1. Giao dịch M&A ngoài lãnh thổ Việt Nam
Ngày 20 tháng 4 năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hồ sơ thông báo Tập trung kinh tế (TTKT) của Công ty Honda Motor Co., Ltd (Honda), Công ty Keihin Corporation (Keihin), Công ty Showa Corporation (Showa), Công ty Nissin Kogyo Co., Ltd (Nissin Kogyo) và Công ty Hitachi Automotive Systems, Ltd (Hitachi AMS) (các doanh nghiệp tham gia TTKT). Kết thúc giao dịch tập trung kinh tế, Công ty Keihin, Showa, Nissin Kogyo sẽ không còn tồn tại. Cơ cấu sở hữu và mối quan hệ của các doanh nghiệp trên thị trường được thể hiện ở sơ đồ 3 sau đây:
Giao dịch TTKT không gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên các thị trường liên quan tại Việt Nam do thị trường xe mô tô tại Việt Nam đã đạt đến mức bão hòa và xu hướng chuyển dịch sang phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông khác… đang gia tăng tại Việt Nam do kinh tế và cơ sở hạ tầng đang ngày càng phát triển. Do đó, giao dịch không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh.
Ngày 01 tháng 7 năm 2020, trên cơ sở quy định hiện hành, Bộ Công Thương đã ra thông báo việc tập trung kinh tế nêu trên không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh.
2. Giao dịch M&A giữa Công ty Hyundai Motor Company và Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam
Ngày 25 tháng 01 năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) nhận được hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (TTKT) của Công ty Hyundai Motor Company (HMC) và Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTCVN).
Công ty Hyundai Motor Company (Hàn Quốc) dự định mua lại 50% cổ phần của Công ty Cổ phần Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTCVN). Với việc sở hữu 50% cổ phần tại HTCVN, sau giao dịch mua lại, Công ty HMC có quyền đề cử Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc tài chính và các đại diện có quyền tham gia vào các quyết định trong quá trình điều hành công ty HTCVN (bao gồm nhưng không giới hạn các quyết định liên quan đến bán hàng, tiếp thị, sản phẩm, đại lý, dịch vụ, logistics và nhân sự). Sau giao dịch mua lại, Công ty HTCVN vẫn tiếp tục là công ty đảm trách hoạt động kinh doanh, phân phối các sản phẩm xe ô tô Hyundai của Công ty HMC tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục CT&BVNTD, doanh nghiệp sau TTKT không có khả năng tăng giá, tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể, doanh nghiệp sau TTKT không có khả năng loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập và mở rộng thị trường, do đó việc tập trung kinh tế giữa Công ty HMC và Công ty HTCVN không gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên các thị trường liên quan tại Việt Nam.
Bộ Công Thương đánh giá việc tập trung kinh tế giữa Công ty Hyundai Motor Company và Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam theo hình thức mua lại không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trên thị trường ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế cần tuân thủ quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh khi có thay đổi tỷ lệ vốn góp tại doanh nghiệp sau tập trung kinh tế.
3. Giao dịch M&A theo chiều dọc giữa Công Ty TNHH Sản Xuất và Kinh Doanh Vinfast, Công Ty TNHH An Trung Industries, và Công Ty TNHH Linh Kiện Nhựa Ô Tô Vinfast – An Phát
Ngày 18 tháng 6 năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (TTKT) đầy đủ, hợp lệ của Công Ty TNHH Sản Xuất và Kinh Doanh VinFast (VinFast), Công Ty TNHH An Trung Industries (An Trung), và Công Ty TNHH Linh Kiện Nhựa Ô Tô VinFast – An Phát (An Phát). Giao dịch tập trung kinh tế dự kiến được thực hiện theo 2 giai đoạn như sau:
Giao dịch được đánh giá thuộc trường hợp “tập trung kinh tế được thực hiện” theo Khoản 2, Điều 14, Nghị định 35/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, giao dịch tập trung kinh tế có bản chất là việc tái cơ cấu chuỗi sản xuất, cung ứng ô tô con của Công ty VinFast nhằm giúp Công ty VinFast chủ động nguồn nguyên liệu (linh kiện nhựa ô tô) để tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản phẩm ô tô con của mình.
Ngày 01 tháng 7 năm 2020, trên cơ sở quy định hiện hành, Bộ Công Thương đã ra thông báo việc tập trung kinh tế nêu trên không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh.