Sáng ngày 20 tháng 5 năm 2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương(Cục CT&BVNTD) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực thi các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam” nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực thi các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam.
Hội thảo do ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của Ông Masuda Chikahiro, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Thành phố Hồ Chí Minh; Bà Kaori Igarashi – Chuyên gia thường trú của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Cục CT&BVNTD và hơn 100 đại biểu là đại diện từ các trường đại học, văn phòng tư vấn luật tại Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo Ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh 2018 đã tiệm cận với xu hướng quốc tế, giúp phản ánh chính xác hơn bản chất kinh tế của các giao dịch tập trung kinh tế, tuy nhiên, cũng tạo áp lực đáng kể đối với việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cũng như việc thực thi pháp luật của cơ quan cạnh tranh. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Cạnh tranh 2018 và các vấn đề thực thi pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế là việc làm rất cần thiết.
Ông Masuda Chikahiro, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự án hợp tác “Hoàn thiện chính sách và tăng cường năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” do JICA phối hợp với Cục CT&BVNTD triển khai từ tháng 11 năm 2019 đến nay, thông qua một số hoạt động hội thảo, đào tạo đã cung cấp kiến thức pháp luật cạnh tranh và nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu “Thực thi các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2022” Bà Trần Phương Lan Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục CT&BVNTD thông tin rằng chỉ có một tỷ lệ giao dịch M&A nhất định phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế. Năm 2021, có khoảng 14,5% trong tổng số 875 giao dịch M&A tại thị trường Việt Nam đã thực hiện thủ tục thông báo TTKT tới Bộ Công Thương.
Các giao dịch thuộc trường hợp phải thông báo TTKT đều có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2021, các doanh nghiệp lớn trong nước như VinGroup, Kido, PAN, BCG, Masan… đều có giao dịch TTKT với giá trị lớn, phải thông báo. Trong tổng số 353 doanh nghiệp tham gia các giao dịch TTKT được thông báo tại Việt Nam năm 2021, thì trên 50% trong số đó là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Đinh Ánh Tuyết – Luật sư điều hành, Văn phòng Luật sư IDVN có bài phát biểu về “Kinh nghiệm tuân thủ các quy định về thông báo tập trung kinh tế – Góc nhìn từ phía doanh nghiệp”. Từ góc độ luật sư tư vấn pháp luật cạnh tranh cho doanh nghiệp, Bà Đinh Ánh Tuyết khuyến nghị để tránh rủi ro pháp lý và các chế tài nghiêm khắc thì các doanh nghiệp nên chủ động tự xác định giao dịch của mình có thuộc trường hợp tập trung kinh tế phải thông báo hay không, từ đó, chủ động chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, trong đó, hồ sơ phải đáp ứng về hình thức và nội dung theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh.
Trong bài trình bày “Một số lưu ý từ kinh nghiệm của cơ quan cạnh tranh Nhật Bản khi chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế” Bà Kaori Igarashi – Chuyên gia thường trú của JICA tại Cục CT&BVNTD giới thiệu về quy trình thẩm định tập trung kinh tế tại Nhật Bản và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin giữa cơ quan cạnh tranh và doanh nghiệp trong quá trình thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế để nâng cao khả năng dự báo đối với doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế.
Hội thảo đã dành thời gian hơn một giờ đồng hồ để các đại biểu tham gia thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc tái cấu trúc nội bộ; nhóm doanh nghiệp liên kết; chủ thể thực hiện thông báo tập trung kinh tế và tổng doanh thu, tổng tài sản để xác định ngưỡng thông báo tập trung kinh tế đối với trường hợp tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp nước ngoài là công ty mẹ và có các công ty con hoạt động tại Việt Nam; thủ tục cần thực hiện trong trường hợp rút hồ sơ thông báo tập trung kinh tế…
Phát biểu bế mạc Hội thảo Ông Trịnh Anh Tuấn kết luận, 2 năm diễn ra đại dịch Covid 19 đã gây ra sự đứt gẫy tạm thời trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra áp lực rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. M&A trở thành một kênh quan trọng giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn khai thác để để tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, từ đó giảm thiểu nguy cơ thất thoát vốn. Ngoài ra, M&A cũng tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do vậy, Cục CT&BVNTD luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế thông qua việc đăng tải công khai trên trang tin điện tử của Cục nhiều tài liệu hướng dẫn chi tiết về thủ tục thông báo tập trung kinh tế, các bước cần thực hiện, danh mục hồ sơ cần chuẩn bị.