Theo thông tin từ website của Cục Thương mại Điện tử (TMĐT); căn cứ chức năng, tính chất, hình thức tổ chức hoạt động, hiện nay hoạt động kinh doanh TMĐT được phân thành 02 loại hình chính, bao gồm:
(1) Loại hình 1: Website/Ứng dụng TMĐT bán hàng (do doanh nghiệp tự thiết lập để phục vụ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mình); và
(2) Loại hình 2: Website/Ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT (do doanh nghiệp thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại).
Dưới góc độ quản lý nhà nước về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (HĐTM, ĐKGDC) theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở 02 loại hình trên, Phòng phân loại các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường TMĐT (sau đây gọi tắt là “doanh nghiệp TMĐT”) như sau:
– Loại hình 1: Bao gồm:
(i) Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng HĐTM, ĐKGDC thuộc Danh mục phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC (ví dụ: các doanh nghiệp lĩnh vực viễn thông, vận tải hàng không…);
(ii) Các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng HĐTM, ĐKGDC không thuộc Danh mục phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC (ví dụ: các doanh nghiệp bán lẻ thuộc nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác nhau như các chuỗi siêu thị Pico, Mediamart, Điện Máy Xanh…).
– Loại hình 2: Các doanh nghiệp thiết lập môi trường TMĐT cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại. Nói cách khác, đây là nhóm doanh nghiệp trung gian, cung cấp dịch vụ kết nối giữa bên bán và bên mua thông qua môi trường TMĐT, có sử dụng HĐTM/ĐKGDC. Ví dụ: Nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán lẻ (Shopee, Sendo, Tiki); Nhóm doanh nghiệp thuộc loại hình kinh tế chia sẻ (ví dụ: cung cấp dịch vụ vận tải hành khách trực tuyến Grap, Goviet, dịch vụ cho vay ngang hàng P2P Lending (Fiin, Doctordong…).
Những doanh nghiệp được đánh giá (i) là doanh nghiệp có quy mô lớn; (ii) phạm vi hoạt động trên toàn quốc; (iii) có số lượng khách hàng lớn và phổ biến; và/hoặc (iv) thuộc mô hình kinh tế chia sẻ. Bao gồm:
– Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ (trực tiếp): chiếm 30% đối tượng giám sát.
– Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ (dịch vụ trung gian/kết nối): chiếm 30%.
– Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải trực tuyến: chiếm 30%.
– Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực P2P Lending: chiếm 10%.
Kết quả giám sát thi hành pháp luật
Về hình thức HĐTM, ĐKGDC
Kết quả rà soát cho thấy, doanh nghiệp TMĐT thường soạn thảo và ban hành các HĐTM, ĐKGDC để giao kết với người tiêu dùng theo một hoặc nhiều hình thức sau:
– Điều khoản, điều kiện sử dụng website/ứng dụng;
– Hợp đồng vay (chỉ có ở doanh nghiệp P2P Lending);
– Điều khoản chung;
– Chính sách chung/chính sách bán hàng;
– Chính sách bảo mật, chính sách quyền riêng tư;
– Chính sách vận chuyển;
– Chính sách bảo hành, v.v…
Về tính tuân thủ quy định pháp luật trong nội dung HĐTM, ĐKGDC
Mức độ tuân thủ quy định pháp luật trong các HĐTM, ĐKGDC
Kết quả thẩm định các điều khoản do doanh nghiệp thương mại điện tử ban hành cho thấy, mặc dù đã bị điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành nhưng khi xem xét, Phòng HĐM vẫn phát hiện rất nhiều các điều khoản vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Với hơn 40 tài liệu được thu thập, Phòng đã rà soát và đánh giá có tổng số hơn 500 điểm tồn tại trong các tài liệu của doanh nghiệp là chưa phù hợp quy định pháp luật hoặc chưa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, trong đó gần như 100% các tài liệu do doanh nghiệp TMĐT ban hành đều chứa đựng một/nhiều điều khoản chưa tuân thủ quy định, cụ thể:
– Khoảng 30% tài liệu thẩm định có nhiều hơn 30 điểm chưa tuân thủ.
– Khoảng 35% tài liệu có từ 20-30 điểm chưa tuân thủ;
– Khoảng 35% tài liệu có ít hơn 20 điểm chưa tuân thủ.
Các dạng điều khoản chưa tuân thủ quy định pháp luật điển hình
(i) Dạng điều khoản chưa tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường gặp bao gồm:
– Dạng điều khoản vi phạm về tính rõ ràng, cụ thể theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 99/2011-NĐ-CP: khoảng 53% tổng số điểm chưa tuân thủ.
– Dạng điều khoản không có hiệu lực theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: khoảng 26% tổng số điểm chưa tuân thủ.
– Dạng điều khoản vi phạm về bảo mật thông tin của người tiêu dùng theo quy định tại Điều 6 Luật BVQLNTD: khoảng 4% tổng số điểm chưa tuân thủ.
– Dạng điều khoản vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa theo Luật BVQLNTD: khoảng 4% tổng số điểm chưa tuân thủ.
– Vi phạm về việc xác định thời điểm áp dụng của điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Điều 18 Luật BVQLNTD: gần 100% tổng số ĐKGDC được rà soát.
(ii) Dạng điều khoản không phù hợp pháp luật chuyên ngành về TMĐT (Nghị định số 52/2013-NĐ-CP): khoảng 3% tổng số điểm chưa tuân thủ.
(iii) Dạng điều khoản chưa đảm bảo về quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa được điều chỉnh cụ thể bởi pháp luật hiện hành: khoảng 10% tổng số điểm chưa tuân thủ.