BVNTD

Khái quát về nền tảng gọi xe trực tuyến và các đặc điểm của nền tảng gọi xe trực tuyến

22/05/2024

1. Khái quát về nền tảng gọi xe trực tuyến

a. Trên thế giới

Nền tảng gọi xe trực tuyến (online ride-hailing platform) kể từ khi ra đời đã có tác động đáng kể đối với giao thông công cộng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Mặc dù kinh tế “chia sẻ” không phải là mới, đã từng tồn tại không liên tục ở Hoa Kỳ trong những năm 1940 và 1970, tuy nhiên, sự ra đời và hợp nhất của các công nghệ mới đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của các dịch vụ chia sẻ như vậy ở nhiều quốc gia kể từ cuối những năm 2000 (Hahn & Metcalfe, 2017).

Từ năm 2010 đến năm 2019, ngành công nghiệp gọi xe trực tuyến (được hiểu là dịch vụ vận tải được hỗ trợ kỹ thuật số để kết nối năng lực dự phòng hoặc lao động nhàn rỗi với nhu cầu vận chuyển) đã có tổng vốn đầu tư 56,2 tỷ đô la Mỹ với mức tăng đầu tư bình quân hàng năm từ 0,2 tỷ đô la Mỹ đến 11,4 tỷ đô la Mỹ tính đến tháng 2 năm 2019 (Holland-Letz, 2019).

Theo số liệu của The Insight Partners, quy mô của thị trường gọi xe toàn cầu đạt hơn 48,9 tỷ đô la Mỹ năm 2021 và dự báo sẽ tăng trưởng hơn gấp đôi và đạt khoảng hơn 98,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ước tính là 10,6% trong giai đoạn 2021-2028 (The Insight Partners, 2022).

Sự tăng trưởng của thị trường gọi xe toàn cầu được thúc đẩy bởi sự nổi lên của các dịch vụ đi chung xe (ridesharing), sự gia tăng xu hướng dịch vụ vận tải theo yêu cầu và sự phát triển của các phương tiện cho thuê tự phát (autonomous vehicles). Riêng phân khúc thị trường gọi xe trực tuyến (e-hailing) được định giá hơn 27,5 tỷ đô la Mỹ năm 2020 (The Insight Partners, 2022).

   “Gọi xe trực tuyến” (e-hailing) là việc đặt xe bằng bất kỳ thiết bị điện tử nào, chẳng hạn như máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Nhu cầu toàn cầu về dịch vụ gọi xe trực tuyến ngày càng gia tăng bởi sự phổ biến của điện thoại thông minh và mức độ truy cập internet gia tăng. Theo DataReportal, số lượng thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trên thế giới ước đạt 6,4 tỷ vào năm 2021. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Internet World Stats, tỷ lệ truy cập internet trên toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó, ở một số khu vực chính như châu Á đạt 63,8% vào tháng 3 năm 2021, châu Âu là 88,2%, châu Phi là 43,2% và Bắc Mỹ là 93,9% (The Insight Partners, 2022).

Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng và giá nhiên liệu tăng cao cũng là các yếu tố góp phần thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ gọi xe trực tuyến. Theo Báo cáo thống kê lần thứ 44 của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC) về sự phát triển Internet tại Trung Quốc, lượng đặt xe taxi trực tuyến ở Trung Quốc đạt 337 triệu lượt vào tháng 6 năm 2019, tăng 6,7 triệu so với cuối năm 2018 và chiếm 39,4% trong tổng số người dùng Internet. Sự gia tăng nhanh chóng của dịch vụ gọi xe trực tuyến chắc chắn sẽ có tác động lớn hơn đến giao thông đô thị (The Insight Partners, 2022).

Trong số các khu vực trên thế giới, châu Á-Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất trong lĩnh vực gọi xe trên toàn cầu, khi chiếm hơn 43,8% thị phần vào năm 2020. Do có 60% dân số thế giới sinh sống tại khu vực này nên thị trường gọi xe tại châu Á-Thái Bình Dương có quy mô lớn và đang phát triển với tốc độ cao (Mordor Intelligence, 2022).

Năm quốc gia có doanh thu trên thị trường gọi xe và taxi lớn nhất thế giới bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Vương quốc Anh và Indonesia (Statista, 2022).

