BVNTD

Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh năm 2023

Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được Quốc hội ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2004 (Luật Cạnh tranh 2004) đã đặt nền móng đầu tiên cho pháp luật cạnh tranh của Việt Nam, tạo khung khổ pháp lý cơ bản, đáp ứng các yêu cầu cần thiết để Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau hơn 12 năm thực thi, Luật Cạnh tranh 2004 đã được rà soát, hoàn thiện và được thay thế bởi Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 (Luật Cạnh tranh 2018) trên cơ sở phù hợp với thực tiễn kinh doanh, cạnh tranh của doanh nghiệp và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Luật Cạnh tranh 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó bao gồm cả các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Việc thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh nói chung và kiểm soát chặt chẽ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo lập, duy trì, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, từ đó, giúp hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phân bổ có hiệu quả các nguồn lực; tháo gỡ, loại bỏ các rào cản, chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phù hợp với quan điểm chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

 I. Cơ sở lý luận về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh

1.1 Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Khái niệm “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” được quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018. Theo đó, “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác”.

Như vậy, cạnh tranh không lành mạnh được hiểu là việc doanh nghiệp không tuân thủ nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

1.2. Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Thứ nhất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các chủ thể kinh doanh trên thị trường thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận.

Thứ hai, bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại, thông lệ tốt và các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” là thuật ngữ mang tính trừu tượng và khó xác định. Không có những căn cứ pháp lý hoặc cấu thành pháp lý cụ thể để xác định đặc điểm này. Thế nên, cơ quan có thẩm quyền không thể sử dụng khái niệm hành vi không lành mạnh để quy kết một hành vi cụ thể của doanh nghiệp là không lành mạnh

 Thứ ba, hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác.

1.3. Phân loại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Phụ thuộc vào từng tiêu chí và từng mục đích, có thể có nhiều cách để phân loại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Xét một cách khái quát, có thể chia các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thành ba nhóm đó là:

+ Các hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác

Đây là nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, thường được thực hiện dưới các cách thức như: Gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, lợi dụng thành quả đầu tư của người khác, giá trị doanh nghiệp khác đạt được, xâm phạm bí mật kinh doanh để sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác,.. Phương pháp để xác định được hành vi gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa là đặt ra sự so sánh giữa các dấu hiệu để nhận biết hàng hóa của doanh nghiệp đang sử dụng bị coi là đã có hành vi sử dụng những thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng. 

+ Các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở

Nhóm hành vi này có bản chất chung là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh thông qua các hoạt động như lôi kéo, mua chuộc nhân viên của đối thủ, đưa thông tin sai trái làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh, và nhiều các thủ đoạn khác. Các hành vi này được thực hiện dưới rất nhiều cách thức đa dạng. Những hành vi này không điển hình và đôi khi khó phát hiện hơn nhóm hành vi trên nhưng các bên liên quan có thể sử dụng các quy định trực tiếp về gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự hoặc cả hình sự để giải quyết tranh chấp một cách triệt để, thay vì áp dụng riêng quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam, các hành vi được coi là các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở doanh nghiệp khác gồm: hành vi ép buộc trong kinh doanh, hành vi gièm pha doanh nghiệp khác, hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

+ Các hành vi lừa dối, lôi kéo bất chính khách hàng

Bản chất của hành vi này là tạo ra lợi thế cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng đặc biệt là người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay có các hành vi kinh doanh bất chính đã và đang phổ biến như quảng cáo lừa dối, khuyến mại nhử mồi, chào hàng quấy rối hay ép buộc.Dưới góc độ cạnh tranh, lôi kéo khách hàng là cách thức doanh nghiệp thực hiện nhằm vào khách hàng, người tiêu dùng bằng cách đưa ra lý do để khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình, tin tưởng những thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình, từ đó tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến thái độ và quyết định mua của khách hàng, người tiêu dùng. Tuy nhiên, để lôi kéo khách hàng, các chủ thể kinh doanh sẵn sàng thực hiện các hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh dẫn đến gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích doanh nghiệp khác.

Những dạng hành vi này khiến cho thị trường trở nên không minh bạch, tạo nên sự sai lệch về giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường dẫn đến kết quả là môi trường kinh doanh chung sẽ bị ảnh hưởng. 

II. Quy định hiện hành về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh

2.1. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm:

– Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

+ Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

+ Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

– Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

– Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

– Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.

– Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:

+ Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

+ So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

– Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.

2.2. Chế tài xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về cạnh tranh như sau:

– Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

– Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

+ Cảnh cáo;

+ Phạt tiền.

– Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

+ Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

– Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

+ Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền;

+ Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;

+ Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;

+ Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;

+ Cải chính công khai;

+ Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm.

– Chính phủ quy định chi tiết các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Riêng đối với hình thức phạt tiền thì khoản 3 Điều 111 Luật Cạnh tranh 2018 quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức và tối đa với cá nhân là 1.000.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 111 Luật Cạnh tranh 2018.

Ngày 26 tháng 9 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, mức phạt tiền hành chính tối đa đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định cụ thể từ Điều 16 đến Điều 21 của Nghị định này như được tổng hợp trong Biểu 1 dưới đây.

