BVNTD

Những diễn biến và triển vọng kinh tế (phần 2)

23/05/2024

Thặng dư tài khoản vãng lai tăng, mặc dù xuất khẩu giảm

Cán cân thanh toán của Việt Nam được cải thiện trong quý đầu năm 2023, nhờ thặng dư tài khoản vãng lai tăng lên. Tài khoản vãng lai đạt thặng dư ước tính ở mức 1,5% GDP của năm 2022 trong quý 1 năm 2023 (Hình 1.12), nhờ cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện (do nhập khẩu giảm nhiều hơn so với xuất khẩu), dòng kiều hối vẫn duy trì (ước đạt 2,7 tỷ US$), thâm hụt tài khoản thương mại dịch vụ giảm xuống khi số lượt du khách quốc tế nhập cảnh tiếp tục phục hồi, đạt 5,6 triệu lượt trong nửa đầu năm 2023 so với 0,6 triệu lượt nửa đầu năm 2022. Tài khoản tài chính vẫn đảm bảo thặng dư do giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn ổn định (Hình 1.13). Việt Nam ghi nhận khoản mục sai sót ròng ở mức lớn (7,5 tỷ US$ trong quý đầu năm 2023),1 có lẽ phản ánh dòng vốn tiếp tục chảy ra nước ngoài nhưng không được ghi nhận, do kỳ vọng đồng tiền tiếp tục bị mất giá và còn chênh lệch lãi suất.

Mặc dù khoản mục sai sót ròng có tăng lên, nhưng thặng dư trên cả tài khoản vãng lai và tài khoản tài chính đã hỗ trợ làm tăng thặng dư cán cân thanh toán tổng thể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nâng dự trữ ngoại hối (từ 87,1% tỷ US$ vào cuối quý 4 năm 2023 lên 88,7 tỷ US$ vào cuối quý 1 năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu.2 Nhập khẩu chững lại và cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn được NHNN ban hành năm 2022, cho phép giao dịch xoay quanh tỷ giá trung tâm với biên độ +5%/-5%, qua đó góp phần giúp cho thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2023 (Hình 1.14).

Sức cầu bên ngoài yếu đi ảnh hưởng nặng nề đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. Xuất khẩu giảm (-12% so cùng kỳ) trong nửa đầu năm 2023 (Hình 1.15) do kim ngạch xuất khẩu giảm đồng loạt ở các mặt hàng chế tạo chế biến chủ lực, bao gồm hàng điện tử (-13,9%), máy móc (-8,6%), dệt may (-15,8%), và giày da (-16,9%), cũng như vào các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ (-21,3%, so cùng kỳ trong năm tháng đầu năm) và Liên minh Châu Âu (-9,6% so cùng kỳ trong năm tháng đầu năm).3

Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, ở mức 17,9% so cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023, trong đó kim ngạch nhập khẩu quý 2 giảm 20,2% so cùng kỳ năm trước. Vì đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, cho nên nhập khẩu giảm mạnh không chỉ phản ánh sản xuất phục vụ xuất khẩu suy giảm mà còn có thể là chỉ báo về sản xuất của các ngành phục vụ xuất khẩu sẽ suy yếu trong những tháng tới.

Ngược lại, thương mại dịch vụ tiếp tục quay về các mức trước đại dịch, nhờ số lượt du khách   quốc tế đến Việt Nam được phục hồi. Cán cân thương mại dịch vụ được cải thiện đáng kể, qua thâm hụt giảm xuống trong nửa đầu năm 2023 (-2,4 tỷ US$) so với năm trước (-8,1 tỷ US$) (Hình 1.16). Số lượt khách quốc tế đến với Việt Nam phục hồi mạnh trong nửa đầu năm (tăng thêm 5 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022) là lý do đem lại sự cải thiện trên

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tuy giảm, nhưng vốn FDI thực hiện vẫn được duy trì trong nửa đầu năm 2023. Do những bất định của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, vốn FDI đăng ký trong nửa đầu năm 2023 đạt 13,4 tỷ US$, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 66% so với mức trước đại dịch (nửa đầu năm 2019). Ngược lại, vốn FDI thực hiện đạt 10 tỷ US$ trong nửa đầu năm 2023, tương đương cùng kỳ năm 2022, và tương đương các mức trước đại dịch (Hình 1.17).

