Liên minh châu Âu
1. Thỏa thuận ấn định giá trên thị trường sản xuất xe tải
Ngày 19 tháng 7 năm 2016, Ủy ban châu Âu đã ban hành quyết định xử phạt 5 nhà sản xuất xe tải lớn của châu Âu là MAN, Volvo/Renault, Daimler, Iveco và DAF với mức lớn nhất từ trước tới nay là 2.93 tỷ Euro (khoảng 78.000 tỷ đồng) vì hành vi thỏa thuận ấn định giá, vi phạm Luật Cạnh tranh của EU trong suốt một khoảng thời gian rất dài là 14 năm.
Ủy ban châu Âu cho rằng, thị trường vận tải là một bộ phận thiết yếu của ngành giao thông châu Âu và sức cạnh tranh của thị trường này phụ thuộc vào giá của phương tiện được các nhà vận chuyển sử dụng. Quyết định của EC nêu rõ, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường sản xuất xe tải cỡ trung bình (tải trọng từ 6 – 16 tấn) và xe tải nặng (tải trọng trên 16 tấn). Hành vi thỏa thuận của các hãng nêu trên như sau:
– Thỏa thuận phối hợp về mức giá xuất xưởng đối với xe tải cỡ trung và xe tải nặng trên thị trường Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Thông thường, đây là mức giá cơ sở để định giá trong ngành xe tải. Giá cuối cùng mà người mua phải trả sẽ bao gồm một số điều chỉnh, ở cấp độ từng nước hoặc địa phương, đối với mức giá xuất xưởng này.
– Thỏa thuận thời gian đưa ra các công nghệ khí thải đối với xe tải cỡ trung và xe tải nặng để tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải ngày càng nghiêm ngặt của châu Âu (từ Euro III đến Euro VI).
– Thỏa thuận chuyển chi phí công nghệ khí thải cho khách hàng để tuân thủ các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu.
Hành vi vi phạm được thực hiện trên toàn bộ khu vực kinh tế chung và kéo dài 14 năm, từ năm 1997 đến năm 2011 – thời điểm Ủy ban châu Âu tiến hành thẩm tra đột xuất các công ty này. Từ năm 1997 đến năm 2004, lãnh đạo cấp cao của các công ty đã thường xuyên gặp nhau, đôi khi là bên lề của các hội chợ triển lãm hoặc sự kiện nào đó. Sau đó, họ còn gọi điện trao đổi với nhau. Kể từ năm 2004 trở đi, cartel này được tổ chức thông qua các chi nhánh tại Đức của các công ty sản xuất xe tải, trong đó những người tham dự thường trao đổi thông tin qua email.
Trong 14 năm, các công ty đã thảo luận về các chủ đề được xác định là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Ngoài các hãng nêu trên đã chấp nhận nộp phạt, cuộc điều tra đã tiếp tục được tiến hành đối với Công ty Scania do công ty này không chấp nhận quyết định xử lý.
Mức phạt
Ủy ban châu Âu đã căn cứ vào doanh thu bán xe tải cỡ trung và xe tải nặng của các công ty, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mức độ tập trung kinh tế cao, phạm vi địa lý và khoảng thời gian tồn tại của cartel.
Do đã báo cáo với Ủy ban và cung cấp bằng chứng cần thiết cho quá trình điều tra, Hãng MAN được miễn hoàn toàn mức phạt 1.2 tỷ euro. Các hãng Volvo/Renault, Daimler và Iveco cũng được giảm nhẹ mức phạt theo Chương trình Khoan hồng năm 2006. Ngoài ra, do các bên tham gia vào cartel đã thừa nhận hành vi và đồng ý mức phạt, Ủy ban cũng áp dụng giảm mức phạt 10% cho các công ty nêu trên. Cụ thể các mức phạt như sau:
Bảng 1: Mức phạt theo chương trình khoan hồng năm 2006
|
Mức miễn giảm theo Chương trình Khoan hồng
|
Mức giảm do thừa nhận hành vi vi phạm
|
Mức phạt (Euro)
|
MAN
|
100%
|
10%
|
0
|
Volvo/Renault
|
40%
|
10%
|
670.448.000
|
Daimler
|
30%
|
10%
|
1.008.766.000
|
Iveco
|
10%
|
10%
|
494.606.000
|
DAF
|
|
10%
|
752.679.000
|
Tổng cộng
|
|
|
2.926.499.000
|
Nguồn: Ủy ban châu Âu
2. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các hãng xe Đức
Tháng 10 năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) và cơ quan cạnh tranh Đức (Bundeskartellam) cho biết đã tiến hành các cuộc thanh kiểm tra liên quan đến những quan ngại rằng một số nhà sản xuất ô tô của Đức đã vi phạm các luật lệ quy định về chống độc quyền, theo đó cấm các tổ chức liên kết với nhau để khống chế thị trường và các hành vi kinh doanh không được phép khác (cáo buộc có hành vi thông đồng về công nghệ diễn ra âm thầm trong ngành công nghiệp ô tô Đức suốt nhiều thập kỷ qua).
