BVNTD

Quản lý bán hàng đa cấp tại một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay, chưa có một khái niệm chung thống nhất về bán hàng đa cấp, tuy nhiên có nhiều cách tiếp cận khác nhau về phương thức kinh doanh này.

Theo góc độ kinh doanh: Kinh doanh theo mạng (hay còn gọi là kinh doanh đa cấp, bán hàng đa cấp) là loại hình kinh doanh mà các công ty ứng dụng mô hình này, không cần tốn chi phí dành cho tổng đại lý, đại lý khu vực, đại lý tỉnh, các công ty nhỏ, cửa hàng bán lẻ hay trưng bày sản phẩm, quảng cáo tiếp thị, khuyến mại và tất cả những chi phí phải có để phân phối hàng hóa. Công ty kinh doanh theo mạng được hưởng khoảng 50% hoa hồng, phần còn lại để chi trả cho những nhà phân phối với phần mềm tính toán tự động. Và phần trăm hoa hồng của mỗi nhà phân phối chủ yếu dựa vào khả năng thành tích về số lượng nhà phân phối trong mạng lưới, cũng như số lượng sản phẩm được mua từ hệ thống mạng lưới này.

Dưới góc độ pháp lý: Trong Nghị định 40/2018/NĐ-CP định nghĩa:“Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.

Trong Luật Đầu tư 2014 sửa đổi bổ sung năm 2016, có đề cập tại Phụ lục 4: Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện “64. Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư 2014 có đưa ra định nghĩa:

Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng

Xuất phát từ bản chất và nguyên lý hoạt động của bán hàng đa cấp đã nêu ra ở trên, có thể hiểu bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:

Một là, việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau.

Hai là, hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia.

Ba là, người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đã được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Dựa trên các điều kiện đã được nêu trên, có thể đưa ra khái niệm bán hàng đa cấp như sau:“Bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng trực tiếp theo đó doanh nghiệp bán hàng hóa thông qua mạng lưới những người tham gia ở nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó người tham gia sẽ nhận được tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng của mình và của những người tham gia khác do mình tổ chức ra và được doanh nghiệp chấp thuận”.

Kinh nghiệm quản lý bằng pháp luật đối với bán hàng đa cấp ở một số quốc gia trên thế giới

Pháp luật của Hoa Kỳ

  1. Về ban hành văn bản quản lý

Hoa Kỳ là nơi khởi nguồn của mô hình kinh doanh bán hàng đa cấp. Cha đẻ của mô hình kinh doanh này là nhà hóa học người Hoa Kỳ Karl Renborg. Vào những năm 70 của thế kỉ XX, mô hình này bị dư luận phản đối mạnh mẽ vì đơn giản mọi người đã có sự nhầm lẫn nó với mô hình kinh doanh “kim tự tháp ảo”. Sự ra đời của những quy định pháp lý về mô hình kinh doanh bán hàng đa cấp bắt đầu từ vụ kiện của công ty Amway.

Quan điểm xây dựng pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp của chính phủ Hoa Kỳ không ban hành một đạo luật riêng biệt nào quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Các công ty bán hàng đa cấp hoạt động ở bang nào sẽ tuân thủ các quy định pháp luật tại bang đó.

Theo Điều lệ bang Georgia cung cấp 1 định nghĩa điển hình của một công ty tiếp thị đa cấp: là bất kì cá nhân, công ty, liên doanh, hoặc các chủ thể kinh doanh khác bán, phân phối hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ có giá trị thông qua các đại lý độc lập, nhà thầu hoặc nhà phân phối ở các cấp độ khác nhau, trong đó những người tham gia có thể tuyển những người tham gia khác và trong đó hoa hồng, tiền bồi thường (hoàn phí), tiền thưởng, chiết khấu, cổ tức… có thể được trả như là kết quả của việc bán hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc là việc tuyển dụng, đào tạo hoặc là từ hoạt động của những người tham gia bổ sung. Đa số các tiểu bang khác cũng có nhận định tương tự với bang Georgia.

Còn theo Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ đã đưa ra nhận diện về các yếu tố của một kim tự tháp: (1) Thanh toán tiền cho công ty; (2) Người tham gia nhận được quyền bán sản phẩm (hoặc dịch vụ); (3) Người tham gia nhận khoản tiền bồi thường để tuyển người vào chương trình; (4) Tiền bồi thường không liên quan đến việc bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) cho người sử dụng cuối cùng.

Tuy có sự không thống nhất giữa các bang và luật liên bang gây ra nhiều khó khăn, nhưng những yếu tố nhận diện về mô hình kim tự tháp thì đều được nhắc tới. Pháp luật các bang còn đề cập tới nhiều biến tướng cần hạn chế của hình thức kinh doanh đa cấp với những hình thức khác được nhắc tới như: cơ hội kinh doanh, câu lạc bộ mua hàng, bán hàng giới thiệu, hợp đồng đầu tư, dịch vụ mua hàng… Như vậy, ở Hoa Kỳ, ở cấp độ Liên bang không có đạo luật để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Do hình thức bán hàng đa cấp chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn, gây ảnh hưởng rộng lớn đến người tiêu dùng, cộng đồng, xã hội nên chính quyền các bang đều ban hành các quy chế đặc thù để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

  1. Về tổ chức bộ máy

Ở Hoa Kỳ cơ quan có sự điều chỉnh đến bán hàng đa cấp là Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC), các bang cũng có cơ quan quản lý riêng. Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước còn có Hiệp hội bán hàng trực tiếp của Hoa Kỳ (DSA – Direct Selling Association). Hiệp hội DSA là cầu nối giữa các doanh nghiệp bán  hàng đa cấp và các nhà lập pháp, Chính phủ liên bang và các bang trong xây dựng cơ chế chính sách quản lý bán hàng đa cấp tại Hoa Kỳ cũng như thúc đẩy Mỹ khi đàm phán thương mại song phương và đa phương khi mở Hoa Kỳ cửa thị trường cho kinh doanh đa cấp thâm nhập vào các nước khác. DSA ban hành Bộ tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh trong đó đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tuân thủ.

  1. Về xử lý vi phạm

Các trường hợp vi phạm pháp luật kinh doanh bán hàng đa cấp:

Người điều hành kinh doanh mô hình kim tự tháp coi là vi phạm pháp luật của bang Oregon, bang Taxes; người lãnh đạo chuỗi kinh doanh tháp ảo, điều hành “chuỗi mắt xích” kim tự tháp là vi phạm pháp luật hình sự của bang California.

Ngoài ra, theo quy định của Bang Oregion, kinh doanh đa cấp có 5 biểu hiện sau đây bị coi là bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật đó là:

– Nhà phân phối phải đóng một khoản tiền để gia nhập chuỗi bán hàng đa cấp;

– Lợi nhuận thu được từ chênh lệch giữa giá mua và giá bán quá cao (không vượt quá 35% so với giá bán);

– Nhà phân phối bị công ty bán hàng đa cấp buộc phải mua trước một lượng lớn hàng hóa, lượng tồn kho tại nhà phân phối là điều kiện bắt buộc để tham gia vào chuỗi bán hàng đa cấp;

– Cấm giải thích cho nhà phân phân phối, người tiêu dùng rằng: mua sản phẩm là mua cơ hội kinh doanh đa cấp;

– Buộc nhà phân phối phải mua một bộ sản phẩm để giới thiệu cho khách hàng

Tại Bang Lousiana có chế tài xử lý kinh doanh đa cấp vi phạm gồm phạt tiền và án hình sự, tiền phạt tối đa là 10.000 USD, phạt tù tối đa là 10 năm kèm theo lao động cưỡng chế. Còn bang Illinois quy định hình thức kinh doanh theo mô hình kim tự tháp được coi là vi phạm pháp luật và có thể xử phạt bởi tòa án cơ quan tư pháp mức phạt dân sự lên đến 50.000 USD

Pháp luật của Trung Quốc

  1. Về ban hành văn bản quản lý

Ở Trung Quốc, bán hàng đa cấp bắt đầu có mặt kể từ khi nước này cải cách kinh tế năm 1978 với sự xuất hiện của các công ty đến từ Hoa Kỳ, Đài Loan và Nhật Bản. Năm 1998, sau 10 năm hoạt động, bán hàng đa cấp bị Chính phủ Trung Quốc cấm vì những lý do liên quan đến xã hội, kinh tế và thuế. Đến năm 2005 Luật về quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp tại Trung Quốc ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/12/2005. Luật này gồm có 8 phần với 55 Điều.

Luật quản lý bán hàng đa cấp của Trung Quốc tập trung vào chi tiết các quy định thủ tục thành lập, thay đổi đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và các chi nhánh của họ nhằm đưa một chuẩn mực về đăng ký và những thủ tục hành chính đối với các công ty này, những quy trình về tiền kiểm và hậu kiểm. Điều số 7 bao gồm điều kiện để nộp đơn xin phép trở thành doanh nghiệp bán hàng đa cấp như sau: “Nhà đầu tư có nền tảng kinh doanh vững chắc, không có tiền án vi phạm về luật 5 năm trở lên, nếu nhà đầu tư là người nước ngoài, họ yêu cầu phải chứng minh có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ngoài Trung Quốc. Vốn điều lệ không ít hơn 80 triệu nhân dân tệ. Ký quỹ an ninh đảm bảo được trả đầy đủ tại nhà bằng được chỉ định. Được yêu cầu lập hồ sơ và công bố thông tin.”

Quy định về tuyển dụng và đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp, đại diện bán hàng đa cấp tại Trung Quốc thì các công ty được phép tuyển dụng tư vấn viên tham gia bán hàng đa cấp nhưng theo Điều 14:

“Công ty bán hàng đa cấp và các chi nhánh không được công bố bất cứ hình thức quảng cáo tuyên truyền nào trong đó quảng cáo về hoa hồng của người bán hàng đa cấp hoặc yêu cầu phải trả tiền hoặc bắt buộc phải mua hàng để có thể gia nhập mạng lưới bán hàng đa cấp”

Ngoài ra, pháp luật Trung Quốc cũng quy định  điều kiện đối với người tham gia bán hàng phải trên 18 tuổi, không có tiền án, có đầy đủ khả năng nhận thức. Các đối tượng sinh viên chính quy, giáo viên, người làm trong ngành y tế, dược, công chức và sĩ quan quân đội, người nước ngoài hoặc người bị pháp luật cấm thực hiện hoạt động kiếm tiền ngoài giờ tham gia bán hàng đa cấp. Những người tham gia bán hàng đa cấp công ty này sẽ không được phép tham gia bán hàng đa cấp tại công ty khác. Luật cũng giới hạn về phạm vi địa lý của hoạt động bán hàng trực tiếp. Và công ty kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp phải tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho người tham gia mà họ đã tuyển dụng.

  1. Về tổ chức bộ máy quản lý

Cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp tại Trung Quốc là Cục Quản lý hành chính Nhà nước về công nghiệp và thương mại, cơ quan này là nơi cấp phép kinh doanh đa cấp duy nhất tại Trung Quốc. Ngoài ra, cơ quan này còn có quyền ra lệnh điều tra khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hiện tượng vi phạm luật về kinh doanh đa cấp của Trung Quốc. Và cơ quan quản lý phải thường xuyên cập nhật công bố trên website danh sách các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp và danh sách các công ty vi phạm và hình thức xử lý.

Cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại ở địa phương, các khu tự trị hỗ trợ quản lý đối với bán hàng đa cấp diễn ra trên địa bàn quản lý.

  1. Về giám sát, xử lý vi phạm

Cơ quan Quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và thương mại và cơ quan quản lý thương mại địa phương sẽ giám sát việc sử dụng tiền kí quỹ và giải phóng tiền kí quỹ khi công ty bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động. Bộ Công an Trung Quốc cùng cảnh sát các tỉnh phụ trách việc tiến hành điều tra nhiều công ty vì hành vi tổ chức và chỉ đạo bán hàng đa cấp sai quy định.

