Theo những qui định của Luật Cạnh tranh hiện hành, quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh không phân chia giai đoạn. Tuy nhiên để có thể hiểu hết tất cả các công việc cần phải làm trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh, chúng ta có thể phân quá trình điều tra thành ba giai đoạn như sau:
Giai đoạn khởi sự điều tra;
Giai đoạn thực hiện điều tra;
Giai đoạn kết thúc điều tra.
Mỗi giai đoạn có những mục tiêu, yêu cầu, nội dung khác nhau, đòi hỏi phải áp dụng các thủ tục pháp lý, biện pháp nghiệp vụ khác nhau. Trong bài học này ta cũng nhau tìm hiểu mục tiêu và các hoạt động cần tiến hành trong từng giai đoạn.
Trình bày được về: những bước công việc cần tiến hành khi tiếp nhận, giải quyết khiếu nại vụ việc cạnh tranh; các hoạt động cần tiến hành để phát hiện vụ việc cạnh tranh tiến hành và kết thúc điều tra vụ việc cạnh tranh.
Có kỹ năng cơ bản về xử lý đơn khiếu nại, soạn thảo báo cáo đề xuất xử lý; xây dựng các báo cáo điều tra sơ bộ và báo cáo kết luận điều tra.
Tự đánh giá, nhận xét, phát hiện những sai sót và xác định phương pháp khắc phục những sai sót trong quá trình điều tra.
Dự liệu các tình tình huống nảy sinh thực tế điều tra các vụ việc cạnh tranh và các cách thức vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
1. Giai đoạn khởi sự điều tra
1.1. Mục tiêu của giai đoạn khởi sự điều tra
Giai đoạn khởi sự điều tra là giai đoạn đầu tiên của quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh. Mỗi giai đoạn điều tra vụ việc cạnh tranh có mục tiêu riêng, nó giúp Cơ quan Điều tra, điều tra viên giới hạn phạm vi các hoạt động của từng giai đoạn. Vì vậy, giai đoạn khởi sự điều tra cũng có mục tiêu riêng, điểm bắt đầu và điểm kết thúc riêng của nó.
Giai đoạn khởi sự điều tra một vụ việc cạnh tranh là giai đoạn đầu tiên của quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh.
Mục tiêu chung của giai đoạn khởi sự là xem xét các dấu hiệu của vụ việc xem có đảm bảo các yêu cầu về mặt pháp lý là một vụ việc cạnh tranh hay không, làm cơ sở để ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.
Vì vậy, cần căn cứ vào những quy định của Luật Cạnh tranh về các trường hợp ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh để xác định mục tiêu cụ thể và điểm khởi đầu và kết thúc của từng trường hợp.
Theo quy định tại Luật Cạnh tranh 2018, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong 2 trường hợp. Cụ thể:
Điều 80. Luật Cạnh tranh 2018
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:
Việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này;
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện.
Tuy nhiên, Điều 75 và Điều 76 Luật Cạnh tranh quy định:
Điều 75. Cung cấp thông tin về hành vi vi phạm
Tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh có trách nhiệm thông báo và cung cấp thông tin, chứng cứ cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, chứng cứ trung thực cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Trong trường hợp được yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các biện pháp cần thiết để giữ bí mật về thông tin và danh tính của tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, chứng cứ.
Khoản 1 Điều 76. Tiếp nhận, xác minh và đánh giá thông tin về hành vi vi phạm
1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này cung cấp thêm thông tin, chứng cứ để làm rõ về hành vi vi phạm.
Như vậy, theo quy định Luật Cạnh tranh 2018, để quyết định điều tra một vụ việc cạnh tranh, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có thể dựa trên 03 nguồn:
Khiếu nại vụ việc cạnh tranh: Hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh được lập và chuyển đến Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh từ các tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại bởi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Tin báo về vụ việc cạnh tranh: Thông tin ban đầu về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh do các tổ chức, cá nhân không phải là bên khiếu nại được chuyển đến Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tự phát hiện: Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thông qua các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phát hiện ra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Mặc dù có sự khác biệt về nguồn cung cấp, tuy nhiên về tính chất, trường hợp thứ 2 và 3 là tương đồng về mặt thủ tục xử lý. Vì vậy, trong khuôn khổ khóa học này, chúng ta nghiên cứu chung hai trường hợp này. Từ đây chúng ta có thể xác định mục tiêu, việc bắt đầu và kết thúc của từng trường hợp như sau:
Trường hợp vụ việc khởi sự bằng đơn khiếu nại vụ việc cạnh tranh, mục tiêu của giai đoạn khởi sự là tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại. Giaiđoạn khởi sự bắt đầu khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận được hồ sơ khiếu nại. Giai đoạn này kết thúc bằng việc Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ban hành Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh hoặc trả lại hồ sơ.
Trường hợp vụ việc khởi sự bằng tin báo hoặc tự phát hiện, mục tiêu của giai đoạn khởi sự là xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không, còn trong thời hạn xử lý không. Việc bắt đầu được xác định khi nhận được tin ban đầu và kết thúc khi Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ban hành Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh.
Hồ sơ khiếu nại có thể gửi đến Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có thể thông qua nhiều con đường khác nhau:
Khiếu nại trực tiếp: Người khiếu nại, đại diện của tổ chức khiếu nại hoặc luật sư của họ mang hồ sơ khiếu nại đến trực tiếp làm việc với Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
Khiếu nại gián tiếp: Người khiếu nại và tổ chức khiếu nại gửi hồ sơ đến
Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh qua đường bưu điện, fax, thư điện tử… Tuỳ vào từng trường hợp, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành các thủ tục tiếp nhận khác nhau.
Việc tiếp nhận hồ sơ ban đầu thường có ý nghĩa quan trọng, có quan hệ chặt chẽ, tạo điều kiện cho các hoạt động điều tra được thuận lợi. Những công việc cần làm có thể xác định một cách khái quát gồm:
Tiến hành các thủ tục tiếp nhận đơn khiếu nại, các tài liệu, vật chứng. (Cách làm cụ thể sẽ nghiên cứu ở phần sau)
Sử dụng kiến thức tổng quát về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, về dấu hiệu của vụ việc cạnh tranh, chức năng nhiệm vụ của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, của các Phòng điều tra trong quá trình trao đổi với người giao hồ sơ khiếu nại.
Hướng dẫn người khiếu nại những nội dung công việc cần phải làm tiếp theo.
Lập biên bản về việc tiếp nhận hồ sơ khiếu nại.
Vào sổ tiếp nhận hồ sơ khiếu nại.
Chuyển hồ sơ đến bộ phận có thẩm quyền hoặc báo cáo cho người có thẩm quyền giải quyết.
Trong quá trình trực tiếp tiếp nhận hồ sơ khiếu nại có thể phát sinh một số tình huống phức tạp, cần phải xử lý hết sức linh hoạt.
Nếu phát sinh những trường hợp như trên, chẳng hạn hành vi được khiếu nại không phải hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh; hoặc hết thời hiệu khiếu nại (3 năm kể từ khi hành vi vi phạm được thực hiện); hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, người tiếp nhận cần:
Hỏi thêm thông tin từ người khiếu nại về những nội dung cần làm rõ;
Thống nhất với người đến khiếu nại các vấn đề về điều kiện tiếp nhận hồ sơ khiếu nại. Nếu thống nhất rõ ràng hồ sơ không đủ điều, thì đề nghị người khiếu nại rút lại hồ sơ. Nếu thực sự không thể khẳng định chắc chắn hồ sơ đủ hay không đủ điều kiện thì vẫn nên chấp nhận tiếp nhận hồ sơ và giải thích rõ cho người khiếu nại: tạm thời tiếp nhận, sẽ tiếp tục kiểm tra và trả lời cụ thể sau.
Trường hợp nội dung khiếu nại phức tạp vượt quá khả năng nhận biết của cán bộ tiếp nhận, hãy thông báo cho cấp có thẩm quyền cử cán bộ (tốt nhất là điều tra viên) phối hợp tiếp nhận.
