Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều trở ngại
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc đáng kể từ mức 3,1% năm 2022 xuống còn 2,1% trong năm 2023 (Hình 1.1). Tăng trưởng chững lại là do chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt để kiểm soát lạm phát cao và sức cầu đang yếu đi ở hầu hết các nền kinh tế phát triển.1 Lạm phát được dự báo sẽ giảm dần khi sức cầu yếu đi và giá cả thương phẩm hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Thương mại toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2023 (thấp hơn 2,6 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 6/2022, Hình 1.2).
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc mạnh
Sau khi GDP thực đạt mức tăng trưởng 8% vào năm 2022, nền kinh tế giảm tốc mạnh trong nửa đầu năm 2023, do sức cầu bên ngoài giảm mạnh và sức cầu trong nước yếu đi. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh của Việt Nam giảm còn 3,7% (so cùng kỳ) trong nửa đầu năm 2023,2 thấp hơn nhiều so với số liệu báo cáo cho cùng kỳ năm 2022 (6,4%, so cùng kỳ) (Hình 1.3). Tăng trưởng giảm tốc do sức cầu bên ngoài yếu đi khi xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023, qua đó gây ảnh hưởng đến kết quả của khu vực xuất khẩu, đóng góp đến 50% cho GDP của Việt Nam.3
Đồng thời, sức cầu trong nước cũng chững lại sau đợt phục hồi mạnh mẽ hậu COVID vào năm trước, do hiệu ứng xuất phát điểm ban đầu giảm dần và niềm tin của người tiêu dùng yếu đi. Tăng trưởng của tiêu dùng cuối giảm còn 2,7% so cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm, so với 6,1% cùng kỳ nửa đầu năm 2022. Mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn duy trì và đầu tư công tăng nhẹ, nhưng tăng trưởng tổng đầu tư vẫn giảm, do tăng trưởng đầu tư của tư nhân trong nước yếu đi, giảm rõ rệt xuống mức 2,4% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, từ mức 11,8% cùng kỳ năm trước.
Suy giảm tăng trưởng xét trên góc độ tổng cầu cũng được phản ánh trên góc độ tổng cung, hay đóng góp của các ngành sản xuất, kinh doanh cho GDP. Do nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu giảm xuống, đóng góp của khu vực công nghiệp cho tăng trưởng GDP giảm còn 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2023, so với mức 2,8 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng khu vực dịch vụ đóng góp tới 2,8 điểm phần trăm cho tổng tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm, so với 2,9% điểm phần trăm cùng kỳ năm 2022, do khu vực nhà hàng khách sạn đạt kết quả tốt, và sự phục hồi lượng du khách trong nước và nước ngoài đủ để bù đắp cho thương mại bán buôn và bán lẻ đang quay lại mức bình thường.4 Đóng góp của khu vực nông nghiệp cho tăng trưởng GDP vẫn ổn định nhưng thấp ở mức 0,3 điểm phần trăm (Hình 1.4).
Sức cầu bên ngoài giảm mạnh và tình trạng mất điện vừa qua gây ảnh hưởng đến kết quả của khu vực chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Theo sát sự suy giảm của xuất khẩu, sản xuất công nghiệp cũng giảm 0,4% (so cùng kỳ) trong nửa đầu năm 2023, sau đó tăng nhẹ 2,5% (so cùng kỳ) vào quý 2 (Hình 1.5).5 Sức cầu bên ngoài yếu đi gây ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng chế tạo chế biến xuất khẩu chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bao gồm may mặc và giày da (-6,8%, so cùng kỳ), máy tính và hàng điện tử khác (-4,6%, so cùng kỳ) và đồ gỗ (-7,7%, so cùng kỳ).6 Bên cạnh đó, tình trạng mất điện luân phiên gây ảnh hưởng đến miền Bắc trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, làm sản xuất bị gián đoạn, ước tính gây tác động làm giảm 0,3% GDP (Hộp 1.1).
Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân cũng chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp giảm kể từ đợt phục hồi mạnh mẽ sau COVID vào năm trước và niềm tin của người tiêu dùng yếu đi. Tăng trưởng doanh số bán lẻ – là chỉ tiêu gián tiếp về tiêu dùng tư nhân – giảm còn 10,9% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 (so với 12% cùng kỳ trong nửa đầu năm 2022), trong đó tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng giảm liên tục từ 12,8% so cùng kỳ trong tháng 1 xuống còn có 6,5% so cùng kỳ trong tháng 6 (Hình 1.6).7 Tiêu dùng tư nhân giảm phần nào do hiệu ứng xuất phát điểm giảm dần, nhưng cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang trở nên mong manh và thu nhập bình quân chững lại, phần nào do tác động của cú sốc cầu bên ngoài đối với thị trường lao động. Một khảo sát người tiêu dùng vào tháng 6/2023 cho thấy 43% người trả lời cho rằng tình hình kinh tế kém hơn năm trước, so với tỷ lệ 27% vào tháng 01/2023.8 Dữ liệu cho thấy thu nhập bình quân đang chững lại ở mức 6,3 triệu đồng (theo giá so sánh) trong nửa đầu năm 2023 sau khi được cải thiện mạnh trong năm 2022 (Hình 1.11).9
Tổng đầu tư chững lại đáng kể do đầu tư tư nhân suy giảm, trong khi tăng đầu tư công chỉ bù đắp được phần nào. Tăng trưởng tổng đầu tư giảm đáng kể xuống còn 4,7% (so cùng kỳ) trong nửa đầu năm 2023 so với 10,7% (so cùng kỳ) năm trước, chủ yếu do đầu tư tư nhân yếu đi trong điều kiện sức cầu trong nước và bên ngoài chững lại (Hình 1.7). Đóng góp của đầu tư tư nhân trong nước cho tổng đầu tư hạ xuống 1,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2023 so với 7% cùng kỳ năm trước. Mức đóng góp giảm là do tác động của xuất khẩu giảm và dự kiến các diễn biến kinh tế toàn cầu tiếp tục không thuận lợi, vì vậy các doanh nghiệp tư nhân trong nước trở nên thận trọng với đầu tư mới (tham khảo bên dưới).10 Đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tổng đầu tư cũng giảm (0,2 điểm phần trăm) trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước (1,5 điểm phần trăm). Mặt khác, đầu tư công (bằng nguồn ngân sách Nhà nước) tăng 43,3% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023 (Hình 1.25), đóng góp 3 điểm phần trăm cho tổng đầu tư. Tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư nhích nhẹ từ 20,9% năm 2022 lên 22,1% trong nửa đầu năm 2023.
7 Doanh số bán hàng, đóng góp khoảng 70% cho tổng doanh số bán lẻ, giảm từ 9,7% trong tháng 01/2023 xuống còn 6% so cùng kỳ trong tháng 02, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trước đại dịch (11,9%, so cùng kỳ) do hiệu ứng lan truyền của cú sốc cầu bên ngoài và do niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Doanh số dịch vụ giảm đáng kể chủ yếu do hiệu ứng xuất phát điểm (doanh số quay về mức bình thường sau đại dịch) trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn (từ 36% so cùng kỳ trong tháng 01 xuống còn 6,5% trong tháng 06).
8 Infocus, Khảo sát người tiêu dùng tháng 06/2023.
9 Dữ liệu của TCTK, tính toán của cán bộ Ngân hàng Thế giới.
10 S&P GLOBAL, Chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo chế biến tại Việt Nam, ngày 03/07/2023. "Đơn hàng mới tiếp tục giảm trong điều kiện sức cầu yếu” https://www.pmi.spglobal.com/Public/Home/PressRelease/1abc42d09ef5440c81d425f21bd38393
Hộp 1.1. Đảm bảo cung ứng điện cho phù hợp với nền kinh tế thu nhập cao
Ngành điện đến nay vẫn tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế mạnh mẽ và bao trùm ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Đến cuối năm 2021, 99,8% người dân được tiếp cận điện. Trong giai đoạn 2000–2023, ngành điện có thể phục vụ song song tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm ở mức 10%, nhờ tăng công suất điện cao hơn đến 16 lần (5GW in 2000, 81GW in 2023). Các đường trục truyền tải cũng được mở rộng, tổng cộng đến gần bốn lần trong cùng kỳ. Ngành điện đã và đang cung cấp dịch vụ điện đảm bảo tin cậy cho toàn dân và nền kinh tế đang ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, trong tháng 05 và 06 năm 2023, miền Bắc phải chịu cảnh mất điện luân phiên thường xuyên, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở quy mô lớn. Trong tháng 05/2023, thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh lên đến 5,4GW.11 Tình hình được cải thiện trong tháng 06, và đã được giải quyết trong tháng 07 do nguồn nước tăng lên. Thiếu hụt điện trong mùa khô vốn đã diễn ra vào hè năm 2022, vào thời điểm đó thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh rơi vào mức 1,8GW.