Thông thường trong các vụ kiện về chống độc quyền của EU, tên của các doanh nghiệp sản xuất ô tô có liên quan đều không được tiết lộ.
Tuy nhiên, Volkswagen, BMW và Daimler – nhà sản xuất các xe nhãn hiệu Mercedes-Benz – đều thừa nhận rằng họ đang bị điều tra.
Trong thông cáo xác nhận vụ việc trên, Daimler nói rằng họ đã nộp đơn lên EC xin được lượng thứ. Theo quy định của châu Âu, doanh nghiệp đầu tiên giao nộp bằng chứng về hành vi vi phạm quy định chống cạnh tranh có thể sẽ được hưởng mức hình phạt nhẹ nhất.
Hồi tháng Bảy, tuần báo Der Spiegel của Đức cho biết Volkswagen, Daimler, Audi, Porsche và BMW đã bí mật cộng tác với nhau trong lĩnh vực phát triển xe ô tô, xây dựng và logistics (dịch vụ hậu cần, kho vận) từ những năm 1990.
Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất ô tô không phải là hiếm thấy, và các cuộc thanh tra kể trên của EU là bước đầu tiên trong việc xác định liệu các thỏa thuận hợp tác đó có vượt qua ranh giới để bị xem là “thông đồng” với nhau hay không.
Trước đó, vào tháng 7, cơ quan giám sát cạnh tranh EU từng tiết lộ một số nhà sản xuất ôtô Đức bị nghi ngờ thông đồng với nhau để làm giá trên thị trường xe chạy diesel, cùng nhiều hành vi sai phạm khác.
Theo tờ Der Spiegel, BMW, VW và Daimler đã hợp tác với nhau trong rất nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ, bao gồm kích thước thùng chứa AdBlue như đã đề cập ở trên.
Hơn 200 cán bộ nhân viên của 3 công ty đã tham gia vào 60 tổ công tác khác nhau để cùng phối hợp trong các lĩnh vực như nghiên cứu phát triển, động cơ xăng và diesel, phanh và truyền động.
Việc các nhà sản xuất ô tô Đức thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhau không phải là chuyện gì mới hay bất thường, nhưng doanh nghiệp nào bị phát hiện vi phạm các quy định của EU về dàn xếp, cấu kết sẽ có thể nhận án phạt tương đương tới 10% doanh thu toàn cầu của hãng đó.
Trong số những lần hợp tác giữa các doanh nghiệp Đức có thương vụ BMW, Mercedes và Audi mua lại công ty bản đồ số HERE (từng là công ty con của Nokia) và thành lập liên doanh để đầu tư hàng nghìn trạm xạc điện trên khắp châu Âu, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện.
3. Vụ việc Ủy ban châu Âu phạt 2 công ty tham gia cartel
Ủy ban châu Âu đã phạt hai công ty Brose và Kiekert tổng cộng 18 triệu euro vì tham gia vào hai vụ buôn bán liên quan đến việc cung cấp hệ thống đóng cửa cho ô tô trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Công ty Magna không bị phạt vì đã báo cáo hai công ty tham gia cartel cho Ủy ban.
