Các hành vi hạn chế cạnh tranh được các quốc gia trên thế giới kiểm soát bằng pháp luật cạnh tranh hay pháp luật chống độc quyền.
Pháp luật cạnh tranh đã manh nha xuất hiện tại Châu Âu từ khá lâu, ngay từ khi các quan hệ mang tính phản cạnh tranh được bộc lộ. Trong thời kỳ tiền công nghiệp tại Anh, khi các hoạt động sản xuất và thương mại chưa thực sự phát triển, các hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào các nguồn vật phẩm hay hàng hóa được chế tác, sản xuất mang tính thủ công, các nhà kinh doanh thường bắt đầu bằng việc tìm cho mình người thầy để theo học chế tác, sản xuất một vật phẩm hay hàng hóa thương mại nào đó. Giữa những người thầy và người theo học cũng thường hình thành một thỏa thuận theo đó người học cam kết, sau khi học thành tài, sẽ không thực hiện các hoạt động kinh doanh cạnh tranh trực tiếp với người thầy của mình trong một phạm vi địa lý nhất định (thường là khu vực mà người thầy đang kinh doanh) và trong một khoảng thời gian nhất định, thường ít nhất là 2 năm. Những thỏa thuận như vậy trong một thời gian dài được nhìn nhận là hợp pháp dựa trên cơ sở của nguyên tắc tự do khế ước trong đó đề cao sự tự do của các bên thông qua việc cân nhắc thấu đáo của từng bên trước khi đưa ra thỏa thuận. Đồng thời, xét dưới góc độ của các giá trị đạo đức xã hội và đạo lý trong quan hệ giữa thầy và trò, các thỏa thuận như vậy cũng được coi là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, thái độ và cách nhìn nhận của cộng đồng xã hội đã có sự thay đổi kể từ khi lần đầu tiên một tòa án tại thủ đô London của Anh chấp nhận đơn khiếu nại để xem xét và sau đó đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của một thỏa thuận như vậy vào năm 1414, trong vụ việc Dyer. Vụ việc được tòa án xem xét dựa trên đơn của một bên khiếu nại bên kia phá vỡ cam kết đã được hai bên thỏa thuận thống nhất và đưa ra trong một giao kèo theo đó người thầy yêu cầu người học không được thực hiện các hoạt động thương mại cạnh tranh trực tiếp trong khu vực địa lý mà người thầy đang kinh doanh trong vòng 2 năm kể từ ngày học thành tài. Mặc dù công nhận giao kèo hàm chứa sự tự do ý chí của các bên thông qua việc cân nhắc thấu đáo của từng bên trước khi đưa ra thỏa thuận nhưng cuối cùng Tòa án đã đưa ra phán quyết cho rằng thỏa thuận như vậy có tính chất hạn chế thương mại, ngăn cản cạnh tranh tự do và cơ bản không phù hợp với chính sách chung của cộng đồng. Kể từ đó, trong nhiều thập kỷ tiếp theo, nhiều sự việc có tính chất tương tự đã được các tòa án Anh xử lý dựa trên tinh thần của phán quyết trong vụ Dyer và dần phát triển trở thành những quy tắc pháp luật đầu tiên điều chỉnh vấn đề thỏa thuận hạn chế thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Như vậy, có thể thấy thông luật của Anh để kiểm soát các thỏa thuận hạn chế thương mại được xây dựng từ các án lệ trong giai đoạn đầu thế kỷ 15 chính là khởi nguồn đầu tiên của pháp luật cạnh tranh và phát triển cho đến tận ngày nay. Tuy vậy, đây cũng mới chỉ là giai đoạn phôi thai đầu tiên nên chưa thể hiện được một cách rõ nét hình hài của pháp luật cạnh tranh.