Ước tính sơ bộ cho thấy phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 05-06 rơi vào khoảng 1,4 tỷ US$ (tương đương 0,3% GDP).12 Qua một khảo sát nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%. 13 Căn cứ vào ước thiếu hụt cung đến tháng 06, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở mức ước khoảng 75 triệu US$.14
Bất cân đối về cung hiện đang là vấn đề của miền Bắc, nơi nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng (10% so với 8,5% trên toàn quốc) và có tính chất mùa vụ, nhất là trong các tháng 05-07. Nguyên nhân do sản xuất điện, đang lệ thuộc vào nguồn thủy điện và điện than,15 chậm trễ trong đầu tư cho sản xuất và truyền tải điện, trong đó hạn chế về truyền tải gây hạn chế trong việc tiếp cận công suất dư lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).16 Tác động của El Nino đối với nguồn nước và nhu cầu sử dụng điện, cũng như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào thủy điện do giá cả nhiên liệu tăng cao, cho thấy nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn của khu vực đối với tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ cực đoan và tình trạng bất định gia tăng về điều kiện thủy văn) cũng như rủi ro về giá thương phẩm (cú sốc về giá nhiên liệu toàn cầu).17
Vấn đề đặt ra là phải hành động nhanh chóng để giảm nhẹ rủi ro an ninh năng lượng và tổn thất kinh tế trong tương lai. Những can thiệp trong quản lý bên cầu có thể được triển khai ngay để xử lý thiếu hụt điện, chẳng hạn, dịch chuyển phụ tải của các ngành công nghiệp. Các biện pháp cấp thiết trước mắt bao gồm: (i) tránh chậm trễ trong lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong năm 2024 và 2025; (ii) xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải; và (iii) đa dạng hóa các nguồn cung, chuyển từ cơ cấu năng lượng năm 2025 sang dựa nhiều hơn vàonguồn nhập khẩu trong khu vực. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể đem lại tác động nếu thiết lập ngay hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định dưới luật.
Các doanh nghiệp và thị trường lao động bị ảnh hưởng tiêu cực
Dữ liệu về thành lập và đóng cửa doanh nghiệp cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân đang giảm trong nửa đầu năm 2023 khi nền kinh tế hạ nhiệt.18 Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn cao hơn so với số lượng doanh nghiệp đóng cửa ở mức 1,5 lần trong nửa đầu năm (so với 1,8 lần trong cùng kỳ năm 2022), nhưng tốc độ đóng cửa doanh nghiệp lại gia tăng (lần lượt ở mức 11 và 18,3% so cùng kỳ trong các quý 1 và 2), trong khi tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn khá khiêm tốn (lần lượt ở mức -2 và 0,8% so cùng kỳ trong các quý 1 và 2) (Hình 1.8). Quy mô bình quân của doanh nghiệp mới thành lập cũng giảm. Theo TCTK, bình quân doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sử dụng ít vốn chủ sở hữu (-19,8%) và ít lao động (-1%) hơn trong nửa đầu năm 2023 so với doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường trong nửa đầu năm 2022 (Hình 1.9).
Tình hình thị trường lao động cũng giảm sôi động trong nửa đầu năm 2023, phản ánh các hoạt động kinh tế đang chững lại. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm không thay đổi trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng trưởng việc làm giảm từ 2,2% so cùng kỳ trong quý đầu năm 2023 xuống còn 1,4% so cùng kỳ trong quý 2 (Hình 1.10), thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4% trong giai đoạn trước đại dịch, phản ánh hoạt động kinh tế đang hạ nhiệt. Sau khi có cải thiện trong năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đi ngang ở mức 68,9 trong nửa đầu năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức bình quân của năm 2019 (71,1%). Do tình trạng thị trường lao động chưa khởi sắc, thu nhập bình quân vẫn đi ngang trong nửa đầu năm 2023 (Hình 1.11).
Nhu cầu bên ngoài suy giảm đặc biệt gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến ở các địa bàn xuất khẩu trọng tâm, như một số khu vực lân cận Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo khảo sát vào tháng 4/2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Khu vực Tư nhân,19 71,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ phải cắt giảm 5% lao động, còn 60,1% cho biết doanh thu bị giảm ít nhất 20% trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 59,2% cho biết bị giảm đơn hàng. Trong thời gian tới, trên 80% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh tế và kinh doanh sẽ kém đi trong các tháng còn lại của năm 2023.
Tương tự như kết quả khảo sát trên, số liệu về lao động của 63 tỉnh thành do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố cho thấy số lượng đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 59% từ quý 1 đến quý 2 năm 2023.20 Mức tăng trên không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó khu vực Đông Nam Bộ21 có số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 2 tăng đến trên 62% so với quý trước.