Thị trường gọi xe trực tuyến trên thế giới có sự thống lĩnh của 05 nền tảng lớn nhất, gồm Uber Technologies, Inc. (Uber); Didi Chuxing Technology Co. (Didi Chuxing); Lyft, Inc. (Lyft); Grab Holdings Inc. (Grab) và Daimler AG (Daimler), trong đó, UBER và Lyft có thị phần nổi bật ở khu vực Bắc Mỹ, còn tại Trung Quốc, Didi Chuxing lại đóng góp thị phần cao. Về tổng thể, Didi Chuxing, Uber, Lyft và Grab có thị phần nổi bật trên toàn cầu (Mordor Intelligence, 2022).

Kể từ khi thành lập vào năm 2010 với tên gọi UberCab tại San Francisco, Uber đã trở thành nền tảng gọi xe nổi tiếng nhất trên toàn cầu, hiện đã có mặt tại hơn 8.600 thành phố và thị trấn trên toàn thế giới. Năm 2021, Uber đã hoàn thành tổng số hơn 90,4 tỷ đơn đặt dịch vụ (bookings) trên nền tảng, trong đó, có 6.368 triệu cuốc xe. Doanh thu của Uber năm 2021 đạt gần 17,5 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng 93% so với năm trước (Uber Technologies, Inc., 2022).

Hiện nay, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Các nền tảng gọi xe phổ biến trên thế giới như Uber, Didi Chuxing, Grab và Lyft vẫn tiếp tục tinh chỉnh mô hình kinh doanh của mình nhằm đáp ứng với các quy định mới (Lee, 2017). Thông thường, các quy định mới này có sự khác nhau giữa các quốc gia. Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản, dịch vụ đi xe chung bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, các cơ quan quản lý nhà nước đã chấp nhận các thị trường gọi xe trực tuyến nhưng dần dần tăng cường các quy định nhằm giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường này. Phản hồi đa dạng như vậy ở nhiều quốc gia cho thấy rõ ràng các cơ quan quản lý vẫn đang cố gắng tìm hiểu về thị trường gọi xe trực tuyến.  

b. Tại Việt Nam

Tại Việt Nam, người dân bắt đầu làm quen với dịch vụ gọi xe trực tuyến từ năm 2014 cùng với sự gia nhập của hai nền tảng nước ngoài, gồm Uber và Grab. Khi đó, việc đặt xe trực tuyến thông qua các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động còn khá mới mẻ, thậm chí, được gọi nôm na với những cái tên như “xe taxi công nghệ”, “xe ôm công nghệ”. 

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm. Nếu năm 2015, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam mới chỉ đạt 200 triệu đô la Mỹ, thì năm 2021, theo thống kê của Statista, quy mô thị trường này đã đạt khoảng 2,4 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Sở dĩ nền tảng gọi xe trực tuyến ngày càng được ưa chuộng hơn so với dịch vụ taxi truyền thống, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là bởi tính thuận tiện khi dễ dàng gọi xe thông qua ứng dụng, hưởng nhiều ưu đãi, biết được mức phí trước khi thực hiện chuyến đi… Sự tăng trưởng của nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được thúc đẩy nhờ sự phát triển kinh tế và tốc độ số hóa nhanh chóng.

Tương tự như nhiều thị trường ở khu vực Đông Nam Á, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam được thống trị bởi một số nền tảng đến từ châu Á. Sau khi Uber rời khỏi khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Grab – một “siêu ứng dụng” có trụ sở tại Singapore đã tiếp quản hoạt động kinh doanh của Uber và trở thành nền tảng đặt xe hàng đầu tại Việt Nam, chiếm hơn 70% thị phần. Bên cạnh Grab, nền tảng Gojek của Indonesia (tiền thân là GoViet) và Be (của Tập đoàn Be, một doanh nghiệp của Việt Nam) gần như chiếm phần còn lại của thị trường gọi xe trực tuyến. Trong khi Grab và be Group đã cung cấp cả tùy chọn đặt xe ô tô và đặt xe mô tô, thì Gojek chỉ gần đây (tháng 11 năm 2021) mới bắt đầu giới thiệu dịch vụ đặt xe ô tô trong danh mục dịch vụ của mình. Ngoài việc cung cấp dịch vụ đặt xe ô tô dưới 9 chỗ và xe máy, các nền tảng này còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và giao đồ ăn, chẳng hạn như GrabExpress, GrabFood của Grab và GoSend, GoFood của Gojek. Ngoài ra, Grab và Be cũng đã hợp tác với các công ty công nghệ và ngân hàng để cung cấp các tùy chọn thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử cho các người dùng trên nền tảng của mình (Statista, 2021).

