BVNTD

Khuân khổ pháp lý của hoạt động bán lẻ trực tuyến (phần 1)

23/05/2024

Theo nghĩa hẹp, bán lẻ trực tuyến là việc mua bán hàng hoá và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông, đặc biệt là máy tính và Internet.

Theo nghĩa rộng bán lẻ trực tuyến là một hình thức phổ biến của hoạt động thương mại điện tử và được định nghĩa là “việc làm kinh doanh thông qua mạng internet, bán những hàng hoá và dịch vụ có thể được phân phối không thông qua mạng hoặc những hàng hoá có thể mã hoá bằng kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng hoặc không thông qua mạng”[1] (theo OECD).

Bán lẻ trực tuyến là một cấu phần, một phương thức phổ biến của thương mại điện tử cho phép khách hàng trực tiếp mua hàng hoá, hoặc dịch vụ từ người bán qua Internet sử dụng các thiết bị khác nhau gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Các nền tảng bán lẻ trực tuyến cho phép khách hàng, người mua sắm thông qua truy cập Internet và lựa chọn phương thức thanh toán hợp lệ để hoàn tất giao dịch như thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng hoá, dịch vụ, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc các ví điện tử.

Tại Việt Nam, khái niệm “bán lẻ trực tuyến” không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật mà được hiểu là một hình thức của hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử quy định:

 “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.

Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.”

“Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.”

Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử quy định:

“Dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.”

Có thể nói, bán lẻ trực tuyến có thể mở rộng và hiểu là các giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ thông qua Internet, tuy nhiên Báo cáo nghiên cứu chỉ giới hạn tập trung vào việc phân tích cạnh tranh của hoạt động bán lẻ trực tuyến chính thống hình thức B2C khi các doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua hàng trực tuyến trên các thiết bị di động, điện thoại thông minh thông minh để cung cấp bán lẻ trực tuyến cho khách hàng, không bao gồm các nền tảng bán lẻ trực tuyến thông qua mạng xã hội tương tự như Facebook Marketplace hay Zalo Shop.

1. Kế hoạch tổng thể phát triền trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến

Trong những năm gần đây, với xu thế phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử (trong đó bao gồm bán lẻ trực tuyến hay bán lẻ thông qua các nền tảng thương mại điện tử), các chính sách vĩ mô và quản lý chuyên ngành đã kịp thời ban hành để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một sốchủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 15 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.Các mục tiêu cần đạt được trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 như sau:

Với các mục tiêu phát triển chung đối với thương mại điện tử, lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến cũng sẽ được tạo điều kiện có khuôn khổ chính sách phát triển thuận lợi. Từ đó, các quy định và chính sách pháp luật sẽ được xây dựng và phát triển theo hướng đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử, trong đó có bán lẻ thông qua thương mại điện tử. Kế hoạch tổng thể trong lĩnh vực thương mại điện tử trong đề ra 06 giải pháp quan trọng như sau:

  • Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh CMCN 4.0.
  • Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.
  • Các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
  •  Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử.
  • Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương.
  • Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 749/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2023 trong đó nhấn mạnh thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả, mục tiêu tới năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP. Ngày 31 tháng 3 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rõ ràng, việc ban hành các chính sách, văn bản quản lý chuyên ngành đã tạo ra môi trường vĩ mô thuận lợi hơn cho sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử nói chung, hoạt động bán lẻ trên nền tảng trực tuyến tại Việt Nam.

2. Pháp luật điều chỉnh hoạt động bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam

Hiện nay, các quy định về hoạt động bán lẻ trực tuyến được điều chỉnh chung bởi nền tảng pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam mà chưa có những quy định, văn bản quy phạm pháp luật riêng rẽ đối với hoạt động nền tảng bán lẻ trực tuyến. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định định pháp luật chung như đầu tư kinh doanh, thương mại, thuế, dân sự, các hoạt động và chủ thể tham gia trong lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “hình thức giao dịch dân sự” tại Điều 119 theo đó “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.

Luật Thương mại 2005 cung cấp cơ sở pháp lý quan trọng đối với các hoạt động thương mại, bao gồm thương mại điện tử. Cụ thể, Điều 15 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại như sau: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”. Ngoài ra, việc “trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ trên Internet” cũng được coi là một hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ theo quy định tại Điều 120 của Luật này.

Luật Giao dịch điện tử 2005 được thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2006. Phạm vi điều chỉnh của luật khá rộng, gồm giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mạicác lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Theo Luật Đầu tư 2020, bán lẻ trực tuyến là một hình thức hoạt động thương mại điện tử thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 7 “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận; c) Chứng chỉ; d) Văn bản xác nhận, chấp thuận; đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.”

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định[2] 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có thương mại điện tử và được hiểu là bao gồm các nền tảng bán lẻ trực tuyến); trong đó Mục 2 Chương II Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:

– Tỷ lệ sở hữu vốn  điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

– Hình thức đầu tư;

– Phạm vi hoạt động đầu tư;

– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

– Điều kiện khác theo quy định tại Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trong hoạt động thương mại điện tử nói chung, lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến nói riêng, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP là các văn bản pháp luật quan trọng, trực tiếp điều chỉnh, quản lý các hoạt động thương mại điện tử trên thị trường.

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP điều chỉnh đối với việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Nghị định này áp dụng đối với áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: (a) Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; (b) Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; (c) Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam. Đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại điện tử với chủ thể Việt Nam, tại Nghị định này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý của từng thời kỳ để hướng dẫn các biện pháp quản lý. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP bổ sung điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP “c) Thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử quy định tại Mục 5 Chương IV Nghị định này tại Việt Nam.”

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định một số khái niệm cơ bản và quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử, làm cơ sở để tham chiếu khi áp dụng các pháp luật khác có liên quan, trong đó có pháp luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng phân định rõ ràng về các chủ thể tham gia hoạt động thương mại, các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Những quy định này có thể được áp dụng làm căn cứ để xác định chủ thể trong một vụ việc cạnh tranh, loại hành vi phản cạnh tranh (theo chiều ngang hay theo chiều dọc); giúp phân định ranh giới của thị trường liên quan.

Một số khái niệm cơ bản được quy định trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử và được hiểu bao gồm cả nền tảng bán lẻ trực tuyến như sau:

Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại là hợp đồng, đề nghị, thông báo, xác nhận hoặc các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu do các bên đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện hợp đồng.

Chứng từ điện tử trong Nghị định này không bao gồm hối phiếu, lệnh phiếu, vận đơn, hóa đơn gửi hàng, phiếu xuất nhập kho hay bất cứ chứng từ có thể chuyển nhượng nào cho phép bên nắm giữ chứng từ hoặc bên thụ hưởng được quyền nhận hàng hóa, dịch vụ hoặc được trả một khoản tiền”.

Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.

Website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

Dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm các thương nhân, tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.

Về chủ thể của hoạt động thương mại điện tử (bao gồm chủ thể tham gia hoạt động bán lẻ trực tuyến), Điều 24 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định gồm 06 đối tượng như sau:

(1) Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).

(2) Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

(3) Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).

(4) Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng).

(5) Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử.

(6) Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

Về hình thức tổ chức của hoạt động thương mại điện tử (bao gồm hình thức tham gia hoạt động bán lẻ trực tuyến), Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP quy định gồm 03 hình thức chính:

  1. Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
  2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử.
  3. Các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ.

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định về các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử (trong đó có hoạt động bán lẻ trực tuyến); trong đó 03 nguyên tắc được quy định hướng đến việc đảm bảo cạnh tranh, quyền và lợi ích người tiêu dùng mà các chủ thể tham gia hoạt động bán lẻ trực tuyến cần chú ý: Thứ nhất, nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch. Thứ hai, nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử: a) Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng; b) Khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là người tiêu dùng dịch vụ thương mại điện tử và là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người bán trên website này cung cấp; c) Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ ba, nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử. Hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.

Tại Thông tư số 59/2015/TT-BCT[1] quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, một số khái niệm được quy định như sau:

Ứng dụng di động là ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, bao gồm ứng dụng bán hàng và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Ứng dụng bán hàng là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

Ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng đấu giá trực tuyến và ứng dụng khuyến mại trực tuyến.

Ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử là ứng dụng di động cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Ứng dụng khuyến mại trực tuyến là ứng dụng di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại.

