô Đức Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

4. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

5. Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

6. Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

7. Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;

8. Bà Hồ Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp và Dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiêm thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng cho Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

2. Kiện toàn nhân sự lãnh đạo, tổ chức tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Để kiện toàn các chức danh lãnh đạo tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, ngoài Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định bổ nhiệm 03 đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, gồm:

1. Bà Nguyễn Quỳnh Anh – Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương;

2. Ông Ngô Đức Minh – Nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương;

3. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng cho các

Phó Chủ tịch của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

3. Thành lập Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Tại Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Bộ Công Thương, đồng chí Phan Văn Bản – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương đã công bố quyết định thành lập Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và danh sách các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và đảng ủy viên Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ảnh: Đồng chí Phan Văn Bản – Phó bí thư thường trực Đảng Ủy Bộ Công Thương công bố quyết định thành lập Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ảnh: Đồng chí Lê Triệu Dũng, Bí thư Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đại diện Đảng ủy

nhận quyết định

Trong thời gian tới, Đảng ủy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục định hướng, chỉ đạo để kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc và các tổ chức đoàn thể của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

4. Định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã định hướng, chỉ đạo công tác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một, tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Đồng thời, khẩn trương tham mưu kiện toàn các thiết chế (như Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể) và bộ máy giúp việc; xây dựng Kế hoạch hành động, Chương trình công tác, Quy chế hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo kỷ cương, nề nếp làm việc hiệu quả ngay từ những ngày đầu hoạt động, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Hai, chú trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Ba là, tập trung triển khai thực hiện tốt các hoạt động về tố tụng cạnh tranh và quản lý nhà nước về cạnh tranh (bao gồm cả hoạt động kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sáp nhập, mua lại các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế) để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo, giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ý thức phòng ngừa trước các biểu hiện của kinh doanh đa cấp bất hợp pháp.

Bốn, chủ động thiết lập và thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác, phối hợp công tác với các đơn vị trong và ngoài Bộ, nhất là hợp tác với các cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước tiên tiến nhằm trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện mô hình và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Năm, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải luôn giữ vững đoàn kết, thống nhất, không ngừng nỗ lực phấn đấu, chủ động nghiên cứu, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời chú trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thay mặt Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đồng chí Lê Triệu Dũng – Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và phát biểu nhận nhiệm vụ.

Ảnh: Đồng chí Lê Triệu Dũng – Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Lê Triệu Dũng nhấn mạnh Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đi vào hoạt động trong bối cảnh Bộ Công Thương, có nhiều thách thức như (i) cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta, cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn, các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều, tác động tới môi trường kinh doanh và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng; (ii) quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đem lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng đặt ra thách thức về cạnh tranh, đòi hỏi cơ quan quản lý cạnh tranh phải đủ mạnh để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam thực sự được hưởng lợi ích từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; và (iii) nhận thức về các quy định pháp luật liên quan tới cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế. Trong thời gian tới, tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ triển khai hoạt động, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ngày càng vững mạnh.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