BVNTD

Một số lưu ý trong điều tra, xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế

05/09/2022

Hiện nay, dưới góc độ lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2018, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có xu hướng tăng lên, điều này cho thấy sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp – trong đó, doanh nghiệp vừa tăng 24,7%, doanh nghiệp nhỏ tăng 22,3% và tỷ trọng bộ phận doanh nghiệp này tăng 6% so với năm 2012, thì việc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế còn giữ vai trò tích cực, thúc đẩy sự phát triển hoạt động kinh doanh ngày càng tăng dẫn đến các các doanh nghiệp lựa chọn các hình thức tập trung kinh tế  như một kênh gia nhập thị trường hiệu quả. Hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong những năm tới. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các vụ tập trung kinh tế có lợi cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, tập trung kinh tế có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc thị trường và suy giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Hệ quả là, các doanh nghiệp có thể cùng nhau phối hợp về giá hoặc thỏa thuận về sản lượng đầu ra gây hạn chế cạnh tranh. Khi đó, các hành vi tập trung kinh tế cần phải được kiểm soát để bảo vệ trật tự cạnh tranh. Biện pháp pháp lý, cụ thể là các chính sách và quy định pháp luật, là một trong những biện pháp đầu tiên mà Nhà nước có thể sử dụng để kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế.

Từ những đánh giá ở trên, có thể thấy, hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam đã và đang diễn biến khá phức tạp, tập trung kinh tế tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn những yếu tố hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh có thể gây ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh. Vì vậy các hoạt động tập trung kinh tế không những cần được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và giám sát chặt chẽ mà còn cần sự hỗ trợ, hợp tác và ý thức cùng xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế xảy ra cần tiến hành điều tra và xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn những trường hợp tập trung kinh tế có tác động xấu và có nguy cơ tạo ra rào cản đối với những trường hợp tập trung kinh tế có tác động nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Trong những năm gần đây, tăng trưởng hoạt động tập trung kinh tế tại Việt Nam đạt mức bình quân trên 30%. Thực trạng này đã phản ánh một nền kinh tế mở với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và hệ quả là việc gia tăng các hoạt động tập trung kinh tế như một thực tế khách quan. Thị trường đã chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, nhiều thương vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, những thương vụ doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và những vụ thâu tóm giá trị cao.

Trước đây Luật cạnh tranh năm 2004 chỉ ràng buộc các hành vi được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam.

Trên thực tế, theo Tờ trình số 377/TTr-CP của Chính phủ trình lên Quốc hội ngày 06/09/2017 về Dự án Luật Cạnh tranh (“Tờ trình”), có rất nhiều vụ việc cạnh tranh được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam.

Ví dụ như thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam…

Với thực trạng trên, vì Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả… doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, nên không có cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực nói trên, Điều 1 Luật cạnh tranh năm 2018 được quy định theo hướng đề cập đến “thị trường Việt Nam”, cụ thể là điều chỉnh các hành vi “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”, tạo ra hành lang pháp lý để có thể điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi hạn chế cạnh tranh, nếu có tác động hay có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng giúp tạo ra cơ sở pháp lý để cơ quan cạnh tranh của Việt Nam có thể hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh mà Việt Nam đã đưa ra trong các hiệp định thương mại.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh năm 2018, có ý kiến cho rằng mặc dù Luật cạnh tranh năm 2018 đã cố gắng mở rộng phạm vi điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng các điều khoản liên quan vẫn còn chung chung, không thể áp dụng vào các trường hợp cụ thể như vụ Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.

Về đối tượng điều chỉnh, Điều 2 Luật cạnh tranh năm 2018 bổ sung đối tượng “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Theo đó, bất kể một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, kể cả cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh gây tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường Việt Nam, thì đều chịu sự điều chỉnh của Luật này. Quy định này xuất phát từ thực trạng cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh, như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác.

Như vậy, xét về phạm vi địa lý tiến hành giao dịch, có khá nhiều vụ việc tập trung kinh tế được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng các Bên tham gia giao dịch có hoạt động tại Việt Nam (có hiện diện thương mại tại Việt Nam, hoặc không có hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có mặt và được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam). Trong trường hợp này, hoạt động tập trung kinh tế thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh.

Do đó, đối với quá trình điều tra, xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một, cần phải xác định rõ về điều kiện chủ thể và việc tiếp cận thị trường khi tham gia tập trung kinh tế. Bởi, các quy định về điều kiện chủ thể cũng như điều kiện tiếp cận thị trường trong pháp luật mỗi quốc gia là không giống nhau. Pháp luật của mỗi nước đặt ra những tiêu chí nhất định để xác định nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ tập trung kinh tế hay những hạn chế về ngành nghề đầu tư, về vốn, giá trị cổ phần được phép sở hữu trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần… Ngoài ra, do sự không thống nhất trong quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền có thể áp đặt ý chí chủ quan khi xác định tư cách chủ thể tham gia các giao dịchtập trung kinh tế, theo đó áp dụng những điều kiện và hạn chế đầu tư tương ứng.

Hai, về vấn đề liên quan đến pháp luật cạnh tranh trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm về tập trung kinh tế. Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm hợp nhất, sáp nhập, mua lại, liên doanh và các hành vi khác. Mỗi quốc gia có đặt ra quy định riêng đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sở hữu thị phần kết hợp ở một hạn mức nhất định tương ứng với các nghĩa vụ nhất định; đồng thời, cấm hành vi tập trung kinh tế mà thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia ở một hạn mức được cho là “đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường”. Như vậy, những rủi ro cần lưu ý liên quan đến khía cạnh luật cạnh tranh bao gồm việc xác định quy mô thị trường (căn cứ trên nhiều yếu tố, trong đó bao gồm yếu tố thị trường địa lý liên quan và thị trường sản phẩm liên quan) và liệu thị phần của một doanh nghiệp nước ngoài có được thông qua nhà phân phối nội địa khi xác định thị trường liên quan.

Ba, xem xét tình trạng pháp lý của các bên tham gia giao dịch trong quá trình điều tra và xử lý đối với vụ việc vi phạm về tập trung kinh tế. Đây là công đoạn quan trọng nhằm tạo ra căn cứ đưa ra kết luận về tính hợp pháp của các quyền và nghĩa vụ pháp lý doanh nghiệp mục tiêu đã xác lập. Theo đó, doanh nghiệp cần xác định quan hệ pháp lý nội bộ của các cổ đông, thành viên DN, chủ sở hữu tài sản, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hồ sơ dự án, quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng đối với người lao động… từ đó có giải pháp hạn chế rủi ro và đưa ra quyết định tập trung kinh tế cho phù hợp.

Cùng với đó, xem xét đầy đủ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai nộp thuế, sử dụng con dấu, tư cách và tính hợp pháp của các giao dịch do người đại diện pháp luật thực hiện kể cả của các công ty con, đơn vị trực thuộc cũng như các yêu cầu tuân thủ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các giao dịch dân sự với các bên thứ ba, yêu cầu đáp ứng các điều kiện kinh doanh cũng như tính hợp pháp của việc hình thành các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp.

Đối với vụ việc tập trung kinh tế mà chủ thể tham gia là các doanh nghiệp nước ngoài

Tập trung kinh tế của các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng tăng lên. Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp nước ngoài rất lớn đã và đang “chảy vào” Việt Nam trong đó bao gồm cả hình thức đầu tư mới và các hình thức như: mua bán, sáp nhập, hợp nhất, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc giữa các doanh nghiệp nước ngoài với nhau; thâu tóm gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là sự đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam bằng hình thức mua lại, sáp nhập.

Tuy nhiên lượng vốn đầu tư dưới hình thức mua bán, sáp nhập chỉ chiếm khoảng 20% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Còn lại khoảng 80% FDI vào Việt Nam bằng hình thức đầu tư mới. Trong khi 40% – 60% nguồn vốn FDI vào các nước đang phát triển khác ở châu Mỹ Latinh là thông qua mua bán, sáp nhập và con số này ở các nước phát triển là từ 80% – 100%.

Các vụ sáp nhập, mua lại của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào một số ít ngành như: tài chính – ngân hàng, hàng không, thực phẩm và nước giải khát.

Bảng thống kê các vụ sáp nhập của doanh nghiệp có

vốn đầu tư nước ngoài theo ngành

STT

Ngành

Số dự án

% Số

dự án (%)

Vốn đầu tư (USD)

% Vốn đầu tư (%)

1

Công nghiệp thực phẩm

      5

     10.87

 423,651,000

    46.60

2

Công nghiệp nặng

    15

     32.61

 232,907,293

    25.62

3

Nông – Lâm nghiệp

      7

     15.22

 132,774,000

    14.61

4

Công nghiệp nhẹ

      9

     19.57

   66,530,000

      7.32

5

Xây dựng

      3

       6.52

   22,245,000

      2.45

6

Tài chính – Ngân hàng

      2

       4.35

   17,150,000

      1.89

7

Khách sạn – Du lịch

      1

       2.17

     7,500,000

      0.83

8

Dịch vụ

      3

       6.52

     5,120,000

      0.56

9

Thuỷ sản

      1

       2.17

     1,150,000

      0.13

Tổng số

46

100

909,027,293

100

Nguồn: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng

Thời gian qua, xu hướng các vụ sáp nhập mà chủ thể tham gia là các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam ngày càng có quy mô lớn hơn, hình thành các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức mua lại, sáp nhập này chủ yếu là các công ty đến từ châu Á. Trong số 46 vụ tập trung kinh tế nửa đầu năm 2007, có tới 30 vụ tập trung kinh tế có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp trong nước). Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ các nước châu Á với 22 trong số 30 vụ (chiếm 73,33 % số vụ TTKT có yếu tố nước ngoài) và đặc biệt là từ Singapore.

Có thể nói, tập trung kinh tế mà chủ thể tham gia là các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số vụ và giá trị giao dịch tập trung kinh tế của cả nước. Đặc biệt, hoạt động tập trung kinh tế ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện các vụ mua lại giữa các công ty 100% vốn nước ngoài với nhau (trong lĩnh vực bất động sản). Đó là vụ Savills Vietnam mua lại toàn bộ chi nhánh của Chesterton Petty cùng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện sự kết hợp sâu rộng của các tập đoàn tài chính – ngân hàng nước ngoài và các tổng công ty nhà nước với các tổng công ty lớn trong một số ngành khác như: bưu chính viễn thông, bảo hiểm… và xu hướng các tập đoàn, các tổng công ty mua lại các ngân hàng các ngân hàng nhỏ để tham gia sâu rộng và trực tiếp vào thị trường tài chính. Một ví dụ điển hình là sự hợp tác của ngân hàng 100% vốn nước ngoài mới được thành lập tại Việt Nam như ngân hàng Standard Chartered với ngân hàng Công thương Việt Nam Vietinbank. Thoả thuận hợp tác của hai ngân hàng này trị giá 600 triệu USD trong nhiều lĩnh vực như: thanh toán, cho vay liên ngân hàng, bảo lãnh trái phiếu, huy động vốn…

Sự xuất hiện các giao dịch có mục đích thâu tóm trên thị trường chứng khoán nhằm mục đích tham gia vào quá trình điều hành, quản lý các doanh nghiệp bị thâu tóm. Một số hãng thực hiện các hành vi thâu tóm này là Tập đoàn ngân hàng ANZ, tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Reinsurance Group, ngân hàng Deutsche Bank… Chính hoạt động này đã làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp mà cổ phiếu của họ có giá trị vốn hoá lớn, tính thanh khoản cao. Tỷ lệ này thường lên tới gần 30% đối với các ngân hàng niêm yết và 40% đối với các doanh nghiệp niêm yết khác.

Như vậy, tập trung kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang có xu hướng tăng lên cả về mức độ tập trung thị trường và số vụ, tổng giá trị giao dịch. Tuy nhiên, có một đặc điểm rất tích cực đó là hầu hết các vụ tập trung kinh tế đều vì mục tiêu phát triển mang tính chiến lược và có sự hợp tác giữa các bên tham gia. Chính vì vậy, có thể đánh giá hoạt động tập trung kinh tế ở Việt Nam thời gian qua đối với các chủ thể tham gia là các doanh nghiệp nước ngoài chưa xuất hiện những vấn đề quá phức tạp.

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý một số điều trong quá trình điều tra và xử lý đối với các vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế đối với chủ thể tham gia là các doanh nghiệp nước ngoài.

Một, đối với hoạt động mua lại được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư 2014. Nếu mục tiêu mua lại là công ty đại chúng, việc mua lại phải được thực hiện thông qua chào mua công khai được quy định theo Luật Chứng khoán năm 2006. Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam do Ủy ban cạnh tranh quốc gia đánh giá sau khi tập trung kinh tế thì người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Cơ quan quản lý cạnh tranh) phù hợp với Luật Cạnh tranh năm 2018.

Hai, đối với trường hợp các doanh nghiệp ở Việt Nam khi tham gia tập trung kinh tế với các doanh nghiệp nước ngoài có thể phát hành cổ phiếu ra nước ngoài và niêm yết cổ phiếu tại thị trường nước ngoài. Việc phát hành và niêm yết cổ phiếu được quy định bởi pháp luật Việt Nam và luật của nước sở tại. Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam quyết định mua lại doanh nghiệp nước ngoài, trước tiên doanh nghiệp phải đăng ký dự án đầu tư ở nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo Luật Đầu tư 2014. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển vốn ra nước ngoài để mua lại theo luật của nước sở tại.

Ba, theo Luật Đầu tư, nếu nhà doanh nghiệp nước ngoài muốn mua cổ phần tại một doanh nghiệp Việt Nam thì cần phải có văn bản chấp thuận cho việc mua lại của Sở Kế hoạch và Đầu tư (“DPI”) trong các trường hợp sau:

(i) nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc

(ii) nhà đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.

Tư, có một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được quy định bởi luật chuyên ngành. Nhà đầu tư mua 5% cổ phần của một tổ chức tín dụng Việt Nam phải làm thủ tục xin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với tổ chức tín dụng. Việc chuyển nhượng hơn 10% cổ phần hoặc sáp nhập của công ty bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận, phù hợp với Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Công ty đầu tư chứng khoán phải tuân theo thủ tục sáp nhập theo Luật Chứng khoán năm 2006. Việc sáp nhập tổ chức giáo dục nước ngoài phải tuân theo thủ tục sáp nhập được quy định tại Nghị định 73/2012 / NĐ-CP về đầu tư nước ngoài vào giáo dục.

3. Những thay đổi cần lưu ý trong quy trình điều tra, xử lý vụ việc vi phạm về tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018

Một, về chứng cứ trong quá trình điều tra vụ việc vi phạm về tập trung kinh tế (Điều 56, Luật Cạnh tranh năm 2018), điều này cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung của Điều 60 Luật Cạnh tranh năm 2004, có bổ sung nguồn chứng cứ thu thập được từ “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử” (Điểm a, Khoản 2) và việc xác định nguồn chứng cứ tại Khoản 3.

Hai, về khiếu nại vụ việc cạnh tranh (Điều 77 Luật Cạnh tranh năm 2018), nhìn chung, quy định tại Điều 77 của Luật giữ nguyên những nội dung cơ bản của Điều 58 Luật Cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh về thời hiệu khiếu nại, từ 02 năm lên “03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện”, do: các vụ việc hạn chế cạnh tranh không giống các hành vi vi phạm hành chính thông thường, mà có xu hướng kéo dài liên tục, bền vững, mức độ và phạm vi ảnh hưởng cũng rất lớn, bên cạnh đó, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh lại có xu hướng “ngầm hóa” nhằm che dấu hành vi vi phạm, nên rất khó bị phát hiện và chứng minh, đến khi hành vi bị phát hiện thì phần lớn đã quá thời hiệu 2 năm. Việc tăng thời hiệu khiếu nại như Luật Cạnh tranh năm 2018 giúp việc áp dụng pháp luật cạnh tranh đảm bảo tính nghiêm minh, không bỏ sót vi phạm.