Ứng dụng đấu giá trực tuyến là ứng dụng di động cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

Chức năng đặt hàng trực tuyến là chức năng của ứng dụng di động cho phép khách hàng khởi đầu quá trình giao kết hợp đồng theo những điều khoản được công bố trên ứng dụng đó, bao gồm cả việc giao kết hợp đồng với hệ thống thông tin tự động.

Trong đó, Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP[2]quy định chi tiết hơn về các hình thức hoạt động “sàn giao dịch thương mại điện tử” như sau:

a) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

b) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

c) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; và

d) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực thương mại điện tử nói chung, bao gồm cả lĩnh vực nền tảng trực tuyến bán lẻ, ngày 18 tháng 01 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thưong mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động. Theo đó, các văn bản đã quy định khá đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng bán hàng, cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thương mại điện tử (bao gồm bán lẻ trực tuyến) qua các ứng dụng thiết bị di động.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, bán buôn hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Mục 10 (từ Điều 62 đến Điều 66) quy định về hành vi vi phạm về thương mạiđiện tử. Mức xử phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng và cao nhất là 40.000.000 đồng đối với cá nhân, mức xử phạt gấp hai lầm đối với tổ chức vi phạm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 có một số quy định nhằm đảm bảo trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng trong trường hợp các bên có giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử, được hiểu là bao gồm cả hoạt động bán lẻ trực tuyến. Khoản 3 Điều 14 quy định “3. Trường hợp giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải tạo điều kiện để người tiêu dùng xem xét toàn bộ hợp đồng trước khi giao kết.” Khoản 2 Điều 20 quy định Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch “2. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.” Tuy nhiên, những quy định này chưa trực tiếp điều chỉnh các hoạt động bán lẻ thông qua các nền tảng bán lẻ trực tuyến trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế và những bất cập của pháp luật hiện tại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung. Trong bối cảnh phát triển hệ thống Internet và người tiêu dùng gia tăng sử dụng hoạt động bán lẻ trực tuyến, việc mua bán, hàng hóa dịch vụ thông qua các nền tảng bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh chóng. Điều này mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng kèm theo đó là sự rủi ro trong các giao dịch mua hàng trực tuyến mà người tiêu dùng gặp phải. Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Công Thương, các yêu cầu, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực nền tảng bán lẻ trực tuyến phổ biến gồm bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hoá nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại hoặc không giải quyết khiếu nại kịp thời…

Theo đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định cụ thể hơn về “nền tảng số, nền tảng số trung gian, nền tảng trực tuyến” và “các hành vi bị cấm riêng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng trực tuyến”. Dự thảo Luật quy định “Nền tảng số trung gian là nền tảng số cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng tương tác để thực hiện một phần hoặc toàn bộ quy trình giao dịch đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.” Ngoài các quy định bị cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh nói chung, Dự thảo Luật còn đưa ra những hành vi cấm cụ thể khác đối với nền tảng trung gian trực tuyến như: “Ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký, sử dụng nền tảng trung gian trực tuyến khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; Hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm, hàng hóa bất hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng; Sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng; Sử dụng các biện pháp để ngăn cản đăng ký, hoạt động, đánh giá, hiển thị phản hồi của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng; Ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.

Có thể nói, giao dịch bán lẻ trực tuyến tạo ra rất nhiều lợi thế cho người bán hàng/ doanh nghiệp, hay nói cách khác, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến có vị trí tương đối thuận lợi so với người mua trực tuyến. Cụ thể là doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến là những người trực tiếp tiếp cận với sản phẩm, do đó họ có kiến ​​thức và thông tin tốt hơn về hàng hóa và dịch vụ mà họ đang cung cấp, trong khi người mua/ khách hàng mua trực tuyến là những người có khả năng tiếp cận sản phẩm hạn chế về mặt thông tin, chất lượng, v.v. Các quy định trong Dự thảo Luật sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi tham gia vào các hoạt động mua bán, hàng hóa trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam; hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hoạt động bán lẻ trên nền tảng trực tuyến; góp một phần gia tăng cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả hơn giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, các hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trên nền tảng trực tuyến còn có thể được điều chỉnh bởi các văn bản khác như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Bộ luật Hình sự năm 2017; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật Viễn thông năm 2009; Luật Quảng cáo năm 2012; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Cạnh tranh năm 2018 và các văn bản khác có liên quan.

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