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến ngành vận tải toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai vào tháng 7 năm 2020, ý định chi tiêu cho phương tiện đi lại của người tiêu dùng trong nước đã giảm dần so với mức trước đại dịch. Điển hình, số lượng chuyến xe Grab tại Việt Nam đã giảm khoảng 80% trong nửa đầu năm 2020 so với con số của năm trước (Statista, 2021). Mặc dù vậy, các dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam sẽ phục hồi trong tương lai nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu đi lại gia tăng sau đại dịch.

          2. Bản chất và đặc điểm của nền tảng gọi xe trực tuyến

a. Bản chất của nền tảng gọi xe trực tuyến

Có thể một số thuật ngữ có liên quan đến dịch vụ gọi xe trực tuyến khiến chúng ta có thể nhầm lẫn, chẳng hạn như dịch vụ gọi xe (ride-hailing); đi chung xe (ridesharing); cho thuê xe ô tô (car rental/car pooling); gọi xe trực tuyến (e-hailing)… Các ứng dụng như Uber, Lyft, Grab được nhiều người gọi là ứng dụng “đi chung xe” hoặc ứng dụng “gọi xe” và sử dụng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau. Tuy nhiên, “đi chung xe” và “gọi xe” có sự khác biệt nhau, cụ thể:

“Đi chung xe” được hiểu là việc nhiều người cùng đi đến nơi họ muốn đến bằng cách dùng chung một phương tiện, chẳng hạn như ô tô hoặc xe bán tải đang di chuyển cùng hướng với họ. Phương tiện này thực hiện nhiều điểm dừng đón trả khách trên một tuyến đường, do đó, giúp làm giảm số lượng xe di chuyển trên đường (Remix.com, n.d.).

Đi chung xe là một hình thức chia sẻ chuyến đi, nhưng không giống như chia sẻ xe ô tô (car-sharing). Chia sẻ ô tô cho phép nhiều tài xế cùng chia sẻ, sử dụng một chiếc ô tô và thường phải trả phí. Trong khi đó, đi chung xe cho phép người lái xe chia sẻ một chuyến đi chứ không phải là phương tiện vận chuyển.

Các nền tảng gọi xe lớn cũng cung cấp cả các dịch vụ đi chung xe, chẳng hạn như dịch vụ UberPool của Uber và Lyft Shared của Lyft. Điều này cho phép nhiều hành khách đi cùng hướng yêu cầu đi xe và chia sẻ cùng một tài xế đến (các) điểm đến tương ứng của họ. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ bền vững với môi trường (Remix.com, n.d.).

 “Gọi xe” là khi một người đi xe đặt xe hoặc thuê một tài xế riêng để đưa họ đến một địa điểm chính xác mà họ muốn đến. Phần lớn các trường hợp “gọi xe”, phương tiện di chuyển không được chia sẻ với bất kỳ người đi xe nào khác, cũng không dừng tại nhiều điểm trên một tuyến đường (Ecolane, 2018).

Trước đây, đây từng là dịch vụ taxi. Giờ đây, có rất nhiều nền tảng gọi xe trực tuyến chẳng hạn như Grab, Be và Gojek sẵn có để gọi xe từ mọi nơi thông qua các thiết bị điện tử.

Mặc dù “gọi xe” có vẻ tương tự như “đi chung xe”, nhưng thực tế, nhiều người sử dụng dịch vụ gọi xe không phải là người đi chung xe. Các tài xế được thuê không đi cùng chiều với hành khách của họ mà thường xuyên đi nhiều tuyến để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Các tài xế không phải lúc nào cũng đón nhiều hành khách di chuyển trên cùng một tuyến đường (Remix.com, n.d.).