Sang đến giai đoạn đầu thế kỷ 16, Châu Âu có sự biến đổi nhanh chóng về các điều kiện kinh tế – xã hội. Nhờ các cuộc phiêu lưu thám hiểm và khai hóa đã giúp mở ra những vùng đất mới đồng nghĩa với những khu vực thị trường mới. Chính điều đó đã thúc đẩy các hoạt động buôn bán vượt đại dương để bòn rút và tích lũy của cải đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển đa dạng và bùng nổ của nhiều ngành nghề kinh doanh. Vào năm 1561, cơ chế cấp phép độc quyền trong các ngành kinh doanh đã được đưa ra tại nước Anh để trên cơ sở đó nhà nước có thể trao một đặc quyền sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực hay ngành nghề cho những cá nhân có trình độ tay nghề cao hoặc có những phát kiến hay phát minh ra kỹ thuật, máy móc sản xuất mới. Cơ chế cấp phép độc quyền này giống như một kiểu bảo hộ với mục đích ban đầu nhằm tăng cường sức mạnh của nền kinh tế Anh thông qua việc đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh và khuyến khích sự phát triển của các ngành nghề sản xuất hay kinh doanh mới. Tuy nhiên, cơ chế này sau đó ngày càng bị lạm dụng và sử dụng sai mục đích. Đỉnh điểm của sự lạm dụng cơ chế này là dưới thời cai trị của Nữ hoàng Elizabeth, theo đó đặc quyền sản xuất kinh doanh có thể được trao cho cá nhân thực hiện trong cả những ngành nghề bình thường hay đối với những loại hàng hóa thông thường. Vì vậy, nghĩa nguyên thủy của độc quyền là để nói lên việc một ai đó duy nhất được trao một đặc quyền để hoạt động sản xuất kinh doanh trong một ngành nghề, lĩnh vực thương mại hoặc để kinh doanh một loại vật phẩm hay hàng hóa cụ thể nào đó . Điều này khác so với khái niệm độc quyền hiện nay được dùng để nói lên một trạng thái trong đó có sự tích tụ của sức mạnh thị trường trong một hoặc một số ít các doanh nghiệp. Tình trạng trao đặc quyền như vậy diễn ra trong một thời gian dài và ở giai đoạn cuối cùng hầu như chỉ nhằm duy trì các lợi ích của hoàng gia mà không tạo ra bất kỳ một động lực nào cho việc thúc đẩy đổi mới sản xuất kinh doanh. Và mãi tới năm 1602 vụ kiện liên quan đến tình trạng độc quyền như vậy mới lần đầu tiên được đưa ra tại một tòa án Anh. Tại thời điểm đó, Edward Darcy, vốn là một thành viên hoàng gia thuộc trong đội ngũ phục vụ dưới thời Nữ hoàng Elizabeth, là người duy nhất được trao đặc quyền cho phép nhập và bán tất cả các loại bộ bài trên toàn thị trường nước Anh. Đặc quyền được trao với mục tiêu đảm bảo giải quyết được phần nào vấn nạn bài bạc thuộc trong những vấn đề mà lúc bấy giờ Nữ hoàng đang khá lưu tâm và quan ngại. Ngoài ra, việc trao đặc quyền cho phép chỉ một người duy nhất được kiểm soát hoạt động mua bán các loại bộ bài còn nhằm mục đích đưa hoạt động này vào khuôn khổ chung. Sau khi có sự xuất hiện của người thứ hai tham gia vào sản xuất và bán một số loại bộ bài trên thị trường, Edward Darcy, viện lý do việc sản xuất và bán các loại bộ bài ra thị trường khi chưa được cho phép như vậy là phi pháp, đã làm đơn khởi kiện người này ra tòa án nhằm mục tiêu ngăn chặn sự cạnh tranh trực tiếp từ người này trong hoạt động kinh doanh các loại bộ bài trên thị trường nước Anh. Sau khi thụ lý đơn, tòa án không ủng hộ các lý do mà Edward Darcy đưa ra đồng thời xác định việc tạo ra độc quyền bằng việc trao đặc quyền cho một cá nhân duy nhất kinh doanh các loại bộ bài trong trường hợp này gây tác động tiêu cực và không phù hợp bởi một số lý do. Thứ nhất, tình trạng độc quyền như vậy sẽ gây tác động ngăn cản những người khác có khả năng kinh doanh tham gia thị trường và thực hiện các hoạt động kinh doanh của riêng họ, và vì vậy sẽ góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng không công ăn việc làm. Thứ hai, việc tạo ra độc quyền bằng cách trao đặc quyền kinh doanh cho một người duy nhất như vậy không chỉ gây thiệt hại đối với các thương gia khác muốn tham gia thị trường mà còn tác động ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là đối với những người mong muốn được sử dụng sản phẩm bởi người được độc quyền kinh doanh sẽ tăng giá nhưng đồng thời không có động lực để duy trì hay cải tiến chất lượng của các sản phẩm được bán ra. Thứ ba, khi đưa ra quyết định trao đặc quyền, Nữ hoàng mong muốn sự độc quyền mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng nhưng cuối cùng bà đã phải thất vọng bởi quyền được độc quyền kinh doanh thực tế chỉ mang lại những nguồn tư lợi cho duy nhất nhà độc quyền. Thứ tư, điều quan trọng hơn cả là việc trao đặc quyền kinh doanh như vậy sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm để cho phép một hoạt động kinh doanh bất kỳ bị độc quyền hóa, đặc biệt còn tồi tệ hơn nữa khi bản thân người được trao đặc quyền để trở thành nhà kinh doanh độc quyền lại không đủ am hiểu hoặc không có kiến thức chuyên sâu về sản xuất hay kinh doanh trong lĩnh vực được độc quyền, và vì vậy không thể có bất kỳ một pháp luật nào dung túng hoặc cho phép tạo ra và duy trì độc quyền. Đây chính là một phán quyết mang tính lịch sử nhằm chống lại việc cấp đặc quyền để tạo ra tình trạng độc quyền đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội nước Anh.