Công ty Magna, có trụ sở tại Canada và công ty Brose, có trụ sở tại Đức đã tham gia vào cartel song phương liên quan đến việc cung cấp các mô-đun cửa và bộ điều chỉnh cửa sổ cho một mẫu ô tô cụ thể của tập đoàn Daimler. Hai công ty Magna và Kiekert, có trụ sở tại Đức, đã tham gia vào một cartel song phương khác liên quan đến việc cung cấp chốt cài và chốt chặn cho tập đoàn BMW và tập đoàn Daimler. Cả ba công ty đều thừa nhận có liên quan đến các các-ten và chấp nhận giải quyết vụ việc.
Phó chủ tịch điều hành Margrethe Vestager, phụ trách chính sách cạnh tranh, cho biết: “Các thành phần như mô-đun cửa, bộ điều chỉnh cửa sổ và hệ thống chốt là rất cần thiết cho hoạt động bình thường của ô tô, chúng tạo ra khả năng bảo vệ khỏi các chấn thương, đảm bảo an toàn và thoải mái. Ba nhà cung cấp đã thông đồng với nhau để tăng lợi nhuận từ việc bán các linh kiện này. Các các-ten này đã làm tổn hại đến người tiêu dùng châu Âu và tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của lĩnh vực ô tô ở châu Âu”
Ba nhà cung cấp thiết bị xe hơi được đề cập trong quyết định này đã phối hợp hành vi định giá của họ và trao đổi thông tin nhạy cảm về mặt thương mại. Mục đích của ba công ty tham gia vào cả hai cactel là để duy trì hoạt động kinh doanh hiện có của mỗi bên và tránh sự suy giảm mức giá hiện hành của nguồn cung. Các thỏa thuận diễn ra thông qua các cuộc họp, điện thoại hoặc trao đổi e-mail.
Cuộc điều tra của Ủy ban cho thấy sự tồn tại của hai vi phạm khác nhau. Bảng dưới đây nêu chi tiết về sự tham gia và thời gian của mỗi công ty tham gia vào từng vi phạm:
Bảng 2: Chi tiết về sự tham gia của mỗi công ty trong vi phạm cartel
|
Công ty
|
Phạm vi
|
Ngày bắt đầu
|
Ngày kết thúc
|
Vi phạm lần đầu
|
MAGNA
|
Bán mô-đun cửa và bộ điều chỉnh cửa sổ cho các mẫu xe ô tô hạng C chở khách A205, C205, S205 và W205 cho Daimler
|
12/8/2010
|
21/2/2011
|
BROSE
|
12/8/2010
|
21/2/2011
|
Vi phạm lần hai
|
MAGNA
|
Bán chốt cài và chốt chặn (latches and strikers) cho xe du lịch cho BMW và Daimler (chỉ dành cho Daimler liên quan đến việc cung cấp chốt cài và chốt chặn G / GN / GL2 thông qua sáng kiến mua chung “Industriebaukasten” giữa Daimler và BMW)
|
15/6/2009
|
7/5/2012
|
BROSE
|
15/6/2009
|
7/5/2012
|
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tự tổng hợp
Tiền phạt
Tiền phạt được đưa ra trên cơ sở Hướng dẫn năm 2006 của Ủy ban về tiền phạt. Khi đưa ra mức phạt, Ủy ban đã tính đến giá trị bán hàng tại EEA mà những bên tham gia cartel đạt được đối với các sản phẩm được đề cập, tính chất nghiêm trọng của các hành vi vi phạm, phạm vi địa lý và thời gian vi phạm. Theo Thông báo về Chính sách khoan hồng năm 2006 của Ủy ban: Magna được hưởng đầy đủ quyền miễn trừ khi thông báo về cả hai cartel, do đó tránh được tổng số tiền phạt là 6 triệu euro. Brose và Kiekert được hưởng lợi từ việc giảm tiền phạt vì đã hợp tác trong quá trình điều tra của Ủy ban. Mức cắt giảm phản ánh thời gian hợp tác của họ và mức độ bằng chứng mà họ cung cấp giúp Ủy ban chứng minh sự tồn tại của các-ten mà các công ty tham gia.
Ngoài ra, Kiekert được miễn trừ một phần đối với vi phạm lần thứ hai trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 6 năm 2009 đến ngày 4 tháng 10 năm 2010, vì đây là công ty đầu tiên gửi bằng chứng thuyết phục cho phép Ủy ban mở rộng thời hạn của vi phạm thứ hai cho đến ngày 15 tháng 6 năm 2009.