Ba, về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh (Điều 81, Luật Cạnh tranh năm 2018), Luật Cạnh tranh năm 2018 không còn chia quá trình điều tra thành hai giai đoạn (điều tra sơ bộ và điều tra chính thức) nên quy định về thời hạn điều tra không còn tách thành hai điều riêng như tại Điều 87 và 90 Luật Cạnh tranh năm 2004, mà chỉ có một quy định duy nhất về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh. Cụ thể:

“2. Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 60 ngày. 4. Việc gia hạn điều tra phải được thông báo đến bên bị điều tra và các bên liên quan chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc thời hạn điều tra”.

Tư, về lấy lời khai (Điều 83, Luật Cạnh tranh năm 2018), đây là quy định mới quy định về một nghiệp vụ điều tra quan trọng của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh là lấy lời khai của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người làm chứng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan để xác minh và thu thập các thông tin, chứng cứ cần thiết giúp giải quyết vụ việc cạnh tranh. Trên cơ sở quy định tại Điều 91 Luật Cạnh tranh năm 2004 về “Biên bản điều tra” và Điều 78 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP về “Lấy lời khai của bên khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng”, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về các nguyên tắc chung khi tiến hành lấy lời khai như: người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, địa điểm tiến hành lấy lời khai, biên bản ghi lời khai…

Năm, về đình chỉ điều tra (Điều 86, Luật Cạnh tranh năm 2018), quy định cơ chế xử lý nhanh để rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết vụ việc, hạn chế việc khiếu kiện kéo dài ra Tòa án. Trên sơ sở kết quả thương lượng, thỏa hiệp của bên khiếu nại và bên bị điều tra về việc một bên chấm dứt hành vi, cam kết khắc phục hậu quả và một bên rút đơn khiếu nại, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh xem xét, chấp thuận cam kết và quyết định đình chỉ điều tra.

Sáu, về hậu quả của việc khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 99, Luật Cạnh tranh năm 2018), bổ sung thêm một khoản mang tính chất dự phòng, đó là: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật”. Quy định này là cần thiết, đặc biệt là trong các trường hợp buộc chia tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp, hoặc trong các trường hợp buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, thường có tác động, phạm vi ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và thị trường.

Bảy, về hình thức xử phạt phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Điều 111, Luật Cạnh tranh năm 2018), trên cơ sở tách bạch việc xử lý đối với các nhóm hành vi có tính chất khác nhau, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã xác định các mức phạt tiền tối đa khác nhau được áp dụng đối với hành vi tập trung kinh tế  như sau: “Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm”“Mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức”.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và quy luật cạnh tranh, đào thải tất yếu của nền kinh tế thị trường, tập trung kinh tế được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và chủ thể tham gia các doanh nghiệp nước ngoài trên thực tiễn thị trường Việt Nam không còn là vấn đề quá mới mẻ. Tuy nhiên, do những khoảng trống pháp lý trong nước cùng sự hạn chế trong nhận thức của các doanh nghiệp nên môi trường tập trung kinh tế tại Việt Nam vẫn cần được tiếp tục quan tâm, định hướng phát triển một cách lành mạnh hơn nữa, nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên tham gia tuân thủ theo quy định của pháp luật. Để đạt được mục tiêu này, việc đặt ra yêu cầu nghiên cứu về tập trung kinh tế thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và chủ thể tham gia các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả tập trung kinh tế trong môi trường thương mại quốc tế thông qua các khuyến nghị và lưu ý là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về lý luận khoa học mà còn có giá trị thực tiễn lâu dài.   

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