BVNTD

Nhận thức về hành vi vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc

22/05/2024

Các quy định pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

Lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền được định nghĩa tại Khoản 5 Điều 3

Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

Lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được xác định theo quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

         Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

         Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

         Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

 

         Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;

Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;

Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;

Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;

Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;

Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;

Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;

        Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm thực hiện những hành vi sau:

Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;

Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

 

Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.

Theo khoản 2, Điều 27 Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có vị trí độc quyền bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:

Hành vi quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 27, tức bao gồm:

Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác.

Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;

Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;

Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

Ngoài các quy định trên, Luật Cạnh tranh 2018 còn quy định về kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước tại Điều 28 như sau:

Nhà nước kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp sau đây:

Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;

Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước;

Định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

        

 

         Khi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh khác ngoài lĩnh vực độc quyền nhà nước thì hoạt động kinh doanh đó của doanh nghiệp không chịu sự điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều này nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của quy định khác của Luật này.

1.2. Đặc điểm pháp lý của vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

Từ lý luận chung về cấu thành của vi phạm pháp luật (Hộp 1), chúng ta cùng phân tích các yếu tố cấu thành của vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền.

Từ lý luận chung của khoa học pháp lý về cấu thành vi phạm pháp luật có thể phân tích các yếu tố cấu thành của vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền trên các mặt như sau:

Các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

1) Mặt khách thể

Về quan hệ xã hội bị xâm phạm, vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được nhà nước thiết lập và duy trì bằng các quy định pháp luật cạnh tranh. Pháp luật cạnh tranh Việt Nam không cấm các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đạt được vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền bằng các phương thức hợp pháp. Tuy nhiên, pháp luật kiểm soát các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thực hiện các hành vi bất hợp pháp để đạt và duy trì vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền thị trường.

Mặt khác, khi doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đạt được vị trí thống lĩnh, doanh nghiệp có vị trí độc quyền, pháp luật cần điều chỉnh hành vi của các doanh nghiệp đó nhằm ngăn chặn việc lạm dụng vị trí gây hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh, dẫn đến làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.

Đối tượng tác động của vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền là một, một số yếu tố liên quan đến hàng hóa, dịch vụ nhất định. Tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm cụ thể mà các yếu tố này được xác định khác nhau. Đối tượng tác động của vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền bao gồm: giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ nhất định (điểm 27.1.a); giá mua, giá bán hoặc giá bán lại hàng hóa, dịch vụ (điểm 27.1.b); năng lực sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ; phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ; sự phát triển kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, phân phối (điểm c); điều kiện thương mại (điểm 27.1.d); điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (điểm 27.1.đ); việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác (điểm

 

27.1.e); điều kiện cho khách hàng (điểm 27.2.b); hợp đồng đã giao kết (điểm 27.2.c); các đối tượng khác (điểm 27.1.g và điểm 27.2.d).

2) Mặt khách quan

          Về hành vi, vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền là hành hạn chế cạnh tranh đơn phương bị cấm theo quy định pháp luật của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Trường hợp một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường, thì hành vi vi phạm phải cùng được thực hiện bởi các doanh nghiệp trong nhóm đó. Tuy nhiên, khác với vi phạm về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, pháp luật không đòi hỏi các doanh nghiệp trong nhóm có vị trí thống lĩnh phải có sự thỏa thuận để dẫn đến thống nhất ý chí. Điều đó có nghĩa là, một doanh nghiệp có thể quan sát hành vi của doanh nghiệp khác trong nhóm có vị trí thống lĩnh để cùng thực hiện hành vi khách quan tương tự.

Các hành vi cụ thể bao gồm:

        Bán hàng dưới giá thành toàn bộ (27.1.a): là việc bán hàng, cung ứng dịch vụ với mức giá thấp hơn tổng các chi phí sản xuất, chi phí lưu thông và chi phí quản lý doanh nghiệp tính cho từng đơn vị hàng hóa, dịch vụ được tiêu thụ.

          Áp đặt giá mua hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (27.1.b và 27.2.a): là việc đưa ra yêu cầu bên bán phải chấp nhận giá giao dịch hàng hóa, dịch vụ thấp hơn giá thành của hàng hóa, dịch vụ trong khi không có lý do chính đáng cho việc đó.

          Áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (27.1.b và 27.2.a): là việc định giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn so với giá thành hàng hóa, dịch vụ trong khi không có lý do chính đáng cho việc định giá đó.

Ấn định giá bán lại tối thiểu (27.1.b và 27.2.a): là việc khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ bán lại hàng hóa thấp hơn mức giá đã quy định trước.

Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ (27.1.c và 27.2.a) là các hành vi: cắt, giảm lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường liên quan so với lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng trước đó trong điều kiện không có biến động lớn về quan hệ cung cầu; không có khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa; không có sự cố lớn về kỹ thuật; hoặc không có tình trạng khẩn cấp; (ii) ấn định lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường;

(iii) găm hàng lại không bán để gây mất ổn định thị trường.

Giới hạn thị trường (27.1.c và 27.2.a) bao gồm các hành vi: (i) chỉ cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong một hoặc một số khu vực địa lý nhất định; (ii) chỉ mua hàng hoá, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung nhất định trừ trường hợp các nguồn cung khác không đáp ứng được những điều kiện hợp lý và phù hợp với tập quán thương mại thông thường do bên mua đặt ra.

 

Cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ (27.1.c và 27.2.a) là các hành vi: (i) mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng; (ii) đe dọa hoặc ép buộc người đang nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ phải ngừng hoặc hủy bỏ việc nghiên cứu đó.

Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự (27.1.d và 27.2.a): là hành vi phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp về điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán, số lượng trong những giao dịch mua, bán háng hóa, dịch vụ tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hoá, dịch vụ để đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác.

Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ (27.1.đ và 27.2.a) là việc đặt điều kiện tiên quyết sau đây trước khi ký kết hợp đồng: (i) hạn chế về sản xuất, phân phối hàng hoá khác; (ii) mua, cung cứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý; (iii) hạn chế về địa điểm bán lại hàng hóa, trừ những hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; (iv) hạn chế về khách hàng mua hàng hóa để bán lại, trừ những hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; (v) hạn chế về hình thức, số lượng hàng hoá được cung cấp.

         Yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng (27.1.đ và 27.2.a) là hành vi gắn việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng với việc phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.

        Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác (27.1.e và 27.2.a) là hành vi tạo ra những rào cản bằng cách (i) Yêu cầu khách hàng của mình không giao dịch với đối thủ cạnh tranh mới; (ii) Đe dọa hoặc cưỡng ép các nhà phân phối, các cửa hàng bán lẻ không chấp nhận phân phối những mặt hàng của đối thủ cạnh tranh mới; (iii) Bán hàng hóa với mức giá không thấp hơn giá thành toàn bộ nhưng đủ để đối thủ cạnh tranh mới không thể gia nhập thị trường.

        Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng (27.2.b) là hành vi buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng.

         Đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng (27.2.c) là việc tự thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng mà (i) không cần thông báo trước cho khách hàng, hoặc (ii) căn cứ vào một hoặc một số lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng và (iii) không phải chịu biện pháp chế tài nào.

      

          Về hậu quả, theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường đều đòi hỏi phải có những hậu quả tương ứng. Đối với vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí độc quyền, các hành vi tương tự như vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường cũng đòi hỏi phải có hậu quả, những hành vi còn lại (2 hành vi quy định tại điểm 27.2.b và 27.2.c) thì không quy định về hậu quả. Cụ thể như sau:

          Loại bỏ đối thủ cạnh tranh (27.1.a; 27.2.a) nghĩa là với mức giá bán dưới giá thành toàn bộ mà doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường, hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền đang thực hiện, đối thủ cạnh tranh không thể bán thấp hơn, không thể thu được lợi nhuận nên buộc phải rời bỏ thị trường hoặc có khả năng phải rời bỏ thị trường.

          Gây thiệt hại cho khách hàng (27.1.b; 27.1.c; 27.2.a) nghĩa là khách hàng đã hoặc có thể bị thua thiệt do phải chấp nhận: bán cho doanh nghiệp vi phạm với giá thấp hơn do bị áp đặt giá mua; phải mua hàng của doanh nghiệp vi phạm với giá cao hơn do bị áp đặt giá bán, bị ấn định giá bán lại tối thiểu hoặc do hạn chế cung (dẫn đến tăng giá); phải bỏ thêm chi phí để tiếp cận hàng hóa, dịch vụ do bị giới hạn thị trường; không được sử dụng những hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá cả thấp hơn do bị cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ.

          Doanh nghiệp không có vị trí thống lĩnh hoặc trong nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, doanh nghiệp không có vị trí độc quyền không thể tham gia, không thể mở rộng thị trường hoặc buộc phải rời bỏ thị trường liên quan (27.1.d; 27.1.đ; 27.1.e; 27.2.a).