Trên thực tế, một số hành khách của Uber và Lyft có thể chia sẻ chuyến đi với những người khác (tương tự như cách hành khách taxi đi cùng nhau và chia tiền), nhưng hầu hết các chuyến đi thông qua các nền tảng này chỉ liên quan đến một tài xế và hành khách duy nhất (Remix.com, n.d.).

Tại Việt Nam, các ứng dụng phổ biến như Grab, Be và Gojek hầu hết kết nối hành khách với lái xe ô tô, xe máy riêng thông qua các dịch vụ GrabCar, GrabBike; beCar, beBike; GoCar Protect; GoRide, mà chưa có các dịch vụ đi chung xe như UberPool hay LyftShared.

Về bản chất, “nền tảng gọi xe trực tuyến” là nền tảng dựa trên ứng dụng hoặc trực tuyến, cho phép người dùng thuê tài xế cá nhân. Các nền tảng này kết nối những tài xế cá nhân với những người dùng nền tảng có nhu cầu đi xe. Ngoài ra, các nền tảng này cũng có thể cung cấp công cụ định giá, nền tảng phù hợp và hệ thống đánh giá, xếp hạng (Carrental Gateway, 2022).

Nền tảng gọi xe trực tuyến gồm ba cấu phần:

(1) Ứng dụng cho lái xe (dành cho người lái xe để cung cấp dịch vụ và giao tiếp với khách hàng của họ);

(2) Ứng dụng cho người đi xe (để người đi xe đặt, theo dõi hành trình của họ và lựa chọn loại phương tiện) và

(3) Hệ thống điều phối (một hệ thống kết nối lái xe và người đi xe thông qua điện thoại di động của họ).

Mô hình kinh doanh của các nền tảng gọi xe trực tuyến có thể hỗ trợ cả phương tiện cho thuê tư nhân và tài xế cũng như các xe taxi đã được cấp phép. Dịch vụ có thể là theo yêu cầu (sẵn có và ngay lập tức) hoặc được sắp xếp trước (đặt trước).

Các nền tảng gọi xe trực tuyến chủ yếu dựa trên một trong hai mô hình kinh doanh sau đây hoặc kết hợp cả hai mô hình đó, cụ thể:

  • Mô hình thứ nhất bao gồm nền tảng gọi xe tư nhân, theo đó, các doanh nghiệp mạng lưới vận tải (viết tắt là TNCs) làm việc với các tài xế tư nhân sử dụng phương tiện phi thương mại của chính họ.
  • Mô hình thứ hai bao gồm nền tảng gọi xe taxi, theo đó, các nhà khai thác nền tảng ký hợp đồng với các doanh nghiệp taxi đã được cấp phép và tài xế taxi để cung cấp đội xe của riêng họ.

Trong những năm gần đây, một mô hình kinh doanh thứ ba đã xuất hiện – một mô hình kết hợp cả hai mô hình trên, có nghĩa là vừa kết nối tài xế tư nhân, vừa kết nối các doanh nghiệp taxi với người có nhu cầu đi xe. Mô hình hỗn hợp này cho phép các nền tảng gọi xe dựa trên tài xế tư nhân có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình để phù hợp với đặc thù của địa phương (Carrental Gateway, 2022). 

Quy trình gọi xe thông qua nền tảng gọi xe trực tuyến có thể được mô tả như sau:

  • Bước 1: Người đi xe sử dụng ứng dụng di động để yêu cầu cuốc xe bằng cách nhập và gửi tín hiệu đến nền tảng gọi xe trực tuyến (Grab/Uber) có chứa các thông tin về điểm xuất phát và điểm đến của chuyến đi.
  • Bước 2: Ứng dụng di động của nền tảng ngay lập tức tính mức phí và gửi thông tin mức phí cho hành khách. Mức phí này được tính toán dựa trên cầu (số lượng yêu cầu đặt xe) và cung (số lượng tài xế) xung quanh vị trí của hành khách.