Trên cơ sở các nhận định và phán quyết của tòa án trong vụ việc Edward Darcy và từ những tác động tiêu cực của tình trạng độc quyền ở những sự việc có tính chất tương tự khác, vào năm 1606 một lá đơn thỉnh cầu của toàn thể thứ dân trong đó trực tiếp nêu lên những tác động tiêu cực trong nhiều trường hợp độc quyền cụ thể đã được gửi đến Nhà vua để xem xét. Một lá đơn thỉnh cầu tương tự lại một lần nữa được gửi đi vào năm 1610. Và phải đến tận năm 1614, vấn đề độc quyền được nêu ra trong đơn thỉnh cầu của toàn thể thứ dân mới thu hút được sự quan tâm chú ý từ các cơ quan nghị viện gồm Viện quý tộc và Viện thứ dân , và một lần nữa được dấy lên để đưa ra thảo luận trong các cơ quan này vào đầu những năm 1620 để cho kết quả cuối cùng là Quy chế độc quyền được đưa ra vào năm 1623, sau đó được thông qua và ban hành vào ngày 25 tháng 5 năm 1624. Quy chế độc quyền hướng tới xóa bỏ một cách hoàn toàn việc lạm dụng sự độc quyền cá nhân xuất phát từ các đặc ân được ban tặng bằng tuyên bố mọi sự độc quyền đều đi ngược với các quy tắc pháp lý, và cho rằng độc quyền và những đặc ân cần phải được xóa bỏ. Đây có thể coi là quy định thành văn đầu tiên liên quan đến vấn đề độc quyền trong kinh doanh, đánh dấu một khởi đầu mới trong lịch sử phát triển của pháp luật cạnh tranh trên thế giới.
Gần một thế kỷ sau, trong vụ việc Mitchel v. Reynolds năm 1711, mặc dù vẫn trên tinh thần của thông luật được xây dựng trên cơ sở phán quyết của tòa án được đưa ra trong vụ việc Dyer theo đó xác định hành vi hạn chế thương mại là không phù hợp với chính sách cộng đồng nhưng lần đầu tiên tòa án của Anh đưa ra phán quyết cuối cùng dựa trên nguyên tắc đánh giá tác tác động hợp lý . Trong vụ việc, một người chuyên làm bánh mì tại thủ đô London đã cho thuê lò bánh đồng thời chấp nhận không thực hiện các hoạt động cạnh tranh trong cùng khu vực nhưng sau đó lại không giữ lời hứa. Tòa án, sau khi xem xét đơn kiện, cho dù có tuyên bố rằng mọi giao kèo hay cam kết mang tính chất hạn chế sự cạnh tranh lẫn nhau đều không được ủng hộ nhưng đã áp dụng nguyên tắc đánh giá tác động hợp lý để ủng hộ cho việc buộc thực hiện cam kết giữa hai bên trong sự việc. Tòa án đã dựa trên nhiều yếu tố và các tác động thực tiễn, đặc biệt là (i) giao kèo này được đưa ra trên cơ sở có sự cân nhắc thấu đáo từ các bên, (ii) sự hạn chế cạnh tranh chỉ ở mức độ giới hạn, và (iii) cộng đồng không bị quá ảnh hưởng bởi những cam kết giữa hai bên.