Ngoài ra, theo Thông báo Thỏa thuận năm 2008 của Ủy ban, Ủy ban đã áp dụng giảm 10% tiền phạt áp dụng đối với các công ty dựa trên sự thừa nhận của họ về việc tham gia vào cartel và trách nhiệm pháp lý về mặt này.
Các khoản tiền phạt được áp dụng đối với mỗi công ty như sau:
Bảng 3: Mức tiền phạt với mỗi công ty trong vi phạm cartel
Nhà cung cấp
|
Mức giảm theo thông báo khoan hồng
|
Mức giảm theo thông báo thỏa thuận
|
Tiền phạt (€)
|
Magna
|
100%
|
10%
|
0
|
Brose
|
35%
|
10%
|
3.225.000
|
Kiekert
|
40%
|
10%
|
14.971.000
|
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tự tổng hợp
Bối cảnh
Hệ thống đóng cửa ô tô bao gồm các sản phẩm như mô-đun cửa, bộ điều chỉnh cửa sổ và hệ thống chốt (chốt cài và chốt chặn) được cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô. Các hệ thống này cung cấp khả năng bảo vệ khỏi các va chạm và đảm bảo đóng tất cả các cửa ra vào, cửa sổ và thùng xe để tránh bị trộm xe. Chúng cũng có vai trò quan trọng trong việc làm tăng mức độ thoải mái và an toàn cho hành khách khi lái xe.
Quyết định được đưa ra là một phần của một loạt các cuộc điều tra lớn đối với các-ten trong lĩnh vực phụ tùng ô tô bắt đầu từ năm 2013. Ủy ban cũng đã ban hành các quyết đinh xử phạt các nhà cung cấp vòng bi ô tô, chùm dây dẫn trên ô tô, mút (chất xốp mềm) được sử dụng trong ghế ô tô, máy sưởi trong ô tô và xe tải, máy phát điện và khởi động, hệ thống điều hòa không khí và làm mát động cơ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phanh-bugi, dây an toàn, túi khí và vô lăng. Quyết định mới ban hành đã nâng tổng số tiền phạt của Ủy ban đối với các vụ việc các-ten trong lĩnh vực này lên 2,17 tỷ Euro.
Căn cứ thủ tục
Điều 101 của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu (TFEU) và Điều 53 của Hiệp định về Khu vực Kinh tế Châu Âu nghiêm cấm các các-ten và các phương thức hạn chế kinh doanh khác, bao gồm cả việc thông đồng về giá bán.
Cuộc điều tra của Ủy ban về vụ việc này bắt đầu vào tháng 5 năm 2015 với một đơn đăng ký của công ty Magna nộp theo Thông báo Khoan hồng năm 2006 của Ủy ban, sau đó là đơn xin giảm tiền phạt của các bên khác.
Tiền phạt áp dụng đối với các công ty bị phát hiện vi phạm luật chống độc quyền của Liên minh Châu Âu (EU)/ EEA được nộp vào ngân sách chung của EU. Số tiền này không dành cho các khoản chi cụ thể, nhưng đóng góp của các Quốc gia Thành viên vào ngân sách EU cho năm sau sẽ được giảm tương ứng. Do đó, các khoản tiền phạt cũng giúp cung cấp tài chính cho hoạt động của EU và giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
Thủ tục giải quyết
Quyết định hôm nay là lần giải quyết thứ 34 kể từ khi áp dụng thủ tục cho các các-ten vào tháng 6 năm 2008. Trong một thỏa thuận, các bên thừa nhận sự tham gia của họ vào một các-ten và chịu trách nhiệm pháp lý. Các dàn xếp thỏa thuận dựa trên Quy định Chống độc quyền 1/2003 và cho phép Ủy ban áp dụng một số thủ tục đơn giản và rút gọn. Điều này có lợi cho người tiêu dùng và người đóng thuế vì nó góp phần cắt giảm chi phí. Nó cũng có lợi cho việc thực thi chống độc quyền vì đã giải phóng nguồn lực để giải quyết các các-ten khác bị cáo buộc. Cuối cùng, bản thân các bên được lợi về quyết định nhanh hơn và được giảm 10% tiền phạt.