Trường hợp khiếu nại gián tiếp
Trong trường hợp này, Bộ phận Văn phòng của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển giao cho các Phòng điều tra vụ việc cạnh tranh thích hợp. Vấn đề cần lưu ý, bộ phận Văn thư phải vào sổ tiếp nhận, ghi rõ ràng thời gian để có căn cứ xác định thời hạn xử lý sau này.
Phân công điều tra viên xem xét hồ sơ khiếu nại
Sau khi hồ sơ khiếu nại được tiếp nhận và chuyển đến các đơn vị điều tra, cần có điều tra viên để xem xét hồ sơ khiếu nại.
Cần lưu ý rằng, phân công điều tra viên tạm thời thụ lý xử lý khiếu nại vụ việc cạnh tranh không phải là một thủ tục pháp lý chính thức, do đó người có thẩm quyền có thể dựa vào một số tiêu chí sau đây để phân công điều tra viên cho phù hợp. Các tiêu chí đó có thể là:
Vụ việc do chính điều tra viên phát hiện hoặc tham gia tiếp nhận;
Kinh nghiệm điều tra các vụ việc cạnh tranh tương tự;
Năng lực chuyên môn của điều tra viên phù hợp với lĩnh vực xảy ra vụ việc cạnh tranh;
Khối lượng công việc mà các điều tra viên đang thực hiện;
Hiểu biết về phẩm chất cá nhân, mối quan hệ của điều tra viên…
Ngay sau khi được phân công, điều tra viên dựa vào quy trình tiếp nhận đơn, nhanh chóng lập kế hoạch (mẫu Báo cáo và đề xuất) xem xét hồ sơ khiếu nại.
Xem xét hồ sơ khiếu nại
Sau khi được phân công, điều tra viên được giao tạm thời thụ lý xử lý vụ việc cần phải tiến hành xem xét hồ sơ khiếu nại.
Khi tiếp nhận hồ sơ, điều tra viên được phân công tạm thời thụ lý phải xem xét các vấn đề sau đây:
Kiểm tra quá trình tiếp nhận hồ sơ khiếu nại:
Điều tra viên cần xem qua hồ sơ khiếu nại và kiểm tra xem hồ sơ có được tiếp nhận đúng theo trình tự, thủ tục không? Cụ thể:
Ai là người đã trực tiếp tiếp nhận?
Có đơn, phụ lục kèm theo đơn và các đồ vật, tài liệu dùng làm cơ sở để khiếu nại không?
Có biên bản làm việc tiếp nhận hồ sơ không?
Đã vào sổ tiếp nhận hồ sơ khiếu nại chưa?
Hồ sơ có được bộ phận trực tiếp nhận chuyển đến đúng địa chỉ không? Sau khi tiến hành kiểm tra nội dung này, điều tra viên phải nhận định về việc tuân thủ các thủ tục tiếp nhận để kịp thời có điều chỉnh, sửa chữa ngay nếu đó chỉ là vấn đề nội bộ (như: ghi nhận vào sổ tiếp nhận, chuyển hồ sơ đến đúng Phòng điều tra chịu trách nhiệm…).
Nếu thiếu biên bản làm việc, tiếp nhận hồ sơ khiếu nại thì sau này phải đề nghị bổ sung hồ sơ, sau đó đề nghị bên khiếu nại xác nhận các tài liệu đã nộp và lập biên bản ghi nhận các tài liệu, đồ vật Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh đã tiếp nhận.
Kiểm tra đơn khiếu nại:
Điều tra viên phải đọc đơn khiếu nại để xác định:
Hình thức của đơn có dùng đúng theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành hay không? Có đầy đủ các nội dung theo mẫu không? Có chữ ký, điểm chỉ (nếu bên khiếu nại là cá nhân) hoặc có con dấu, chữ ký của người đại diện tổ chức (nếu bên khiếu nại là tổ chức) không?
Thông tin về tên bên khiếu nại, đại diện hoặc luật sư của bên khiếu nại có được thể hiện rõ ràng trong đơn không? Các thông tin đó có phù hợp với các giấy tờ tuỳ thân, giấy chứng nhận tư cách pháp lý đã được bộ phận tiếp nhận sao lưu không?
Thông tin về bên bị khiếu nại: tên, địa chỉ có được trình bày rõ ràng không?
Thông tin về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có): Có nêu tên và địa chỉ, quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc rõ ràng không?
Thông tin về người làm chứng (nếu có): Có nêu rõ ràng tên, địa chỉ và cơ sở nào xác định họ là người làm chứng không?
Kiểm tra nội dung khiếu nại:
Những thông tin mô tả quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh của bên bị khiếu nại.
Thời gian xảy ra hành vi vi phạm: bắt đầu từ khi nào? đã kết thúc chưa? đã kết thúc thì vào lúc nào? có trong phạm vi thời hiệu khiếu nại không (3 năm, kể từ khi hành vi vi phạm được thực hiện).
Hành vi được khiếu nại có tương ứng với hành vi vi phạm về cạnh tranh nào không? Nếu có thì được quy định tại điều, khoản nào của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Những lợi ích nào của bên khiếu nại đã bị xâm phạm? Cơ sở mà họ đã dùng để xác định các thiệt hại?
Những nội dung khiếu nại ngoài vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Kết luận về tính hợp pháp, hợp lệ của đơn;
Những nội dung cần hướng dẫn cho bên khiếu nại để họ có thể làm lại đơn hợp lệ.
Kiểm tra phụ lục kèm theo đơn khiếu nại:
Điều tra viên cần đọc nội dung phụ lục kèm theo đơn khiếu nại (nếu có) để xác định:
Danh mục các đồ vật, tài liệu được bên khiếu nại cung cấp để sử dụng làm cơ sở chứng minh tính có căn cứ và hợp pháp của đơn khiếu nại;
Danh mục các bản thuyết trình, các tài liệu, đồ vật bên khiếu nại cung cấp thêm để giúp giải quyết đúng đắn vụ việc cạnh tranh.
Đối chiếu danh mục theo phụ lục với biên bản làm việc ban đầu của Bộ phận trực ban tiếp nhận để kiểm tra sự đầy đủ trong tiến hành các thủ tục tiếp nhận ban đầu.
Khi kiểm tra các phụ lục kèm theo đơn, điều tra viên cần dựa vào hiểu biết, kinh nghiệm điều tra các vụ tương tự của mình để hình dung các nguồn chứng cứ phổ biến trong trường hợp của vụ việc từ đó để sơ bộ nhận định:
Các đồ vật, tài liệu cần phải có, có thể dùng làm chứng cứ để làm rõ vụ việc. Điều tra viên nên lập một danh mục riêng của mình cho từng trường hợp.
Những tài liệu, đồ vật đã có trong hồ sơ phù hợp với danh mục riêng của điều tra viên;
Những tài liệu, đồ vật cần thiết chưa có trong hồ sơ nhưng rất cần thiết và bên khiếu nại hoàn toàn có thể cung cấp được;
Những tài liệu, đồ vật đã có trong hồ sơ nhưng không cần thiết.
Kiểm tra chi tiết các đồ vật, tài liệu được bên khiếu nại cung cấp:
Điều tra viên sử dụng kiến thức về chứng cứ và kinh nghiệm kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ để thực hiện nội dung này. Kết quả kiểm tra nội dung này được dùng để xác định những tài liệu, đồ vật đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ trong điều tra vụ việc cạnh tranh, từ đó:
Lựa chọn chấp nhận các đồ vật, tài liệu mà bên khiếu lại đã cung cấp làm chứng cứ;
Đề nghị bên khiếu nại giải thích thêm về ý nghĩa chứng minh của các đồ vật, tài liệu mà họ đã cung cấp;
Đề nghị người khiếu nại cung cấp thêm các đồ vật, tài liệu;
Quyết định trả lại các đồ vật, tài liệu mà bên khiếu nại đã cung cấp (vì không đảm bảo thuộc tính chứng cứ).
Lập báo cáo và đề xuất
Sau khi xem xét hồ sơ khiếu nại cần lập báo cáo kết quả xem xét hồ sơ khiếu nại(sử dụng mẫu báo cáo và đề xuất). Trong báo cáo cần nêu rõ:
Thông tin về hồ sơ khiếu nại;
Kết quả tiến hành thẩm định về từng nội dung như đã nêu ở trên;
Đề xuất phương án xử lý tiếp theo:
Ban hành thông báo với bên khiếu nại về việc tiếp nhận hồ sơ, đồng thời thông báo cho bên bị khiếu nại.
Đề nghị hoàn thiện hồ sơ khiếu nại trong nội bộ nếu phát hiện những lỗi trong thủ tục tiếp nhận.
Đề nghị bên khiếu nại bổ sung hồ sơ khiếu nại, nêu rõ những nội dung cần phải bổ sung.
Trả hồ sơ khiếu nại (thời hiệu khiếu nại đã hết, nội dung khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc bên khiếu nại có đề nghị rút hồ sơ bằng văn bản).
Lưu ý:
– Những đề xuất trong báo cáo kết quả xem xét hồ sơ khiếu nại phải có căn cứ rõ ràng, chặt chẽ.
Nên chủ động hoàn thiện báo cáo kết quả xem xét hồ sơ khiếu nại và gửi cho các cấp lãnh đạo có thẩm quyền ít nhất 2 ngày trước khi hết thời hạn xem xét hồ sơ (7 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ khiếu nại).
Thông báo tiếp nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh
Sau khi thẩm định xác định hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đảm bảo điều kiện, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ ra thông báo tiếp nhận hồ sơ vụ việc, thông báo thủ tục tiếp theo đối với bên khiếu nại, đồng thời gửi thông báo cho bên bị khiếu nại.
Thông báo tiếp nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh cần thể hiện những nội dung sau:
Lập theo đúng mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành (nên có).
Ngày lập thông báo phải thể hiện trong phạm vi thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Ghi bên nhận, bao gồm: bên khiếu nại và bên bị khiếu nại.
Thông tin về kết quả xem xét hồ sơ khiếu nại đủ điều kiện chấp nhận thụ lý;
Lưu ý: Ghi ngày thông báo trước ngày hết hạn thẩm định hồ sơ.
Có đủ chữ ký của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và dấu của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
Thông báo nên qua đường bưu điện đến địa chỉ của người khiếu nại (gửi có đảm bảo). Các chứng từ về việc gửi thông báo phải được lưu lại trong hồ sơ xử lý vụ việc.
Sau đây là một số lưu ý:
Việc đề nghị sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại có thể được thực hiện với các hồ sơ mà sau khi xem xét hồ sơ khiếu nại xác định:
Đơn khiếu nại không hợp lệ;
Các bên liên quan chưa được xác định rõ ràng;
Thiếu những chứng cứ mà bên khiếu nại có thể cung cấp nhưng chưa được cung cấp;
Có những vấn đề cần bên khiếu nại giải thích thêm…
Việc đề nghị bên khiếu nại hoàn thiện hồ sơ khiếu nại được thực hiện như sau:
Soạn thảo thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ khiếu nại với những lưu ý sau:
Sử dụng mẫu theo quy định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (nếu có).
Thể hiện rõ ràng các nội dung bên khiếu nại cần bổ sung.
Thông tin cho bên khiếu nại biết họ có quyền rút hồ sơ khiếu nại trong thời hạn bổ sung hồ sơ.
Ngày phát hành thông báo phải ghi trước hết hạn thẩm định hồ sơ, tức trong khoảng thời gian 7 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ khiếu nại.
Thời hạn của việc bổ sung (30 ngày kể từ ngày ra thông báo) và điều kiện, thủ tục gia hạn bổ sung (1 lần không quá 15 ngày).
Ghi rõ tên, chức danh, số điện thoại của điều tra viên được giao thụ lý vụ việc để người khiếu nại tiện liên hệ.
Soát xét kỹ lưỡng nội dung thông báo, trình cấp có thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ký và đóng dấu.
Gửi thông báo qua đường bưu điện đến địa chỉ của người khiếu nại (gửi có đảm bảo). Các chứng từ về việc gửi thông báo phải được lưu lại trong hồ sơ xử lý vụ việc. Liên lạc với bên khiếu nại để kiểm tra việc họ có nhận được thông báo hay không.
Hướng dẫn, hỗ trợ bên khiếu nại hoàn thiện hồ sơ và nhắc nhở về thời hạn bổ sung hồ sơ khiếu nại. Điều tra viên cần duy trì liên lạc với người khiếu nại để giải thích và hướng dẫn họ hoàn thiện hồ sơ, thống nhất những tài liệu cần bổ sung, xử lý những mẫu thuẫn nảy sinh về nghĩa vụ chứng minh, trách nhiệm cung cấp chứng cứ. Trước khi hết thời hạn bổ sung hồ sơ, điều tra viên nhắc nhở bên khiếu nại về thời hạn bổ sung hồ sơ hướng dẫn họ thủ tục gia hạn nếu cần thiết.
Nhận và thẩm định lại hồ sơ được bên khiếu nại cung cấp bổ sung. Điều tra viên cần đối chiếu đơn hoặc các tài liệu được bên khiếu nại bổ sung với các yêu cầu đã thông báo để tiếp tục đánh giá tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại. Sử dụng kiến thức về chứng cứ và kinh nghiệm kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ để kiểm tra chi tiết các đồ vật, tài liệu được cung cấp bổ sung.
Lập báo cáo (mẫu Báo cáo và đề xuất) về kết quả bổ sung hồ sơ khiếu nại. Sau khi thống nhất với bên khiếu nại, điều tra viên lập bản tổng hợp các nội dung được bên khiếu nại bổ sung nhằm rà soát lại các yêu cầu bổ sung, sửa chữa và kết quả thực hiện các yêu cầu đó, đồng thời đánh giá lại tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ khiếu nại. Cùng với kết quả thẩm định lại, báo cáo này cũng xác định các hướng xử lý tiếp theo để trình lãnh đạo Phòng điều tra quyết định.
Báo cáo tổng hợp xử lý hồ sơ khiếu nại
Nhằm rà soát lại và nhận định chính xác trước khi ra quyết định trả lại hồ sơ hay ban hành quyết định điều tra, điều tra viên cần lập báo cáo tổng hợp kết quả xử lý hồ sơ.
Các công việc cần tiến hành gồm:
Rà soát lại quá trình thực hiện từ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, các yêu cầu bổ sung đã được tiến hành cho đến trước thời điểm lập báo cáo.
Rà soát lại toàn bộ tài liệu, đồ vật mà bên khiếu nại đã cung cấp để làm chứng cứ gồm cả tài liệu, đồ vật ban đầu và tài liệu đồ vật sau khi đã bổ sung. Nghiên cứu chứng cứ, xây dựng giả thuyết ban đầu về vụ việc. Đánh giá tính đầy đủ, khả năng cung cấp chứng cứ từ phía bên khiếu nại nếu sự việc tiến triển theo hướng tiếp tục thực hiện điều tra.
Lập báo cáo tổng hợp kết quả xử lý hồ sơ khiếu nại:
Tóm tắt quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ;
Thông tin về các bên trong vụ việc;
Tóm tắt nội dung vụ việc theo sự khiếu nại và những chứng cứ cơ bản để xác định cơ sở của việc khiếu nại;
Phương án dự kiến xử lý tiếp theo: trả hồ sơ hay chấp nhận thụ lý. Báo cáo tổng hợp này là cơ sở lập các tờ trình cho các bước tiếp theo.
Kết thúc giai đoạn tiếp nhận hồ sơ khiếu nại
Giai đoạn tiếp nhận hồ sơ khiếu nại sẽ kết thúc dưới hai dạng là: Trả lại hồ sơ khiếu nại hoặc ban hành Quyết định điều tra.
