BVNTD

Mức độ chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực thương mại điện tử

Hiện nay, mạng lưới internet phát triển và phổ cập rộng rãi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trực tuyến, hay còn gọi là thương mại điện tử, phát triển và mang lại cho các chủ thể kinh doanh những giá trị và lợi ích to lớn. Ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật chung như đầu tư kinh doanh, thương mại, dân sự, các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT phải tuân thủ các quy định pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động TMĐT. Do đó, pháp luật chuyên ngành về TMĐT được xem là công cụ pháp lý quan trọng nhất bảo vệ, định hướng đồng thời đưa ra những nghĩa vụ pháp lý quản lý các chủ thể kinh doanh, thúc đẩy môi trường kinh doanh thông qua hoạt động thương mại điện tử an toàn, lành mạnh.

Theo đó, hiện nay hoạt động TMĐT Việt Nam được điều chỉnh bởi một loạt các văn bản quy phạm pháp luật ngành, cụ thể bao gồm Luật Giao dịch điện tử 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành như:

– Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về Thương mại điện tử (thay thế Nghị định 57/2006/NĐ-CP) (đã hết hiệu lực một phần).

– Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

– Nghị định số 130/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.                    

– Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).

– Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử (thay thế Thông tư số 12/2013/TT-BCT quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử).

– Thông tư số 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Ngoài ra, thương mại điện tử còn được điều chỉnh rải rác trong các văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật Thương mại 2005, Luật Công nghệ thông tin 2006; Luật Viễn thông 2009; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; Luật Quảng cáo 2012; Luật Doanh nghiệp 2014; Luật Dân sự 2015; Luật Quản lý ngoại thương 2017; Luật An ninh mạng 2018; và các văn bản hướng dẫn thi hành; v.v.

Cho đến nay, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến công tác kiểm soát HĐTM, ĐKGDC cao nhất là Luật BVQLNTD năm 2010, tiếp đến là các văn bản hướng dẫn thi hành, chủ yếu bao gồm:

– Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật BVNTD năm 2010.

– Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).

– Các Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ, bao gồm: Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM, ĐKGDC.

– Thông tư số 10/2013/TT-BCT ban hành mẫu đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Liên quan đến vấn đề hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (HĐTM, ĐKGDC), Điều 14 đến Điều 19 của Luật BVQLNTD đã quy định chi tiết các vấn đề về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, bao gồm: quy định về hình thức, ngôn ngữ, phương thức của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; nghĩa vụ của doanh nghiệp như thông báo công khai HĐTM, ĐKGDC trước khi giao kết với người tiêu dùng, nghĩa vụ đăng ký HĐTM, ĐKGDC trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu,v.v.

Riêng Điều 16 Luật BVQLNTD đã quy định khá chi tiết 9 trường hợp mà theo đó, điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực, cụ thể:

“a) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;

b) Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;

c) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thoả thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;

d) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;

đ) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

e) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;

g) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba;

h) Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;

i) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý.”

Quy định này là một nội dung thuộc phạm vi kiểm soát, thẩm định HĐTM, ĐKGDC do doanh nghiệp soạn thảo của cơ quan quản lý nhà nước về BVNTD, đồng thời là cơ sở để tòa án xác định nội dung hợp đồng không có hiệu lực theo quy định của pháp luật dân sự.

Đối với giao dịch tiêu dùng trên môi trường TMĐT: Bản chất của hình thức giao kết này được thể hiện thông qua việc khi tiến hành giao dịch trên website của doanh nghiệp, người tiêu dùng lúc đó coi như đã chấp nhận toàn bộ những điều khoản hợp đồng, điều kiện giao dịch chung do doanh nghiệp đơn phương xây dựng sẵn và công bố trên website, cũng như chịu sự ràng buộc của các quy tắc, điều khoản đó. Như vậy, trong bất kỳ hình thức giao kết hợp đồng nào, người tiêu dùng vẫn luôn “đóng vai trò” là bên yếu thế cả về mức độ kiến thức, tiếp cận thông tin và không có cơ hội tham gia đàm phán, thương thảo hợp đồng với doanh nghiệp.

Để kiểm soát vấn đề này, ngoài các quy định chung về trách nhiệm của doanh nghiệp trong mối quan hệ giao kết hợp đồng với người tiêu dùng nêu trên, Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP về hình thức giao kết từ xa quy định: “Hợp đồng giao kết từ xa là hợp đồng được ký kết giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua phương tiện điện tử hoặc điện thoại.”

Xét về bản chất, giao kết tiêu dùng qua môi trường TMĐT là một hình thức của giao kết hợp đồng từ xa theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, khi giao kết hợp đồng dưới phương thức này, Điều 17 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết trách nhiệm của doanh nghiệp, cụ thể:

“1. Khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin sau:

a) Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có);

b) Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ;

c) Chi phí giao hàng (nếu có);

d) Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

đ) Thời gian có hiệu lực của đề nghị giao kết và mức giá đề nghị giao kết;

e) Chi phí sử dụng phương tiện thông tin liên lạc cho việc giao kết hợp đồng nếu chi phí này chưa được tính vào giá của hàng hóa, dịch vụ;

g) Chi tiết về tính năng, công dụng, cách thức sử dụng của hàng hóa, dịch vụ là đối tượng hợp đồng.

2. Trường hợp việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua điện thoại, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải nói rõ ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.

3. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.

4. Trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức; cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.

Trường hợp việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.”

Tuy nhiên, Luật BVQLNTD được ban hành từ năm 2010 trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam cũng như xu hướng lựa chọn công cụ TMĐT để thiết lập giao kết, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa phát triển nở rộ như hiện nay. Vì vậy, các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp điều chỉnh về hình thức giao kết tiêu dùng qua TMĐT là không nhiều và mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, chủ yếu vừa điều chỉnh nhưng cũng vừa định hướng cho các chủ thể tham gia giao kết đảm bảo phù hợp quy định pháp luật.

Trong vài năm trở lại đây, với những đặc tính ưu việt như tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, TMĐT đang trở thành một trong những phương thức kinh doanh hiệu quả được các tổ chức, cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp) lựa chọn và được người tiêu dùng tại Việt Nam ưa chuộng. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), từ năm 2016 TMĐT bước sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Kết quả hiện nay cho thấy, TMĐT ở Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng và quy mô khá cao (tốc độ tăng trưởng năm 2018 so với 2017 đạt trên 30%; quy mô 2018 đạt 9 tỷ USD. Dự báo nếu tiếp tục duy trì đà phát triển như vậy, đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Với tốc độ phát triển vượt bậc, thị trường TMĐT Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng – vốn là hai chủ thể chính của giao kết. Tuy nhiên, với đặc thù của phương thức giao kết hợp đồng qua mạng điện tử (giao kết từ xa), người tiêu dùng không được tiếp xúc trực tiếp và kiểm tra chất lượng sản phẩm (cho đến khi đã đồng ý giao kết hợp đồng), không được tham gia vào quá trình soạn thảo các mẫu hợp đồng, điều khoản giao kết mà hoàn toàn do doanh nghiệp đơn phương và chủ động soạn thảo, áp dụng. Chính vì vậy, vấn đề về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng như các vụ việc tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng phát sinh từ những giao kết tiêu dùng chưa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật cũng đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, công tác này hiện được giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Cục TMĐT&KTS) – là đơn vị duy nhất thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực TMĐT và hoạt động kinh tế số, trong đó có việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký, thông báo và cấp phép cho hoạt động TMĐT theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin được Cục TMĐT&KTS cung cấp, năm 2018 Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT của Cục TMĐT&KTS đã tiếp nhận 4.132 hồ sơ đăng ký và 45.817 hồ sơ thông báo về hoạt động TMĐT (website/ứng dụng TMĐT) theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, Cục TMĐT&KTS đã xác nhận cho 24.247 hồ sơ thông báo và xác nhận đăng ký cho 910 hồ sơ đăng ký website TMĐT của doanh nghiệp. Kết quả xác nhận của Cục TMĐT&KTS chấp nhận về việc đăng ký/thông báo đối với website TMĐT của doanh nghiệp được thể hiện bằng biểu tượng/ký hiệu “Đã đăng ký với Bộ Công Thương” và “Đã thông báo với Bộ Công Thương”. Tuy nhiên, các hồ sơ/tài liệu đăng ký/thông báo của doanh nghiệp TMĐT nêu trên (bao gồm cả các HĐTM, ĐKGDC đính kèm) mới chỉ được Cục TMĐT&KTS xem xét, thẩm định và xét duyệt dưới góc độ pháp luật TMĐT chứ chưa được xem xét về tình phù hợp dước góc độ pháp luật BVQLNTD. Với thực trạng và bối cảnh đã nêu ở trên, việc tồn tại những nội dung chưa phù hợp/chưa tuân thủ pháp luật BVQLNTD, ảnh hưởng hoặc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các HĐTM/ĐKGDC là rất có khả năng, cần thiết phải tăng cường vai trò giám sát của cơ quan nhà nước về BVQLNTD trong lĩnh vực này.

Đánh giá về mức độ chấp hành pháp luật luật bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (HĐTM, ĐKGDC) của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử gồm một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với nghĩa vụ chấp hành pháp luật BVNTD khi ban hành và áp dụng HĐTM, ĐKGDC, có thể nhận thấy: Mức độ chấp hành trong các ĐKGDC do doanh nghiệp ban hành là chưa cao, trong đó có nhiều điều khoản được doanh nghiệp quy định theo hướng có lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, thậm chí có nhiều điều khoản vi phạm quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, bên cạnh nghĩa vụ chấp hành pháp luật BVNTD về HĐTM, ĐKGDC, Phòng cũng ghi nhận một số nội dung điều khoản trong các ĐKGDC của doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Tuy nhiên, Phòng không tập trung đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp theo phạm vi pháp luật TMĐT do lĩnh vực này đã được điều chỉnh bởi pháp luật thương mại điện tử (TMĐT) và sự quản lý, giám sát của đơn vị chuyên ngành là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Thứ ba, kết quả đánh giá cũng cho thấy, một số nội dung điều khoản được quy định mập mờ, không rõ ràng, đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm giữa các bên trong giao kết HĐTM, ĐKGDC. Điều này đặc biệt thường thấy trong các HĐTM, ĐKGDC của mô hình giao kết tiêu dùng có sự tham gia của nhiều hơn hai chủ thể kinh doanh (là các doanh nghiệp thuộc Loại hình 1.(ii) và Loại hình 2 như trình bày tại Mục 1.2 Phần A nêu trên), cụ thể: Bên bán hàng, bên mua hàng (người tiêu dùng), chủ thể cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, bên giao hàng, bên vận chuyển, bên cung cấp dịch vụ kết nội vận chuyển trực tuyến, bên cung cấp dịch vụ kết nối cho vay (mô hình kinh tế chia sẻ),…

Khác với cách hiểu thông thường là bên bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ trực tiếp là bên soạn thảo HĐTM, ĐKGDC, thì ở mô hình giao kết tiêu dùng này, các chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian, kết nối giữa bên bán và bên mua mới là chủ thể soạn thảo HĐTM, ĐKGDC và áp dụng cho tất cả các bên khi tham gia giao kết. Do đó, việc phân định và giới hạn trách nhiệm cụ thể của mỗi bên như thế nào cần thiết phải được doanh nghiệp quy định một cách rõ ràng, đảm bảo mỗi chủ thể thực thi đúng trách nhiệm của mình trong quá trình giao kết cũng như giải quyết tranh chấp (nếu có) trong bối cảnh chưa có một khuôn khổ pháp luật đầy đủ, rõ ràng điều chỉnh.

Thứ tư, Phòng còn ghi nhận nhiều nội dung điều khoản có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng với các hành vi khác đã được ghi nhận trên thực tế qua các phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng thời gian qua, chủ yếu về: (i) Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử (64% các vụ việc); (ii) Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử (27% các vụ việc); (iii) Trách nhiệm bảo hành hàng hóa (chiếm 7% các vụ việc).

Nguyên nhân

Việc chưa tuân thủ của doanh nghiệp TMĐT có thể xuất phát từ các nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp TMĐT chưa nhận thức đầy đủ về các quy định trong Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc soạn thảo, áp dụng HĐTM, ĐKGDC để giao kết với người tiêu dùng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chỉ đơn thuần nhìn nhận việc kiểm soát HĐTM, ĐKGDC chỉ dành riêng cho nhóm doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký HĐTM, ĐKGDC theo quy định.

Thứ hai, về phía người tiêu dùng: do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVQLNTD còn hạn chế, chưa được thường xuyên, đồng bộ, đồng thời bản thân người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm, chưa hiểu hết về tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của công tác BVQLNTD nói chung và hiệu quả của vai trò kiểm soát HĐTM, ĐKGDC của cơ quan nhà nước nói riêng, nên chưa góp phần tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về BVNTD.

Thứ ba, doanh nghiệp cố tình hoặc chưa hiểu chính xác và đầy đủ về tính “thỏa thuận” với người tiêu dùng trong một số điều khoản, dẫn đến điền những nội dung mang ý chí đơn phương, có lợi cho doanh nghiệp trước khi đưa cho khách hàng xem xét và coi việc khách hàng đồng ý giao kết HĐTM, ĐKGDC mà doanh nghiệp cung cấp, ban hành chính là sự “thỏa thuận” dân sự với người tiêu dùng;

Thứ tư, với vai trò là bên cung cấp dịch vụ trung gian, tạo môi trường kết nối giữa bên bán hàng và người mua hàng, tuy nhiên các doanh nghiệp TMĐT này lại là chủ thể chính ban hành các quy tắc, chính sách cũng như điều chỉnh các vấn đề liên quan đến giao dịch tiêu dùng (nói cách khác, họ là những chủ thể “thiết lập luật chơi”). Xuất phát từ thế mạnh đó, một số doanh nghiệp TMĐT tự cho mình quyền đơn phương soạn thảo những nội dung có lợi hơn cho mình (thể hiện qua một số điều khoản loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp, đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro về phía người tiêu dùng và/hoặc bên bán hàng). Với việc tiến hành giao dịch trên môi trường TMĐT mà doanh nghiệp cung cấp, bên bán hàng và người mua hàng được coi như chấp nhận toàn bộ những quy định đơn phương đó của doanh nghiệp TMĐT mà không có cơ hội thương thảo, đàm phán.

Thứ năm, một trong những nguyên nhân của thực trạng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp TMĐT đến từ sự hạn chế về cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành. Pháp luật nói chung và pháp luật BVNTD nói riêng chưa có những quy định, chế tài rõ ràng, cụ thể điều chỉnh địa vị pháp lý cũng như phân định trách nhiệm của các bên (nhất là bên thứ ba) trong lĩnh vực TMĐT. Đặc biệt, pháp luật còn thiếu các cơ chế chính sách về phân định phạm vi trách nhiệm rõ ràng của từng bên đối với loại hình kinh tế chia sẻ, chưa có cơ chế xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT liên quan đến kinh tế chia sẻ.

Thứ sáu, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chuyên trách về TMĐT và đơn vị chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng (ở đây là Cục CT&BVNTD và Cục TMĐT&KTS) trong thực thi pháp luật về kiểm soát HĐTM, ĐKGDC lĩnh vực TMĐT. Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến công tác BVNTD trong TMĐT cũng đã ghi nhận những kết quả tích cực, song chủ yếu là ở công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công tác thông tin, tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật có nội dung hướng tới mục tiêu BVNTD trong TMĐT nói chung. Đối với công tác kiểm soát HĐTM, ĐKGDC lĩnh vực TMĐT, sự phối hợp này chưa được đẩy mạnh, thể hiện chủ yếu ở hai khía cạnh:

– Một là, chưa có sự phối hợp chia sẻ thông tin, tham vấn, trao đổi ý kiến chặt chẽ giữa Cục TMĐT&KTS và Cục CT&BVNTD trong quá trình tiếp nhận, xử lý các vấn đề có liên quan đến HĐTM, ĐKGDC của các doanh nghiệp TMĐT.

– Hai là, trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực TMĐT chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa Cục CT&BVNTD và Cục TMĐT&KTS, nhất là công tác thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về HĐTM, ĐKGDC của các doanh nghiệp TMĐT. Trong đó, việc kiểm soát HĐTM, ĐKGDC không thuộc phạm vi phải đăng ký (trong đó có các doanh nghiệp TMĐT) theo Điều 16 Nghị định 99/2011/NĐ-CP thông qua công tác thanh kiểm tra chưa được Cục CT&BVNTD triển khai trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân.   

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