Hành động bồi thường thiệt hại
Bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào bị ảnh hưởng bởi hành vi phản cạnh tranh như được mô tả trong vụ việc này đều có thể đưa vấn đề ra trước tòa án của các Quốc gia Thành viên và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Án lệ của Tòa án và Quy chế Hội đồng 1/2003 đều xác nhận rằng trong các vụ việc đưa ra trước tòa án quốc gia, quyết định của Ủy ban tạo thành bằng chứng ràng buộc rằng hành vi đó đã diễn ra và là bất hợp pháp. Mặc dù Ủy ban đã phạt những bên tham gia cartel có liên quan, nhưng thiệt hại khác có thể bị phán quyết mà không được giảm bớt vì đã Ủy ban phạt tiền.
Chỉ thị về Bồi thường thiệt hại do hành vi phản cạnh tranh mà các Quốc gia Thành viên phải đưa vào hệ thống pháp luật của mình trước ngày 27 tháng 12 năm 2016, giúp nạn nhân của các hành vi phản cạnh tranh dễ dàng được bồi thường thiệt hại hơn.
Công cụ báo cáo
Ủy ban đã thiết lập một công cụ để giúp các cá nhân dễ dàng báo cáo về hành vi phản cạnh tranh trong khi vẫn duy trì tình trạng ẩn danh của họ. Công cụ bảo vệ tính ẩn danh của người tố cáo thông qua hệ thống nhắn tin được mã hóa được thiết kế đặc biệt cho phép liên lạc hai chiều.
4. Tây Ban Nha
Tháng 7 năm 2015, Cơ quan cạnh tranh (CNMC) của Tây Ban Nha đã phạt 21 nhà sản xuất ô tô và hai công ty tư vấn mức phạt 171 triệu euro do có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.
Các mức phạt cụ thể là 22.800.000 euro đối với General Motors và 20.200.000 € đối với Ford Motor. Các nhà sản xuất ô tô Pháp đã nhận mức phạt cao nhất với Renault là 18,2 triệu euro, Peugeot 15,7 triệu euro và Citroen 14,8 triệu euro.
CNMC cho biết các nhà sản xuất đã hành động giống như một cartel bằng cách trao đổi các thông tin liên quan đến bán xe, sửa chữa, bảo trì các thiết bị và phụ tùng xe hơi. Thông tin được trao đổi bao gồm chi tiết các ưu đãi về giá để tránh cạnh tranh giảm giá đối với việc bán xe mới.
Đây là mức phạt lớn nhất do CNMC xử lý từ trước tới nay, bắt đầu một loạt các cuộc điều tra trong ngành công nghiệp ô tô của Tây Ban Nha vào năm 2013. Cho đến nay, có 124 công ty đã tham gia. Tháng 3 năm 2015, CNMC cũng đã phạt 45 đại lý/nhà phân phối của các hãng xe Toyota, Hyundai và Opel do hành vi thành lập một pháp nhân để phối hợp về giá cả ở Madrid và Galicia. Sau đó, các đại lý/nhà phân phối của hãng xe Volvo cũng đã bị tiến hành điều tra.
5. Hoa Kỳ
Ngày 9 tháng 3 năm 2015, công ty cung cấp phụ tùng ôtô NGK Insulators của Nhật Bản đã đồng ý nộp phạt 65,3 triệu USD cho hành vi thao túng thị trường tại Hoa Kỳ.
Bộ Tư pháp liên bang Hoa Kỳ tuyên bố NGK Insulator đã thừa nhận phạm tội cản trở công lý. Công ty đóng trụ sở ở thành phố Nagoya này đã gian lận khi bỏ thầu, tìm cách thao túng giá đối với sản phẩm bộ chuyển đổi khí thải.
Từ tháng 7 năm 2000 đến tháng 2 năm 2010, NGK Insulators đã sản xuất và bán các bộ chuyển đổi khí thải cho các hãng sản xuất xe hơi lớn như General Motors, Toyota và Nissan. Trong thời gian này, NGK Insulators cùng một số hãng đã thông đồng với nhau để thao túng về giá cả và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.