Việc trả lại hồ sơ khiếu nại được quy định tại Điều 79 Luật Cạnh tranh 2018 cụ thể như sau:
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:
Thời hiệu khiếu nại đã hết;
Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
Bên khiếu nại không bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2
Điều 78 của Luật này;
4. Bên khiếu nại xin rút hồ sơ khiếu nại.
Những công việc điều tra viên cần làm khi tiến hành trả lại hồ sơ khiếu nại:
Sao lưu toàn bộ hồ sơ phục vụ công tác quản lý;
Lập tờ trình về việc trả lại hồ sơ trong đó trình bày rõ lý do trả lại hồ sơ;
Gửi thông báo về việc trả lại hồ sơ cho người khiếu nại trong đó nêu rõ lý do trả lại hồ sơ, phương thức trả lại hồ sơ: đến trực tiếp Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh hay qua đường bưu điện. Nếu trả trực tiếp phải nêu rõ địa chỉ và người có trách nhiệm giải quyết.
Trường hợp trả hồ sơ trực tiếp, điều tra viên phải lập biên bản về việc trả hồ sơ, bản kê các đồ vật, tài liệu được trả cùng với hồ sơ và yêu cầu đương sự ký nhận.
Trường hợp gửi trả qua đường bưu điện, cần lập bảng kê các đồ vật, tài liệu có xác nhận của bưu điện; sao gửi bảng kê này gửi kèm hồ sơ trả cho người khiếu nại. Sao giữ các chứng từ bưu điện về việc gửi hồ sơ lưu cùng hồ sớ sao lưu.
Trường hợp ra quyết định điều tra
Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh được Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ban hành dựa trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ khiếu nại khi đảm bảo các điều kiện nhất định. Các điều kiện này đã quy định tại Điều 80 Luật Cạnh tranh 2018.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:
Việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này;
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện. Góc độ nghiệp vụ điều tra, chúng ta có thể cụ thể hóa các quy định trên thành các tiêu chí cụ thể như sau:
Đơn khiếu nại đã đảm bảo đúng như mẫu quy định.
Các bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, các bên và người liên quan (nếu có) đều được xác định rõ ràng về tên, tư cách pháp lý;
Có những tài liệu, thông tin cơ bản xác định việc khiếu nại là có cơ sở: hành vi vi phạm có dấu hiệu thực sự đã và đang diễn ra. Cần lưu ý những thông tin, tài liệu này không nhất thiết phải chính xác và đầy đủ ngay, chỉ cần có những thông tin tối thiểu để nhận thức là có hànhvi phạm pháp luật về cạnh tranh đã nhưng chưa quá 3 năm hoặc đang xảy ra.
Đã thống nhất được với bên khiếu nại về nghĩa vụ chứng minh, trách nhiệm bổ sung hồ sơ hoặc tham gia cùng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiếp tục thu thập chứng cứ.
Khi làm thủ tục ban hành Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh, điều tra viên được phân công xử lý đơn cần tiến hành một số hoạt động sau:
Điều tra viên lập báo cáo (theo mẫu Báo cáo và đề xuất) phản ánh tổng hợp kết quả xử lý hồ sơ khiếu nại với một số nội dung sau:
Thông tin phản ánh điều kiện chấp nhận thụ lý hồ sơ;
Đề xuất phương án chấp nhận thụ lý hồ sơ và dự kiến phương án xử lý tiếp theo sau khi có quyết định.
Xây dựng kế hoạch điều tra vụ việc cạnh tranh (Mẫu kế hoạch điều tra).
Lãnh đạo Phòng điều tra cần làm việc trực tiếp với điều tra viên để ngheđiều tra viên báo cáo quá trình xử lý vụ việc, đồng thời phê duyệt đề xuất, kiến nghị được nêu trong tờ trình để tiếp tục trình lên Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.Chuẩn bị các văn bản kèm theo tờ trình để trình ký:
Kế hoạch điều tra vụ việc cạnh tranh;
Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh (theo mẫu);
Quyết định phân công điều tra viên thụ lý điều tra vụ việc cạnh tranh (theo mẫu)
Trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ký các quyết định.
Đăng ký mở hồ sơ điều tra vụ việc cạnh tranh.
Để kiểm tra lại những nội dung của phần này, chúng ta hãy xử lý tình huống sau đây: