BVNTD

Một số nội dung của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp”

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ xưa đến nay luôn là yếu tố song hành với sự phát triển của kinh tế – xã hội nói chung và phát triển của tổ chức, cá nhân kinh doanh nói riêng. Bởi lẽ, xem xét tới gốc rễ vấn đề, doanh nghiệp chỉ phát triển được khi giữ chân được khách hàng cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức khác nhau để phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng: trực tiếp hoặc thông qua các bên phân phối trung gian. Trên thực tế ở nước ta, bên cạnh các kênh phân phối hàng hóa của những tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa hợp pháp thì còn nhiều tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các địa điểm công cộng làm nơi tiến hành các giao dịch bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Hệ quả là có không ít sản phẩm, hàng hóa giao dịch thuộc nhóm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chất lượng sản phẩm không được đảm bảo; doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của mình; và cuối cùng người tiêu dùng không được đảm bảo quyền lợi theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại một số quốc gia trên thế giới, bán hàng trực tiếp là một thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức kinh doanh có nhiều dạng khác nhau, trong đó người bán hàng bán trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng tại nhiều địa điểm khác nhau không phải là địa điểm bán hàng chính thức của doanh nghiệp. Bán hàng trực tiếp gồm hai hình thức bán hàng chính là bán hàng một cấp và bán hàng đa cấp. Ở Việt Nam, khái niệm về phương thức bán hàng trực tiếp mới được đề cập tới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Tuy nhiên, pháp luật chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau. Tương tự, Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mới dừng ở việc quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do vậy, giao dịch mua bán hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, tiềm ẩn nhiều yếu tố và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp” sẽ phân tích những quy định hiện hành và đề xuất một số giải pháp tới các bên liên quan nhằm hạn chế những lỗ hổng có thể phát sinh gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu tại bàn; tổng hợp, thống kê, xử lý số liệu; tổ chức hội thảo; phân tích định tính, Đề tài nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu các nội dung gồm:

  1. Nghiên cứu cơ sở lý luận về bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp
  2. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp
  3. Phân tích thực trạng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp
  • Thực trạng quy định pháp luật có liên quan
  • Thực tiễn về nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa được giao dịch thông qua phương thức bán hàng trực tiếp
  • Thực tiễn thực thi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, sản phẩm khi tiến hành giao dịch với người tiêu dùng thông qua phương thức bán hàng trực tiếp
  • Thực tiễn một số hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tiềm ẩn trong các giao dịch mua sắm hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp 
  1. Đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch mua sắm hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp tại Việt Nam.
  2. Dự thảo nội dung Sổ tay Hướng dẫn Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thông qua phương thức bán hàng trực tiếp.

Qua nghiên cứu, Đề tài đã tập trung phân tích một số nội dung nổi bật như sau:

1. Tổng quan về phương thức bán hàng trực tiếp

Bán hàng trực tiếp vẫn còn một khái niệm mới trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Từ trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2023 thì hầu như chưa có quy định pháp luật nào ở nước ta đề cập đến khái niệm hoặc thuật ngữ về bán hàng trực tiếp. Tuy vậy, căn cứ thực tiễn, bán hàng trực tiếp đã trở nên thông dụng ở nhiều nước, đặc biệt đã tồn tại, phát triển và có lịch sử lâu đời ở nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả những nước, vùng lãnh thổ đang phát triển trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan.  

Từ kinh nghiệm và quy định pháp lý của các nước trên thế giới thì bán hàng trực tiếp (direct selling) được hiểu là rộng, không bị bó hẹp trong phạm vi bán hàng đa cấp như các hiểu của một số học giả, một số nơi. Cụ thể, bán hàng trực tiếp (direct selling) là một phương thức bán hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua các địa điểm không phải là các cửa hàng bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp, thay vào đó, người bán hàng có thể bán hàng tại nhà, tại nơi làm việc, hoặc bán theo hình thức trực tuyến,…

Trong chuỗi phân phối hàng hóa, với phương thức bán hàng trực tiếp, người bán hàng bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng và tránh mọi hình thức trung gian trong chuỗi phân phối. Trong bán hàng truyền thống, hàng hóa được bán trực tuyến hoặc tại một địa điểm bán lẻ cố định, nhưng trong bán hàng trực tiếp, yếu tố quyết định việc bán hàng là sự khéo léo của người bán hàng trước khách hàng thông qua môi trường phi bán lẻ (non-retail environment) (bán tại nhà, nơi làm việc….).

Bán hàng trực tiếp loại bỏ các khâu trung gian trong chuỗi phân phối hàng hóa, ví dụ như các trung tâm phân phối địa phương và người bán buôn. Thay vào đó, sản phẩm được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới công ty bán hàng trực tiếp, sau đó tới trực tiếp người bán hàng (hay còn gọi là nhà phân phối). Các sản phẩm được bán bằng phương thức bán hàng trực tiếp thường không được bán tại các địa điểm bán lẻ truyền thống, có nghĩa là nếu người tiêu dùng muốn tiêu dùng một sản phẩm/ dịch vụ của công ty bán hàng trực tiếp, thì cách duy nhất là mua qua người bán hàng.

Có rất nhiều cách khác nhau để triển khai phương thức bán hàng trực tiếp, bao gồm:

– Bán hàng trực tiếp một cấp (Single – level direct sales);

– Bán hàng đội, nhóm (Host or party-plan sales);

– Bán hàng đa cấp (Multi-level marketing);

Bán hàng trực tiếp một cấp là hình thức bán hàng một – một (người bán hàng – người tiêu dùng) thông qua hình thức thuyết trình tận cửa/ tận nơi (door-to-door or in-person presentations), gặp gỡ trực tuyến (online meetings), hoặc thông qua danh mục hàng hóa. Với hình thức này, thông thường, thu nhập của người bán hàng chính là hoa hồng bán hàng, phụ thuộc vào doanh thu mục tiêu mà người đó đạt được.

Bán hàng đội, nhóm được thực hiện với hình thức đội, nhóm, thường thực hiện bán hàng qua các buổi họp/ thuyết trình bán hàng đội, nhóm diễn ra tại nhà của người bán hàng hoặc nhà của khách hàng tiềm năng. Đây là một trong những phương thức phổ biến nhất của hình thức bán hàng trực tiếp. Bán hàng đội nhóm thường được tổ chức thông qua một sự kiện, thường dưới hình thức “tiệc tại gia” (home party), nơi những người bán hàng tư vấn về sản phẩm cho khách hàng.

Bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng dựa trên hệ thống người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, được thực hiện với nhiều dạng thức khác nhau, trong đó bao gồm tích hợp cả bán hàng một cấp và bán hàng đội nhóm. Thu nhập của người bán hàng trong hệ thống bán hàng đa cấp là hoa hồng dựa trên doanh thu bán hàng của chính người đó và hoa hồng dựa trên doanh thu được tạo ra bởi những người bán hàng khác trong hệ thống thuộc hệ thống tuyến dưới của người đó (những người do chính người bán hàng đó tuyển dụng vào hệ thống bán hàng).

Đôi lúc, thuật ngữ “bán hàng trực tiếp” bị sử dụng một cách nhầm lẫn khi bị đánh đồng với “bán hàng đa cấp” (MLM) hay “tiếp thị mạng lưới” (network marketing), nhưng những thuật ngữ này là hoàn toàn khác nhau và không thể thay thế cho nhau, bởi bán hàng đa cấp và tiếp thị mạng lưới chỉ là các dạng khác nhau của bán hàng trực tiếp, không phải tất cả các hệ thống bán hàng trực tiếp đều có liên quan tới bán hàng đa cấp. Ví dụ, trong hình thức bán hàng một cấp, người bán hàng chỉ được nhận hoa hồng từ doanh thu bán hàng của chính bản thân họ, trong hình thức bán hàng này không diễn ra việc tuyển dụng các thành viên bán hàng khác vào mạng lưới, đồng thời người bán hàng cũng không nhận được hoa hồng từ doanh thu của những người bán hàng khác.

2. Mối quan hệ giữa bảo vệ người tiêu dùng và bán hàng trực tiếp

Phương thức bán hàng trực tiếp mang lại nhiều lợi ích, giúp người tiêu dùng thỏa mãn nhu cầu khi lựa chọn mua sắm hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

  • Cung cấp thông tin đa dạng: Điển hình như phương thức bán hàng đa cấp, người tiêu dùng được nhà phân phối không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn thông tin bổ ích khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm, các chế dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt lành mạnh, … Từ đó, người tiêu dùng nắm rõ thông tin sản phẩm để đưa ra quyết định cuối cùng.
  • Tiết kiệm thời gian, chi phí để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ: Do bán hàng trực tiếp được hiểu là bán trực tiếp tới người tiêu dùng, nên người tiêu dùng không cần phải di chuyển về mặt vật lý để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ, từ đó tiết kiệm chi phí cũng như thời gian. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh Covid 19, việc cung cấp hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng đã giúp người tiêu dùng vừa thỏa mãn nhu cầu bản thân vừa đảm bảo giãn cách theo quy định của cơ quan nhà nước.
  • Được đảm bảo dịch vụ sau bán hàng: Thông thường, người tiêu dùng khi mua hàng hóa thông qua phương thức bán hàng đa cấp, người tiêu dùng sẽ được chăm sóc, phục vụ bởi 01 tư vấn viên hoặc nhà phân phối, từ khi người tiêu dùng bắt đầu tìm hiểu về sản phẩm cho tới giai đoạn sau khi người tiêu dùng mua sản phẩm. Nhà phân phối sẽ tư vấn cách thức sử dụng hàng hóa sau khi người tiêu dùng mua hàng, đồng thời cũng trở thành người đại diện để hướng dẫn người tiêu dùng cách thức liên hệ với doanh nghiệp khi có vấn đề về sản phẩm. Từ đó, các khiếu nại và phản hồi của người tiêu dùng sẽ được xử lý kịp thời, và đưa ra các hướng dẫn khắc phục đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh các tác động tích cực, bán hàng trực tiếp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng. Một số nguy cơ điển hình được mô tả sơ lược như sau:

  • Cung cấp thông tin không đầy đủ: Do tính chất đặc thù của phương thức bán hàng trực tiếp là cung cấp thông tin qua nhân viên tư vấn/nhà phân phối, do đó, thông tin tới người tiêu dùng trong quá trình đàm phán để hình thành giao dịch sẽ cần thông qua bên thứ ba. Việc cung cấp thông tin về sản phẩm đầy đủ, chính xác, trung thực phụ thuộc chủ yếu vào nhà phân phối. Do vậy, trong trường hợp nhà phân phối nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật nói chung và quy định của công ty nói riêng thì quyền lợi người tiêu dùng tương đối được đảm bảo. Tuy nhiên, khi nhà phân phối không tuân thủ nghiêm túc các quy định đã đề ra thì có nguy cơ cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến sự sai lệch trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng, gây nên tổn hại tới quyền lợi của người tiêu dùng.
  • Hành vi quấy rối: Khi người tiêu dùng trong quá khứ đã từng mua sắm hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp, nhân viên tư vấn hoặc nhà phân phối đã nắm rõ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Do mục đích cá nhân (gia tăng doanh số bán hàng), nhà phân phối hoặc nhân viên tư vấn gia tăng các hoạt động marketing tới người tiêu dùng, như gọi điện tư vấn, gửi thư quảng cáo sản phẩm, gửi tin nhắn quảng cáo,… Các hoạt động đó khi trở nên quá mức sẽ trở thành hành vi quấy rối tới người tiêu dùng.
  • Thông tin người tiêu dùng không được bảo mật an toàn: Khi thực hiện giao dịch thông qua phương thức bán hàng trực tiếp, người tiêu dùng cung cấp thông tin thông qua nhà phân phối hoặc tư vấn viên. Khi nhà phân phối, tư vấn viên chuyển đổi công tác sang doanh nghiệp khác, trên thực tế nhiều trường hợp các cá nhân này sẽ lưu giữ thông tin cá nhân của người tiêu dùng tiềm năng để phục vụ cho hoạt động của họ tại công ty mới, dẫn đến rủi ro về việc thông tin người tiêu dùng bị sử dụng không đúng với mục đích ban đầu doanh nghiệp đã cam kết với người tiêu dùng. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra đối với doanh nghiệp bán hàng trực tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi lựa chọn giao dịch với doanh nghiệp.
  • Bảo hành sản phẩm: Song song với tiện ích không cần phải di chuyển để tiếp cận nguồn hàng hóa là quan ngại liên quan tới vấn đề bảo hành sản phẩm. Trong trường hợp người tiêu dùng có khoảng cách địa lý đáng kể với địa điểm bảo hành sản phẩm của doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong trường hợp có nhu cầu bảo hành sản phẩm. Các khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm, chính sách bảo hành cũng như tranh chất phát sinh khi gửi chuyển phát nhanh từ địa điểm của người tiêu dùng tới địa điểm bảo hành của doanh nghiệp là các vấn đề nhận được nhiều quan tâm từ phía người tiêu dùng, đồng thời cũng là một trong những vấn đề doanh nghiệp cần nghiên cứu giải quyết thực tiễn trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp hiện nay

3. Thực trạng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thông qua phương thức bán hàng trực tiếp

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã bổ sung định nghĩa về bán hàng trực tiếp và một Chương mới về mốt số giao dịch đặc thù với người tiêu dùng, trong đó có quy định liên quan đến bán hàng trực tiếp, theo đó:

Tại khoản 7 và khoản 8 Điều 3 Luật đưa ra định nghĩa:

“7. Bán hàng trực tiếp là việc tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bán, cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm các hình thức sau đây:

a) Bán hàng tận cửa là hoạt động bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng;

b) Bán hàng đa cấp là hoạt động bán hàng hóa thông qua mạng lưới cá nhân tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó cá nhân tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của cá nhân khác trong mạng lưới;

c) Bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên là hoạt động giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ sản phẩm, hàng hóa cố định, giới thiệu, cung cấp dịch vụ thường xuyên.”

“8. Giao dịch đặc thù bao gồm giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bán hàng trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.”

So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 Luật năm 2023 đã bổ sung một số quy định mới về bán hàng trực tiếp, gồm:

+ Làm rõ khái niệm bán hàng trực tiếp; phân loại bán hàng trực tiếp gồm: bán hàng tận cửa; bán hàng đa cấp và bán hàng tại địa điểm không phải là địa điểm giao dịch thường xuyên.

+ Đối với bán hàng tận cửa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định rõ về hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng tận cửa; đồng thời, Luật cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của cá nhân bán hàng tận cửa (người lao động hoặc đại diện được thuê hoặc được ủy quyền, đại diện thương mại).

+ Đối với bán hàng đa cấp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung một số quy định như sau:

(i) Về trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp, trong đó, có trách nhiệm mua lại sản phẩm theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng; chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp.

(ii) Về trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp.

(iii) Quy định việc lập hợp đồng bằng văn bản giữa tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp, về nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

+ Đối với hoạt động bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ, giới thiệu dịch vụ thường xuyên, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm: thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi tổ chức trước khi thực hiện; niêm yết công khai thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ tại địa điểm tổ chức bán hàng; duy trì thông tin liên hệ, giải quyết khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng trong và sau khi kết thúc bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, Luật quy định người tiêu dùng có quyền trả lại sản phẩm trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hàng với điều kiện sản phẩm còn nguyên bao bì tem nhãn, còn hạn sử dụng.