3) Mặt chủ thể

Vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền đòi hỏi phải được thực hiện bởi chủ thể “đặc biệt”, có vị trí trên thị trường. Cụ thể:

Trường hợp vi phạm được thực hiện bởi một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó phải có vị trí độc quyền hoặc có vị trí thống lĩnh trên thị trường. Doanh nghiệp có vị trí độc quyền thị trường là doanh nghiệp duy nhất cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên thị trường liên quan. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

Trường hợp vi phạm cũng được thực hiện bởi một nhóm doanh nghiệp thì nhóm doanh nghiệp đó phải có vị trí thống lĩnh thị trường. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khi nhóm doanh nghiệp đó có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có tổng thị phần được xác định như sau:

Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

 

 

Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

Doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan, nếu cùng có hành vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường không bị coi là chủ thể của phạm.

4) Mặt chủ quan

          Về yếu tố lỗi, vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền được thực hiện bởi lỗi cố ý. Những người có quyền quyết định trong doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp vi phạm biết vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của doanh nghiệp trên thị trường, họ hiểu rằng việc thực hiện các hành vi khách quan nêu trên là vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng vẫn thực hiện. Họ biết rằng khi thực hiện hành vi vi phạm sẽ gây hạn chế cạnh tranh hoặc gây thiệt hại cho khách hàng, làm cho doanh nghiệp khác không thể tham gia, mở rộng thị trường hoặc phải rút khỏi thị trường nhưng vẫn thực hiện hành vi vi phạm.

          Động cơ, mục đích không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành vi phạm pháp luật về lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thị trường.

Phát hiện vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

Nguồn tin ban đầu về vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

Từ đặc điểm của vi phạm về lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền có thể xác định nguồn tin ban đầu của vụ việc có dấu hiệu vi phạm này bao gồm:

          Khiếu nại của doanh nghiệp cạnh tranh bị thiệt hại do hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền;

          Khiếu nại của người tiêu dùng hoặc của đại diện người tiêu dùng (chẳng hạn như hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) khi họ bị thiệt hại do hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền;

          Kết quả chủ động rà soát, giám sát định kỳ của Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh về kết cấu thị trường, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh;

Kết quả điều tra mở rộng các vụ việc cạnh tranh đã và đang được tiến hành;

          Báo cáo phân tích thị trường, phân tích ngành kinh tế của các tổ chức nghiên cứu kinh tế, hiệp hội, ngành nghề, các chuyên gia kinh tế phản ánh về dấu hiệu lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh của một doanh nghiệp hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh của một nhóm doanh nghiệp cụ thể.

Biện pháp phát hiện vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền

 

 

Đối với bất kỳ nguồn tin ban đầu nào phản ánh về vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền, Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh cũng cần phải kiểm tra, xác minh những thông tin sau:

Thị trường liên quan: Thị trường liên quan là yếu tố rất quan trọng để xác định doanh nghiệp dự kiến điều tra có vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh hay không. Do đó, cần xem xét trong thông tin ban đầu đã phân tích làm rõ giới hạn thị trường sản phẩm và thị trường địa lý liên quan hay chưa? Khả năng thay thế về cung và cầu đã được xem xét khi xác định thị trường liên quan hay chưa? Nếu đã được đề cập, thì những phân tích đó được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu thị trường nào và có đủ cơ sở để tin cậy hay không?

Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bị khiếu nại hoặc nghi vấn vi phạm: Đã có đủ thông tin cơ bản để xác định danh tính của doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp trong nhóm bị nghi vấn có hành vi lạm dụng vị trí hay chưa? Đã có thông tin về thị phần của các doanh nghiệp đó không? Cơ sở để xác định thị phần của các doanh nghiệp đó? Nếu không có thông tin xác định thị phần thì có thông tin về các yếu tố xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nghi vấn không? Những kết luận về sức mạnh thị trường của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nghi vấn có căn cứ tin cậy không?

Hành vi lạm dụng vị trí: Thông tin ban đầu đã xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền nào được thực hiện? Hành vi đó được quy định tại điểm, điều khoản nào của Luật Cạnh tranh? Hành vi đó được thực hiện từ khi nào, đã kết thúc hay vẫn còn đang tiếp diễn? Đã có các chứng cứ nào chứng minh hành vi lạm dụng vị trí được thực hiện?

– Hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi lạm dụng vị trí với hậu quả: Ai là người bị thiệt hại trong vụ việc? Hậu quả cụ thể nào đã xảy ra? Nếu chưa, thì có căn cứ để xác định hậu quả đó sẽ xảy ra hay không? Có đủ căn cứ để chứng minh những hậu quả đó có phải do hành vi lạm dụng vị trí gây ra không? Mức độ và căn cứ xác định mức độ thiệt hại do hành vi lạm dụng vị trí gây ra là gì?…

Sau khi xem xét, nếu thấy những vấn đề trên đã được phản ánh trong nguồn tin ban đầu, hoạt động điều tra vụ việc có thể được tiến hành. Sau đây chúng ta cùng nghiên cứu Tình huống 4 để vận dụng những kiến thức nêu trên.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