BVNTD

Hướng dẫn của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ về phân biệt giữa kinh doanh theo phương thức đa cấp (Multi-level Marketing Businesses) và mô hình kim tự tháp (Pyramid Schemes)

Hoạt động kinh doanh trong đó một người bán hàng cho người thân, bạn bè và tuyển thêm người khác cùng làm công việc tương tự được gọi là tiếp thị đa cấp, tiếp thị mạng lưới hay tiếp thị trực tiếp[1]. Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể là các mô hình kim tự tháp bất hợp pháp. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý trước khi tham gia vào một mô hình kinh doanh tiếp thị đa cấp:

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là gì và vận hành như thế nào?

Các công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp (sau đây gọi tắt là Công ty bán hàng đa cấp) bán sản phẩm thông qua hình thức cá nhân bán cho cá nhân, tức là một người bán hàng cho một người khác ngay tại nhà của mình, hoặc ở nhà khách hàng hoặc có thể bán trực tuyến.

Khi tham gia bán hàng trong một công ty bán hàng đa cấp, người bán hàng sẽ được coi là một nhà phân phối, hay một thành viên hay một cộng tác viên. Người họ tuyển, người được tuyển bởi người họ tuyển và những người được những người đó tuyển, tạo thành mạng lưới nhà phân phối, hay còn gọi là hệ thống tuyến dưới.

Hầu hết các công ty bán hàng đa cấp sẽ hướng dẫn nhà phân phối kiếm thu nhập theo 02 cách:

  • Bán hàng của công ty tới các khách hàng bán lẻ để hưởng hoa hồng;

  • Tuyển dụng, xây dựng “hệ thống tuyến dưới” và nhận hoa hồng tính trên doanh số của hệ thống tuyến dưới đó.

Một Công ty bán hàng đa cấp không bị coi là bất chính nếu Công ty đó vẫn thực hiện chi trả hoa hồng cho nhà phân phối dựa trên kết quả bán hàng của họ, không cần biết người đó có tuyển dụng được người tham gia mới hay không.

Hầu hết những người tham gia vào các Công ty bán hàng đa cấp hợp pháp không kiếm được tiền hoặc kiếm được rất ít. Một số người thậm chí còn mất tiền. Có người cho biết họ tin rằng mình đã tham gia vào một công ty đa cấp hợp pháp nhưng sau đó công ty đó biến tướng thành mô hình kim tự tháp bất chính, dẫn đến việc họ bị mất tiền và rơi vào cảnh nợ nần.

Mô hình kim tự tháp là gì và nhận biết mô hình này như thế nào?

Có thể khẳng định, kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là một hình thức lừa đảo. Mô hình kim tự tháp rất giống mô hình bán hàng đa cấp hợp pháp, nhưng khi tham gia mạng lưới này, các thành viên và những người được họ tuyển dụng (thông thường là người thân và bạn bè) sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc mà không nhận lại được gì.

Những người vận hành mô hình kinh doanh kim tự tháp bất chính thường cố gắng lôi kéo người khác bằng những “bánh vẽ” về các khoản thu nhập hấp dẫn, về cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Thu nhập khi tham gia mô hình này đến chủ yếu từ việc tuyển dụng chứ không phải từ việc bán hàng. Mô hình này khuyến khích người tham gia liên tục tuyển dụng, tạo ra dòng tiền đổ vào hệ thống một cách liên tục. Thông thường người tham gia được khuyến khích, thậm chí bị buộc phải mua một lượng hàng nhất định theo định kỳ, kể cả khi người đó vẫn còn đang tồn hàng chưa bán được.

Nhà phân phối thậm chí phải mua sản phẩm trước khi được xét đủ điều kiện để được trả thưởng. Nhà phân phối cũng có thể liên tục phải trả các khoản phí như phí đào tạo hay phí mua tài liệu, thường là đắt một cách bất hợp lý. Các công ty cũng thường mồi chai nhà phân phối bằng những khoản thưởng khổng lồ như tiền thưởng, các chuyến du lịch nước ngoài, xe ô tô hạng sang… nhưng kèm với đó là những điều kiện về doanh thu, về tuyển dụng mà trên thực tế rất ít người có thể đạt được.

Thậm chí, hầu hết các nhà phân phối trong các mô hình kim tự tháp nhận ra rằng cho dù họ có làm việc/ bán hàng chăm chỉ đến mấy, họ cũng không thể nào đạt được chỉ tiêu về doanh số hay tuyển dụng để đạt được tiền thưởng. Họ cũng không thể đáp ứng được các yêu cầu về các khoản phí hoặc lượng mua hàng cần thiết để đạt được điều kiện hưởng thưởng, và họ không thể kiếm được tiền đủ để bù cho những chi phí mà họ đã bỏ ra. Kết cục là hầu hết nhà phân phối hết tiền và phải thoát khỏi hệ thống, mất toàn bộ tiền đã đầu tư vào hệ thống.

Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo mô hình kinh doanh kim tự tháp:

– Hứa hẹn viển vông, vô lý về các khoản thu nhập tiềm năng.

– Nhấn mạnh rằng tuyển dụng những người tham gia mới là cách thức thiết thực để kiếm tiền.

– Lợi dụng các trạng thái cảm xúc của nhà phân phối hoặc sử dụng các thủ đoạn gây áp lực, ví dụ như tuyên bố rằng nhà phân phối sẽ bị lỡ mất cơ hội nếu không hành động ngay bây giờ, đồng thời không khuyến khích nhà phân phối dành thời gian để nghiên cứu về công ty.

– Người tham gia mua nhiều sản phẩm hơn lượng cần thiết nhằm duy trì trạng thái năng động trong công ty hoặc nhằm đủ tiêu chuẩn nhận hoa hồng.

Liệu tham gia vào kinh doanh theo phương thức đa cấp có phải là sự lựa chọn đúng đắn?

Khi cân nhắc tham gia vào một mạng lưới kinh doanh theo phương thức đa cấp, cần phải nhận thức rõ rằng không phải ai cũng thành công, kể cả khi mạng lưới bạn tham gia không phải là mô hình kim tự tháp. Hơn nữa, kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể không phù hợp với sở thích hay lối sống cá nhân của nhiều người. Sau đây là một vài lời khuyên nhằm giúp tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ thiệt hại.

Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây:

– Bạn có muốn trở thành một người bán hàng không? Nếu tham gia một công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp, bạn sẽ trở thành một người bán hàng. Công việc của bạn chính là bán sản phẩm của công ty và trong nhiều trường hợp, thuyết phục những người khác gia nhập mạng lưới bán hàng của công ty. Nếu không thích công việc bán hàng, hoặc cảm thấy không thoải mái khi thuyết phục những người bạn quen biết bỏ thời gian và tiền bạc vào một dự án kinh doanh, việc tham gia một công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp.

– Bạn có một kế hoạch bán hàng tốt không? Hãy cân nhắc liệu bạn có những người bạn và người thân sẽ trở thành khách hàng thường xuyên mua hàng từ bạn hay không. Làm thế nào để tìm kiếm và giữ được những khách hàng thường xuyên khác. Liệu mọi người có thể mua các sản phẩm giống như sản phẩm bạn đang bán ở những nơi khác, thậm chí với giá thấp hơn không?

– Mục tiêu thu nhập của bạn là gì? Có thể bạn nghĩ rằng cứ làm việc chăm chỉ bạn sẽ kiếm được khoản thu nhập đáng kể thông qua bán hàng trong mạng lưới kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trên thực tế, hầu hết những người tham gia bán hàng trong mạng lưới kinh doanh theo phương thức đa cấp và làm việc chăm chỉ cũng chỉ kiếm được ít tiền, thậm chí không kiếm thêm được thu nhập, và một vài trong số đó còn mất tiền.

– Bạn có chấp nhận rủi ro về tiền bạc và thời gian không? Tất cả các dự án kinh doanh đều có rủi ro. Kinh doanh theo phương thức đa cấp không phải là một ngoại lệ. Ngay cả khi chi phí khởi nghiệp có vẻ là một con số nhỏ, tổng chi phí phát sinh sẽ cộng dồn lên rất nhanh. Các loại chi phí có thể bao gồm các khoản chi phí đào tạo và chi phí du lịch, phí website, tài liệu kinh doanh, chi phí tổ chức sự kiện, và chi phí mua sản phẩm. Nếu cần vay tiền hoặc phải sử dụng thẻ tín dụng để trang trải những khoản chi phí này, bạn còn có thể phải đối mặt với những khoản lãi suất rất cao. Thêm vào đó, cũng phải cân nhắc thời gian bạn bỏ ra để thực hiện công việc kinh doanh, như thời gian đi đào tạo, tuyển dụng những người tham gia mới, quản lý hành chính giấy tờ, kiểm kê hàng tồn kho, và vận chuyển sản phẩm.

Tìm hiểu các thông tin sau:

– Tìm hiểu thông tin về công ty bạn dự định gia nhập. Tìm kiếm trực tuyến tên công ty cùng các từ khóa như “đánh giá, “lừa đảo” hoặc “khiếu nại”. Tìm kiếm các chủ đề có liên quan tới công ty trên báo chí. Liệu công ty dự định gia nhập có uy tín trong việc làm hài lòng khách hàng không? Công ty có bị khiếu nại gì không? Việc không tồn tại khiếu nại không có nghĩa là công ty này hợp pháp, nhưng những khiếu nại có thể giúp bạn tránh khỏi các rủi ro.

– Tìm hiểu về những gì mà các nhà phân phối của công ty đang quảng bá. Các nhà phân phối thường đăng tải video clip để huấn luyện và phát triển mạng lưới. Cần cẩn trọng nếu họ đưa ra các tuyên bố về thu nhập, hướng dẫn cách nhanh nhất để kiếm tiền là “tuyển dụng, tuyển dụng, tuyển dụng”, hoặc gợi ý rằng tất cả những gì cần làm để xây dựng hệ thống tuyến dưới là “tuyển hai người – mỗi người sẽ tuyển thêm được hai người nữa…”. Những tuyên bố như vậy là dấu hiệu của một mô hình kinh doanh kim tự tháp.

– Cân nhắc kĩ về các sản phẩm. Các công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp có thể bán các sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên, một vài công ty có thể cung cấp sản phẩm được định giá quá cao, có những công dụng đáng nghi ngờ, hoặc hoàn toàn không an toàn khi sử dụng. Ví dụ, hết sức cẩn trọng với các sản phẩm sức khỏe được quảng cáo như là có các thành phần “kỳ diệu” hay kết quả đã được kiểm chứng. Những tuyên bố này thường là tuyên bố sai lệch hoặc ít nhất là chưa được kiểm chứng, và thậm chí sản phẩm đó có thể không an toàn

– Lường trước các khoản chi phí. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp yêu cầu nhà phân phối mua tài liệu marketing hoặc tài liệu đào tạo, hoặc phải trả phí cho các cuộc hội thảo về xây dựng sự nghiệp kinh doanh. Nhà phân phối có thể phải tự đặt phòng và tự chi trả các chi phí khách sạn và ăn uống. Hãy lường trước bạn phải chi phí gì và cụ thể là bao nhiêu. Nếu công ty cung cấp cho bạn những thông tin – ví dụ như đào tạo hoặc mua sản phẩm định kỳ – là tùy bạn lựa chọn (không bắt buộc), hãy làm rõ nếu bạn lựa chọn không đào tạo hay mua sản phẩm định kỳ, bạn có đủ điều kiện để nhận hoa hồng hoặc phần thưởng không.

– Tìm hiểu quy định về việc hoàn lại tiền. Trong nhiều công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp, để bán sản phẩm, bạn sẽ phải mua sản phẩm từ công ty. Vì vậy, hãy tìm văn bản chính thức của Công ty về chính sách hoàn lại tiền. Hãy chắc chắn rằng Công ty có chính sách cho phép trả lại các sản phẩm chưa sử dụng, các quy định hạn chế khi trả lại tiền và các chế tài phải chịu khi được trả lại tiền. Tìm hiểu kĩ xem liệu bạn sẽ được hoàn lại toàn bộ tiền hay chỉ được hoàn lại một phần – và thời gian giải quyết là bao lâu.

– Đọc kĩ các tài liệu giấy tờ và nhờ một người bạn hoặc cố vấn rà soát lại nội dung. Hãy đọc kĩ các tài liệu bán hàng, kế hoạch kinh doanh, các tài liệu công khai khác của công ty, và bất kỳ hợp đồng hoặc thỏa thuận nào mà bạn sẽ cần phải ký. Hãy hỏi kế toán, luật sư hoặc bất kỳ ai khác mà bạn tin tưởng – những người không có mối quan hệ gì với công ty – giúp bạn rà soát các tài liệu. Nhờ họ đánh giá các khoản thu nhập tiềm năng bạn có thể thu được và khả năng chi trả các khoản đó của công ty. Hãy nhờ họ cho ý kiến chân thành về việc liệu công ty mà bạn đang dự định gia nhập có hợp pháp không và có phù hợp với bạn không.

Hãy nói chuyện với những nhà phân phối hiện tại và nhà phân phối cũ của công ty để tham khảo kinh nghiệm của họ

Hãy đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời thật chi tiết. Đừng nghĩ việc này là tọc mạch hay làm phiền ai. Dưới đây là một số gợi ý cho những câu hỏi có thể sử dụng để hỏi những nhà phân phối hiện tại hay nhà phân phối cũ của công ty:

  • Bạn đã tham gia kinh doanh theo phương thức đa cấp được bao lâu?

  • Bạn đã kiếm được bao nhiêu tiền trong năm ngoái, sau khi trừ đi tất cả chi phí?

  • Chi phí trong năm ngoái của bạn là bao nhiêu?

  • Bạn đã từng phải vay tiền hoặc sử dụng thẻ tín dụng để có tiền tham gia chưa? Bạn nợ bao nhiêu tiền?

  • Bạn có cần tuyển dụng để kiếm tiền không?

  • Bạn đã tuyển dụng được bao nhiêu người? Bao nhiêu người được bạn tuyển dụng vào năm ngoái?

  • Có bao nhiêu người mà bạn tuyển dụng đã rời bỏ sự nghiệp kinh doanh này?

  • Bao nhiêu phần trăm thu nhập của bạn kiếm được từ việc bán sản phẩm cho các khách hàng không phải là nhà phân phối như bạn?

  • Bao nhiêu phần trăm số tiền bạn kiếm được – thu nhập và hoa hồng sau khi đã trừ đi toàn bộ chi phí – đến từ việc bạn tuyển dụng những nhà phân phối khác vào mạng lưới và bán cho họ lượng hàng tồn kho của bạn hoặc các món hàng khác (điều kiện để họ gia nhập)?

  • Bạn dành bao nhiêu thời gian cho công việc kinh doanh?

  • Năm ngoái, bạn đã mua bao nhiêu hàng từ công ty? Bạn đã bán hết số hàng đó chưa?

Hãy ghi nhớ rằng, bạn đang đánh giá một cơ hội kinh doanh tiềm năng mà có thể tiêu tốn tiền bạc và thời gian của bạn. Thông tin tìm hiểu được sẽ giúp bạn xác định được đó thực sự là một cơ hội kinh doanh hay sẽ khiến bạn lãng phí thời gian tiền bạc, hay đó là một hoạt động bất hợp pháp.

Nguồn: https://www.consumer.ftc.gov/articles/multi-level-marketing-businesses-and-pyramid-schemes

 


[1] Ở Việt Nam gọi là kinh doanh theo phương thức đa cấp hay bán hàng đa cấp

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