Pháp luật của Nhật Bản

  1. Về văn bản quản lý

Bán hàng đa cấp biến chất mở rộng sang Châu Âu và Nhật Bản trong những năm 60,70 của thế kỷ 20. Bán hàng đa cấp biến tướng ở Nhật Bản được gọi là “Hội chuột bạc, chuột tiền” hoặc “Hội chuột” nghĩa là hệ thống chuột, từ trên gặm nhấm dần xuống dưới. Luật giao dịch thương mại chung và các quy định về bán hàng đa cấp và Luật trao đổi thương mại đặc biệt để quản lý phương thức kinh doanh đa cấp. Ngoài ra, để bảo vệ nhà phân phối đồng thời cũng là người tiêu dùng thì ở Nhật Bản có Luật khung về bảo vệ người tiêu dùng (CPFA) năm 1968.

Nhật Bản đưa ra quy định về các hành vi trong bán hàng đa cấp ở Nhật Bản như sau:

Thứ nhất:Các thành viên trong mạng lưới bán hàng đa cấp không được cố ý giấu thông tin thực tế, cũng như xuyên tạc những thông tin khác nhằm mục đích lôi kéo ký kết hợp đồng, bán hàng hoặc ngăn chặn để không có hiện tượng hủy hợp đồng từ người mua. Những thông tin cần được cung cấp đầy đủ cho người mua hàng, người được mời chào vào mạng lưới bao gồm: tính năng của sản phẩm, nhãn hiệu hoặc tên của nhà sản xuất, số lượng hàng hóa, tính năng của hàng hóa và dịch vụ liên quan khác.

Thứ hai,cấm không được thiết lập địa điểm để những thành viên trong mạng lưới bán hàng đa cấp thực hiện mời chào người khác vào mạng lưới cũng như ký kết hợp đồng tại các nơi: văn phòng kinh doanh, địa lý, quầy bán hàng ở bên đường, quầy bán hàng thực phẩm, hoặc quầy bán hàng tương tự, những địa điểm tương tự như nhà kho chứa hàng mà công ty dùng để trưng bày sản phẩm hay bán hàng tại thời điểm cụ thể.

Thứ ba,cấm hình thức gửi thư quảng cáo email để cung cấp tài liệu cho người được mời chào vào mạng lưới. Người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp phải cung cấp cho người được mời chào các tài liệu có chứa các thông tin cơ bản của phương thức kinh doanh đa cấp theo quy định của Luật giao dịch thương mại chung trước khi ký kết hợp đồng.

Thứ tư,việc quảng cáo trong bán hàng đa cấp thì nhà phân phối, người cố vấn pháp luật hoặc tổng phân phối bán hàng đa cấp được xây dựng chương trình bán hàng đa cấp, với các thông tin:

+ Loại hình hàng hóa, dịch vụ cung cấp

+ Thông tin về ngân sách cụ thể liên quan tới bán hàng đa cấp

+ Lợi nhuận quy định cụ thể cho bán hàng đa cấp được quảng cáo và phương thức tính lợi nhuận đó.

  1. Về bộ máy quản lý

Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thương mại, trong đó có hoạt động bán hàng đa cấp ở Nhật Bản.

Để thực thi hoạt động quản lý, Chính phủ vừa tự tăng cường khả năng quản lý của mình và vừa trao quyền cho chính quyền địa phương – nơi mà quản lý trực tiếp mô hình kinh doanh đa cấp. Chính phủ khuyến khích chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quản lý bán hàng đa cấp ở địa phương.

Ở Nhật, có Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở cấp shi – cấp địa phương nhỏ nhất, nên khi gặp vấn đề, người tiêu dùng hay người tham gia bán hàng đa cấp vẫn có sự trợ giúp để tránh những tổn hại về kinh tế.

  1. Về giám sát, xử lý vi phạm

Ở Nhật hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp được liệt vào danh sách công ty lừa đảo, hình thức kinh doanh thiếu lương tâm. Tuy nhiên, các sản phẩm của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều là sản phẩm được cho phép bán và hình thức kinh doanh này không bị cấm nên các doanh nghiệp này vẫn tồn tại. Người tham gia được thuyết phục tham gia một cách tự nguyện nên không thể tố cáo công ty bắt ép họ bỏ tiền ra mua sản phẩm. Nhưng hàng năm, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở Nhật vẫn nhận được hàng trăm ngàn lá thư khiếu nại, tố cáo, than phiền về hình thức này. Năm 1979, sau khi “Hiệp hội Thiên hạ nhất gia” cùng với 1.100.000 hội viên tan rã, dẫn tới pháp luật Nhật phải ra lệnh cấm hình thức kinh doanh đa cấp theo dạng thu tiền trực tiếp hội phí. Sau đó, để lách luật, các công ty hoạt động dưới dạng đóng hội phí theo tháng để hưởng hoa hồng sản phẩm vẫn phát triển.

Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Bài học về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý bán hàng đa cấp

Ở Nhật Bản và Trung Quốc đều có văn bản Luật riêng để điều chỉnh hoạt động bán đa cấp như: “Luật giao dịch thương mại chung và các quy định về bán hàng đa cấp đặc biệt” của Nhật Bản hay “Luật chống bán hàng đa cấp bất chính” của Trung Quốc. Việt Nam nên có một văn bản luật riêng điều chỉnh phương thức kinh doanh đa cấp, ngăn chặn bán hàng đa cấp bất chính.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên bổ sung các quy định thắt chặt hơn đối với người tham gia bán hàng đa cấp, như Trung Quốc, quốc gia này cấm các đối tượng sinh viên chính quy; người làm trong ngành y tế, dược tham gia bán hàng đa cấp. Đồng thời bổ sung các quy định về giới hạn độ tuổi, ngành nghề không được tham gia bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, tăng thêm mức tiền phạt và thời gian bị xử phạt cao hơn.

Các nhà lập pháp cần thiết biên soạn Bộ quy tắc đạo đức kinh doanh bán hàng đa cấp của Việt Nam, giống như Bộ tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, xác định cơ quan nào có trách nhiệm trong việc biên soạn Bộ quy tắc đạo đức này, như Hoa Kỳ là Hiệp hội bán hàng trực tiếp của Hoa Kỳ.

Bài học về tổ chức bộ máy và nguồn lực quản lý bán hàng đa cấp

Việt Nam cần học tập Nhật Bản về vấn đề phân cấp quản lý bán hàng đa cấp, tăng cường tính dân chủ, tự chủ cho cấp dưới. Bổ sung nguồn lực cho hoạt động quản lý đối với bán hàng đa cấp, cần coi đây là một công tác quản lý quan trọng ở tất cả các cấp ngành, các cơ quan. Nguồn lực ở đây bao gồm cả nguồn nhân lực, nguồn vốn và nguồn vật chất, cần đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình quản lý bán hàng đa cấp.

Bài học về tổ chức triển khai chính sách, pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp

Với nền tảng công nghệ truyền thông rất tốt ở các quốc gia công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về quản lý bán hàng đa cấp được thực hiện rất thuận lợi. Bởi vậy, việc nâng cấp hệ thống thông tin, truyền thông, các kênh kết nối về phương thức kinh doanh đa cấp, về các văn bản, cơ quan quản lý bán hàng đa cấp tới mọi người dân, các nhà quản lý là rất cần thiết.

Bài học về tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật quản lý bán hàng đa cấp

Việc kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp có thể thông qua những giao dịch trên các trang thương mại điện tử, nên Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc từng bước thiết lập đầy đủ, chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn lực… để kiểm soát chặt các giao dịch tài chính trên internet.

Tuyên truyền rộng rãi, giáo dục sâu hơn với người dân, để toàn dân hiểu được những hành vi bán hàng đa cấp trá hình, biến tướng, lừa đảo. Lập các hòm thư tố giác bán hàng đa cấp bất chính tại các khu dân cư để nhanh chóng kịp thời phát hiện vi phạm. Cần có sự chung tay của cả xã hội, sự phối hợp của các cơ quan ban ngành trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng và các công ty bán hàng đa cấp lừa đảo. Có sự khuyến khích bằng cả vật chất lẫn tinh thần cho người dân khi dám tố cáo các mô hình bán hàng đa cấp bất chính khi họ không phải là nạn nhân.

tin mới cùng chuyên mục

Danh mục khác

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-CT ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2024, Hội đồng tuyển dụng thông báo như sau: Quyết định công nhận, bổ sung thí sinh đủ điều kiện tham dự V
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xin thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 40/2018/NĐ