Biểu 1. Mức phạt hành chính đối với vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh

Nhóm hành vi

Hành vi cụ thể

Mức phạt tiền

Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh

– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

(Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng) 

Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.

(Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng)

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

Gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

(Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng)

Trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

(Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng)

Lôi kéo khách hàng bất chính

– Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

– So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

(Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng)

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

(Nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì phạt tiền từ 1.600.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng)

 

 

 

2.3. Trình tự, thủ tục điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

Trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Mục 4, Chương VIII của Luật Cạnh tranh 2018, theo đó, gồm các bước như Hình 1.

Hình 1. Trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh

III. Đánh giá kết quả thực thi các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh năm 2023

3.1. Công tác điều tra tiền tố tụng, phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, có 02 trường hợp mà Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh, bao gồm: (1) Việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 77 của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này; (2) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.

Biểu 2. Kết quả tiếp nhận, xem xét, xử lý đơn, thư phản ánh, khiếu nại về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh giai đoạn 2019 – 2023

Năm

Tiếp nhận

Kết quả xem xét, xử lý

2019

Tiếp tục xem xét 04 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh đã được tiến hành điều tra trong năm 2018 theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004.

Đã ban hành quyết định xử phạt đối với 04 vụ việc cạnh tranh không lành mạnh với tổng số tiền phạt là 261.25 triệu đồng.

Tiếp nhận mới 22 khiếu nại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Sau khi xem xét nội dung khiếu nại, Cục đã trả lại hồ sơ do bên khiếu nại không cung cấp được chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của bên bị khiếu nại.

2020

Đã tiếp nhận được nhiều phản ánh của các bên liên quan về các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, trong đó có 11 vụ liên quan đến các lĩnh vực: thực phẩm, sản xuất bia (liên quan đến hành vi lôi kéo khách hàng bất chính; ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác); sản xuất thiết bị điện (liên quan đến hành vi cung cấp thông tin không trung thực và gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác); môi giới bất động sản; dịch vụ làm đẹp; kinh doanh online; mỹ phẩm đều liên quan đến hành vi lôi kéo khách hàng bất chính; thức ăn chăn nuôi (liên quan đến hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác); chế tạo máy (liên quan đến hành xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh và lôi kéo khách hàng bất chính). 

Mặc dù tại thời điểm hiện tại, Cục không tiến hành được công tác điều tra, xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2018 (do Nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được ban hành), Cục vẫn tiếp nhận các phản ánh, khiếu nại của các bên liên quan liên quan đến các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh để làm rõ sự việc và đưa ra các khuyến cáo cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra trên thị trường và củng cố hồ sơ để xử lý sau khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được thành lập.

 

2021

Tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của các bên liên quan về các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

 

Đưa ra khuyến nghị liên quan đến tranh chấp liên quan đến hành vi hạn chế phân phối các ấn phẩm trên thị trường bia nhằm cảnh báo và khuyến cáo các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia cần tuân thủ nghiêm pháp luật về cạnh tranh, rà soát và loại bỏ chính sách kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ động rà soát thông tin quảng cáo một số sản phẩm trên thị trường có thông tin liên quan đến các công dụng phòng chống tác hại của virus Co-ro-na và quảng cáo một số mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng có dấu hiệu thổi phồng, nói quá về công dụng sản phẩm (tổng cộng 15 trường hợp).

Làm rõ sự việc và đưa ra các khuyến cáo cần thiết nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

 

2022

Tiếp nhận, xem xét 8 phản ánh liên quan đến dấu hiệu hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chủ động rà soát và xem xét làm rõ 06 trường hợp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh năm 2022 xảy ra trong các lĩnh vực như: quảng cáo mỹ phẩm, quảng cáo thiết bị điện tử điện lạnh, kinh doanh võng xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải du lịch và đặc biệt có cả vụ việc có tính chất xuyên biên giới, tranh chấp xảy ra trên môi trường mạng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, tổ chức làm việc với các bên liên quan, có văn bản khuyến nghị đề nghị các bên tuân thủ pháp luật về cạnh tranh đối với một số vụ việc.

 

 

2023

Đã tiếp nhận hồ sơ khiếu nại và chủ động phát hiện đối với 25 trường hợp có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu trong các lĩnh vực như sữa công thức, sữa non, hàng không, dịch vụ giáo dục, mỹ thuật, vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ…

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xem xét hồ sơ khiếu nại, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh, đồng thời, chủ động tiến hành thu thập, xác minh thông tin nhằm xác định dấu hiệu vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực sữa, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm…

3.2. Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp

Năm 2022 và 2023, Cục CT&BVNTD, sau đó là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành và tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại 04 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ô tô, xe máy theo kế hoạch kiểm tra hàng năm của Bộ Công Thương.

Kết quả kiểm tra chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của 04 đối tượng kiểm tra nêu trên.