  • Bước 3: Hành khách có quyền lựa chọn chấp nhận hoặc từ chối mức phí đó. Nếu hành khách chấp nhận mức phí được đề xuất, quyết định này sẽ được chuyển đến nền tảng.
  • Bước 4: Tập hợp thông tin về chuyến đi và mức phí đề xuất được chấp nhận sau đó sẽ được truyền đến tài xế gần nhất (cũng được xác định và tính toán theo thuật toán).
  • Bước 5: Tài xế có quyền lựa chọn chấp nhận hoặc từ chối chuyến đi và mức phí được đề xuất. Nếu tài xế chấp nhận cuốc xe đó, thì tài xế sẽ nhận được hướng dẫn về cách tiếp cận và đón hành khách. Nếu tài xế này từ chối cuốc xe, nền tảng sẽ gửi thông tin cuốc xe đó cho một người tài xế khác. Quá trình này sẽ lặp lại một số lần nhất định. Nếu không có tài xế nào chấp nhận, hành khách sẽ được thông báo rằng không tìm được tài xế và nên đợi hoặc đặt chỗ lại.
  • Bước 6: Giao dịch kết thúc khi tài xế chở hành khách đến điểm đến theo yêu cầu. Cả hành khách và tài xế đều có cơ hội đánh giá chất lượng trải nghiệm của họ (Lee, 2017).

b. Đặc điểm của nền tảng gọi xe trực tuyến

– Định giá động dựa trên các yếu tố cung, cầu

Một đặc điểm quan trọng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe trực tuyến đó là việc mức phí gọi xe được định giá “động” bằng cách sử dụng thuật toán “tăng phí” để giảm khoảng cách giữa cung và cầu. Thuật toán này được các nhà tư vấn và nghiên cứu của Uber mô tả là thuật toán “ấn định một hệ số đơn giản nhân với mức phí tiêu chuẩn để tính ra mức phí được điều chỉnh tăng” (Hall, 2015).

Thuật toán “tăng phí” được kích hoạt khi có một lượng lớn nhu cầu gọi xe so với nguồn cung (số lượng tài xế có sẵn quanh một địa điểm). Cơ sở để áp dụng thuật toán “tăng phí” dựa trên hai luận điểm.

Thứ nhất, về phía cầu, khi nhu cầu quá lớn, mức phí cao hơn sẽ đảm bảo rằng chỉ những hành khách sẵn sàng chi trả cao hơn cho một cuốc xe mới có thể đặt được cuốc xe đó. Điều này dẫn đến phân bổ hợp lý các nguồn lực để nguồn lực đó được sử dụng có giá trị cao nhất.

Thứ hai, mức phí cao hơn sẽ thu hút nhiều tài xế (i) bắt đầu lái xe (xu hướng) và (ii) lái xe đến địa điểm có nhu cầu cao (cường độ). Kết quả là nguồn cung tài xế ở những địa điểm có nhu cầu cao ngày càng tăng. Các phản ứng của cung và cầu đối với việc tăng giá như vậy sẽ có tác dụng làm giảm khoảng cách giữa cung và cầu (Lee, 2017).   

Hệ số tăng giá khi cầu tăng đột biến được báo cáo là vượt quá hai lần (2x) và thậm chí đạt mức 9,9x trong một số trường hợp. Thuật toán điều chỉnh tăng giá có thể được nền tảng gọi xe trực tuyến tạm dừng áp dụng trong các trường hợp khi việc áp dụng chúng có thể gây ra phản hồi tiêu cực từ công chúng, chẳng hạn như trong các trường hợp tấn công khủng bộ hoặc sự cố tàu điện ngầm/phương tiện công cộng. Gần đây hơn, Uber đã thiết kế lại các ứng dụng của mình bằng cách loại bỏ hiển thị hệ số nhân (điều này đã gây khó chịu cho hành khách). Thay vào đó, giá cước được ước tính và hiển thị ngay trên màn hình (mặc dù giá cước này vẫn được tính toán dựa trên thuật toán điều chỉnh tăng giá đột biến) (Lee, 2017).