Như vậy, pháp luật cạnh tranh đã bắt đầu được phôi thai hình thành từ những án lệ và từ các quy định thành văn đầu tiên liên quan đến vấn đề thỏa thuận hạn chế thương mại, vấn đề độc quyền kinh doanh tại Châu Âu. Điều này, từ cách nhìn của tác giả, là hoàn toàn phù hợp bởi Châu Âu là khởi nguồn của các cuộc phiêu lưu thám hiểm và khai hóa, là cái nôi của các cuộc cách mạng, khởi đầu là cuộc cách mạng trong nông nghiệp và tiếp ngay sau đó là các cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghiệp đã làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế xã hội ở các nước Châu Âu, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động cạnh tranh, làm nền tảng cho sự ra đời của các học thuyết về cạnh tranh mà một trong số đó là học thuyết cạnh tranh tự do nguyên thuỷ dựa trên ý niệm về bàn tay vô hình của nhà kinh tế học vĩ đại Adam Smith. Và chính sự phát triển của cạnh tranh đã làm tự nó phải bộc lộ dần những khiếm khuyết, các khía cạnh tiêu cực gây tác động ảnh hưởng xấu tới đời sống kinh tế xã hội và qua đó làm nảy sinh nhu cầu kiểm soát, điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật cạnh tranh, cho dù những quy định ở vào giai đoạn sơ khai ban đầu còn hết sức giản đơn.
Sang đến giai đoạn thế kỷ 18, hai sự kiện có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của pháp luật cạnh tranh thế giới. Trước tiên phải kể đến là sự truyền bá mạnh mẽ tư tưởng và các học thuyết của nhà kinh tế học vĩ đại Adam Smith, người đưa ra khái niệm và tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế thị trường thông qua tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia xuất bản năm 1776. Sự kiện thứ hai chính là sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, cả về quy mô và chất lượng, dưới tác động trực tiếp từ các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra. Chính từ sự truyền bá của học thuyết kinh tế thị trường với vai trò trung tâm là cạnh tranh tự do giữa các doanh nghiệp trên thị trường cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp do tác động của quá trình công nghiệp hóa trong các cuộc cách mạng công nghiệp đã dần xoá bỏ các hoạt động sản xuất thủ công cá thể, sản xuất thủ công theo nhóm hay theo mô hình công xưởng quy mô nhỏ và thay vào đó là các tổ chức kinh tế hay các doanh nghiệp có tính tổ chức cao với đội ngũ lao động làm công ăn lương và việc sản xuất dựa trên nền tảng của các loại máy móc cho năng xuất cao. Bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường cũng tăng lên nhanh chóng. Điều này làm cho mỗi doanh nghiệp, vì mục tiêu lợi nhuận, đều hướng tới tối đa hóa năng lực sản xuất để gia tăng số lượng, khối lượng sản phẩm bán ra thị trường đồng thời tìm cách giảm thiểu chi phí. Kết quả là nhiều doanh nghiệp ngày càng trở nên lớn mạnh, sản phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng trở nên vô cùng gay gắt. Những thay đổi lớn trong cấu trúc xã hội, cơ sở và các quan hệ kinh tế đòi hỏi có những thay đổi theo hướng phát triển tương ứng của pháp luật, đặc biệt là pháp luật cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các hoạt động cạnh tranh đang hàng ngày diễn ra và phát triển không ngừng. Vì vậy, bên cạnh hệ thống thông luật vẫn đang tồn tại và phát triển, đã có nhiều quy định pháp luật thành văn được xây dựng và ban hành trên khắp lục địa Châu Âu trong đó có các quy định của pháp luật cạnh tranh. Như tại Pháp, nơi cuộc cách mạng xã hội nổ ra vào năm 1789 dựa trên ý niệm về quyền tự do dân chủ, vào tháng 6 năm 1791 đã ban hành một đạo luật trong đó tuyên bố thỏa thuận giữa các thành viên trong cùng lĩnh vực thương mại để ấn định giá là vi hiến.
Thế kỷ 19 được coi là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của pháp luật cạnh tranh thế giới khi mà các luật thành văn liên quan đến cạnh tranh khá đa dạng và có thể được tìm thấy nhiều luật khác nhau. Như trong luật hình sự Áo năm 1852 quy định các thỏa thuận nhằm tăng giá hàng hóa gây bất lợi cho cộng đồng cần phải bị trừng trị giống như tội phạm ít nghiêm trọng. Và trong lần sửa đổi sau đó được ban hành vào ngày 7 tháng 4 năm 1870 mặc dù quy định về việc bị xử tội đã bị xóa bỏ nhưng luật vẫn tuyên bố các thỏa thuận này là vô hiệu. Thậm chí các quy định có chứa đựng những nội dung liên quan đến cạnh tranh còn có thể được tìm thấy trong một số điều của Bộ luật dân sự Pháp năm 1804 hay Bộ luật dân sự Ý năm 1865. Cuộc đại suy thóai bắt đầu vào năm 1873 kéo theo sự sụp đổ của thị trường chứng khóan Vienna (Áo) và sau đó lan rộng khắp Châu Âu, thậm chí vượt đại dương tới Châu Mỹ một lần nữa có tác động làm thay đổi nhận thức của nhiều quốc gia để đi đến cùng thống nhất nhìn nhận vai trò quan trọng của cạnh tranh đối với kinh tế thị trường và thông qua đó tạo ra sự tương đồng trong các quy định cũng như cách tiếp cận điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của pháp luật cạnh tranh bởi trước đó ngay trên cùng lục địa Châu Âu vẫn tồn tại những khác biệt, ví dụ như trường hợp của nước Đức. Trong cùng một thời kỳ, trong khi pháp luật của nhiều quốc gia Châu Âu quy định các thỏa thuận hạn chế thương mại, thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá hàng hóa là bất hợp pháp thì pháp luật dân sự của nước Đức lại quy định một cách khá rõ ràng tính hiệu lực và giá trị pháp lý của các thỏa thuận giữa các hãng trong cùng một ngành nghề để tăng giá dựa trên nguyên tắc tự do khế ước. Chứng kiến những hậu quả tiêu cực do cuộc đại suy thóai mang lại, vào những năm 1890, tại thủ đô Vienna của nước Áo, nơi mà vào thời kỳ đó được coi là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa của Châu Âu bởi có nền giáo dục phát triển cao và hệ thống quản lý hành chính tiến bộ, các nhà quản lý đã nhận ra giá trị và tiềm năng to lớn của một bộ luật nhằm bảo vệ các hoạt động cạnh tranh lành mạnh đang bắt đầu phát triển và rất dễ bị ngăn cản, bóp méo. Vì vậy, một dự luật đã được soạn thảo nhằm mục đích này. Mặc dù dự thảo luật sau đó đã không được thông qua nhưng những nguyên tắc cơ bản của nó đã thu hút được sự chú ý của nhóm các học giả có tiếng nói quan trọng tại Đức, nơi mà vào những năm 1900 đã không thành công trong một nỗ lực nhằm ban hành một đạo luật để bảo vệ các hoạt động cạnh tranh lành mạnh.
Do sự lan rộng của cuộc đại suy thóai tại Châu Âu lục địa nên một số nước có nền kinh tế phát triển tại Châu Mỹ vào thời bấy giờ cũng chịu tác động ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các cuộc cách mạng công nghiệp tại Châu Âu đã có tác động làm hình thành và đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa với sự gia tăng của các hoạt động thương mại tự do, các dòng luân chuyển vốn đầu tư và lao động, sự đổi mới mang tính cách mạng về công nghệ, gia tăng các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và con người, các hoạt động thông tin liên lạc. Và điều này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội của nhiều quốc gia Châu Mỹ. Vào hai thập kỷ đầu của thế kỷ 19 nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn xuất hiện tại Canada và Mỹ như là một kết quả tất yếu của quá trình tích tụ tư bản sau các cuộc cách mạng công nghiệp và quá trình luân chuyển tư bản dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa.