3.3. Công tác nghiên cứu, rà soát, giám sát cạnh tranh trên thị trường

Trong năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, giám sát nhằm phát hiện hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong một số ngành, lĩnh vực kinh doanh như: sữa non, sữa công thức; bảo hiểm nhân thọ; điện máy, điện lạnh. Quá trình rà soát, giám sát đã cho thấy có một số vấn đề quan ngại liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Kết quả quá trình rà soát, giám sát cạnh tranh nêu trên được xem xét nhằm kiến nghị các lĩnh vực ưu tiên kiểm soát trong năm 2024.

IV. Đề xuất lĩnh vực ưu tiên kiểm soát trong năm 2024

1. Lĩnh vực kinh doanh sữa non và sữa dành cho trẻ em

Kết quả rà soát, giám sát cạnh tranh trên thị trường cho thấy, trong lĩnh vực kinh doanh sữa non, sữa dành cho trẻ em, có một số doanh nghiệp đã đăng tải thông điệp, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm có sử dụng các từ ngữ như “số 1 Việt Nam”; “sữa trẻ em số 1 Việt Nam”; “sữa ngủ ngon số 1 Việt Nam”; “giúp bổ sung dinh dưỡng gấp 10 lần”… mà không kèm theo các thông tin về tiêu chí so sánh, tiêu chuẩn xếp hạng, không có chú thích rõ ràng, chưa nêu rõ tài liệu hợp pháp chứng minh, có thể dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp, về sản phẩm, có khả năng có dấu hiệu của hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”, vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 của Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội (Luật Cạnh tranh).

Đây là sản phẩm thực phẩm quan trọng, liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ em, người già, người ốm yếu, bệnh nhân. Đồng thời, trong lĩnh vực này đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, có thể khá điển hình cho hoạt động kinh doanh, cạnh tranh trong lĩnh vực này.

2. Lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh

Tương tự, trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh, cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp thông qua trang tin điện tử của doanh nghiệp mình đã cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm, hàng hóa do mình cung cấp, khi giới thiệu tủ lạnh “khử mùi, diệt khuẩn 99,9%”; “nhân đôi hương vị thơm ngon, thời gian lưu trữ”, máy điều hòa “tiết kiệm 60% năng lượng so với chế độ thường”; máy lọc khí “tốp 1” về độ ồn thấp, hiệu suất lọc, tiết kiệm điện năng, “hiệu suất khử formaldehyde > 99,9%”, “hiệu suất diệt vi khuẩn > 99,9%”, công nghệ Streamer phân hủy đến 99,9% vi khuẩn, vi rút, nấm mốc và các chất gây hại”… mà không kèm chú thích hoặc thông tin về tài liệu hợp pháp chứng minh, có khả năng có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.

Các hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp xảy ra tương đối phổ biến trong hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm điện máy, điện lạnh. Do vậy, trong năm 2024 cần phải tiếp tục ưu tiên kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh.

3. Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, hiện tượng đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng khi giới thiệu về doanh nghiệp, chẳng hạn như “thương hiệu số 1 về trải nghiệm khách hàng”, “công ty bảo hiểm với danh mục loại trừ ít nhất thị trường”,mạng lưới phân phối đa dạng và rộng nhất Việt Nam”, “tập đoàn bảo hiểm số 1 tại Ý”… mà không có chú thích về tiêu chuẩn xếp hạng, nguồn tài liệu hợp pháp chứng minh, có khả năng có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.

Bảo hiểm nhân thọ có đối tượng bảo vệ cơ bản nhất là tuổi thọ, tính mạng con người, ngoài ra khách hàng có thể lựa chọn thêm các gói bổ trợ về bảo hiểm sức khỏe. Với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, đây là dòng sản phẩm rất phổ biến hiện nay trên các thị trường bảo hiểm nhân thọ toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, cung cấp cho khách hàng thêm lựa chọn ngoài quyền lợi bảo vệ, thì còn quyền lợi đầu tư là một nghiệp vụ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có kinh nghiệm và thế mạnh. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mở ra những kênh đầu tư mới cho người dân ngoài các kênh như chứng khoán, gửi tiết kiệm…

Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết đầu tư hiện nay khá cao, nhưng đó không phải là nguyên nhân gây khủng hoảng. Vấn đề là việc tư vấn cho khách hàng cần rõ ràng, để khách hàng hiểu sản phẩm đầu tư có sinh lời nhưng cũng có lỗ; để khách hàng phân bổ hợp lý nguồn đầu tư. Lỗi không phải ở sản phẩm mà nếu để nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và gửi tiết kiệm, lỗi chính là do công tác tư vấn, giới thiệu sản phẩm.

Không chỉ tư vấn trực tiếp sai, ngay kể cả các thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, về sản phẩm bảo hiểm được các doanh nghiệp đăng tải công khai trên các trang tin điện tử chính thức của mình cũng có những thông tin mang tính chất so sánh, chứa các từ ngữ như “số 1”, “nhất” mà không có tiêu chí so sánh cụ thể, tài liệu chứng minh, chú thích rõ ràng sẽ dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng../.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương tiếp nhận báo cáo của Công ty Honda Việt Nam (Công ty) về Chương trình thu hồi xe mô tô phân khối lớn Honda Gold Wing GL1800 được nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam. Trê