– Tính chất hai mặt của nền tảng gọi xe trực tuyến

Một đặc điểm quan trọng khác của nền tảng gọi xe trực tuyến là tính chất hai mặt của nó, khi một bên là hành khách (người mua) và một bên là tài xế (người bán). Nền tảng chia sẻ xe là một nền tảng hai mặt, trong đó hiệu ứng mạng lưới ở cả hai mặt đều quan trọng. Đối với hành khách, lượng xe sẵn có nhiều hơn tại một nền tảng nhất định sẽ thu hút họ sử dụng nền tảng do giá thấp hơn (chênh lệch cầu vượt mức nhỏ hơn) và thời gian chờ ngắn hơn. Tương tự, khi số lượng hành khách đã đăng ký một nền tảng nhất định càng lớn thì nền tảng đó sẽ càng hấp dẫn đối với người lái xe do xác suất đón được khách lớn hơn (thời gian nhàn rỗi thấp hơn) (Lee, 2017).

– Tính chất kết nối đa chủ ở cả hai mặt của nền tảng gọi xe trực tuyến

Nền tảng gọi xe trực tuyến là một nền tảng hai mặt với sự “kết nối đa chủ” (multi-homing) ở cả hai phía cung và cầu. Về phía cầu, hành khách có thể tải xuống nhiều ứng dụng gọi xe (ví dụ: Grab và Uber) và sử dụng chúng để so sánh giá (chênh lệch giá) và tình trạng sẵn có của dịch vụ được cung cấp. Tương tự, về phía cung, người lái xe có thể đăng ký nhiều nền tảng, lựa chọn nền tảng nào sẽ sử dụng tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau như phần thưởng về tài chính cũng như độ rộng của mạng lưới (xác suất đón khách) (Lee, 2017).

Để thích ứng với đặc điểm này, các nền tảng gọi xe trực tuyến đã triển khai các chương trình một cách có chiến lược nhằm tăng chi phí của hành khách và lái xe trong việc chuyển đổi từ nền tảng này sang nền tảng khác. Đối với hành khách, nền tảng áp dụng các mức phí khuyến mãi và chương trình khách hàng thân thiết (điểm tích lũy có thể đổi để đặt các cuốc xe miễn phí). Gần đây hơn, sự ra đời của các chương trình trả trước (nạp tiền vào thẻ tín dụng/ví điện tử thường có cơ hội nhận được một số chuyến đi miễn phí nhất định) có khả năng khuyến khích người dùng trung thành, gắn bó với một nền tảng bởi vì người tiêu dùng đã sẵn sàng trả tiền trước cho các chuyến đi trên nền tảng. Đối với lái xe, các chương trình ưu đãi dựa trên số lượng hành khách được phục vụ (chuyến đi) trong một khoảng thời gian nhất định (giờ cao điểm trong các ngày trong tuần và/hoặc cuối tuần) khiến tài xế không muốn sử dụng nhiều nền tảng vì có thể dẫn đến rủi ro không đạt được mục tiêu trong các chương trình ưu đãi này.

Nền tảng gọi xe trực tuyến, một thành tựu đột phá được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với những ưu điểm không thể phủ nhận đã làm thay đổi diện mạo ngành kinh doanh vận tải, đồng thời, tạo nên sức ép lớn với dịch vụ taxi truyền thống. Sự du nhập của các “kỳ lân” Đông Nam Á như Grab hay Gojek vào Việt Nam đã làm bộc lộ những hạn chế bấy lâu nay của taxi truyền thống. Hụt hơi trong cuộc đua “đốt tiền”, sự nhỏ lẻ, phân tán trong hoạt động kinh doanh đã khiến cho nhiều ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường phải nhanh chóng rút lui hoặc chỉ cầm cự mà không thể chiếm lĩnh được thị trường.

Với quy mô doanh thu đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Singapore cùng tiềm năng, dư địa phát triển lớn nhờ dân số đông và tỷ lệ truy cập Internet cao, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển sôi động, có sự cạnh tranh “khốc liệt” về tài chính, chất lượng dịch vụ và chiến lược mở rộng hệ sinh thái số giữa các nền tảng lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, với những đặc thù riêng như tính chất hai mặt của nền tảng; định giá động theo yếu tố cung, cầu; tính chất kết nối đa chủ ở cả hai mặt của nền tảng cùng với cấu trúc thị trường có mức độ tập trung cao, khi trên 99% thị phần thuộc về 03 doanh nghiệp dẫn đầu, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đặt ra những quan ngại và thách thức lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề thực thi pháp luật cạnh tranh.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