Năm 1885, tại Canada, việc xây dựng tuyến đường sắt mang tên Tuyến đường xe lửa hoà bình được hoàn thành đã tạo động lực mạnh cho sự phát triển của nền kinh tế lúa mì bởi tuyến đường này đã tạo ra sự gắn kết cơ hữu giữa những người nông dân trồng lúa và các doanh nghiệp thu mua chế biến nội địa. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa kinh tế làm xuất hiện dòng vốn đầu tư từ Châu Âu để hình thành nên những doanh nghiệp thu mua và chế biến lúa mì lớn tại thị trường Canada. Điều này đã tạo ra những căng thẳng và xung đột âm ỉ ngày càng gia tăng giữa những người nông dân trồng lúa mì với các doanh nghiệp chế biến bởi người nông dân không còn cảm nhận được vai trò tự làm chủ như trước đây mà cảm thấy bị phụ thuộc quá nhiều không chỉ vào các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn mà còn phụ thuộc vào cả việc chuyên trở bằng đường sắt cũng như các ngân hàng cấp vốn. Vì lẽ đó, người nông dân và cộng đồng xã hội cho rằng chính sách và pháp luật cạnh tranh sẽ là công cụ hiệu quả nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng có thể nảy sinh do sự gia tăng của quá trình tập trung sức mạnh thị trường. Từ những quan ngại hiện hữu và trước sức ép từ cộng đồng xã hội, một ủy ban được thành lập với các thành viên được lựa chọn từ Viện thứ dân để thực hiện điều tra và đưa ra báo cáo về trình trạng liên kết, phối kết hợp trong các ngành sản xuất, các hoạt động thương mại và trong lĩnh vực bảo hiểm. Báo cáo xác định tình trạng liên kết, phối kết hợp hạn chế thương mại đã xuất hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Bởi vậy, ngày 2 tháng 5 năm 1889, Canada đã ban hành đạo luật mang tên Luật ngăn chặn và hạn chế sự kết hợp hạn chế thương mại trong đó tuyên bố và quy định xử phạt đối với hành vi kết hợp hạn chế thương mại thông qua việc thống nhất giá hay hạn chế sản lượng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là đạo luật cạnh tranh thành văn đầu tiên trên thế giới và Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật cạnh tranh.
Tại Mỹ, sau khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1865, hàng loạt những thay đổi lớn đã diễn ra trên thị trường. Đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, sự bùng nổ của các khu đô thị, sự phát triển mới của nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và liên lạc để kết nối trực tiếp với các cộng đồng dân cư nhỏ hay ở xa, và các thành tựu khoa học kỹ thuật mới cho phép các nhà sản xuất gia tăng quy mô để tranh thủ lợi thế nhằm đáp ứng được tốt nhất nhu cầu thị trường đang tăng trưởng mạnh. Điều này tạo nên một giai đoạn phát triển nóng với sự hình thành của hàng loạt hãng sản xuất có quy mô lớn. Tuy nhiên, tiếp ngay sau thời kỳ phát triển nóng của nền kinh tế là giai đoạn tăng trưởng giảm do nhu cầu của thị trường giảm hoặc đã bão hòa trong khi đó nhiều doanh nghiệp mới vẫn tiếp tục gia nhập thị trường. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hạ giá rất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ gây nên nguy cơ phá sản và đóng cửa rất nhiều công ty. Để đối phó với những khó khăn, các công ty đã thay đổi chiến lược bằng cách phối hợp, liên kết hay thỏa thuận với nhau nhằm ổn định và tăng giá hàng hóa, phân chia thị trường hoặc gia tăng sức mạnh thị trường thông qua các hình thức tập trung kinh tế để hình thành các tập đoàn, các công ty lớn để sau đó tăng giá bán hoặc gây sức ép lên các doanh nghiệp đối thủ. Tình trạng này xuất hiện đầu tiên trong ngành đường sắt và sau đó lan rộng sang nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Kết quả là giá cả tăng cao làm cho đời sống của những người nông dân và đại bộ phận những người lao động làm thuê gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh đó những chủ thể kinh doanh nhỏ cũng phải chịu nhiều sức ép từ thị trường. Trước áp lực vô cùng lớn của xã hội đòi hỏi chính quyền phải có sự can thiệp. Vì vậy, nhiều bang của nước Mỹ đã ban hành các đạo luật riêng nhằm chống lại tình trạng lũng đoạn thị trường và thao túng giá. Ở cấp độ liên bang, trên cơ sở thẩm quyền hiến định của Quốc hội trong việc kiểm soát các hoạt động thương mại toàn liên bang, thượng nghị sĩ Sherman của bang Ohio đã đệ trình dự luật chống độc quyền và được Quốc hội thông qua vào ngày 20 tháng 6 năm 1890. Đạo luật này sau đó được Tổng thống Harrison ký công bố vào ngày 2 tháng 7 năm 1890 và chính thức đi vào lịch sử pháp luật cạnh tranh thế giới với tên gọi luật chống độc quyền Sherman . So với luật do Canada ban hành một năm trước đó, luật chống độc quyền Sherman thể hiện một cách rõ nét hơn mục tiêu bảo vệ cạnh tranh thông qua một hệ thống các quy định rõ ràng, cụ thể và đầy đủ hơn nhằm kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh bao gồm các phối hợp, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường và các hành vi tập trung kinh tế gây tác động phản cạnh tranh, đồng thời đưa ra các chế tài xử lý thích đáng đối với bên vi phạm. Bởi có tính toàn diện, sự hoàn thiện và sự rõ nét về hình hài cao hơn nên nhiều người coi luật chống độc quyền Sherman là đạo luật chống độc quyền đầu tiên trên thế giới chứ không phải là đạo luật được Canada ban hành một năm trước đó. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, như nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra, luật chống độc quyền Sherman chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thông luật của Anh về hạn chế thương mại trong đó bao gồm hai quy định cấm cơ bản là cấm đối với các hành vi phối hợp, thỏa thuận hạn chế thương mại và các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường (thống lĩnh, độc quyền). Tác giả cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến này đồng thời việc coi đây là đạo luật chống độc quyền thành văn đầu tiên cũng có tính hợp lý và hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Sự ra đời của luật chống độc quyền Sherman là một bước ngoặt mang tính lịch sử, đánh một dấu son trong sự phát triển của pháp luật cạnh tranh thế giới. Điều này được ghi nhận trong hầu hết các tác phẩm, các công trình nghiên cứu về pháp luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, tư tưởng pháp lý cũng như các nội dung quy định trong đạo luật này còn ảnh hưởng trực tiếp tới pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia trên thế giới sau này.
Kể từ khi Luật chống độc quyền Sherman ra đời vào năm 1890 cho đến nay, theo thống kê của UNCTAD, đã có gần 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới ban hành Luật cạnh tranh/Luật Chống độc quyền. Quy định kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh là một trong những chế định cơ bản không thể thiếu trong pháp luật cạnh tranh của các quốc gia nhằm các mục tiêu. Một là, duy trì một môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng, bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả. Hai là, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Ba là, bảo vệ tổng phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Tùy thuộc điều kiện phát triển và đòi hỏi của mỗi quốc gia mà việc ban hành Luật cạnh tranh có thể sớm hoặc muộn. Sau Hoa Kỳ, một số nước cũng đã ban hành Luật Cạnh tranh từ rất sớm như Nhật Bản năm 1947, Châu Âu năm 1957 nhưng cũng có nhiều nước mới xây dựng và ban hành trong thời gian gần đây như Indonesia năm 1999, Singapore năm 2004, Trung Quốc năm 2007, Malaysia năm 2010. Thậm chí có nhiều nước hiện nay mới đang trong quá trình soạn thảo hoặc chưa tính tới việc xây dựng và ban hành luật này.
Luật cạnh tranh cũng được gọi tên theo nhiều cách khác nhau như Luật chống độc quyền Sherman năm 1890 hoặc Clayton năm 1914 của Mỹ, Luật chống độc quyền hóa tư nhân và duy trì thương mại công bằng Nhật Bản năm 1947, Luật thương mại công bằng và quy định về độc quyền Hàn Quốc năm 1981, Luật cạnh tranh Malaysia năm 2010. Một trường hợp đặc biệt là đối với các nước thuộc khối Châu Âu, hành vi hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 101 và Điều 102, TFEU được áp dụng chung thống nhất đối với tất cả các quốc gia Châu Âu trong khi từng quốc gia cũng ban hành Luật cạnh tranh riêng có chứa quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Ngoài ra, để thực thi các quy định của pháp luật về hành vi hạn chế cạnh tranh, tùy từng quốc gia hoặc cơ quan thực thi của từng quốc gia, còn có các văn bản hướng dẫn hoặc quy định chi tiết, các tập quán hay án lệ. Thậm chí những nội dung cam kết cụ thể trong các hiệp định quốc tế song hay đa phương cũng có thể là cơ sở pháp lý cho các nước thành viên thực hiện kiểm soát đối với hành vi hạn chế cạnh tranh.