Thương nhân kinh doanh hàng hóa theo hình thức bán hàng trực tiếp có nghĩa vụ bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng tránh khỏi nguy cơ bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản trong quá trình sản xuất cũng như quá trình sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp bán hàng trực tiếp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng, đo lường, vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa, hướng dẫn đầy đủ các thông tin an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cũng có nghĩa vụ phải cung cấp các cảnh báo cho người tiêu dùng nếu sản phẩm có tác hại về sức khỏe hoặc có những vấn đề phát sinh khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Thương nhân bán hàng trực tiếp cần đưa ra các chỉ dẫn sử dụng rõ ràng để người tiêu dùng không bị nhầm lẫn khi sử dụng sản phẩm hoặc sử dụng sai mục đích tiêu dùng, sử dụng sai tính năng công dụng của sản phẩm dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tiền bạc không đáng có. Đối với các hàng hóa, sản phẩm bị lỗi, doanh nghiệp bán hàng trực tiếp có nghĩa vụ thu hồi, bảo hành hàng hóa hoặc tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục các thiệt hại xẩy ra đối với người tiêu dùng do sử dụng hàng hóa mình đã sản xuất hoặc cung cấp, phân phối.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ phải có các trách nhiệm sau đây:

– Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời

– Cung cấp bằng chứng giao dịch

– Bảo hành hành hóa, linh kiện, phụ kiện

– Thu hồi hàng hóa có khuyết tật

– Bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra.

Trên cơ sở phân tích, Nhóm thực hiện nghiên cứu kiến nghị, đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, một số kiến nghị đưa ra theo từng nhóm chủ thể riêng biệt, cụ thể như sau:

Với nhóm doanh nghiệp:

i) Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh;

ii) Xây dựng, áp dụng/ thực hiện các bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh công khai, minh bạch, trung thực, vì người tiêu dùng và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng;

iii) Nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người tiêu dùng của các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp;

iv) Tham gia các Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, tạo sự lan tỏa của Chương trình này trong cộng đồng doanh nghiệp bán hàng trực tiếp.

Với cơ quan quản lý nhà nước:

i) Nâng cao quyết tâm chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cấp ủy và chính quyền;

ii) Nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan nhà nước có liên quan;

iii) Nâng cao hoạt động của các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hiệp hội ngành hàng;

iv) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về bán hàng trực tiếp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

v) Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát hành vi bán hàng trực tiếp để đảm bảo tính thống nhất, khả thi;

vi) Hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì Người tiêu dùng; khuyến khích, khích lệ các doanh nghiệp tham gia, hưởng các cam kết doanh nghiệp vì người tiêu dùng, sản xuất-tiêu dùng xanh, bền vững; tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong cộng đồng kinh doanh và xã hội.

Với người tiêu dùng:

i) Tăng cường hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến thức về tiêu dùng an toàn, thông minh, bền vững;

ii) Xây dựng cơ chế tự vệ cho người tiêu dùng;

iii) Đảm bảo khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các thiết chế tài phán;

iv) Khuyến khích, thúc đẩy người tiêu dùng thực hiện các phong trào, phương châm, khẩu hiệu trong tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

v) Khuyến khích Người tiêu dùng giám sát doanh nghiệp thực hiện các chương trình vì người tiêu dùng; kịp thời phản hồi, có ý kiến góp ý tới các cơ quan chức năng đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các doanh nghiệp./.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/N
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia có nhu cầu thuê một số chuyên gia phù hợp tham gia thực hiện nghiên cứu các chuyên đề phục vụ xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực Du lịch thuộc hoạt
Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận thí sinh đủ điều kiện tham dự Vòng