Khi lạm phát hạ nhiệt, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh nhờ giá nhiên liệu giảm trên các thị trường trong nước và toàn cầu, tiêu dùng trong nước cũng chững lại; trong khi lạm phát cơ bản cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn. Lạm phát CPI giảm từ 4,9% (so cùng kỳ) trong tháng 1/2023 xuống còn 2% (so cùng kỳ) trong tháng 6/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách ở mức 4,5% cho cả năm (Hình 1.18). Dịch vụ vận tải là yếu tố chính dẫn đến giảm CPI, do giá cước trong tháng 6/2023 giảm 12% (so cùng kỳ) nhờ giá cả nhiên liệu hạ nhiệt trên các thị trường trong nước và toàn cầu (Hình 1.19). Lạm phát cơ bản (không tính giá lương thực thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng dịch vụ được Nhà nước quản lý giá) giảm ít hơn trong nửa đầu năm 2023 nhưng vẫn trên mức trước đại dịch. Điều này cho thấy tác động của đợt nâng giá nhiên liệu vẫn kéo dài, bao gồm thông qua giá vật liệu xây dựng và khiến giá nhà ở bị tăng lên.4

Trong bối cảnh lạm phát giảm và tăng trưởng yếu đi, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa tháng 3/2023. Đến cuối quý 2 năm 2023, lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn của NHNN được điều chỉnh lần lượt ở mức 3 và 4,5%, giảm 150-200 điểm cơ bản thông qua bốn đợt cắt giảm lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6/2023 (Hình 1.20). Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm với quy mô tương tự nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp vốn vay mới, rẻ hơn, cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là nỗ lực đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, cũng như việc ra mắt chương trình tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ kinh tế.

 

Khu vực ngân hàng tiếp tục phải đối mặt với thách thức trong nửa đầu năm 2023. Tăng trưởng tín dụng vào tháng 6/2023 giảm xuống còn 7,8% so cùng kỳ (Hình 1.21), thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN ở mức 14,0% cho cả năm. Xu hướng trên phản ánh nhu cầu tín dụng và hoạt động đầu tư đang yếu đi do hoạt động kinh tế bị suy yếu. Mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng tỷ lệ gộp dư nợ cho vay trên tiền gửi vẫn ở mức trên 100%,6 đồng thời bất cân đối về kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng vẫn đang gây quan ngại. Mặc dù hệ số an toàn vốn bình quân của khu vực ngân hàng (11,4% vào năm 2022)7 vẫn cao hơn mức an toàn tối thiểu, nhưng mức đệm dự phòng vốn tại một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn và ngân hàng tư nhân nhỏ còn thấp, cho nên năng lực hấp thụ các cú sốc hoặc nợ xấu gia tăng còn hạn chế. Trong khi đó, nợ xấu tăng từ 1,9% trong tháng 12/2022 lên 2,9% trong tháng 03/2023 (Hình 1.22).8 Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục ngưng trệ khi khối lượng phát hành chỉ bằng khoảng một phần tư so với cùng kỳ năm 2022 và 98 doanh nghiệp đang mất khả năng trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng mức lên đến 128,5 ngàn tỷ VND (5,4 tỷ US$), tương đương khoảng 11,1% tổng dư nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và giải quyết áp lực trên bảng cân đối của khu vực ngân hàng, các cấp có thẩm quyền đã thông qua chính sách hỗ trợ, bao gồm tái ban hành quy định về tái cơ cấu thời hạn trả nợ. Trong tháng 3/2023, Chính phủ ban hành quy định cho phép tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp và tạm hoãn thi hành các quy định bổ sung về phát hành được ban hành trước đó, qua đó làm giảm áp lực ngắn hạn cho bên vay và loại bỏ khó khăn trong việc đảo nợ những trái phiếu đáo hạn.9 Trong tháng 4/2023, NHNN tái ban hành các biện pháp tái cơ cấu thời gian trả nợ10 (trước đó đã được áp dụng lần đầu trong giai đoạn đại dịch cho đến tháng 6/2022). Để tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp, NHNN giảm chi phí vốn vay cho các lĩnh vực trên.11 Đồng thời, Chính phủ cũng nới lỏng các quy định liên quan đến việc các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm nhẹ vấn đề thanh khoản trên thị trường trái phiếu.

Đầu tư công được đẩy nhanh, nhưng những thách thức trong triển khai vẫn đang tồn tại

Ngân sách nhà nước đến giữa năm 2023 ước thặng dư (1,5% GDP), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (5,2% GDP) (Hình 1.23A). Thặng dư thấp hơn do thu ngân sách thấp và chi ngân sách cao hơn so với cùng kỳ năm, với xung lực tài khóa vào khoảng 3,7% GDP. Số thu ngân sách giảm 7% trong nửa đầu năm 2023 (so cùng kỳ) do các sắc thuế lớn đều giảm, trừ thuế thu nhập doanh nghiệp13 (Hình 1.24). Đến cuối tháng 6/2023, thu ngân sách đạt 54% dự toán (tương đương 18,3% GDP) (Hình 1.23A). Mặt khác, tổng chi ngân sách tăng 12,8% trong nửa đầu năm 2023 so cùng kỳ năm trước (Hình 1.23B). Giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh ở mức 43,3% trong nửa đầu năm 2023 (so cùng kỳ), qua đó hỗ trợ cho nền kinh tế (Hình 1.25). Phần tăng giải ngân đầu tư công bao gồm cả vốn triển khai hợp phần đầu tư trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội được phê duyệt đầu năm 2022 (1,8% GDP).

Mặc dù tổng chi ngân sách tăng trong nửa đầu năm 2023, nhưng những thách thức trong triển khai đầu tư công vẫn còn tồn tại. Đến cuối tháng 6/2023, tổng chi ngân sách mới chỉ đạt 39% dự toán cả năm (tương đương 17% GDP), trong khi giải ngân đầu tư công chỉ đạt 30% dự toán cả năm. Tốc độ triển khai vẫn chậm tương tự như năm 2022 và các năm trước đó, một phần phản ánh tình trạng dự án đầu tư thường bị khởi công trễ trong nửa đầu năm, một phần do các vấn đề lâu nay về quy định và thủ tục hành chính, gây cản trở triển khai ngân sách đầu tư. Trong khi đó, tốc độ thực hiện ngân sách chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách tài 

khóa dự kiến. Chương 2 của báo cáo này sẽ phân tích thêm về vấn đề này.

Nợ của Chính phủ và nợ được được Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, qua đó cho thấy dư địa tài khóa còn dồi dào để thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ. Nợ của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh ước đạt 35,7% cho năm 2022, giảm liên tục từ năm 2016 là thời điểm nợ ở mức 47,5%, đồng thời thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra. Nợ công của Việt Nam năm 2022 thấp hơn với các quốc gia so sánh trong khu vực – In-đô-nê-xia (40,9%) GDP, Phi-líp-pin và Thái Lan (cả hai ở mức 60,9% GDP) và Ấn Độ (89,2% GDP)15 – qua đó cho thấy chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ có thể được tiếp tục thực hiện mà không ảnh hưởng đến bền vững nợ. Quan điểm này càng được củng cố khi các cấp có thẩm quyền tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nợ công, nhằm chuyển sang trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài, trong 6 tháng đầu năm 2023. Tổng khối lượng trái phiếu phát hành đạt 180 ngàn tỷ VND (tương đương 45% kế hoạch năm). Khoảng 95% trái phiếu Kho bạc Nhà nước được phát hành với kỳ hạn dài (10-15 năm).

 

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